Cô con gái đang học lớp 5 của tôi hớn hở khoe trong một bữa cơm tối: “Hôm nay con thi Trạng nguyên tiếng Việt cấp trường, được 285 điểm đấy, xịn không?”. Chồng tôi cười: “Siêu ghê nhỉ?”. Thấy được cổ vũ, bé tiếp tục hào hứng kể chi tiết về bài thi cho bố mẹ nghe.
Nếu là vài năm trước đây, hẳn sẽ có thêm những câu hỏi khác mà thật may, hiện tại chúng tôi không còn sử dụng. Một số trong đó là:
- Các bạn lớp con điểm thế nào?
- Ai cao nhất? Ai thấp nhất?
- Bao nhiêu bạn bằng điểm con? Cao hơn con?
…
Nếu được hỏi điều gì khiến tôi thường cảm thấy cuộc sống của mình bị ảnh hưởng tiêu cực nhất từ nhỏ cho tới khi trưởng thành, đó sẽ là sự so sánh. Tôi tin không chỉ bản thân mình, mà rất nhiều người, thậm chí là hầu hết mọi người, hàng ngày hàng giờ đều sống trong nhiều phép so sánh. Những trải nghiệm thời niên thiếu và nhiều năm trong hành trình trưởng thành khiến tôi nhận ra tác động to lớn của những phép so sánh này tới tâm lý, suy nghĩ, và định hướng cuộc sống bản thân. Dần dần, tôi đã tự thay đổi nhận thức, rèn luyện, và áp dụng việc ngừng so sánh vào những mối quan hệ của mình.
Tôi nghĩ, “phản xạ” so sánh của chúng ta được hình thành bằng tầng tầng lớp lớp những trải nghiệm lớn nhỏ từ thuở ấu thơ, đến khi đi học, đi làm. Trong bài viết này, tôi chia sẻ với bạn những suy nghĩ của tôi về ba “nguồn” dẫn đến thói quen này là: gia đình, nhà trường, xã hội.
1. GIA ĐÌNH.
Có lẽ, nhiều bậc cha mẹ tin rằng sự so sánh sẽ giúp con mình noi theo tấm gương tốt; hoặc thấy sợ hãi tránh xa cái xấu, không muốn giống tấm gương xấu; hoặc sự đua tranh sẽ tạo nên động lực …
Bởi vậy những câu nói mang tính so sánh rất quen thuộc, ít nhất đối với lứa 8x như tôi:
- Tại sao bạn A, bạn B điểm cao thế, còn con dốt vậy?
- Sao con chỉ được 8 trong khi bạn cao nhất 10 điểm? Con viết cẩu thả quá nên bị trừ điểm phải không?
- Con nhà tôi vụng lắm, không như cái A nhà bác đâu, làm gì cũng khéo. Con nhà tôi chỉ ngủ suốt ngày.
- Chị D đi làm mang được tiền về cho bố mẹ rồi kia kìa, con thì sao?
Sau này khi đã làm mẹ, tôi nhận được vô số những lời so sánh về con cái:
- Nuôi con kiểu gì mà còi thế? Mẹ ăn hết của con à?
- Con nhà hàng xóm sinh cùng tháng đã biết đi rồi đấy, sao con nhà này vẫn ngồi chưa vững vậy?
- Con nhà chị X bằng tuổi con nhà mình nói tiếng Anh như gió đấy.
…
Nếu viết hết những câu so sánh, hoặc mang hàm ý so sánh chúng ta nghe mỗi ngày trong gia đình, tôi nghĩ sẽ cần nhiều trang giấy. Những lời này có thể do vô tình, do thói quen, hoặc vì ganh đua. Tất cả những điều đó in hằn vào tâm trí những đứa trẻ, những bậc cha mẹ, khiến họ luôn sống như trong một cuộc chạy đua. Trong đó xung quanh ai cũng đều giỏi giang, tốt đẹp, trừ chính các thành viên trong gia đình.
Ngôi nhà vốn là nơi “bão dừng sau cánh cửa”, nhưng đôi khi đó mới là nơi giông tố kéo mây vần vũ bởi sự so sánh liên miên không hồi kết.
