Bạn đang làm việc cho ai?
Dù đang tự khởi nghiệp hay làm thuê, ý nghĩa quan trọng nhất của những gì chúng ta làm vẫn là: làm việc cho chính mình, cho cuộc sống và ước mơ của mình.
“Nếu không có ước mơ, bạn chỉ có thể làm thuê cho ước mơ của người khác”,
Hay còn có có một cách diễn giải khác là:
“Nếu bạn không tự xây dựng ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây dựng ước mơ của họ”.
Mình biết, câu nói này đã truyền cảm hứng và động lực cho rất nhiều bạn theo đuổi đam mê, bắt tay vào xây dựng công ty hoặc công việc kinh doanh riêng. Nhưng liệu đó có phải cách diễn giải và ứng dụng duy nhất của câu nói này? Nếu bạn chưa thể, không thể, hoặc đơn giản là cảm thấy không muốn khởi nghiệp, câu nói này có ý nghĩa với bạn không?
Nói cách khác, có đúng là nếu bạn đang làm thuê (giống như mình), đồng nghĩa với việc sức lao động của bạn chỉ đang được người khác sử dụng để xây dựng nên ước mơ của họ?
Quan điểm của mình cho câu hỏi này là: Không. Mình tin rằng, dù đang tự khởi nghiệp hay làm thuê, ý nghĩa quan trọng nhất của những gì chúng ta làm vẫn là: làm việc cho chính mình, cho cuộc sống và ước mơ của mình.
Mình sẽ chia sẻ kỹ hơn ba khía cạnh của câu trả lời đó trong bài viết này.
1. GÓP PHẦN XÂY DỰNG ƯỚC MƠ CỦA NGƯỜI KHÁC CŨNG LÀ CÁCH ĐỂ XÂY DỰNG ƯỚC MƠ CỦA CHÍNH MÌNH.
Thật khó để chúng ta có thể thực hiện ước mơ nào đó chỉ với nhiệt huyết. Nói đúng hơn, nếu chỉ có nhiệt huyết, xác suất thành công là rất thấp. Ví dụ, bạn có mong ước mở một chuỗi café của riêng mình, theo phong cách bạn thích, và thực hiện những ý tưởng độc đáo bạn hằng ấp ủ, chỉ quyết tâm thôi là chưa đủ. Thông thường, bạn cần có ba thứ quan trọng là: Tiền vốn, kinh nghiệm, và các mối quan hệ tốt.
Ba yếu tố này không chỉ đúng với người mong muốn mở quán café mà còn đúng với hầu hết các giấc mơ khởi nghiệp khác. Vì vậy, nếu chưa có những điều ấy ngay lúc này, đi làm thuê chính là cách tốt nhất, khả thi nhất để bạn tích lũy.
- Tiền vốn: Những đồng lương trong quá trình làm thuê, khi được tích lũy một cách hợp lý sẽ trở thành phần vốn quan trọng cho các kế hoạch sau này của bạn. Ngay cả khi bạn tính đến phương án vay ngân hàng để khởi nghiệp, phần vốn này vẫn là điều thiết yếu giúp bạn có cái gốc ban đầu, và giúp duy trì cuộc sống của bạn trong ít nhất sáu tháng tới một năm, khoảng thời gian để gây dựng bước đầu cho công việc kinh doanh mới.
- Kinh nghiệm: mình biết là có những bạn khởi nghiệp khi còn rất trẻ, khi chỉ mười tám đôi mươi và đã thành công, nhưng số này rất ít. Với phần đông mọi người, quá trình làm việc tại các cơ quan, công ty, đặc biệt là làm đúng ngành mà bạn mong muốn khởi nghiệp, sẽ cho bạn sự hiểu biết tường tận sâu sắc về toàn bộ các khâu của công việc mà bạn muốn tự làm chủ sau này.
- Các mối quan hệ tốt: Dù khởi nghiệp trong lĩnh vực gì, có một chân lý luôn đúng, đó là bạn càng có nhiều mối quan hệ chất lượng và chân thành, xác suất thành công của bạn càng cao. Và, rất nhiều mối quan hệ bền chặt, đáng tin cậy như thế đến từ khoảng thời gian đi làm thuê trước khi khởi nghiệp.
Khi đi làm thuê, bạn đang góp phần xây nên giấc mơ của ai đó, nhưng thực ra bạn cũng đang từng bước xây dựng ước mơ của chính mình. Đây là mối quan hệ hai chiều, không hề lãng phí như cách hiểu thông thường của câu nói: “Nếu bạn không tự xây dựng ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây dựng ước mơ của họ”.
2. TÂM THẾ TẬN DỤNG CÔNG VIỆC ĐỂ BẢN THÂN TRƯỞNG THÀNH GIÚP HẠN CHẾ ÁP LỰC & SỰ KHÓ CHỊU
Môi trường công sở luôn luôn phức tạp, dù công ty tư nhân hay cơ quan nhà nước. Đó là nơi tập hợp nhiều tính cách khác nhau, quan điểm tư duy khác biệt, nên việc xảy ra các vấn đề xích mích, khó chịu trong công việc là điều chắc chắn từng xảy ra với mỗi chúng ta.
Trong hoàn cảnh đó, nếu nghĩ rằng mình đang chăm chỉ làm việc cho công ty nhưng lại bị gây khó dễ, bị đồng nghiệp hoặc lãnh đạo đối xử không tốt… bạn sẽ rất dễ cảm thấy chán nản, bất mãn. Tuy nhiên, nếu nghĩ khác đi một chút, công ty đang tạo môi trường cho chúng ta phát triển bản thân, kỹ năng và kinh nghiệm, đồng thời đang trả tiền cho ta, có thể mọi thứ sẽ dễ chấp nhận và vượt qua hơn.
Tất nhiên, mình không có ý dù mọi thứ ở nơi bạn đang làm có tệ đến thế nào bạn cũng hãy cố gắng nhẫn nhịn tìm cách vượt qua. Không phải vậy. Điều gì cũng có giới hạn của nó. Mỗi khi cảm thấy chán nản, bất mãn ở công sở, bạn hãy luôn tự hỏi mình: Công việc ở đây còn mang lại cho mình giá trị nào không? Giá trị đó xứng đáng với những nỗ lực của mình không? Nếu có, cố gắng ở lại và tìm cách thích nghi để tận dụng cơ hội, tiếp tục tiến lên trong nấc thang phát triển bản thân. Ngược lại, nếu câu trả lời là không, hãy dứt khoát tìm cho mình một bến đỗ mới phù hợp hơn.
Không phải sự ban phát, công ty trả tiền vì chúng ta mang lại giá trị. Ngược lại, ta làm việc không phải chỉ cống hiến cho công ty để đổi lấy tiền, còn đang sử dụng nguồn lực của công ty để phát triển bản thân. Làm việc vì sự phát triển của công ty, cũng là cách giúp bạn tiến gần đến những giấc mơ của mình.
3. CÔNG VIỆC LÀ NƠI XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN.
Trước đây, mình không quan tâm và gần như không biết đến khái niệm thương hiệu cá nhân. Đôi lần nghe thấy, mình nghĩ chỉ có các doanh nghiệp hoặc người nổi tiếng mới cần đến thương hiệu. Cho đến khi học về Marketing trong chương trình MBA, mình mới được học về điều đó một cách bài bản.
Khi ấy, cô giáo mình - một giáo sư ở Mỹ đã dành mình khoảng 1/3 thời lượng môn học để giảng và trao đổi với chúng mình về thương hiệu cá nhân. Cô muốn chúng mình hiểu rằng, mọi thứ mỗi người làm và thể hiện ra ngoài, dù trong công việc, đời sống, đặc biệt trên các trang mạng xã hội đều góp phần xây dựng nên thương hiệu cá nhân. Và, điều đó cực kỳ quan trọng.
Với một người trước đó chưa từng đưa từ “thương hiệu cá nhân” vào danh sách các vấn đề đáng quan tâm như mình, quan điểm thật mới lạ. Bài giảng của cô đã khơi nguồn cảm hứng, sau đó mình tìm đọc rất nhiều sách và tài liệu để rồi nhận ra, trước đây mình thật quá… khờ khạo. Rằng, không chỉ các doanh nghiệp hay người nổi tiếng có thương hiệu, mà mình, một người bình thường, cũng có thương hiệu cá nhân và mình cần chú ý quan tâm, xây dựng, giữ gìn nó.
Nếu bạn từng trải qua và làm tốt ở một công ty có tiếng, đó là một điểm cộng cho thương hiệu cá nhân. Nếu bạn từng tham gia giải quyết một dự án khó với tinh thần nhiệt huyết và sự chăm chỉ, lại một điểm cộng cho thương hiệu cá nhân. Bạn từng có kinh nghiệm khởi nghiệp, dù thất bại hay thành công, thì lần khởi nghiệp đó cũng đã tạo nên thương hiệu cá nhân của bạn.
Thương hiệu cá nhân này được tích lũy rất lâu rất lâu, nó sẽ đi theo bạn suốt sự nghiệp, thậm chí suốt đời. Mình phát hiện ra, bằng một cách nào đó, dù mình làm việc ở đâu, cũng có những đồng nghiệp mới quen với ai đó là người quen của mình, có thể là bạn mình, đồng nghiệp cũ, hoặc sếp cũ. Nghĩa là mọi điều về thương hiệu cá nhân của mình sẽ luôn ở đó, và rất dễ để mọi người biết về bạn.
Hiểu được điều này, mình cảm thấy mỗi công việc là một cơ hội để mình tiếp tục xây dựng thương hiệu cá nhân. Nó khiến mình kiên trì theo đuổi mục tiêu, kiên định với những nét tính cách hoặc cách làm việc mà mình muốn theo đuổi. Nó cũng giúp mình dễ đưa ra lựa chọn trước những ngã ba đường trong công việc. Đó không chỉ là một lựa chọn tức thời tại một thời điểm, mà còn ảnh hưởng tới thương hiệu cá nhân sẽ theo mình suốt đời.
Bạn thân mến,
Đôi khi mình thấy trong một số sách báo và các bài đăng trên mạng xã hội thường có quan điểm “làm thuê” là điều gì đó có phần bó buộc, thậm chí thấp kém, không ai lại có ước mơ làm thuê, phải khởi nghiệp, làm chủ, hoặc trở thành nhà đầu tư mới xứng đáng.
Mình không nghĩ vậy. Làm thuê cũng là một lựa chọn tốt, và nếu chúng ta thấy ổn, tìm kiếm được những cơ hội công việc phù hợp với mình, đồng thời liên tục học hỏi để trở nên có giá hơn trên thị trường lao động, bạn vẫn đang sống cuộc đời có ý nghĩa, và từng bước xây dựng ước mơ cho mình.
Nếu bạn là một người đang làm quản lý dự án hoặc ấp ủ mong muốn chuyển sang công việc này, có thể chương trình mini course của mình sẽ hữu ích cho bạn. Chương trình mang tên: Road to PM, nơi mình đúc kết tất cả kinh nghiệm trong suốt bảy năm “làm thuê” ở vị trí này, để tăng thu nhập gấp 7 lần và có chỗ đứng vững chắc. Mức học phí rất thấp so với giá trị, và sẽ chỉ có hiệu lực cho tới 6/3. (Cập nhật: chương trình này mình chỉ thực hiện một lần duy nhất mỗi năm, và đã kết thúc tuyển sinh cho 2024).
Mình hy vọng những chia sẻ và đúc kết của mình đã mang mình cho bạn thêm một góc nhìn về chủ đề này. Cảm ơn bạn, chúc bạn một ngày bình yên!
Tố Uyên.