LÀM TRÁI NGÀNH
Hay: Cú vấp ngã của thủ khoa viễn thông và hành trình trở thành chuyên gia quản lý dự án phần mềm (PM - Project Manager).
Tôi tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông, và làm việc tại Viettel trong 5 năm sau đó – một lộ trình lý tưởng. Nhưng sự nghiệp của tôi đi tới bước ngoặt vào năm 2017, tôi dần chuyển hướng và hiện tại đang làm một công việc khác hẳn: Chuyên gia quản lý dự án phần mềm.
Tôi không cổ vũ việc làm trái ngành, bởi chọn đúng ngành phù hợp ngay từ đầu và xây dựng sự nghiệp trên nền tảng ấy là thuận lợi nhất. Nhưng nếu công việc hiện tại có những khó khăn (như nhiều ngành nghề trong giai đoạn khủng hoảng "hậu Covid" hiện nay), thấy mình đã chọn sai và muốn bắt đầu lại, hay chỉ đơn giản là muốn tìm kiếm một thử thách khác xem có phù hợp với bản thân không, thì tôi nghĩ hoàn toàn có thể tìm kiếm và thử đi một con đường khác. Mặc dù không đơn giản, thậm chí gặp rất nhiều gian nan, nhưng không phải là không khả thi. Và bài viết dưới đây chính là hành trình như thế của riêng tôi.
1 - VÌ SAO TÔI LỰA CHỌN HỌC VIỄN THÔNG?
Câu trả lời là: Vì tôi không biết gì về bất kỳ lựa chọn nào khác.
Bố tôi làm bưu điện, từ nhỏ tôi chỉ có duy nhất tấm gương nghề nghiệp ấy. Và Học viện Bưu chính Viễn thông là cánh cửa “chuyên” nhất để học ngành này. Mặc dù chính tôi cũng không biết học viễn thông nghĩa là học những gì?
Tôi nhớ trong buổi lễ tuyên dương thủ khoa đầu vào các trường đại học năm đó, khi được phóng viên hỏi lý do chọn học một ngành vốn chủ yếu là nam giới, tôi trả lời đơn giản và hồn nhiên: “Em muốn làm đồng nghiệp của bố”. Nhưng cuộc đời không đơn giản chỉ là một ước mơ. Và sự nghiệp không thể chỉ được dẫn dắt bởi cảm xúc mơ hồ, nhất là khi cảm xúc đó phản ánh thực tế rằng tôi không có hiểu biết gì về nghề nghiệp.
2 - VÌ SAO TÔI RỜI NGÀNH ĐIỆN TỬ VIỄN THÔNG KHI ĐANG LÀM VIETTEL?
Câu trả lời là: Tôi bị rơi vào nhóm “cắt giảm nhân sự”.
Tôi không hứng thú làm viễn thông, không cảm thấy yêu mến công việc này và kết quả hoàn toàn dễ đoán. Xếp loại của tôi ở mức “cần cố gắng”. Vào đợt Công ty cắt giảm nhân sự, chị phụ trách đơn vị đã gọi điện cho tôi hỏi: “Em sẽ được chuyển về đơn vị cấp tỉnh, em muốn về đội bán hàng (sim thẻ, Internet), hay muốn về đội dây máy (kéo cáp)?”.
Tôi nhớ đó là một buổi chiều mùa đông rét mướt, mưa lạnh buốt, nhưng làm sao tê tái bằng lòng tôi khi ấy? Tôi là thủ khoa cả đầu vào và đầu ra của trường Bưu chính, và là nữ thủ khoa kép duy nhất cho tới khi ấy trong lịch sử của trường. Tôi được làm việc ở Tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam, không những thế, còn ở một trong những phòng ban cấp cao nhất về chuyên môn. Ấy vậy mà, sau 5 năm, tôi rơi vào danh sách cắt giảm. Tôi chẳng thể trách ai, bởi kết quả này là do chính bản thân mà thôi. Khi ấy, đứng trước sự lựa chọn: bán sim hay kéo cáp, tôi đã không chọn gì cả. Tôi chọn thay đổi.
Cũng buổi chiều mùa đông năm đó, khi đang bế trên tay em bé thứ hai vừa sinh được vài tháng, tôi đã tự hứa rằng: Trong vòng năm năm nữa, nhất định phải có chỗ đứng vững vàng ở một ngành nào đó. Tuyệt đối không bao giờ để trở thành đối tượng bị cắt giảm như hôm nay. Và tôi, nhất định sẽ nỗ lực để giành cho bản thân quyền được lựa chọn.
Đôi khi, để khỏi ngã thì người ta cần phải vấp. Và cú sốc bị cắt giảm ở Viettel ngày đó là một lần va vấp bầm dập nhưng cần thiết cho sự nghiệp và cả cuộc đời tôi.
3 - LÀM SAO TÔI XÁC ĐỊNH ĐƯỢC LỘ TRÌNH ĐỂ TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA QUẢN LÝ DỰ ÁN PHẦN MỀM?
Câu trả lời là: Tôi đã không biết về con đường cần phải đi mà chỉ nhìn thấy khi ngoảnh đầu nhìn lại. Tất cả những gì tôi đã làm là cố gắng tiến về phía trước, “dò đá qua sông”, chỉ vậy thôi.
Khi tôi đang ở những ngày cuối làm tại Viettel thì vô tình đọc được thông tin VNPT Technology tuyển quản lý dự án cho một chương trình phát triển thiết bị viễn thông. Tôi đã không biết rằng, đó là bước đầu tiên của cả một hành trình chuyển đổi: Từ một ứng viên được chọn vì có hiểu biết về viễn thông nhưng chưa có trải nghiệm gì về quản lý dự án chuyên nghiệp, tôi may mắn đi qua nhiều công ty lớn (VNPT, CMC, FPT, NAPAS) để trở thành chuyên gia quản lý dự án phần mềm với nhiều đội nhóm ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Hoa Kỳ.
Trên hành trình đó, tôi đã trải qua nhiều vật lộn, vấp ngã, trả giá để có được ngày hôm nay. Tôi biết ơn vô cùng những người lãnh đạo, đồng nghiệp, bạn bè đã nâng đỡ và giúp sức cho tôi. Tôi cũng biết ơn chính bản thân vì đã không từ bỏ, mặc dù nhiều lần bế tắc, mệt mỏi, hoang mang.
4 - TÔI ĐÃ HỌC ĐƯỢC NHỮNG GÌ?
Nếu được tư vấn cho chính tôi của phiên bản gần sáu năm trước, khi chập chững rời khỏi cái bệ đỡ là ngành viễn thông để đi tìm con đường khác, tôi sẽ bảo với bạn Uyên-phiên-bản-2017 ấy rằng, có ba thứ quan trọng nhất cần trau dồi để có chỗ đứng ở một ngành tôi vốn không được đào tạo chuyên sâu:
Kinh nghiệm làm việc thực tế
Không có gì tốt hơn để thuyết phục nhà tuyển dụng ngoài kinh nghiệm thực tế.
Ngày tôi phỏng vấn vào CMC Global, anh Giám đốc hỏi; “Em có biết QA – Quality Assurance là làm gì không?”. Tôi ngây ngô trả lời: “Em không biết ạ”. Khi về nhà và search Google, tôi ngay lập tức nhận ra bản thân thiếu hiểu biết căn bản đến thế nào, bởi đây là một vị trí hiển-nhiên-phải-có trong mọi dự án phần mềm.
Nhưng cũng nhờ câu trả lời ngây ngô ấy mà khi làm việc tại CMC Global và các công ty sau này, tôi chủ động nhìn rộng nhất có thể, không chỉ làm với đội nhóm của mình, mà còn cố gắng học hỏi từ những vị trí khác, xem họ làm gì, vai trò công việc của họ trong bức tranh chung, những khó khăn thường gặp của mỗi vị trí là gì, và khi là PM, tôi có thể làm gì để hỗ trợ? Bằng cách ấy, tôi tận dụng được tối đa khoảng thời gian làm việc ở mỗi công ty, cống hiến được nhiều nhất và học được nhiều nhất có thể.
Tiếng Anh
Cùng một vị trí, cùng một mức kinh nghiệm, cùng một trình độ chuyên môn, thì người có tiếng Anh tốt và người không sử dụng được tiếng Anh sẽ được trọng dụng khác nhau, và hiển nhiên mức thu nhập cũng khác nhau, thậm chí chênh lệch rất nhiều.
Khi bắt đầu làm việc tại FPT năm 2018 với một đối tác Mỹ, tôi nhận ra mặc dù có thể đọc và viết khá tốt, tôi lại không thể nào nghe và nói tiếng Anh. Cứ hôm nào họp với đối tác mà không có anh sếp ngồi cùng là tôi hoảng loạn sợ hãi. Có lần mở đầu cuộc họp online, nghe khách hàng hỏi gì đó mà tôi ngồi ngơ ra không nói gì, anh sếp nhắc: “Ông ấy hỏi em có khỏe không kìa”. tôi ngượng chín người. Một câu hỏi quá đơn giản, vậy mà tôi không nghe ra được.
Cho tới hôm nay, tôi vẫn phải rèn luyện tiếng Anh mỗi ngày, nhưng tôi cảm thấy tự hào về hành trình bản thân đã đi qua. Cũng nhờ vậy, tôi mới có thể hoàn thành được khóa MBA 100% tiếng Anh mà vài năm trước tôi vốn không dám tin là đủ điều kiện đăng ký chứ đừng nói là có thể hoàn thành.
Bằng cấp/chứng chỉ
Nhiều người nói rằng, bằng cấp, chứng chỉ là kiến thức không thực tế. Có người chẳng cần chứng chỉ gì vẫn làm tốt, và có người nhiều chứng chỉ mà vẫn làm không tới đâu. Tôi không phủ định điều này, bởi đó là sự thật, nhưng đó cũng là số ít mà thôi. Đại đa số các nhà tuyển dụng vẫn đánh giá cao những chứng chỉ quốc tế/bằng cấp uy tín, đôi khi không hẳn vì kiến thức trong đó, mà vì việc theo đuổi các chứng chỉ/bằng cấp khó là bằng chứng của một ứng viên luôn nỗ lực học hỏi và kiên trì với mục tiêu – những phẩm chất mà các công ty thường tìm kiếm.
Tôi lựa chọn làm hết sức những gì có thể, để sau đó không phải hối tiếc vì đã không cố gắng. Chí ít, quá trình học và thi cũng khiến tôi kiên trì hơn, khiến tôi thấy bản thân còn quá nhiều điều chưa biết để nỗ lực học hỏi nhiều hơn, và khiến bản CV của tôi sáng hơn một chút. Với tôi, như thế đã là quá đủ để cố gắng rồi.
THAY LỜI KẾT
Hành trình gần sáu năm qua của tôi, chưa bao giờ tôi viết lại, cũng có rất ít người biết tường tận. Cho tới hôm nay, tôi cảm thấy bản thân đã đủ tự tin và dũng cảm để nhìn về thất bại và biết trân trọng những gì đã đi qua. Tôi kể lại cũng không với ý khoe khoang bởi tôi tự biết bản thân còn phải nỗ lực cố gắng rất nhiều.
Tôi chỉ muốn nói rằng: Một sự nghiệp rất dài, một cuộc đời lại càng dài. Nếu thấy chọn sai, hãy chọn lại. Không nên để lựa chọn năm 18 tuổi định hình cho cả hành trình mấy chục năm sau. Khi chúng ta thực sự mong muốn và nỗ lực, thì mọi điều đều là có thể!
Tôi chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.