Tư duy tận dụng - theo thời gian, mình đã giỏi xoay xở hơn
Hành trang mình có vẫn là sự hào hứng và nhiều nỗi lo sợ. Thứ duy nhất thay đổi đó là: mình đã giỏi xoay sở hơn.
Đó là một ngày mùa thu cách đây nhiều năm, khi ấy mình 18 tuổi, líu ríu bước sau chân bố đến trường đại học ở thủ đô sau khi nhận giấy báo đỗ. Hành trang bước vào cuộc sống mình có khi ấy là một chút hào hứng và rất nhiều nỗi lo sợ, bên cạnh không có bố mẹ, người thân, không biết tối nay ăn gì, ngày mai làm sao để học và tự chăm sóc mình. Trong đầu mình chỉ có duy nhất một quyết tâm: “Sẽ cố gắng học, để sau này trụ được ở Hà Nội”.
Trên suốt hành trình trưởng thành gần hai mươi năm kể từ ngày mùa thu ấy, mình đã trải qua rất nhiều dấu mốc, thăng trầm để đạt được mục tiêu “trụ lại thành phố”. Mình muốn có được cơ hội phát triển bản thân, có công việc tốt, kiếm tiền để lo cho cuộc sống của mình, đỡ đần bố mẹ và chăm lo cho gia đình nhỏ. Hành trang mình có vẫn là sự hào hứng và nhiều nỗi lo sợ. Thứ duy nhất thay đổi đó là: mình đã giỏi xoay sở hơn.
31 tuổi, mình quyết định học cao học, trong khi có công việc toàn thời gian bận rộn, cùng trách nhiệm chăm sóc gia đình với hai con nhỏ. Vừa làm, vừa học, vừa lo toan việc nhà, chưa kể nhiều dự án cá nhân khác, nhưng chỉ sau khoảng hai tháng đầu tiên, mình đã sắp đặt được một nếp sống mới cho cả mình và người thân, để mọi thứ vẫn vận hành ổn định. Mình tranh thủ học tiếng Anh khi ngồi trên xe bus, dậy sớm để làm bài tập lớp thạc sỹ, luyện cho các con thói quen tự lập tự giác, bàn bạc với chồng để cùng thu xếp lịch trình mới cho gia đình.
Sau đó không lâu, mình quyết định theo đuổi thêm một niềm đam mê khác, đó là viết. Mình luyện viết hàng ngày, bắt đầu tích lũy nội dung để lập blog và ra mắt trang cá nhân chỉ ngay sau khi tốt nghiệp cao học.
Thấy mình “tung hứng” với khối lượng công việc nhiều như vậy cùng một lúc, nhiều bạn bè, đồng nghiệp thường hỏi: làm thế nào? Mình đã từng không thể trả lời được. Mình chỉ đơn giản là cố gắng thử mọi cách, tìm kiếm ai đó có thể giúp, xoay sở để có khoảng thời gian tranh thủ làm được việc này việc kia, cố gắng nghĩ xem có thể tối ưu mặt nào của cuộc sống.
Khi bạn có xuất phát điểm không có quá nhiều thuận lợi, không có nền tảng về tài chính gia đình và các mối quan hệ nhưng ấp ủ nhiều hoài bão, bạn sẽ phải học cách sắp xếp, tìm kiếm, và thử nghiệm nhiều cách để sử dụng các nguồn lực mình có nhằm đạt được mục tiêu.
Mãi sau này mình mới biết, có hẳn một cái tên cho sự xoay sở mình đã luôn cố gắng thực hiện liên tục, một kỹ năng nền tảng của cuộc sống: tận dụng/tối ưu nguồn lực (resourcefulness).
1. Định nghĩa về kỹ năng tận dụng nguồn lực
Để hiểu về kỹ năng này, câu hỏi đầu tiên chúng ta cần trả lời là, công thức dưới đây có luôn đúng không?
Sở hữu nhiều nguồn lực hơn = Kết quả tốt hơn?
Cách tiếp cận này khá dễ chịu, có vẻ tự nhiên, nhưng thường không tạo ra kết quả tốt nhất, bởi nó khiến ta theo đuổi các nguồn lực không cần thiết và bỏ sót tiềm năng thực sự của nguồn lực ta đã có sẵn trong tay.