Người lớn, thậm chí còn so sánh chính những đứa trẻ trong một nhà. Ví dụ như: “Chị nó giỏi hơn đấy, cậu em chậm chứ không thông minh như chị”. Tôi nghĩ nhiều người coi những câu nói như thế là bình thường, đánh giá khách quan, hoặc muốn tạo động lực đua tranh nào đó giữa những đứa trẻ. Nhưng từ trải nghiệm của mình, tôi không cảm thấy bất kỳ động lực tích cực nào từ những phép so sánh ấy.
Sau này, khi đọc những cuốn sách về tâm lý như “Hai mặt của một gia đình”, “Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ cần vỗ về”, “Vạch ranh giới”, tôi hiểu thêm rất nhiều; tuy không phải tất cả nhưng phần lớn những tổn thương tâm lý ảnh hưởng đến một người trưởng thành là từ gia đình.
Mặc dù vậy, thật khó để trách các bậc cha mẹ. Bởi cách thể hiện dù có như thế nào, cũng xuất phát từ tình yêu thương, sự lo lắng, mong mỏi của họ đối với con cái. Hơn nữa, bố mẹ chỉ có thể dạy cho con những gì mình biết. Ngày hôm nay bạn và tôi được mở mang tầm mắt, được học lên cao mới hiểu những điều này. Nhưng ngay chính những hiểu biết đó cũng nhờ có bố mẹ đã nuôi nấng, chăm sóc, trao cho ta cơ hội. Tôi nghĩ điều chúng ta có thể làm là biết ơn những điều đã nhận được, trau dồi kiến thức và tự rèn luyện mình để có thể lựa chọn cách cư xử khác đi với con cái.
Biết ơn, chấp nhận, và nỗ lực học hỏi để có thể trao cho con cái những gì mình biết, là việc làm tốt nhất để chữa lành cho chính mình, bình yên trong hiện tại; và tạo dựng một gia đình trong tương lai không còn những phép so sánh.
2. NHÀ TRƯỜNG.
Nếu ở đâu có nhiều sự so sánh nhất, dễ dàng so sánh, và cũng để lại tổn thương nhất cho những đứa trẻ ngay cả khi chúng đã lớn, thì đó nhà trường. Với điểm số hàng ngày, các kỳ thi, được coi là nơi “dạy dỗ”, thầy cô giáo có vô số cơ hội để so sánh bạn này với bạn kia. Không ít thầy cô giáo dễ dàng buông ra những câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng gây tổn thương không thể nào đong đếm được với một đứa trẻ như:
- Nhìn bạn A mà học tập kìa, vừa giỏi vừa ngoan thế mới không tốn cơm gạo của bố mẹ.
- Sao dốt thế? Nói mãi không hiểu, bạn B cô giảng là hiểu ngay.
- Học hành thế này lớn lên chỉ đi nhặt rác thôi, bạn C học giỏi thế kia mới đi làm bác sỹ, làm cô giáo được.
- ...
Có lẽ, những thầy cô giáo ấy tin rằng giáo dục bằng cách so sánh sẽ giúp một đứa trẻ cảm thấy phải cố gắng, nỗ lực, chăm chỉ để học tốt. Nhưng thực tế là mỗi lần bị so sánh với bạn nào đó, cảm giác lớn nhất của tôi là thấy… ghét bạn đó. Những “học sinh gương mẫu” đôi khi là cái gai trong mắt bạn bè bởi thầy cô giáo đã mang họ ra để hù dọa, chỉ trích, chì chiết những bạn khác.
Khi lớn lên và nhìn lại, tôi nghĩ những thầy cô giáo ấy thực sự chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với kiến thức về tâm lý lứa tuổi. Trừ những người vốn có lòng bao dung, bản năng dịu dàng, và tinh tế trong nhận biết cảm xúc trẻ em, thật khó để kỳ vọng tất cả thầy cô giáo đứng trên bục giảng đều hiểu biết sâu sắc về tâm lý để có cách ứng xử tốt hơn.
3. XÃ HỘI.
Sự so sánh trong xã hội đến từ nhiều phía. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, kênh mạng phủ sóng khắp các hướng trong cuộc sống của mỗi người, sự so sánh ngày càng mạnh mẽ hơn. Chỉ cần lướt facebook, instagram, tiktok một vòng, tôi có thể tìm thấy nhiều người thành đạt, giỏi giang, và… giàu hơn tôi.
Thực ra người ta thường đưa lên mạng xã hội chỉ một phần rất nhỏ cuộc sống thực của mình, hầu hết là những hình ảnh đẹp nhất, khoảnh khắc hạnh phúc nhất, giây phút thành công nhất, nhưng lại quên rằng tất cả những người khác cũng như vậy. Trong khi bạn đang đầu tắt mặt tối với guồng quay công việc, gia đình, con cái, thì có những người khác đang đi du lịch bốn phương. Khi bạn chỉ có lương đủ lo cuộc sống cơ bản, người khác đã có xe ô tô sang trọng, có tới mấy cái nhà. Vợ chồng bạn mỗi tuần vẫn cãi cọ vài lần, trong khi cặp đôi nào đó mỗi ngày đều tặng hoa, tặng quà, cùng nhau đi ăn nhà hàng năm sao …
Một lúc nào đó, bạn có những cảm xúc giống như tôi mô tả không? Mạng xã hội là nơi để người ta “khoe” những gì đẹp nhất, hay nhất, đặc biệt nhất, nhưng lại là nơi nhiều sự so sánh nhất. Bởi xã hội đã “dựng” lên những “khuôn mẫu” hoàn hảo về đàn ông, phụ nữ, trẻ em, gia đình, sự nghiệp… Và những facebook, instagram, tiktok đã trợ giúp đắc lực cho việc phổ biến những hình ảnh rực rỡ ấy. Điều đó khiến mỗi người chúng ta khi soi vào đều cảm thấy mình đang đứng ở vị trí quá xa cách với sự “hoàn hảo”.
Đôi khi, tôi cảm thấy sự so sánh hiện diện ở khắp mọi nơi, từ gia đình, nhà trường, tới xã hội như một loại “thuốc kích thích” khiến cuộc sống của mỗi người dễ trở nên tự ti, mệt mỏi, và nhiều ấm ức, như thể chúng ta đang trong một cuộc chạy đua không cân sức. Nhưng khi đã nhận thức được mình bị ảnh hưởng bởi những sự so sánh, giống như người đã “bắt được bệnh”, từ đó tìm ra những cách “điều trị” hữu hiệu giúp mình tìm thấy sự an yên.
Tất nhiên, đôi khi tôi vẫn vô thức đặt bản thân, con cái, cuộc sống của mình lên bàn cân, nhưng bởi nhận thức được về hành động đó, tôi có thể nhanh chóng lấy lại cân bằng. Ba bài học sinh ra từ sự so sánh nhưng lại trở thành nền tảng để tôi tạo dựng nên cuộc đời “gần như không so sánh” của mình đó là:
Thứ nhất: Người đã làm mình tổn thương bằng sự so sánh, dù vô tình hay hữu ý, ta đều không kiểm soát được. Điều duy nhất có thể làm là điều chỉnh chính mình.
Thứ hai: Hãy tìm đến những người có nguồn năng lượng tích cực, đừng dành thời gian (hoặc ít nhất là, đừng dành nhiều thời gian) bên những người hay so sánh. Sự so sánh ít khi mang lại chuyển biến tích cực, nhưng trong hầu hết các trường hợp, nó làm chúng ta trở nên tiêu cực, tự ti và mất tinh thần phấn đấu.
Thứ ba: Việc tốt nhất ta có thể làm cho gia đình, con cái, và người xung quanh, là không so sánh. Đừng gieo lại những tổn thương đã từng phải chịu lên người khác. Chúng ta sinh ra để sống, không phải để chạy đua và luôn cảm thấy mình đang bị tụt lại phía sau. Đơn giản vì con đường của mỗi người khác nhau, xuất phát điểm khác nhau, đích đến cũng khác nhau. Phép so sánh luôn không công bằng, đôi khi là tàn nhẫn với người khác và với chính mình.
Tôi hy vọng bài viết này hữu ích với bạn. Chúng ta đều không hoàn hảo. Tôi mong bạn và chính tôi, luôn có thể sống với lòng biết ơn, quên đi sự so sánh, và từng bước tiến về phía trước trên con đường của chính mình. Chúng ta cứ ngỡ mỗi ngày là một cuộc chạy đua. Thực ra, mỗi ngày – “đơn giản là một món quà”.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
* Một số bài viết cùng chủ đề: