Tôi từng search trên Google, đọc nhiều bài viết trên Internet, tìm đọc những cuốn sách về chủ đề này. Tôi cũng tận dụng cơ hội để hỏi và học từ nhiều người phụ nữ tôi đã gặp, nhất là những người tôi nhận thấy vừa có thành công trong sự nghiệp, vừa có gia đình hạnh phúc theo đánh giá của riêng tôi.
Liệu có cách nào để vừa có sự nghiệp, vừa có cuộc sống gia đình êm ấm? Có thật sự tồn tại sự cân bằng này không? Có đúng là, mọi thứ đều cần đánh đổi, và chỉ có thể chọn một? Một người phụ nữ nếu có sự nghiệp, thì gia đình lục đục. Nếu muốn gia đình êm ấm, thì nhất định chỉ nên lựa chọn công việc an nhàn?
Sau một thời gian trải nghiệm và đúc kết, tôi thấy mình sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời xác đáng cho tất cả những điều này. Bởi mỗi người một hoàn cảnh riêng, mong muốn riêng, khó khăn thuận lợi riêng, nên không thể có mẫu số chung cho tất cả.
Tuy vậy, bằng trải nghiệm cá nhân của mình, tôi đã tìm thấy đáp án (cho riêng tôi) ở một vài khía cạnh. Ở bài viết này, tôi muốn đề cập tới những tư tưởng và định hướng lớn nhất, bao trùm tư duy của tôi về vấn đề này. Tuy không thể nói trước về tương lai, nhưng hiện tại thì tôi hài lòng với những định hướng này:
1 - CÂN BẰNG, KHÔNG NHẤT THIẾT LÀ CHIA 50/50.
Phải, tôi từng nghĩ cân bằng nghĩa là một nửa thời gian, sức khỏe, tâm huyết dành cho gia đình, nửa còn lại cho sự nghiệp. Nhưng đến khi đọc được một bài viết trên trang Leox.vn, thì tôi chợt hiểu: Cân bằng, cần được nhìn ở phạm vi rộng hơn nhiều. Về dài hạn, tôi có thể xây dựng cả sự nghiệp và cuộc sống gia đình theo mong muốn. Nhưng tại những thời điểm nhất định, có thể tôi sẽ phải tập trung tới 80% nỗ lực và thời gian để đạt được điều gì đó ở một trong hai phía. Bởi nếu không có sự tập trung này, thì mọi thứ sẽ luôn dang dở.
Vào năm 2021, thời kỳ covid, tôi vừa học MBA, vừa cố gắng ôn thi một chứng chỉ quốc tế khó, vừa học tiếng Anh. Tôi xác định khoảng thời gian này ưu tiên dành cho sự nghiệp và phát triển bản thân nên chủ động dồn vào nhiều nhất có thể các mục tiêu để làm cùng lúc.
Thời gian đó, tôi thường xuyên phải gửi con cho ông bà nội, ngoại chăm giúp. Bạn lớn có lần nói với cậu: “Dạo này con gặp cậu còn dễ hơn gặp mẹ con”. Tôi biết, cả gia đình đang phải vất vả cùng với mình. Nhưng tôi cũng nói với mọi người về mục tiêu và lý do mình làm vậy. Quan trọng là việc đó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn rồi mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường.
2- CÂU HỎI QUAN TRỌNG NHẤT.
Tại mỗi thời điểm trong cuộc sống, câu hỏi dẫn dắt cho các quyết định của tôi về phân bổ thời gian và sức lực đó là: “Mình đang ưu tiên điều gì nhất?”.
Nếu luôn có rất nhiều thứ muốn làm cùng một lúc, thì khả năng cao là không hoàn thành tốt được điều gì, đó là trải nghiệm của cá nhân tôi. Đôi khi, trong một thời gian ngắn, tôi chỉ có thể chọn một vài điều quan trọng nhất để tập trung vào.
Năm 2016, tôi có bầu em bé thứ hai khi bắt đầu có những chuyển biến tích cực trong công việc. Nhưng vì sức khỏe không thực sự tốt, tôi quyết định xin nghỉ không lương dù biết rằng việc rời xa công sở hơn một năm sẽ kéo tôi lùi lại rất nhiều trên con đường sự nghiệp so với bạn bè cùng trang lứa. Dù vậy, tôi đưa ra quyết định này rất nhanh và dứt khoát, bởi tôi biết chắc chắn điều gì là quan trọng nhất lúc đó. Khi đã quyết định rồi thì không áy náy, day dứt, tiếc nuối gì nữa, bởi đó là điều tốt nhất có thể làm.
3- ĐỘNG LỰC VÀ SỰ HỖ TRỢ QUAN TRỌNG NHẤT.
Nếu cuộc đời tôi là một bức tranh, và nhìn từ xa chỉ với những đường nét chủ đạo thì gia đình vẫn luôn là phần quan trọng, trung tâm, và rõ nét nhất mặc dù trong một vài giai đoạn ngắn, tôi có thể dành ưu tiên hơn cho sự nghiệp. Gia đình là lý do, là động lực, là mục đích cuối cùng cho tất cả những phấn đấu của tôi. Tôi biết mình sẽ không thể làm được bất kỳ điều gì nếu không có sự hỗ trợ của gia đình. Đây có lẽ là điều may mắn nhất của tôi.
Từ phía mình, có một vài điều tôi vẫn thường thực hiện để có được sự hậu thuẫn của bố mẹ, anh em, chồng và các con:
- Trước hầu hết những quyết định dấn thân của mình, tôi sẽ trao đổi, thuyết phục, và “trưng cầu dân ý” trong gia đình. Đôi khi có bất đồng, xung đột là không tránh khỏi. Nhưng khi nghĩ rằng đây là những người quan trọng nhất đối với mình, bằng một cách nào đó, chúng tôi luôn tìm ra những cách để điều chỉnh, lựa chọn, sắp xếp các mục tiêu cho phù hợp hơn.
- Dù bận rộn tới đâu, cũng nên dành những khoảng thời gian CHẤT LƯỢNG cho người thân. Tôi nhấn mạnh điều này, vì tôi tin ở chất lượng hơn số lượng. Tôi có thể chỉ có 30 phút mỗi tối chơi với con, nhưng tuyệt đối không dùng điện thoại, không vừa làm việc vừa nói chuyện với con, mà chỉ tập trung vào các bạn ấy mà thôi.
- Chia sẻ với gia đình những thành công và cả thất bại trên hành trình làm việc, học tập, phấn đấu của mình. Có những lần, tôi cũng “hùng hổ”, ngùn ngụt khí thế khi bắt đầu dự án cá nhân nào đó. Nhưng thỉnh thoảng lại thất bại, không ít lần “tụt mood”, thậm chí chán nản, suy sụp. Những lúc ấy tôi thường về kể hết với chồng con.
Tôi tìm kiếm sự an ủi, động viên từ những người gần gũi nhất. Quan trọng hơn, tôi mong chồng và các con hiểu những gì tôi đang thực sự trải qua, để mọi người đồng hành với tôi từng ngày trên hành trình phấn đấu của mình. Tôi không hoàn hảo, không “nữ cường”, không xuất sắc bất khả chiến bại. Đúng là tôi có những hoài bão, nhưng điều đó không đối ngược với sự thật rằng tôi là một thành viên của gia đình. Tôi chỉ đơn giản là người phụ nữ đang muốn sống một cuộc đời không nuối tiếc mà thôi.
Ai đó khác có thể độc lập tự tin một mình bước tới, nhưng nhất định không phải là tôi. Tôi biết chắc chắn rằng mình luôn cần gia đình bên cạnh. Và thành công cá nhân của tôi không có nghĩa gì, nếu không vì mục tiêu quan trọng nhất là có thể chăm lo tốt hơn cho gia đình mình.
THAY LỜI KẾT
Sau rất nhiều những tìm kiếm và trải nghiệm, giờ đây, tôi đã tìm ra công thức “Cân bằng công việc – cuộc sống” của riêng mình. Tôi cũng tin rằng, mỗi người đều có một công thức khác biệt phù hợp với bản thân, không ai giống ai. Nhưng chí ít, tôi đã có thể khẳng định, cân bằng gia đình – công việc là hoàn toàn có thể bằng việc trả lời được những câu hỏi lớn:
1 - Trong dài hạn, ba điều gì là quan trọng nhất với tôi, và thứ tự của chúng ra sao?
2 - Trong ngắn hạn, tôi có thể đánh đổi điều gì để đạt được điều gì?
3 - Để làm được những mục tiêu này, tôi cần những sự hỗ trợ nào? Làm sao để có được sự hỗ trợ đó?
Tôi tin rằng, để có được sự cân bằng, chúng ta cần phải chấp nhận bất cân bằng tại từng thời điểm. Và bất cân bằng trong ngắn hạn một cách có chiến lược, có thể mang tới sự cân bằng về lâu dài. Tôi mong bạn sẽ tìm thấy công thức phù hợp và hạnh phúc với sự cân bằng của riêng mình!
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.