Mình đã từng tin rằng, khi phụ nữ bước vào độ tuổi ngoài 30, giữa đầy ắp những bận rộn, lo toan công việc và gia đình sẽ không còn đủ sự tập trung, nhanh nhẹn để tiếp thu kiến thức mới…cho đến khi mình theo học khóa MBA, thực tế đã cho mình minh chứng ngược lại!
Đó là năm 2020, sau khi đi làm khoảng 10 năm và vừa qua tuổi 31, mình bắt đầu khóa học thạc sỹ MBA của mình tại Đại học Hawaii (Mỹ). Trường có cơ sở tại Việt Nam, các giáo sư từ Mỹ bay sang giảng dạy cho học viên.
Một trong những điều ngạc nhiên lớn của mình trong ngày đầu tiên đến lớp, đó là hầu hết học viên đều ngoài tuổi 30, thậm chí, khoảng 60% đã qua tuổi 40; mình là một trong những người trẻ nhất của lớp. Nhiều bạn học của mình đang nắm giữ những chức vụ quan trọng ở các công ty lớn.
Đây là quãng thời gian đáng nhớ, mình khám phá thêm rất nhiều về giá trị bản thân mình trong hành trình ấy. Càng ngày mình càng nhận ra, lựa chọn và chờ đợi đến khi đã đi làm nhiều năm mới đi học thạc sỹ, cụ thể ở đây là học MBA là một điều đáng giá.
Và đây là những lợi ích lớn nhất của việc đi học MBA khi đã ngoài 30 tuổi mình rút ra được:
1. Biết mình cần học và muốn học gì?
Khi mới tốt nghiệp đại học, nhiều bạn của mình ngay lập tức học thạc sỹ hoặc chỉ sau khi đi làm từ 1 – 2 năm. Phần lớn trong số đó chọn tiếp tục học về ngành mình vừa hoàn thành bậc đại học. Riêng mình luôn có cảm giác mơ hồ rằng mình không muốn học cao hơn về ngành viễn thông. Mình tin chắc mình sẽ học lên thạc sỹ một ngày nào đó, nhưng chưa xác định được ngành học.
Sau nhiều năm làm việc, sự nghiệp của mình chuyển hướng sang phát triển phần mềm với vị trí quản lý dự án. Phải mất thêm vài năm, mình mới nhận ra điều mình muốn học, và cần phải học thêm về quản lý và điều hành nhưng ở mức độ cao hơn một dự án. Khi ấy, mình đã biết sẽ chọn ngành gì cho bậc thạc sỹ, đó là MBA – quản trị kinh doanh, một chương trình giáo dục chắc chắn sẽ mang tới cho mình hiểu biết sâu rộng về việc quản lý và điều hành bất kỳ một công ty hay tổ chức nào trên nhiều phương diện: chiến lược, tài chính, nhân sự, công nghệ, marketing…
Việc tiếp tục học thạc sỹ với ngành đã tốt nghiệp đại học là lựa chọn của nhiều người, và không sao hết nếu điều đó phù hợp với mong muốn phát triển sự nghiệp của họ. Nhưng với riêng mình, đã mất tới 10 năm để mình có thể tìm ra điều mình muốn học. Rất dài, nhưng xứng đáng.
2. Có sự chuẩn bị vững vàng về nền tảng tài chính trước khi đi học.
Những chương trình đào tạo thạc sỹ khác nhau rất nhiều về chi phí, nhưng luôn là một gánh nặng khá lớn. Nếu không được gia đình hỗ trợ, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu đi học khi chỉ mới làm việc ít năm, chưa có sự chuẩn bị và tích lũy vững chắc về tài chính. Đây cũng là một trong những lý do khiến mình trì hoãn dự định theo học thạc sỹ của mình.
Sau khi đi làm nhiều năm, đã có tích lũy đủ chi trả cho khóa học, không ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình, bạn có thể tập trung vào việc học với ít áp lực và lo lắng hơn, tránh được những rủi ro liên quan đến tài chính trong giai đoạn này.
3. Có nhiều kinh nghiệm để so sánh, đối chiếu, tiếp thu kiến thức hiệu quả.
Trong suốt hai năm học, ngoài những kiến thức từ thầy cô, mình học hỏi được rất nhiều điều từ những người bạn học của mình. Những câu chuyện xử lý tình huống trong công việc, cách họ dẫn dắt tổ chức, công ty đi qua thử thách, nhiều bài học kinh nghiệm trở thành những kiến thức vô giá cho mình.
Sau 10 năm làm việc, mình cũng đã tích lũy được một “số vốn” kinh nghiệm khá dày dặn, để có sự soi chiếu, liên hệ với những gì thầy cô giảng, nhằm tự rút ra những kết luận của riêng mình. Điều này rất khó có được nếu mình lựa chọn việc đi học MBA khi còn trẻ hơn với rất ít trải nghiệm thực tế.
Bằng cách chờ đợi và tự lấp đầy “kho” kinh nghiệm của mình đến một mức độ nhất định từ trước, mình đã có thể tối ưu những gì mình được học. Mình nghĩ, đây là lợi ích lớn nhất mình có được khi học thạc sỹ ở tuổi ngoài 30.
4. Rèn luyện khả năng quản lý và tối ưu thời gian.
Trước khi bước vào khóa học, điều mình lo lắng nhất là làm sao để sắp xếp thời gian? Mình đã rất bận rộn với công việc toàn thời gian, ngoài ra còn gia đình có hai con nhỏ, trong khi đó chương trình học lại rất nặng cùng nhiều bài tập, bài luận cần hoàn thành. Nhưng khi tham gia vào lớp học, mình mới nhận thấy nhiều người làm CEO, COO, giám đốc đơn vị lớn trong các tập đoàn, họ vẫn thu xếp thời gian để hoàn thành mọi buổi học và làm tất cả các bài tập cần thiết. Vậy hẳn mình cũng phải làm được, chỉ là cần tìm cách như thế nào thôi.
Với suy nghĩ đó, mình dần dần tìm ra nhiều cách tối ưu thời gian, ví dụ như dậy sớm hơn để làm bài tập, tranh thủ đọc trước bài giảng khi ngồi trên xe bus đi làm, hoàn thành công việc chính trong thời gian ở công sở, tránh mang việc về nhà…
Vậy là, áp lực “thiếu thời gian” trở thành động lực giúp mình buộc phải tìm ra những cách cải thiện năng suất và hiệu quả công việc của mình, bố trí sắp xếp thời gian tốt hơn, tự động giảm số giờ sử dụng Internet và điện thoại không cần thiết…
Ai cũng có 24 giờ giống nhau. Đôi khi, đặt mình dưới áp lực, bạn sẽ nhận ra ta còn có thể làm tốt hơn, tận dụng được thời gian để làm nhiều việc hữu ích cho cuộc sống và sự phát triển bản thân.
5. Áp dụng được kiến thức vào công việc dễ dàng và nhanh chóng.
Không phải tất cả những kiến thức trong chương trình thạc sỹ đều có thể áp dụng ngay vào công việc, nhưng phần lớn những gì được học mình đều tìm thấy cách để áp dụng vào công việc của mình. Có thể sau nhiều năm đi làm, mình đã bắt đầu có trải nghiệm và vị trí nhất định, để có cơ hội áp dụng những gì đã học về quản lý và điều hành. Hoặc cũng có thể, với kinh nghiệm đã qua, mình dễ nhận thấy những “khoảng trống” trong hiểu biết của mình mà những kiến thức vừa học chính xác là những gì cần thiết để mình “lấp” vào.
Khi đã ở “độ chín” nhất định trong công việc, mình theo học MBA và nhận thấy, “học đi đôi với hành” có thể mang lại hiệu quả lớn đến chừng nào.
Mình đã từng lo lắng, cho rằng mình theo học thạc sỹ quá muộn. Nhưng thực tế đã cho thấy, đó là một lựa chọn thú vị. Chắc hẳn sẽ có những bạn học thạc sỹ sớm hơn và nhận được nhiều lợi ích từ việc đó. Nhưng có lẽ, mình đã có lựa chọn phù hợp nhất khi chờ đợi 10 năm để tìm thấy điều mình muốn học; có sự chuẩn bị tài chính và trải nghiệm, sẵn sàng bước vào một hành trình giá trị như hai năm đã qua.
Dù đã tốt nghiệp MBA vào tháng 7/2022, nhưng khi viết những dòng này mình như đang được trở lại sống với những hồi ức đẹp của 21 tháng chăm chỉ, gian nan, đầy thử thách nhưng đầy giá trị của những ngày ấy. Cảm ơn bạn đã chia sẻ cảm xúc này cùng mình.
Chúc bạn một ngày vui!
Tố Uyên