Trước hết, phải nói rằng tôi đến với sự nghiệp quản lý dự án rất tình cờ. Xuất phát điểm từ một kỹ sư viễn thông, sau năm năm, tôi có cơ hội làm quản lý một dự án phát triển và sản xuất thiết bị. Từ đó, tôi gắn với công việc quản lý dự án công nghệ; triển khai viễn thông, sản xuất phần cứng, và hiện tại là phát triển phần mềm. Trải qua nhiều công ty, nhiều vị trí, từ nhân viên đến vai trò quản lý, tôi đã học hỏi được rất nhiều nhất là làm sao để trở thành một “leader” tốt – người dẫn dắt đội nhóm thành công.
Thật ra, mỗi tổ chức, ngành nghề và mỗi người đều đặt ra những quy chuẩn khác nhau về người lãnh đạo, quản lý. Nhưng từ những trải nghiệm cá nhân của mình, tôi đã đúc kết rút ra ba điều một người leader tốt cần phải có để xây dựng được đội nhóm vững vàng. Tôi nghĩ, ba điều này cần thiết cho bất kỳ ai, bất kỳ vị trí nào, nhưng nó đặc biệt quan trọng khi ở vị trí người đứng đầu, dù là nhóm nhỏ 3-5 thành viên hay dự án lớn hàng trăm người.
Và đây là ba “chìa khóa” đó : Chính trực - Chân thành - Khiêm tốn.
1. CHÍNH TRỰC
“Chính trực”, tiếng Anh là “Integrity” - tôi rất thích từ đó. Diễn giải theo cách đơn giản nhất, một leader chính trực là người: hành động không đi ngược lại lời nói, đã nói là làm, và luôn hoàn thành những điều đã cam kết.
Nhớ lại, năm 2018, khi ấy tôi đã làm quản lý dự án được vài năm, bắt đầu chuyển sang khối IT của một công ty trong ngành Tài chính - Ngân hàng. Quản lý của tôi lúc đó có một nguyên tắc rất thú vị, đó là cứ cuối mỗi quý, anh đều dành thời gian trao đổi trực tiếp với từng nhân viên, đặt ra ba câu hỏi quan trọng nhất:
Công việc thời gian qua của em thế nào?
Em có định hướng, mong muốn gì trong thời gian tới?
Anh cần hỗ trợ em những gì để đạt được mục tiêu đó?
Điều tuyệt vời nhất ở đây không nằm trong ba câu hỏi mà ở cách anh ấy xử lý thông tin. Trước đó và sau này, tôi đã trả lời những câu hỏi tương tự với rất nhiều lãnh đạo, nhưng chưa có ai khiến tôi cảm nhận rõ sự tập trung tâm trí hoàn toàn, và thực sự tìm ra nhiều cách hỗ trợ nhân viên sau cuộc nói chuyện như người trưởng phòng khi đó. Tôi nhớ trong quý đầu tiên, tôi đã trả lời:
“Em đang làm các dự án khá nhỏ và đã quen với quy trình rồi. Em muốn tìm hiểu sâu hơn về nghiệp vụ tài chính ngân hàng và làm các dự án lớn hơn”.
Và thế là, trong suốt một năm sau đó, tôi thường xuyên được giao các dự án với quy mô và độ khó tăng dần. Trong quá trình thực hiện, tôi gặp những khó khăn vướng mắc nào cũng đều nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của người trưởng phòng ấy. Đó là một năm chứng kiến sự thay đổi, tiến bộ và trưởng thành vượt bậc của tôi. Thành công ấy ngoài nỗ lực của bản thân, công lớn thuộc về người quản lý – anh ấy đã thực hiện hơn cả sự mong đợi những điều cam kết trong các buổi trao đổi với tôi.
Sau này, trong một lần trò chuyện, anh ấy đã nói: “Em hãy tự đặt ra những nguyên tắc của mình trong công việc và luôn thực hiện nó, dù có ai để ý hay không”. Một trong những nguyên tắc của anh chính là trò chuyện cởi mở với nhân viên ba tháng một lần! Đặc biệt dù có quản lý nhiều nhân viên đến mấy, anh ấy vẫn thực hiện tất cả những lời hứa trong buổi nói chuyện đó.
