“Chào các bạn, tôi là Tố Uyên - tác giả của blog In Metime”...
Đó là câu đầu tiên tôi viết trong trang giới thiệu của blog. Thật thú vị và kỳ diệu! Bằng một cách nào đó, tôi đã có một địa chỉ riêng của mình trên thế giới Internet rộng lớn, nơi tôi được trải lòng, đưa những bài viết của mình “ra ánh sáng”, đến với bạn đọc. Và, tôi đã nhận được tin nhắn của mọi người, những bình luận cuối bài viết, những lời cảm ơn, động viên, và khích lệ …
Tất cả giống như một cuốn sách chỉ mới bắt đầu, ở đó tôi và In Metime đang từng bước, từng bước xây dựng nên những chi tiết, câu chuyện về mình, trong sự ủng hộ ấm áp, nhiệt thành của bạn đọc. Thế nhưng, cuốn sách ấy có lẽ đã chưa thể xuất hiện những trang đầu tiên, nếu tôi vẫn giữ khư khư những nỗi sợ và niềm tin giới hạn của mình như bao năm qua.
Thực ra, tôi biết mình có đủ lý do để bắt đầu. Nhưng phải qua một quãng đường dài với sự giúp sức của nhiều người để đối mặt với những niềm tin giới hạn, tôi mới có thể tự tin xây dựng nên blog như hôm nay (và tôi tin, sẽ còn tiếp tục thật lâu sau này). Tất cả những điều đó, trở ngại từ chính bản thân, lý do tôi quyết tâm xây dựng blog, và bài học tôi có được sau hành trình vừa qua với In Metime - bước chân đầu tiên của hành trình vạn dặm, sẽ được tôi sẽ chia sẻ cùng bạn trong bài viết hôm nay.
VÌ SAO UYÊN LÀM BLOG?
Đây là câu hỏi tôi nhận được rất nhiều từ người thân (ngay cả… mẹ tôi), bạn bè, đồng nghiệp trong mấy tháng qua. Thú thực, tôi cảm thấy thật khó để diễn tả một cách thật rõ ràng lý do của lựa chọn này, khi quyết định đưa những bài viết của mình đến với mọi người. Ban đầu, tôi nghĩ rất đơn giản về việc làm blog, chỉ là viết bài và đăng lên. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện từng bước, tôi phát hiện ra để tạo nên một website chỉn chu, dễ theo dõi, đăng bài đều đặn và có hình ảnh, màu sắc, bố cục như ý, cần nhiều công sức và thời gian hơn tôi tưởng.
Từ khi khởi động xây dựng blog đến nay quả thật là quãng thời gian không dài, nhưng tôi đã có cơ hội bắt đầu thắp sáng một ước mơ lớn của mình. Không ít lần gặp trở ngại, tôi lại quay về với Big Why – những lý do thực sự đã thúc đẩy tôi. Tôi có ba động lực lớn nhất:
1. Vì tôi thích viết.
Có lẽ điều đó đến từ tính cách, sở thích, và thói quen của tôi. Mặc dù thường tham gia các hoạt động tập thể, làm việc, trao đổi với nhiều người; nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi biết mình là một người hướng nội. Tôi thích viết, thích “trút” những tâm tư, suy nghĩ, ý tưởng của mình xuống trang giấy. Viết giúp tôi giải tỏa căng thẳng, khơi dậy cảm hứng, và rèn luyện tư duy.
Có lẽ tôi cũng được chút “gen di truyền” nào đó trong gia đình có năng khiếu viết. Bác ruột tôi là nhà thơ đã từng có nhiều giải thưởng trong các cuộc thi. Mẹ tôi cũng hay viết, đó là sở thích lúc rảnh rỗi của bà. Từ nhỏ tôi đã bộc lộ niềm yêu thích với việc viết của mình bằng một vài bài thơ, truyện ngắn nhỏ. Nhưng những lựa chọn thời trẻ đã dẫn tôi đi con đường khác, học chuyên toán và làm việc trong ngành công nghệ. Tuy vậy, niềm yêu thích với những con chữ chưa bao giờ thay đổi trong tôi. Tôi viết hàng ngày nhưng gần như chỉ giữ cho riêng mình.