Khi dịch Covid-19 xảy ra cách đây vài năm, do phải chuyển hoàn toàn sang làm việc từ xa, ban đầu các đội nhóm trong dự án của mình gặp rất nhiều khó khăn, năng suất giảm sút do không thể gặp nhau trực tiếp, không tiếp xúc được với khách hàng, đối tác, đồng nghiệp như thường lệ. Mọi người cảm thấy thiếu thốn tất cả những gì mình cần để hoàn thành công việc. Câu nói mình thường xuyên được nghe nhất là: “Làm từ xa thế này khó quá, không hoàn thành được việc đó đâu”.
Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khi biết chắc chắn không thể trở lại môi trường làm việc trực tiếp trong ít nhất vài tháng thậm chí cả năm tới, các thành viên dự án bắt đầu cố gắng tận dụng những công cụ mình có như trò chuyện trực tuyến, họp qua video online, sử dụng các hệ thống lưu trữ tài liệu tập trung trên Internet.
Thực tế, các công cụ này vốn vẫn ở đó, nhưng chỉ khi Covid-19 xảy ra tạo nên một hoàn cảnh “vô tiền khoáng hậu”, chúng mình mới buộc phải quay lại rà soát, tìm cách sử dụng những nguồn lực vốn bị bỏ quên hoặc chỉ sử dụng một phần nhỏ chức năng. Khi đã quen thuộc và thành thạo với những cách tận dụng công cụ này, các thành viên dần dần cảm thấy thoải mái, lấy lại được hiệu suất làm việc như cũ, thậm chí có sự cân bằng cuộc sống và hài lòng cao hơn trước.
Đây chính là một ví dụ của resourcefulness – kỹ năng tối ưu nguồn lực.
Bạn có bao giờ tự hỏi, vì sao một số cá nhân và tổ chức thành công với nguồn lực rất ít ỏi, trong khi số khác thì thất bại với rất nhiều thứ trong tay? Bạn có những mục tiêu trong công việc và cuộc sống, nhưng dường như không bao giờ đủ các yếu tố cần thiết để bắt tay vào thực hiện? Mỗi người chỉ có 24 giờ như nhau, nhưng không hiểu tại sao có những người làm được khối lượng việc gấp nhiều lần người khác trong khi mỗi ngày của bạn luôn mệt mỏi, bận rộn và không hoàn thành được những điều quan trọng?
Tất cả những câu hỏi đó đều liên quan đến kỹ năng tối ưu nguồn lực.
Định nghĩa một cách đơn giản nhất, tận dụng/tối ưu nguồn lực là một hệ thống thái độ và kỹ năng tạo ra sự chuyển đổi đơn giản nhưng mạnh mẽ từ việc muốn có thêm nguồn lực sang trân trọng và sẵn sàng hành động dựa trên tiềm năng nguồn lực đã có sẵn trong tay.
Thay vì tin rằng phải sở hữu ngày càng nhiều nguồn lực để có kết quả tốt hơn, người có tư duy tối ưu thường tự hỏi có thể làm thêm điều gì với cái mình đang có, làm sao để sử dụng chúng hiệu quả hơn?
Tác giả Tony Robbins từng nói: “Không phải nguồn lực, mà tư duy tận dụng nguồn lực mới là thứ tạo ra khác biệt”.
Ngược lại với tư duy tận dụng là tư duy săn đuổi. Ở đó, ta luôn có xu hướng theo đuổi những gì mình không có, với niềm tin rằng phải có thêm những điều kiện thuận lợi, ta mới có thể thực hiện được những mục tiêu của mình, bao gồm tiền bạc, thời gian, mối quan hệ… Vấn đề là, mặc dù có nhiều nguồn lực là quan trọng, nhưng người có tư duy săn đuổi khó mà sử dụng hiệu quả những gì có sẵn trong tay khi luôn bị phân tâm, cố gắng tìm kiếm những thứ người khác đang có.
Thực tế là, chúng ta thường có xu hướng đánh giá cao tầm quan trọng của việc giành được nguồn lực nhưng lại đánh giá thấp khả năng tận dụng những gì mình đang có.
Khi có một mục tiêu muốn hoàn thành, thông thường chúng ta nhận ra ngay khoảng chênh lệch giữa nguồn lực ta cần để hoàn thành chúng với những gì ta có sẵn trong tay, từ đó trì hoãn việc bắt đầu. Nhưng người có tài tháo vát sẽ hành động bất chấp những khiếm khuyết này với câu hỏi: Làm thế nào để mình thực hiện được công việc này với những gì đang có?
Tận dụng tối đa những gì mình có là điều mà nhiều người có thể đã làm khi bị dồn vào chân tường, nhưng mình muốn thuyết phục bạn chủ động chọn cách tận dụng, tối ưu nguồn lực ngay ở ở những thời điểm thuận lợi trong công việc và cuộc sống.
Dưới đây là bốn bước mà những người có tư duy tận dụng thường làm:
Rà soát, nhận biết nguồn lực mình có;
Nhóm chúng lại, kết hợp các nguồn lực theo cách sáng tạo;
Thử nghiệm các cách kết hợp, sử dụng nguồn lực theo ý tưởng mới;
Nhìn nhận khó khăn, thử thách theo góc nhìn mới, từ đó sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
2. Vì sao chúng ta gặp khó khăn khi tận dụng nguồn lực?
Có nhiều lý do, nhưng đây là bốn nguyên nhân chủ yếu:
Tâm lý cố định tính năng (functional fixedness):
Đây là hiện tượng khi chúng ta vô tình đóng khung trong tâm trí về tính năng của một vật, một người… Điều này khiến ta không thể nhìn thấy các khả năng khác của nguồn lực. Hậu quả là ta tìm cách thu thập càng nhiều nguồn lực càng tốt nhưng về bản chất là một sự xao lãng khỏi mục tiêu hoàn thành công việc.
Nếu có ai đó hoàn toàn không có tâm lý cố định tính năng và vì thế có thể tận dụng các nguồn lực theo cách sáng tạo nhất, đó là những đứa trẻ. Chỉ với vài chục miếng xếp hình, con trai mình có thể xếp thành chiếc ô tô, khẩu súng, cái nhà, làm bệ đỡ cho bàn cờ, hoặc đặt thành gôn cho sân bóng trong tưởng tượng.
Người lớn thì khác, chúng ta thậm chí cảm thấy vô lý, không thể chấp nhận được ngay cả khi ai đó có ý định… luộc rau bằng chảo chỉ vì không có chiếc xoong nào rảnh rỗi. Chỉ vì ta đã được dạy và thực hiện rất nhiều năm, đóng đinh với suy nghĩ chảo chỉ dùng cho chiên rán, luộc nhất định phải bằng xoong.
Càng trưởng thành và thu thập nhiều kinh nghiệm sử dụng nguồn lực theo cách quen thuộc, ta càng khó thoát khỏi sự cố định tính năng. Tư duy ấy khiến cách sử dụng nguồn lực của chúng ta bị co hẹp lại.
Đây chính là lý do một người bạn tỏ ra ngạc nhiên khi mình kể rằng mình đã dành những giờ nghỉ trưa ở công ty để viết blog. Theo bạn, giờ nghỉ mà không dành để nghỉ trưa là một điều kỳ lạ. Mình không nghĩ vậy. Từ 12 giờ tới 1 giờ rưỡi chiều cũng là một tiếng rưỡi giống như tất cả những khoảng một tiếng rưỡi khác trong ngày, mình có thể làm bất cứ việc gì trong bất cứ khung giờ nào miễn là có thể sắp xếp hợp lý với nhịp sinh học và sức khỏe thể chất, tinh thần.
Gán một ý nghĩa khác cho khung thời gian cũng chính là cách mình học tiếng Anh qua podcast trong suốt một năm khi tự định nghĩa thời gian đi xe bus mỗi ngày là thời gian cho học tập, không phải chỉ để đứng, ngồi chen chúc trên xe và thầm mong nhanh về tới điểm đỗ gần nhà hoặc công ty. Có thể với người khác, đó là một khoảng thời gian di chuyển phí phạm, nhưng với mình, đó là giờ học lý tưởng bởi không bị xen ngang bởi bất kỳ ai, dù việc công sở hay gia đình.
Sự so sánh xã hội:
Nhà tâm lý học Leon Festinger từng đề xuất rằng về cơ bản mọi người đều có xu hướng muốn biết mình đang ở đâu. Rất khó để đánh giá bản thân một cách cô lập. Ý tưởng đo lường với những người ở trên được gọi là sự so sánh xã hội hướng thượng.
Đối với nguồn lực, tư tưởng này nhấn mạnh vào điều mà người khác có, khiến ta cảm thấy mình quá thiếu thốn. Vì luôn so sánh với những người có nhiều hơn mình, so sánh xã hội hướng thượng làm ta ít trân trọng những thứ quanh mình và không thể nhận ra mình có thể hoàn thành nhiều việc chỉ đơn giản bằng cách hành động tháo vát hơn.
Ngày nay, với sự phát triển bùng nổ của truyền thông xã hội, sự so sánh này càng trở nên sâu sắc và phổ biến. Trong một cuộc khảo sát mình thực hiện trong cộng đồng Facebook của mình với hàng trăm người tham dự, có tới 40% cho biết họ cảm thấy áp lực từ bạn bè đồng trang lứa, đặc biệt do những gì phô bày trên mạng xã hội về thành công, sự giàu có của họ. Nhưng sự thực là, người ta thường chỉ dùng Facebook để chia sẻ tin tốt, thay vì tin xấu. Những gì chúng ta nhìn thấy là những mảnh ghép đẹp nhất trong cuộc sống của họ. Nhưng, sự thiên lệch ấy tạo nên áp lực cùng tâm lý thiếu thốn tới rất nhiều người, khiến họ khó lòng nhớ đến và coi trọng những nguồn lực họ có trong tay.
Sự tích lũy thiếu suy nghĩ và lãng phí nguồn lực:
Một nguyên nhân khiến chúng ta không tận dụng được nguồn lực là do tích lũy liên tục, với tâm lý sợ bị bỏ lỡ, hoặc vì tin rằng cần có thật nhiều nguồn lực mới có thể dẫn ta đến với mục tiêu.
Khi muốn nâng cao khả năng ngoại ngữ, bạn có bao giờ dành nhiều giờ, nhiều ngày để tìm kiếm, lưu trữ rất nhiều tài liệu, nhưng không bao giờ thấy đủ để thực sự ngồi xuống và bắt tay vào học theo một tài liệu nào đó? Hoặc, cứ mỗi lần đặt ra mục tiêu phát triển bản thân hoặc sự nghiệp, bạn dành nhiều ngày nhiều giờ để lập một kế hoạch chi tiết, nhưng không bao giờ thực sự bắt tay vào thực hiện bởi thấy kế hoạch vẫn luôn có những rủi ro hoặc điểm chưa rõ ràng?
Vì chờ đợi có được những “nguồn lực đúng”, chúng ta trì hoãn sự bắt đầu. Và đó là lý do khiến ta không đạt được mục tiêu như mong muốn, không phải vì không có khả năng, mà vì luôn thấy mình chưa có đủ các điều kiện cần thiết.
Cam kết nhiều hơn vì trách nhiệm cá nhân quá cao:
Một nguyên nhân khác ngăn cản việc sử dụng nguồn lực một cách tối ưu, là khi có mức trách nhiệm cá nhân cao đối với dự án, người ta thường gia tăng mức độ cam kết bằng cách đầu tư thêm nguồn lực để tìm cách xoay chuyển tình thế, dù có những lựa chọn khác hứa hẹn hơn.
Ví dụ như khi đã dành nhiều tiền bạc, thời gian để sản xuất một sản phẩm nào đó, dù không có được kết quả kinh doanh khả quan, nhiều người thay vì dừng lại sẽ tiếp tục đổ vào nhiều tiền bạc, công sức hơn nữa bởi tiếc nuối những gì đã bỏ ra trước đó. Trong trường hợp này, sở hữu và sử dụng nhiều nguồn lực chỉ làm tăng xu hướng leo thang cam kết và lãng phí nhiều hơn. Tác giả Scott Sonenshein trong cuốn sách “Tư duy tận dụng” từng phát biểu về trường hợp này: “Với quá nhiều nguồn lực dư thừa trong tay, ngay cả các ý tưởng tồi tệ cũng trông có vẻ hay ho”.
3. Lợi ích của tư duy tận dụng nguồn lực
Nếu nền tảng của săn đuổi là tìm kiếm càng nhiều nguồn lực càng tốt, thì nền tảng của tận dụng là tập trung vào những gì đang có. Tư duy tận dụng giải phóng ta khỏi nỗi lo lúc nào cũng tấy thiếu nguồn lực, và dạy ta rằng mình có thể tạo ra nhiều thứ hơn với những gì đang có trong tay.
Nâng cao hiệu quả trong công việc và cuộc sống:
Chìa khóa để tối ưu hóa hiệu suất là tập trung vào việc sử dụng những nguồn lực mà chúng ta đã có. Điều này bao gồm việc nhận biết và tận dụng tối đa khả năng của mỗi cá nhân, công cụ, và quy trình hiện tại.
Thay vì lãng phí thời gian và năng lượng để tìm kiếm thêm, chúng ta hướng sự chú ý vào cách thức khai thác và tối ưu hóa những tài nguyên sẵn có. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo và chiến lược, nhưng kết quả có thể rất đáng ngạc nhiên - từ việc tiết kiệm chi phí đến việc cải thiện hiệu suất và chất lượng công việc.
Khả năng thích ứng cao:
Trong một thế giới đầy biến động, khả năng thích nghi là một kỹ năng sống còn. Tận dụng nguồn lực hiện có không chỉ giúp chúng ta giải quyết vấn đề hiệu quả hơn, mà còn giúp chúng ta trở nên linh hoạt và sẵn sàng thích nghi với các tình huống không ngờ.
Thay vì dựa vào nguồn lực bên ngoài, chúng ta học cách sử dụng mọi thứ xung quanh mình một cách thông minh và sáng tạo để tạo ra giải pháp.
Sáng tạo và đổi mới:
Khả năng sáng tạo và đổi mới thường bùng nổ trong những điều kiện có hạn. Khi nguồn lực có hạn, chúng ta bị buộc phải tìm kiếm những giải pháp sáng tạo và độc đáo. Thay vì xem xét những giới hạn này là trở ngại, chúng ta nên nhìn nhận chúng như là cơ hội để thách thức bản thân và phát triển những ý tưởng mới.
Điều này không chỉ giúp chúng ta trở nên sáng tạo hơn trong công việc, mà còn giúp chúng ta phát triển các kỹ năng và ý tưởng khó có được trong một môi trường thoải mái và dư dả.
Tự tin và độc lập
Khi chúng ta biết mình có thể tạo ra giá trị từ những gì đã có, chúng ta trở nên tự tin và độc lập hơn. Sự tự tin này không chỉ đến từ việc biết cách sử dụng nguồn lực hiện có, mà còn từ khả năng đối mặt và giải quyết vấn đề dựa trên những tài nguyên sẵn có. Điều này giúp chúng ta giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài và tăng cường khả năng tự lập.
Tạo ra sản phẩm độc đáo và giá trị
Cuối cùng, tư duy tận dụng không chỉ liên quan đến việc tối ưu hóa nguồn lực, mà còn về việc sử dụng những nguồn lực này để tạo ra sản phẩm và dịch vụ chất lượng. Điều này đòi hỏi một tư duy khác biệt, không chỉ là làm việc thông minh hơn, mà còn là tìm ra cách thức mới và hiệu quả hơn để đạt được mục tiêu. Bằng cách này, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm và dịch vụ độc đáo và giá trị, thậm chí trong điều kiện có hạn chế.
4. Cách phát triển & rèn luyện kỹ năng tận dụng nguồn lực
Có nhiều cách, nhưng dưới đây là một số trong đó mà mình thấy không quá khó để chúng ta áp dụng cho nhiều hoàn cảnh:
Hãy nói “không” nhiều hơn:
Đối với những người luôn tìm kiếm và thu thập nguồn lực, việc này có thể trở thành một thói quen khó từ bỏ. Họ thường rơi vào trạng thái phụ thuộc không tốt vào việc cần ngày càng nhiều nguồn lực, dựa trên quan niệm sai lầm rằng càng có nhiều nguồn lực, kết quả càng tốt.
Khi ta thay đổi quan điểm, chú trọng hơn vào cách tận dụng hiệu quả nguồn lực hiện có, ta bắt đầu nhận ra rằng việc sử dụng thông minh những gì ta có lại quan trọng hơn nhiều so với việc sở hữu thêm. Điều này giúp việc từ chối thêm nguồn lực và tăng cường giá trị của những gì ta đang có trở nên dễ dàng hơn.
Thay vì suy nghĩ, “Nếu mình có thêm điều này, mình có thể làm được…,” hãy thử một cách tiếp cận ngược lại. Từ chối việc thêm nguồn lực và thách thức bản thân với ít hơn: “Nếu mình không có điều này, mình vẫn có thể làm được…”
Chẳng hạn, giảm bớt số lượng thành viên trong một nhóm dự án, đặt thời hạn ngắn hơn, hạn chế ngân sách, hoặc chuẩn bị một bữa ăn ngon từ những thứ có sẵn trong tủ lạnh. Dù làm gì, hãy loại bỏ suy nghĩ rằng không thể thành công nếu không có thêm nguồn lực.
Những nguồn lực mà ta cho rằng "bắt buộc phải có" thường không quan trọng như chúng ta nghĩ. Ta không cần đến những hạn chế vật chất hay tài chính để hiểu giá trị của việc tận dụng tối đa nguồn lực. Bằng cách từ chối việc tăng thêm nguồn lực, chúng ta đang mở ra một tầm nhìn mới về cuộc sống và cách làm việc.
Đi tìm nguồn lực đang “say ngủ”:
Trong cả cuộc sống cá nhân và môi trường làm việc, chúng ta thường không nhận ra giá trị của một số nguồn lực bởi vì chúng đã không được sử dụng trong thời gian dài, hoặc cho rằng chúng không còn hữu ích nữa. Đó có thể là một bài viết chưa hoàn thiện, những kinh nghiệm từ một công việc cũ, hay một chứng chỉ chưa từng được ứng dụng.
Thông thường, chúng ta cần một người từ bên ngoài, với cái nhìn mới mẻ và khác biệt, để nhận ra và khơi dậy những nguồn lực này. Họ có thể giúp chúng ta nhìn thấy và tái sử dụng những tài nguyên quý giá mà chúng ta đã lãng quên.
Hãy tự hỏi bản thân: Những nguồn lực cá nhân như kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ, cũng như nguồn lực tổ chức như sản phẩm, quy trình, thiết bị, đã bị bỏ bê bao lâu nay? Nếu có thể, bạn nên thảo luận với một người ngoài cuộc để có cái nhìn khách quan hơn. Hãy lập một danh sách về những cách thức mà các nguồn lực này có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của mình, từ đó vạch ra ít nhất một bước hành động bạn có thể thực hiện ngay để tái khởi động và tận dụng chúng.
Tìm cách mới để kết hợp các nguồn lực:
Một thách thức lớn mà chúng ta thường gặp phải là việc kết hợp các nguồn lực có vẻ như không liên quan hoặc không tương thích với nhau. Để vượt qua rào cản này, chúng ta cần học cách tạo ra những liên kết giữa chúng, thông qua việc hiểu và chấp nhận các sự đánh đổi cần thiết, và kiên nhẫn tìm kiếm sự phối hợp phù hợp.
Trong công việc, chúng ta tuân theo các chu trình và thông lệ nhất định để đảm bảo sự ổn định và dự đoán được kết quả. Khi xác định bản thân, chúng ta thường tự nghĩ về mình bằng các đặc điểm riêng biệt, độc lập về giới tính, tuổi tác, tính cách hoặc vai trò nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta là sự kết hợp của tất cả những yếu tố này. Nhận thức về sự đa dạng này trong bản thân giúp chúng ta nhận ra sự đa năng của mình trong việc giải quyết vấn đề.
Trân trọng sự hạn chế nguồn lực:
Các giới hạn, thay vì là những trở ngại, thực sự có thể trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo không ngờ. Trong một thế giới không có ràng buộc, con người thường theo đuổi lối mòn, lựa chọn “con đường ít kháng cự nhất” - một cách làm việc an toàn và quen thuộc để tiết kiệm năng lượng tinh thần. Nhưng điều này thường dẫn đến việc tái sử dụng các ý tưởng cũ mòn, khiến cho tiến trình sáng tạo trở nên tẻ nhạt và không phát triển.
Ngược lại, khi đối diện với hạn chế về thời gian, tiền bạc, năng lượng, chúng ta bắt đầu tư duy ngoài khung cảnh thông thường. Giới hạn thách thức chúng ta phải đưa ra giải pháp mới mẻ, thúc đẩy tư duy phản biện và sự sáng tạo. Điều này không chỉ giúp tìm ra cách giải quyết vấn đề hiệu quả hơn, mà còn mở ra những khả năng mới ta chưa từng nghĩ đến trước đây.
Nắm bắt và đánh giá cao những hạn chế này không chỉ là việc chấp nhận một thực tế không thể thay đổi, mà còn chủ động tận dụng chúng như công cụ để phát triển. Thay vì mệt mỏi với việc tìm kiếm nguồn lực mới, hãy xem xét cách thức tận dụng tối đa những gì hiện có, từ đó tạo ra giải pháp sáng tạo và bền vững.
Cuối cùng, hạn chế không những giúp chúng ta giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, mà còn khơi gợi sự sáng tạo trong chúng ta, dẫn dắt đến những ý tưởng độc đáo và đột phá. Thay vì coi giới hạn là rào cản, nếu chúng ta nhìn nhận chúng như là cơ hội để suy nghĩ khác biệt, chúng ta có thể tận dụng chúng để thúc đẩy tiến trình sáng tạo. Sự sáng tạo trong giới hạn thường yêu cầu sự tập trung cao độ và tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ, nhưng chính sự cố gắng này lại mở ra những phương pháp làm việc mới và hiệu quả, giúp chúng ta đạt được kết quả ngoài mong đợi.
Ví dụ, khi thiết kế hình ảnh, hạn chế về số lượng màu sắc được sử dụng thường dẫn đến những giải pháp sáng tạo và hài hòa hơn. Khi viết, nếu bị giới hạn về số chữ hoặc chủ điểm nội dung hẹp, chúng ta thường tạo ra những bài viết cô đọng, súc tích và tập trung hơn. Mỗi hạn chế, khi được tiếp cận một cách tích cực và sáng tạo, không chỉ là một bước ngoặt để giải quyết một vấn đề cụ thể, mà còn là cơ hội để nâng cao khả năng sáng tạo và khám phá tiềm năng chưa được khai thác.
Vì vậy, hãy “ôm” lấy những hạn chế và xem chúng như là cơ hội để phát triển và đổi mới. Đó là cách chúng ta biến những giới hạn thành đòn bẩy cho sự sáng tạo và thành công.
Bồi đắp sự đa dạng về kinh nghiệm:
Sự đa dạng trong kinh nghiệm, hay còn gọi là "multi-contextuality" (đa bối cảnh), là một khía cạnh quan trọng trong việc phát triển cá nhân và sự nghiệp. Nó đề cập đến việc sở hữu và áp dụng một loạt kinh nghiệm từ nhiều lĩnh vực và hoàn cảnh khác nhau. Điều này không chỉ giúp mở rộng tầm nhìn, mà còn tạo ra khả năng tận dụng tốt hơn các nguồn lực hiện có.
Những người có kiến thức rộng lớn và nhiều góc nhìn thường có khả năng đạt được hiệu quả cao hơn so với những người chỉ chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể. Hiểu biết toàn diện và đa dạng thường dẫn đến sự xuất sắc trong giải quyết vấn đề.
Theo Hiệu ứng Perky: “Những gì chúng ta tưởng tượng trước có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nhận thức và tiếp nhận thông tin mới”, tức là kỳ vọng và niềm tin có sẵn sẽ hạn chế quan điểm của chúng ta.
Kinh nghiệm đa dạng giúp mở rộng cách chúng ta nghĩ về nguồn lực của mình, dẫn đến những cách tiếp cận khác biệt hơn. Sự thúc đẩy chuyên môn sâu đang dẫn đến một xã hội với những người giỏi trong những lĩnh vực hẹp hơn. Sự gia tăng chuyên môn hóa, không chỉ trong sản xuất mà còn trong lao động trí thức, khiến mọi người chỉ rõ ràng nhiệm vụ của mình và ít hiểu biết về những thứ xung quanh.
Daniel Pink, trong cuốn sách "A Whole New Mind", nhấn mạnh rằng mặc dù kiến thức chuyên sâu từng là chìa khóa thành công, nhưng ngày nay, những người có khả năng làm việc linh hoạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau lại được đánh giá cao hơn. Điều này đặc biệt quan trọng khi xem xét việc phối hợp nguồn lực với những người từ nhiều nền tảng khác nhau.
Just do it – Cứ làm thôi:
Câu chuyện của nhà làm phim Robert Rodriguez, người đã tạo nên một tác phẩm điện ảnh từ nguồn lực hạn chế, chỉ với 3000 đô la thu được từ việc tham gia một thử nghiệm dược phẩm, là một ví dụ điển hình về sức mạnh của sự hành động và tận dụng nguồn lực. Kết quả là bộ phim của anh sau đó được bán với giá 25,000 đô la và mở ra hàng loạt cơ hội nghề nghiệp lớn.
Rodriguez từng nói: “Bạn chỉ có ý tưởng khi bạn bắt đầu hành động. Bạn phải hành động trước, cảm hứng mới đến sau, chứ không phải đợi có cảm hứng mới hành động. Nếu không, bạn sẽ chẳng bao giờ bắt đầu.” Sự chờ đợi nguồn lực “đúng” chỉ làm trì hoãn và thậm chí cản trở tiến trình của chúng ta.
Anh khuyến khích mọi người “lợi dụng những điểm bất lợi, tận dụng mọi nguồn lực dù nhỏ nhoi, và làm việc chăm chỉ hơn bất kỳ ai xung quanh”.
Chúng ta thường quá tin tưởng vào việc lập kế hoạch mà quên mất rằng những hành động thực tế mới là yếu tố quyết định thành công. Thực tế, chính việc lập kế hoạch quá mức có thể ngăn chúng ta khỏi việc thực hiện. Trong nỗ lực hoàn thiện kế hoạch, chúng ta thường dành thời gian để giải quyết những điều không chắc chắn, điều này chỉ dẫn đến sự trì hoãn. Cuối cùng, chúng ta có thể mất quá nhiều thời gian lập kế hoạch cho một thực tế không còn tồn tại, và tự lừa dối bản thân rằng mọi thứ vẫn theo kế hoạch.
Thay vì cố gắng tạo ra kế hoạch hoàn hảo, một kế hoạch tốt đã là đủ để bắt đầu và thực thi. Hành động, dù không hoàn hảo, thường quan trọng hơn việc lập kế hoạch mà không bao giờ thực hiện.
Một ví dụ của bản thân mình về nguyên tắc “cứ làm thôi - Just do it”, chính là việc viết blog và làm podcast. Mặc dù đã có sự chuẩn bị nhất định, nhưng thực ra mình đã tự lùi mãi, lùi mãi thời điểm ra mắt, chỉ bởi luôn cảm thấy nội dung chưa đủ tốt, bản thân mình cũng chưa sẵn sàng, không kể đến các yếu tố về thẩm mỹ, kỹ thuật mình đều đánh giá còn lâu lắm mới gọi là đẹp.
Nhưng rồi mình vẫn bắt đầu, vẫn ra mắt kênh, sau đó trải qua vô cùng nhiều lần thay đổi từ nhỏ như cách thiết kế ảnh bìa tới lớn như định hướng nội dung. Quan trọng nhất là, nếu không bắt đầu và nhận được phản hồi từ thực tế, mình cũng không bao giờ xác định được chính xác cần cải thiện điều gì. Càng thú vị hơn, khi sự không hoàn hảo mình thể hiện đã mang tới sự đồng cảm với bạn đọc. Nhiều lần, mình nhận được tin nhắn, email của các bạn nói rằng: bạn cảm nhận được sự chân thành, mộc mạc, và nỗ lực để tiến bộ mỗi ngày của mình.
Sự không hoàn hảo, đôi khi lại là điểm bắt đầu hoàn hảo nhất. Just do it - cứ làm thôi.
TẠM KẾT:
Sau hành trình dài, đầy thách thức nhưng cũng không kém phần thú vị, mình nhận ra rằng, kỹ năng tối ưu nguồn lực không chỉ là một công cụ mà còn là một triết lý sống. Qua những trải nghiệm cá nhân, mình đã học được rằng mỗi khó khăn, mỗi trở ngại, thực sự là một cơ hội để mở rộng tầm nhìn, phát triển khả năng sáng tạo và tìm ra những giải pháp mới. Mình đã không ngừng tìm kiếm, thử nghiệm, và áp dụng những phương pháp mới để tối ưu hóa mọi nguồn lực có sẵn, từ thời gian, sức lực đến các mối quan hệ xung quanh. Quan trọng hơn cả, mình đã học được cách cân bằng giữa công việc, học tập, đam mê và cuộc sống gia đình.
Kỹ năng tối ưu nguồn lực cũng đã dạy mình giá trị của sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm. Mỗi bước đi, dù nhỏ, cũng là một bước tiến hướng tới mục tiêu lớn. Mình đã học được cách ưu tiên, loại bỏ những yếu tố không cần thiết và tập trung vào những gì thực sự quan trọng.
Cuối cùng, mình tin rằng, sự thành công không chỉ đến từ những nguồn lực mà bạn có, mà từ cách bạn sử dụng chúng. Đó là việc bạn chọn lựa ra sao, tối ưu thế nào, và kiên trì đến đâu.
Cảm ơn bạn đã đọc tới dòng cuối cùng của bài viết dài thật dài này.
Chúc bạn một ngày vui!
Tố Uyên.
(Bài viết có sử dụng một số kiến thức mình học được từ cuốn sách “Tư duy tận dụng” (Scott Sonenshein).
Bạn có thể chia sẻ bài viết nào đó về trải nghiệm của bạn về việc quản lý thời gian để học MBA và thi rất nhiều chứng chỉ quản lý dự án, vừa chăm con nhỏ và làm fulltime đi, mình thấy nội dung này rất đáng quan tâm vì có rất nhiều người loay hoay làm điều này ( trong đó có mình nè).