Sau này, tôi bắt gặp quan điểm về tầm quan trọng của “Integrity” trong một lời khuyên của nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett: “In looking for people to hire, you look for three qualities: integrity, intelligence, and energy. And if they don't have the first, the other two will kill you.” (Tạm dịch: Khi tuyển dụng, bạn cần tìm kiếm ba điều ở ứng viên: sự chính trực, thông minh, và nhiệt huyết. Nếu họ không có điều đầu tiên, thì hai điều phía sau sẽ gây hại cho bạn).
2. CHÂN THÀNH
Một trong những điều tôi từng không thích khi đi làm đó là “môi trường công sở”. Tôi rất không thoải mái với chuyện bè phái, phe cánh, xì xầm bàn tán nói xấu. Thậm chí, tôi từng suy nghĩ cực đoan tới mức hạ quyết tâm: “Sẽ nghỉ việc nếu bị kéo vào những chuyện này”, hay “Không làm việc trong cơ quan nhà nước vì đây thường là nơi có môi trường làm việc phức tạp”, “Luôn giữ mình trung lập, không đứng về phe cánh nào”...
Sau này, khi đã làm việc ở nhiều nơi, trưởng thành hơn, tôi hiểu ra một điều quan trọng: “Môi trường công sở” ở đâu cũng có, đó là bản chất của mối quan hệ giữa con người với con người. Trong một tập thể, dù là công ty nhà nước, tư nhân, hay nước ngoài, sẽ luôn gặp những vấn đề đó dưới nhiều hình thức khác nhau. Hơn nữa, điều đó cũng là một phần của cuộc sống, đôi khi còn là điều cần thiết để vận hành công ty và khiến công việc được hoàn thành. Quan trọng là nếu không thích, tôi hoàn toàn có thể không can dự. Đó là một lựa chọn!
Dù tôi không tham gia bè phái, không tính toán thiệt hơn, không giỏi giang nhạy bén với những việc ngoài lề, tôi vẫn thoải mái nơi công sở với một tôn chỉ của riêng mình: Sự chân thành.
Có nhiều người nói rằng: “Công việc không có chỗ cho tình cảm cá nhân. Công ty là nơi kiếm tiền, không phải nơi kết bạn”. Tôi không đồng ý với quan điểm đó. Văn hóa doanh nghiệp, quy trình, công cụ, đều là phương tiện cho những trao đổi, hợp tác, và phối hợp giữa con người với nhau trong tập thể. Hơn nữa, thời gian chúng ta ở bên đồng nghiệp mỗi ngày còn nhiều hơn ở bên gia đình. Dĩ nhiên, so sánh là khập khiễng, nhưng con người đâu phải máy móc. Những người cùng tôi vò đầu bứt tai nghĩ giải pháp cho dự án khó, cùng tôi nói cười trò chuyện trong mỗi bữa cơm trưa, cùng thổi nến vỗ tay chúc mừng sinh nhật nhau, tôi làm sao có thể không coi họ là bạn?
Có lần, khi chia tay, các em trong đội dự án của tôi nói rằng: “Chúng em chưa gặp PM (quản lý dự án) nào như chị. Mọi người đều nhận thấy chị đã chia sẻ tất cả những gì chị có và chị biết cho chúng em”. Tôi ngạc nhiên, bởi chính sự ngạc nhiên của các bạn ấy.
Tôi chia sẻ với các em những kinh nghiệm làm việc hiệu quả, tiêu chí khi chọn công ty, kỹ năng phỏng vấn. Tôi giúp đỡ khi các em cần, gỡ vướng khi các em gặp khúc mắc trong dự án, động viên khi các em vấp váp, thất bại… Chẳng phải đó là điều hiển nhiên một người quản lý phải làm hay sao? Leader có đối xử thật lòng hay không, nhân viên và mọi người xung quanh đều sẽ cảm nhận được. Thật ra, không có sự tính toán, lắt léo, “ra vẻ” nào qua mắt được mọi người.