Tôi nhận ra, mỗi khi ngồi vào bàn viết là tôi được sống trong những cảm xúc, suy nghĩ, và tâm tư chân thực nhất với chính mình. Vì thế, tôi nuôi dưỡng sở thích này, và viết mỗi ngày vào những giờ phút dành riêng cho bản thân - Metime của tôi.
Tuy vậy, sau khi đăng những bài viết đầu tiên lên blog, tôi dần biến đổi cách viết, từ việc chỉ viết cho riêng mình chuyển sang viết cho nhiều người đọc. Nội dung các bài viết vẫn nhất quán với tính cách và chân thực với trải nghiệm của bản thân, nhưng tôi không đơn thuần “trút” xuống mọi điều không cân nhắc. Bởi tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm với những nội dung mang tới cho bạn đọc. Tôi thực sự mong muốn những bài viết ấy không chỉ giúp tôi sống với đam mê của mình, mà còn mang lại giá trị cho những người bắt gặp nó trên Internet.
2. Vì tôi đã sẵn sàng, và NGƯỜI THẦY xuất hiện.
Tôi vẫn hay nói đùa, lập blog cũng như… lấy chồng, tôi quyết định chỉ bởi cảm thấy “đã đến lúc”, như thể “các ngôi sao đã xếp thẳng hàng”.
Người đầu tiên xuất hiện phải kể đến là blogger Chi Nguyễn – huấn luyện viên (coach), người bạn, người đồng hành cùng tôi từ những ngày đầu tiên. Tôi còn nhớ, mình từng “xổ” ra một loạt những nỗi niềm, lo lắng, nghi hoặc về bản thân với Chi trong những buổi trao đổi đầu tiên. Chi đã dẫn dắt và động viên tôi vượt qua tất cả những băn khoăn ấy cho tới được ngày tôi tự tin viết, ra mắt blog, đưa tất cả cuộc sống, suy nghĩ, và niềm tin của mình đến với mọi người. Cho tới hôm nay, tôi vẫn thường có Chi ở đó, là nguồn cảm hứng và “bác sỹ tâm lý” cùng tôi vượt qua những rào cản từ chính mình.
“Người thầy” thứ hai đã giúp sức tôi là những cuốn sách về nghề viết. Tôi luôn tự ti mình không được đào tạo về nghề viết, hoàn toàn viết bằng bản năng, và chắc hẳn không có bất cứ thế mạnh nào. Nhưng đọc nhiều sách về chủ đề này, tôi đã tìm thấy những đáp án thú vị cho băn khoăn của mình khi theo đuổi con đường sáng tạo nội dung. Một số cuốn sách hay nhất tôi đã đọc: Hôm nay phải mở mang (tác giả: Nguyễn Thùy Dung), Viết đi đừng sợ (tác giả: Linh Phan), Bí mật của người kể chuyện (Tác giả: Carmine Gallo).
“Người thầy” thứ ba là các kênh nội dung, trang blog, youtube, podcast tôi tìm thấy trên Internet. Có lẽ tôi luôn có thể tìm thấy lời giải cho những vấn đề của mình liên quan đến việc viết và làm nội dung trên các nguồn thông tin này, miễn là kiên trì học hỏi. Một số kênh tôi thường theo dõi:
https://thepresentwriter.com/blog/
https://www.makingsenseofcents.com/
3. Vì tôi muốn xây dựng sự nghiệp thứ hai.
Tôi có công việc chuyên môn là quản lý dự án phần mềm. Mặc dù đã có chỗ đứng nhất định trong ngành, nhưng tôi luôn có cảm giác muốn xây dựng sự nghiệp thứ hai, ngoài chuyên môn quản lý. Có ba lý do khiến tôi ấp ủ mong muốn này:
- Nền kinh tế bất ổn nên chỉ có một công việc chuyên môn duy nhất khiến tôi cảm thấy bất an, luôn có ý định tìm kiếm một công việc khác, với thời gian linh động, làm được tại nhà, và có tiềm năng về thu nhập. Bước đầu tiên của hành trình vạn dặm chính là những bài viết nho nhỏ mỗi tuần; biết đâu đó, sau quá trình chuyên cần rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, và liên tục tìm kiếm ý tưởng bằng con đường xây dựng blog, tôi sẽ trở thành tác giả sách. Tôi có thể xây dựng sự nghiệp viết của mình, song hành với công việc chuyên môn là quản lý dự án phần mềm.
- Muốn có một công việc “có thể làm tới già”: Thú thực, tôi đã nghĩ về tuổi già ngay từ khi chưa tới 30 tuổi. Trong tưởng tượng của tôi, khi đã sáu mươi, bảy mươi tuổi, tôi hy vọng mình có một niềm đam mê nào đó, công việc nào đó làm tôi yêu thích, tiếp tục cống hiến cho cuộc sống và mang lại giá trị cho mọi người.
Tôi tin rằng, một sở thích, thói quen, niềm hứng thú tưởng chừng nhỏ bé nào đó ở hiện tại, có thể trở thành niềm vui cho cuộc sống của tôi đến mãi sau này, ngay cả khi đã già…
- Hỗ trợ cho công việc chuyên môn: Sau một thời gian viết đều đặn, tôi ngạc nhiên phát hiện ra việc viết blog lại hỗ trợ cho chuyên môn quản lý của mình. Khi viết, tôi có cơ hội tổng hợp những kiến thức nằm rải rác trong công việc thành các bài viết có hệ thống, logic và tổng quát. Nói ngắn gọn, việc viết blog đã giúp tôi không bỏ lỡ những trải nghiệm, kiến thức, và đúc kết của mình khi làm quản lý dự án. Bài viết “viral” đầu tiên của tôi trên blog chính là một ví dụ điển hình, khi tôi phân tích về việc tổ chức và điều hành chương trình biểu diễn của nhóm nhạc Super Junior tại Việt Nam tháng 3/2023 dưới góc nhìn của người làm quản lý.
NHỮNG NỖI SỢ VÀ NIỀM TIN GIỚI HẠN TÔI ĐÃ VƯỢT QUA ĐỂ XÂY DỰNG INMETIME.
Nếu có một điều gì đó khó khăn nhất tôi phải vượt qua để bắt đầu xây dựng blog In Metime, thì đó không phải viết nội dung, thiết kế hình ảnh, hay dựng trang web, mà đó là vượt qua rào cản tâm lý của chính bản thân.
Ở điểm khởi đầu, tôi có rất nhiều nỗi sợ và niềm tin giới hạn. Đó cũng là lý do mà dù yêu thích viết, đọc nhiều blog và cũng từng ấp ủ có một trang web cho riêng mình, thậm chí từng thực sự đăng ký một tên miền trên Wordpress cách đây vài năm, tôi vẫn không thể gom đủ dũng cảm đưa những trang viết của mình lên Internet.
1. Nỗi sợ mình không đủ “xuất chúng” để viết về bản thân.
Trong tất cả những nỗi sợ, thì “sợ mình không đủ đặc biệt” luôn là điều thường trực, đau đáu, thậm chí khổ sở nhất mỗi khi tôi có ý định bước ra khỏi vùng an toàn. Nghĩ về viết blog, tôi từng cho rằng mình không có gì đặc biệt, không xuất sắc, không có năng khiếu nổi trội để trở thành một cây viết.
“Chân dung” của một người đủ tiêu chuẩn theo quan điểm của tôi để trở thành blogger là: Có nền tảng gia đình tốt, từng đi du học và có những trải nghiệm ở nước ngoài, rất giỏi ngoại ngữ…
Soi chiếu vào bản thân mình, tôi thấy không có điều gì phù hợp với các tiêu chí trên. Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường ở một tỉnh nhỏ. Học hết cấp 3, tôi vào đại học rồi làm việc trong ngành công nghệ tại Hà Nội, lấy chồng và sinh con theo “kịch bản” thông thường của nhiều bạn nữ. Tới lớp 6 tôi mới bắt đầu được học tiếng Anh, rồi tới khi đi làm, tôi có tấm bằng Toeic với điểm số trung bình. Mất rất nhiều năm, tôi mới có thể nói tiếng Anh thành thạo để làm cùng với các đối tác nước ngoài và học MBA.
Tôi bèn đi đến “kết luận”: Mình quá bình thường để ai đó phải quan tâm. Người đọc sao có thể bị thu hút bởi một người giống đa số những người khác, chỉ quẩn quanh ở Việt Nam, và đã phải vật lộn rất lớn để có được một chút vốn tiếng Anh…
Sự thật là, những bài viết nhận được sự tương tác cao nhất trên blog In Metime, lại là những bài viết về chính những điểm “bất lợi” trong xuất phát điểm của tôi. Những khó khăn, vấp ngã, và sự “không đủ tiêu chuẩn” mà tôi từng e ngại, lại là những điều tạo ra sự đồng cảm nhiều nhất với bạn đọc.
Nhiều bạn comment trên bài viết hoặc nhắn tin, gửi email cho tôi để kể về câu chuyện của mình. Cảm ơn tôi vì khi đọc In Metime bạn ấy có cảm xúc được sẻ chia… Hầu hết các bạn cũng giống tôi, sinh ra ở tỉnh lẻ, gia cảnh bình thường, mục tiêu cuộc sống cũng giản dị: chỉ mong học xong tìm được công việc tốt và có cuộc sống ổn định.
Qua đó tôi đã hiểu ra: Mỗi người đều là một cá thể riêng biệt, với hoàn cảnh, những biến cố, và trải nghiệm khác nhau. Tôi không có những lợi thế như tôi thường nghĩ về một blogger có tiềm năng thành công, nhưng chính sự “rất bình thường” ấy lại là thứ khiến tôi trở nên gần gũi với bạn đọc. Hóa ra, đôi khi sự “bình thường” cũng có thể giúp tôi trở nên “đặc biệt”.
2. Niềm tin rằng “thế giới blog” đã bão hòa.
Đọc rất nhiều blog bằng tiếng Việt và tiếng Anh, tôi có cảm giác bất kỳ chủ đề nào tôi nghĩ đến đều có người đã viết về nó. Hơn nữa, họ đều viết rất hay, ví dụ sinh động, trải nghiệm sâu sắc. Tôi không biết còn có điều gì để mình có thể viết?
Hơn nữa, tôi vốn không phải người từng được đào tạo bài bản về nghề viết. Hầu hết các blogger nổi tiếng trên Internet mà tôi biết, đều có nhiều kiến thức và kinh nghiệm viết lách. Với một người viết nghiệp dư như tôi, liệu có hy vọng nào không?
Thật ngạc nhiên, khi tôi gom hết can đảm đăng những bài viết đầu tiên của mình lên facebook cá nhân, sau này là blog In Metime, những lời nhận xét tôi nhận được nhiều nhất là: “Uyên có cách viết rất mộc mạc, giản dị, và chân thật”. Nhiều người nói, dù câu chữ của tôi không bóng bẩy văn hoa, nhưng chính điều đó làm cho chúng trở nên hấp dẫn, khác biệt.
Càng ngày càng nhận được nhiều hơn những phản hồi như vậy khiến tôi dần dần tự tin hơn vào ngòi bút của mình. Không những thế, tôi nhận ra rằng, cùng một vấn đề nhưng mỗi người có cách tiếp cận khác nhau, những trải nghiệm và tính cách khác nhau do đó nội dung không trùng lặp.
Thực ra, điều quan trọng đôi khi không phải là đặt câu hỏi “còn có gì cho tôi viết nữa không?”, mà “vấn đề này với góc nhìn của tôi có gì đặc biệt?”.
3. Sự e ngại về dư luận.
Thời điểm bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên của kênh nội dung, có lần tôi nhận được câu hỏi: “Uyên có lo lắng dư luận sẽ nghĩ gì về những bài blog của mình?” Dư luận ở đây bao gồm tất cả mọi người xung quanh: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, bạn đọc…
Tôi đã ngay lập tức viết ra tới nửa trang giấy A4, gần như không cần dừng lại suy tính, bởi đó là những nỗi niềm đã thường trực trong đầu tôi từ rất lâu.
Tôi sợ gia đình nói: “Sao mang chuyện của nhà đi kể hết với mọi người vậy?”.
Đồng nghiệp sẽ bảo: “Dạy đời thế?".
Mọi người ở công ty chỉ trích: “Đi làm vẫn có nhiều thời gian để viết blog à?”.
Tôi còn nỗi sợ có ai đó sẽ bình luận: “Viết không có gì hay, đọc phí thời gian”.
…
Tôi thu mình, giấu kín niềm đa mê viết lách, một phần cũng vì những nỗi e ngại này, cho đến khi tôi tìm ra lời giải, đó là với mỗi nỗi sợ, tôi sẽ viết ra chi tiết trả lời cho ba câu hỏi:
Tôi có thể làm gì để phòng tránh những phán xét đó?
Nếu phải nhận phán xét đó, tôi sẽ xử lý như thế nào?
Trong trường hợp đó, tôi tự thấy mình có vượt qua được không?
Tôi nhớ, mình đã tạo một bảng excel nhiều dòng, ghi ra thật nhiều “kế hoạch giải quyết” nếu nỗi sợ ấy thực sự xảy ra… Sau khi có “kế hoạch”, tôi cảm thấy yên tâm hơn. Nhìn thẳng vào nỗi sợ, và vạch ra trước cách thức xử lý khiến tôi bớt lo lắng, e ngại.
Nhưng sự thực là, suốt thời gian qua, tôi không gặp bất kỳ vấn đề gì! Thật bất ngờ!
Hầu hết mọi người đều dành cho tôi tình cảm yêu mến, phản hồi tích cực, và động viên tôi vượt qua bản thân để tiếp tục viết. Sự ủng hộ ấy như liều “thần dược”, khiến tôi dần dần vượt qua những ngập ngừng, lo lắng để tiếp tục tiến về phía trước với lòng biết ơn.
Có lẽ, đúng như nhà văn Mark Twain từng nói: “I am an old man and have known a great many troubles, but most of them never happened.” (Tạm dịch: Tôi là một người đã sống rất lâu, và tôi biết rất nhiều rắc rối. Nhưng hầu hết chúng đều chưa bao giờ xảy ra.)
NHỮNG BÀI HỌC SAU BA THÁNG LÀM BLOG.
Sau ba tháng xây dựng blog, trong đó có hơn hai tháng viết và đăng bài đều đặn, tôi nhận ra năm bài học quan trọng:
Luôn viết chân thật: Bằng cách viết về những trải nghiệm, suy nghĩ, và quan điểm của mình sao cho thể hiện được gần nhất, thật nhất với Uyên của cuộc sống hàng ngày, tôi sẽ luôn tự tin về những gì mình đăng tải.
Trân trọng sự khác biệt: Coi tất cả cuộc sống, quá khứ, hoàn cảnh của mình là chất liệu riêng, tạo nên sự khác biệt cho những câu chuyện kể. Tôi tin rằng, thành thật với những gì đã tạo nên con người mình, là cách tốt nhất để chạm tới trái tim người đọc.
Kỷ luật viết là điều quan trọng: Tôi vẫn viết cho chính tôi, đúng với tính cách và trải nghiệm cá nhân mình; nhưng tôi hiểu, giờ đây còn viết cho bạn đọc. Nếu mong muốn có thể đem lại những bài viết giá trị cho cộng đồng, tôi cần viết một cách nghiêm túc, kỷ luật, và đặt ra cho mình những giới hạn về thời gian mà vẫn đảm bảo chỉn chu hết mức có thể.
Luôn học hỏi không ngừng: Làm blog là khoảng thời gian khiến tôi thay đổi nhiều trong tư duy, và thói quen mà tôi vốn không ngờ tới. Phần nhiều những thay đổi đó đến từ việc tôi luôn học hỏi, từ huấn luyện viên, từ sách vở, và các kênh nội dung bổ ích. Blog là nơi ghi lại hành trình trưởng thành của tôi, nhưng những gì học hỏi được khi viết blog đã thực sự giúp tôi trưởng thành hơn.
Thay đổi góc nhìn khi đánh giá về bài viết: Tôi nhớ có một lần trao đổi với Chi Nguyễn: “Làm sao để mình biết bài viết đã đủ hay? Có bao giờ Chi đọc lại và thấy bài viết không hay như mình tưởng?”. Sở dĩ có câu hỏi này là bởi chính tôi, sợ hãi cảm giác phải đánh giá chính bài viết của mình. Và, Chi đã đưa cho tôi một câu trả lời đáng giá, chân thực và hàm chứa nhiều trải nghiệm: “Uyên đừng đặt câu hỏi bài viết có hay không, chỉ cần tự hỏi: Bài viết của mình có mang lại giá trị cho người đọc không?”.
Đúng vậy, nếu blog của tôi có ích cho ai đó, dù rất ít thôi, cũng đã đủ để tôi tiếp tục viết và kiên trì trên con đường sáng tạo nội dung. Câu trả lời này cũng đặt ra cho tôi một thử thách, đó là luôn nghĩ tới giá trị mình có thể mang tới cho độc giả. Những gì tôi viết xuất phát từ bản thân tôi, nhưng nếu không mang lại giá trị cho bất kỳ ai khác, thì rõ ràng sứ mệnh của bài viết ấy không phải là để xuất hiện trên blog In Metime.
THAY LỜI KẾT.
Hành trình vừa qua đối với tôi giống như một chuyến du lịch, khởi đầu bằng háo hức, chạm tới những điều mới mẻ, đôi lúc gặp phải thử thách không ngờ tới. Phần thưởng tôi có được là trải nghiệm vô giá, những viên gạch đầu tiên của một công trình, và sự trưởng thành trong tôi.
Những tháng ngày sắp tới trên con đường sáng tạo nội dung, tôi cũng không biết chắc những điều gì đang chờ đợi mình khám phá, nhưng điều chắc chắn tôi cảm nhận được, đó là lòng biết ơn đối với những người thầy, với bạn đọc, và với chính bản thân tôi.
Cảm ơn bạn đã đọc tới những dòng cuối cùng của bài viết này. Cảm ơn bạn thật nhiều vì đã dành thời gian cho tôi và In Metime. Bạn chính là động lực để tôi viết mỗi ngày!
Và, nếu bạn cũng có niềm yêu thích viết, tôi cổ vũ bạn hãy bước qua ranh giới của vùng an toàn; dành cho bản thân một cơ hội để bắt đầu, và tận hưởng hành trình trưởng thành cùng những trang viết. Con đường ấy thú vị hơn nhiều so với những nỗi lo sợ, và tôi tin là bạn cũng sẽ cảm thấy giống như tôi vậy.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.