"Sống sót" nơi công sở
Câu hỏi đầu tiên bạn cần đối mặt và trả lời là: Bạn có còn lý do để cố gắng ở đây và vượt qua những điều đó không?
Gần đây, sau khi đăng các bài viết về công việc, định hướng nghề nghiệp, và giải quyết một số vấn đề trong môi trường công sở, mình nhận được email chia sẻ của một bạn đọc kể rằng: Bạn vừa vào công ty ba tháng, nhưng cảm thấy rất… sốc về văn hóa làm việc ở đó, đặc biệt là sếp trực tiếp.
Bạn không nhận được bất cứ sự hướng dẫn hoặc hỗ trợ nào mà bạn nghĩ là cần thiết để hoàn thành công việc, nhất là ở giai đoạn đầu khi có rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, bạn cảm nhận rằng đồng nghiệp và văn hóa công sở ở đó rất “độc hại”, như bạn dùng từ “toxic” – quá nhiều soi mói, tranh đua. Vì thế, bạn không cảm thấy đó là một nơi phù hợp để phát triển sự nghiệp.
Và câu hỏi bạn hỏi mình là: “Em có nên cố gắng tìm cách vượt qua những vấn đề của môi trường làm việc này không? Nếu có, thì em phải làm gì bây giờ?”
Kinh nghiệm làm việc của mình đến hiện tại là gần 13 năm. Mình hy vọng, những gì mình đúc kết được trong hành trình “xông pha” khắp chốn đó của mình sẽ hữu ích với bạn.
1 – LÀM SAO ĐỂ BIẾT NÊN CỐ GẮNG VƯỢT QUA HAY DỪNG LẠI Ở MỘT CÔNG TY?
Nếu như bạn rơi vào một môi trường làm việc có phần không thỏa đáng, nghĩa là không được quản lý trực tiếp hỗ trợ, đồng nghiệp ganh ghét, mọi thứ rất khó chịu và ức chế, câu hỏi đầu tiên bạn cần đối mặt và trả lời là: Bạn có còn lý do để cố gắng ở đây và vượt qua những điều đó không?
Nếu công việc ở đó vẫn mang lại cho bạn giá trị quan trọng mà bạn cần, ví dụ lương cao vượt trội so với các công ty khác trong khi bạn đang ở giai đoạn cần tiền, không thể chuyển sang việc lương thấp hơn, hoặc đó là công ty đầu ngành trong lĩnh vực bạn làm, chỉ ở đó một vài năm bạn có thể học hỏi được nhiều điều quý giá làm hành trang cho giai đoạn tiếp theo mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở công ty khác, bạn nên tìm cách vượt qua các vấn đề khó khăn về môi trường làm việc ở hiện tại. Ngược lại, nếu sau khi đặt lên bàn cân, bạn thấy bạn không có quá nhiều lý do quan trọng để ở lại, hoàn toàn có thể ra đi, tìm bến đỗ mới thay vì hao tổn thời gian, tâm trí và sức lực cho một môi trường không phù hợp, thậm chí độc hại.
Vậy, làm sao để có thể đánh giá và tự trả lời câu hỏi: Bạn có còn lý do để cố gắng ở lại và vượt qua?
Mình có hai gợi ý cho bạn, đó là:
Thứ nhất, hãy quay trở lại điểm bắt đầu.
Khi lựa chọn công ty hiện tại, hẳn bạn có những lý do của mình. Vì sao trước đây bạn quyết định lựa chọn công ty này chứ không phải nơi nào khác? Vì nơi này mặt bằng lương tốt nhất, là công ty uy tín trong ngành, hay vì ở đây bạn sẽ được làm nhiều việc khó để nâng cao chuyên môn? Đây là công ty lớn khiến bạn cảm thấy ổn định, hay là công ty nhỏ đang trên đà phát triển nên chứa đựng nhiều cơ hội thăng tiến?
Chúng ta thường chỉ giữ được sự phấn khích trong một thời gian rất ngắn sau khi nhận được phần thưởng hoặc sự thay đổi. Đôi khi chúng ta rơi vào trạng thái chán ghét một thứ mình từng mơ ước, rất nhanh sau khi sở hữu nó. Ban đầu dù mong muốn có được công việc đó, nhưng sau một thời gian, khi đã quen thuộc, ta chỉ còn nhìn thấy những điều tiêu cực, quên đi những ưu điểm từng khiến mình mơ ước.
Vì thế, lời khuyên đầu tiên của mình là: Hãy quay lại điểm bắt đầu, tự hỏi mình vì sao từng chọn nơi này?
Thứ hai, bạn hãy xác định MỘT mối ưu tiên hàng đầu ở thời điểm hiện tại đối với công việc.
Đặc điểm gì là điều tiên quyết ở một công việc sẽ khiến bạn lựa chọn? Và, công việc hiện tại có còn đáp ứng được điều đó hay ko?
Để lấy ví dụ cho việc này, mình sẽ kể cho bạn chuyện của một người bạn mình. Bạn ấy cách đây vài năm đang làm việc ở một cty nhà nước, công việc khá nhàn, thời gian thoải mái. Nhưng cũng vì ít việc, đơn giản, lặp đi lặp lại nên bạn mình thấy chán, không có sự tiến bộ và lương thấp. Bạn ấy rất muốn nghỉ và tìm công việc mới.
Nhưng khi ngồi xuống, suy nghĩ kỹ về ưu tiên số một ở công việc thời điểm đó, bạn ấy thấy công việc không quá bận, thời gian thoải mái là quan trọng nhất vì vừa đi làm lại sau thời gian nghỉ sinh, con còn nhỏ, hai vợ chồng lại ko có người phụ giúp. Một công việc quen thuộc, không quá bận rộn, được về sớm chăm sóc con là điều quan trọng nhất.
Bạn ấy quyết định tạm thời chưa chuyển việc, tranh thủ học thêm, trau dồi chuyên môn và tiếng Anh và chuyển công việc mới sau đó một năm, khi tình hình gia đình đã ổn định hơn.
Tại mỗi thời điểm trong cuộc đời, chúng ta sẽ có các tiêu chí ưu tiên trong công việc khác nhau và cần xác định rõ công việc hiện tại có đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất đó không? Chỉ khi xác định được điều này, chúng ta mới có thể bớt mông lung và đưa ra được quyết định hợp lý.
2 – BÍ KÍP “SỐNG SÓT NƠI CÔNG SỞ”.
Nếu bạn chọn ở lại công ty hiện tại, dưới đây là một số bí kíp để “sống sót nơi công sở” mình đã đúc kết sau rất nhiều “kinh nghiệm xương máu”:
Thứ nhất, dù thế nào, cũng hãy cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Lời khuyên này có lẽ ngay bây giờ có thể khiến bạn thấy nản lòng, bởi vì rõ ràng là bạn đang ko được sếp hướng dẫn tạo điều kiện, ko được đồng nghiệp hỗ trợ. Nhưng dù như thế, cũng hay coi đây là điều quan trọng nhất để tập trung vào. Bởi vì kết quả công việc, luôn là tấm khiên chắn hữu hiệu nhất, nếu ko muốn nói là duy nhất để bảo vệ bạn nơi công sở. Nếu không thể xuất sắc, thì cũng hãy làm “tròn vai”. Dù lãnh đạo trực tiếp đôi lúc không công nhận thành quả của bạn, hãy yên tâm là luôn có nhiều người khác nhìn thấy nỗ lực bạn đã đặt vào công việc. Cũng chỉ có vậy, mới khiến bạn cảm thấy yên tâm, ko áy náy, thoải mái khi tan làm trở về nhà.
Thứ hai, chúng ta đều phải hiểu rằng, khi đi làm, dù là sếp hay nhân viên, hầu như mọi người đều chỉ quan tâm đến công việc của chính mình. Vì thế, sẽ là rất may mắn nếu chúng ta có được một người sếp “trong mơ”, giỏi chuyên môn, tôn trọng, thấu hiểu, đào tạo tốt. Nhưng thực tế, tỷ lệ gặp được quản lý trực tiếp như vậy rất hiếm. Bản thân mình đã tự thống kê, mình chỉ có 10% quản lý trực tiếp tốt, có ảnh hưởng tích cực đến mình, 40% ở mức trung bình, không tốt không xấu, và 50% là soi mói, khó chịu, gây áp lực vô lý.
Có lúc mình không hiểu mình gây ra tội lỗi gì mà bị đối xử như vậy. Nhưng sau này khi đã làm quản lý của hàng chục, hàng trăm người, mình mới hiểu thực ra mọi thứ không kinh khủng như mình nghĩ. Làm quản lý có nhiều áp lực khác với nhân viên. Hơn nữa, không phải ai cũng biết cách thể hiện sự hỗ trợ và tôn trọng nhân viên. Đôi khi họ muốn làm vậy, nhưng không tinh ý, nhạy cảm, hoặc thiếu kỹ năng, nên dễ làm nhân viên hiểu theo ý tiêu cực.
Điều quan trọng nhất là, sếp không có nghĩa vụ phải giúp nhân viên tốt lên. Họ nên như thế, và người sếp có năng lực và tâm huyết, họ sẽ cố gắng làm vậy, nhưng đó không phải một nghĩa vụ bắt buộc và vì thế, chúng ta không nên trông chờ vào điều đó.
Thứ ba, đừng tham gia vào những cuộc bàn luận, nói xấu sếp và đồng nghiệp ở nơi công sở.
Mình nhận thấy đây là điều thường gặp nhất ở nơi công sở. Thật lòng mà nói, trong quá khứ là mình cũng từng có giai đoạn như thế. Nhưng xin hãy tin lời khuyên “xương máu” này của mình: Đừng nói xấu ai nơi công sở, nhất là lãnh đạo. Việc này không mang lại bất cứ lợi ích nào cho bạn, chỉ tạo nên những điều tiêu cực.
Mình nhận thấy, ba hậu quả lớn nhất của thói quen tụ tập bàn tán xì xầm nói xấu nơi công sở là:
Mất thời gian. Một ngày đi làm tám tiếng là quãng thời gian rất quý giá với chúng ta. Chỉ vài cuộc nhắn tin qua lại, “buôn chuyện” nói xấu người này người kia, chúng ta sẽ nhanh chóng đánh mất 8 tiếng quý giá ấy. Thời gian trôi qua không thể lấy lại được.
Với 8 tiếng, bạn có thể tập trung làm việc, tạo ra nhiều giá trị, có thể tranh thủ học, tìm hiểu thêm để nâng cao chuyên môn, ngoại ngữ. Đôi khi, bạn có thể dành 30 phút cho mình, pha một cốc cà phê và ngồi thoải mái để thư giãn, hoặc đi lại xung quanh vận động một chút sẽ hữu ích hơn nhiều việc ngồi chỗ này chỗ kia nói xấu và bàn tán về người khác.
Những lời bạn đang nói hoặc đang nghe, chắc chắn sẽ đến tai người bị nói xấu. Và điều này thực sự chỉ có hại cho bạn, chắc chắn ko mang lại lợi ích nào. Chưa kể, những gì bạn nhìn thấy, hoặc nghe được về người đó, có thể rất phiến diện, không đúng với bản chất hành động hoặc con người họ. Trong trường hợp này, bạn đã bỏ qua cơ hội hiểu hơn về họ, và biết đâu, thấu hiểu đồng cảm với họ thay vì ngay lập tức đặt mình vào trạng thái đối nghịch với họ.
Mất tập trung vào mục tiêu chính của mình. Bạn ở công ty vì muốn rèn luyện chuyên môn, nỗ lực tìm cơ hội phát triển nghề nghiệp, kiếm tiền, hay muốn có sự ổn định để dành thời gian cho gia đình … Hãy tập trung vào điều đó, đừng quên nó. Bởi nếu bạn bị xao nhãng, bị cuốn theo những “drama” công sở, sau một thời gian, một năm, ba năm, năm năm nhìn lại, có khi bạn sẽ nhìn thấy bản thân mình không có bước phát triển nào đáng kể, tương xứng với thời gian đã qua. Chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội quý sau này với lý do gốc rễ là bởi đã quá sa đà vào guồng xoáy của môi trường công sở.
Đó là những tác hại lớn nhất của việc tham gia vào các cuộc bàn tán, nói xấu sếp và đồng nghiệp ở công sở. Kinh nghiệm xương máu của mình chỉ gói gọn trong ba từ: Hãy tránh xa!
***
Mình hy vọng những chia sẻ này của mình hữu ích với bạn. Mình rất mong chúng ta sẽ ngày càng phát triển tốt trong công việc, luôn hướng sự tập trung vào những điều giá trị cho sự nghiệp và cuộc sống của mình. Những “drama” nơi công sở, có lẽ có một số người thấy thích thú, nhưng bản thân mình thì không. Theo mình, để có một tâm trí an yên, bình thản, cùng sự tập trung tốt, chúng ta tránh càng xa nó càng tốt.
Chúc bạn một ngày nhiều niềm vui.
Tố Uyên.