Tôi luôn tin rằng, chân thành sẽ được đáp lại bằng sự chân thành.
3. KHIÊM TỐN
Tôi từng đọc được một câu nói rất hay rằng: “Người giản dị nhất thì không phải người giản dị. Người khiêm tốn nhất thì không phải người khiêm tốn”. (Lão Tử).
Khiêm tốn, là điều cần thiết cho tất cả mọi người, lại càng cần thiết đối với người lãnh đạo. Tôi làm việc trong ngành công nghệ, một ngành phát triển và thay đổi rất nhanh. Vì thế, càng nhiều tuổi, càng chậm theo kịp những xu hướng mới so với các nhân viên trẻ, thế hệ vừa tốt nghiệp đại học. Tuy các em ít tuổi, “non” kinh nghiệm, nhưng lại là những “tấm bọt biển” dễ dàng tiếp thu và học tập mọi điều mới mẻ.
Ngược lại, dù không phải tất cả, nhiều vị lãnh đạo có xu hướng níu giữ những kiến thức đã cũ, tin vào chân lý đã được kiểm nghiệm từ lâu, và kinh nghiệm của bản thân qua nhiều năm làm việc. Điều đó không sai, và luôn là nền tảng vững vàng cho mỗi cá nhân, mỗi công ty. Nhưng nếu cứ bám mãi vào thì chỉ sau một thời gian ngắn, thứ còn lại trong tay sẽ toàn là những nguyên liệu không còn dùng được nữa.
Mặc dù nằm ở độ tuổi trung bình của người làm quản lý trong ngành công nghệ, chưa thuộc lớp gạo cội, nhưng so với nhân viên trẻ trong dự án thì tôi hơn họ tới 10 tuổi, thậm chí 12 tuổi. Trong mười mấy năm đi làm, tôi có một số kinh nghiệm nhưng có nhiều kiến thức tôi phải học hỏi từ các bạn trẻ mỗi ngày. Đó là tiếng Anh lưu loát, thiết kế tài liệu thuyết trình chuyên nghiệp, sẵn sàng học ngôn ngữ lập trình mới, sự nhanh nhạy với những xu hướng công nghệ trên thế giới và rất nhiều điều khác nữa…
Giữ mãi những niềm tin cũ kỹ, ngạo mạn về điều mình đã biết, coi thường nhân viên trẻ vì cho rằng họ thiếu kinh nghiệm, là những sai lầm “chí mạng” mà tôi luôn tự nhủ nhất định phải tránh nếu muốn trở thành người quản lý, lãnh đạo trong ngành công nghệ - một ngành luôn biến đổi không ngừng và phát triển nhanh chóng. Điều tôi biết hôm nay, có thể ngày mai đã không còn đúng nữa. Khiêm tốn, học hỏi không ngừng, và tôn trọng đồng nghiệp, là cách tôi đã và sẽ tiếp tục làm trong tương lai ở vị trí một người quản lý, người lãnh đạo.
THAY LỜI KẾT
Tôi đến với nghề quản lý dự án do cơ duyên, gặp được những người lãnh đạo tốt, những nhân viên giỏi là may mắn, nhưng để tồn tại và phát triển trong thế giới không ngừng biến đổi này, tôi luôn tin rằng mình cần “giữ” chắc những ”trục” chính thuộc về tư duy, quan điểm, tư tưởng của người làm quản lý.
Chính trực, chân thành và khiêm tốn chính là những nguyên tắc tôi tự đặt ra cho mình và sẽ không bao giờ vi phạm, dù lãnh đạo hay nhân viên của tôi có quan tâm hay không.
Chính trực, chân thành, và khiêm tốn, đó là cách tôi đã được đào tạo và tự đào tạo mình để trở thành một người quản lý, một lãnh đạo, một leader tốt.
Tôi hy vọng bài viết này có ích cho bạn, dù bạn đang là một leader, sẽ là một leader, hay đơn thuần là một người làm lãnh đạo cho chính cuộc sống của mình.
Tôi chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
* Một số bài viết cùng chủ đề: