LÀM SAO ĐỂ LỰA CHỌN CHƯƠNG TRÌNH MBA PHÙ HỢP Ở VIỆT NAM?
Ở Việt Nam, có những hình thức đào tạo MBA nào? Yêu cầu đầu vào, chương trình, thời gian học và chi phí ra sao?
Năm 2019, khi bắt đầu có ý định học MBA, tôi lên mạng tìm kiếm nhưng có rất ít nguồn thông tin của những người đã học chia sẻ, hầu hết là các bài giới thiệu, so sánh, quảng cáo của chính các chương trình này. Câu hỏi đầu tiên tôi quan tâm lúc ấy là: Ở Việt Nam, có những hình thức đào tạo MBA nào? Yêu cầu đầu vào, chương trình, thời gian học và chi phí ra sao?
Sau khi tự tìm kiếm và lựa lọc, tôi chọn ra những cái tên nổi bật nhất, liên hệ trực tiếp để có thông tin chi tiết. Quá trình ấy tốn rất nhiều thời gian, và phải rất lâu tôi mới có cho mình cái nhìn toàn diện về các lựa chọn. Trong bài viết này, tôi viết lại những gì mình đã tìm hiểu, đánh giá mặt mạnh mặt yếu của từng chương trình. Hy vọng giúp được phần nào cho các bạn đang có kế hoạch học MBA tại Việt Nam trong thời gian tới. Thời gian học của tôi vào năm 2020 và tốt nghiệp MBA năm 2022; có thể những gì tôi biết đến nay có thay đổi nhưng tôi tin những đặc điểm cơ bản nhất thì vẫn giữ nguyên như vậy.
CÁC HÌNH THỨC ĐÀO TẠO MBA TẠI VIỆT NAM
Tại Việt Nam, chủ yếu có ba hình thức đào tạo MBA: Chương trình của đại học trong nước, chương trình liên kết, và chương trình nước ngoài.
1. Chương trình của đại học trong nước
Đây là chương trình Thạc sỹ Quản trị kinh doanh do các trường đại học trong nước tổ chức giảng dạy. Có thể kể đến những cái tên lớn như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế quốc dân…
- Ngôn ngữ: 100% giảng dạy bằng tiếng Việt, có thể có sử dụng tài liệu tiếng Anh.
- Giảng viên: Thầy cô đang dạy tại trường Đại học và các viện nghiên cứu trực thuộc.
- Chương trình: Thường khá nặng về lý thuyết, ít liên hệ thực tế, hầu hết đã “fix cứng” các môn học thay vì cho sinh viên có thêm nhiều lựa chọn.
- Học phí: Trong khoảng từ 30 triệu tới dưới 100 triệu cho hai năm.
- Điều kiện đầu vào: Không yêu cầu nhiều kinh nghiệm làm việc; tiếng Anh khoảng 600 điểm Toeic là đủ. Tuy vậy, học viên phải tham gia học bổ sung một số môn nếu không tốt nghiệp từ khối ngành kinh tế.
- Đơn vị cấp bằng: Trường đại học chủ quản.
- Thời gian học: Thường cố định 3 - 4 buổi tối các ngày trong tuần và học hai ngày cuối tuần trong suốt hai năm.
Ưu điểm lớn nhất của hình thức đào tạo này là: chi phí không cao, học bằng tiếng Việt nên học viên không gặp trở ngại về giao tiếp. Thêm vào đó, cách giảng dạy, kiểm tra và đánh giá khá tương đồng với cách học ở phổ thông và đại học, giúp học viên không gặp nhiều khó khăn để làm quen.
Nhược điểm lớn nhất là: ít kiến thức thực tế, chưa cập nhật xu hướng mới trên thế giới, và bằng cấp không được đánh giá quá cao trên thị trường lao động (ngoại trừ trong các cơ quan, đơn vị nhà nước).
Một nhánh của loại hình này là các chương trình MBA nội địa “cao cấp”, tức là có sự đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy, và sử dụng nhiều tiếng Anh hơn. Một cái tên nổi bật trong số này là chương trình do FSB – một đơn vị trực thuộc Đại học FPT tổ chức. Với mức học phí khoảng 98 triệu (thời điểm 2019 - 2020), học viên được trải nghiệm học tập với nhiều kiến thức đến từ thực tế của các lãnh đạo Tập đoàn FPT, hình thức giảng dạy cũng đổi mới khác biệt nhiều so với các chương trình thạc sỹ truyền thống. Một số bạn tôi theo học chương trình này và phản hồi rất tốt.
2. Chương trình liên kết
Đây là hình thức được lựa chọn nhiều nhất trong những năm gần đây do có nhiều đặc điểm khác biệt so với chương trình đào tạo thạc sỹ truyền thống; ra đời từ sự hợp tác của một trường đại học trong nước với một trường hoặc một tổ chức đào tạo ở nước ngoài.
- Ngôn ngữ: Sử dụng tiếng Anh và tiếng Việt, tỷ lệ tiếng Anh khoảng 70 - 100% tùy từng chương trình.
- Giảng viên: Bao gồm cả giảng viên nước ngoài và giảng viên Việt Nam.
- Chương trình: Khá hiện đại, bên cạnh kiến thức “hàn lâm” có một số nghiên cứu từ thực tế, cập nhật những xu hướng mới trên thế giới. Một số trường cho phép sinh viên được tự chọn một số môn (theo ý kiến của cả lớp hoặc cả khóa).
- Học phí: Trong khoảng từ 150 triệu tới 400 triệu.
- Điều kiện đầu vào: Thường yêu cầu học viên không tốt nghiệp ngành kinh tế học chuyển đổi, ít yêu cầu về kinh nghiệm quản lý, tiếng Anh thường ở mức Toeic 600, Ielts 5.5.
- Đơn vị cấp bằng: Trường đại học trong nước và nước ngoài cùng cấp bằng.
- Thời gian học: Thường cố định vào các buổi tối trong tuần và ngày cuối tuần trong suốt thời gian học.
Ưu điểm: Học viên được tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến từ các trường đại học có uy tín trên thế giới, giảng viên chất lượng với mức học phí không quá cao.
Nhược điểm: Chất lượng đào tạo và trải nghiệm trong suốt quá trình học có rất nhiều khác biệt giữa các chương trình; chủ yếu phụ thuộc vào uy tín và mức độ thực hiện đúng theo cam kết của của chương trình. Vì thế đòi hỏi học viên cần tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định lựa chọn. Các yếu tố này có được giữ như cam kết trong suốt quá trình học hay không? Chất lượng giảng viên từ nước ngoài được lựa chọn theo tiêu chuẩn nào? Uy tín của trường đại học liên kết được xếp thứ hạng thế nào trên thế giới?
Một điểm rất hay của một số chương trình liên kết là học viên có thể lựa chọn sang trường liên kết nước ngoài học một thời gian ngắn; có thể một vài tuần, hoặc một vài kỳ. Đây là trải nghiệm thú vị và bổ ích mà nhiều học viên lựa chọn.
Hai cái tên nổi bật nhất trong hình thức này:
- MBA CFVG: Liên kết giữa Viện đào tạo Việt Pháp (có nhiều đối tác là các trường đại học ở Pháp và Đức) với Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Học phí khoảng 280 triệu, yêu cầu học chuyển đổi với học viên không tốt nghiệp khối kinh tế, tiếng Anh Toeic 600 hoặc Ielts 5.5.
- MBA Latrobe: Liên kết giữa Đại học LaTrobe (Úc) với Đại học Hà Nội. Học phí khoảng 360 triệu, không yêu cầu học chuyển đổi, tiếng Anh Ielts 6.5 (không kỹ năng nào dưới 6.0).
3. Chương trình của đại học nước ngoài
Đây là chương trình MBA do trường đại học nước ngoài tổ chức và giảng dạy, 100% tiếng Anh. Đây là hình thức đào tạo được đánh giá có chất lượng cao, uy tín, nhiều kiến thức thực tế được cập nhật nhất tại Việt Nam hiện nay.
- Ngôn ngữ: Sử dụng 100% tiếng Anh.
- Giảng viên: Toàn bộ giảng viên nước ngoài.
- Chương trình: Hiện đại, thực tế, cập nhật những xu hướng mới nhất trên thế giới. Hầu hết đều cho phép sinh viên tự chọn một số môn.
- Học phí: Trong khoảng từ 450 triệu đến 650 triệu.
- Điều kiện đầu vào: Thường không yêu cầu học viên không tốt nghiệp ngành kinh tế học chuyển đổi. Tùy từng chương trình sẽ có yêu cầu về kinh nghiệm quản lý; tiếng Anh yêu cầu mức IELTS 6.5- 7.0, không chấp nhận bằng Toeic.
- Đơn vị cấp bằng: Do trường đại học nước ngoài cấp, có hình thức và giá trị giống như học tại trường nước ngoài.
- Thời gian học: Khá linh hoạt, thường tập trung học trong khoảng 10 - 12 ngày/tháng cho mỗi môn, vào buổi tối và ngày cuối tuần.
Hình thức đào tạo này có rất nhiều ưu điểm vượt trội về chất lượng giảng viên, chương trình, và mạng lưới cựu học viên. Học viên được lựa chọn sang trường ở nước ngoài học một phần. Nhược điểm duy nhất là học phí khá cao so với các hình thức khác.
Hai cái tên nổi bật nhất ở hình thức này là Đại học RMIT (Úc) và Đại học Hawaii (Hoa Kỳ).
- Đại học RMIT: Học phí khoảng $22.000, tương đương 530 triệu (thời điểm 2019 - 2020, hiện nay học phí đã tăng thêm khoảng 15%). Không yêu cầu kinh nghiệm quản lý. IELTS 6.5 (không kỹ năng nào dưới 6.0). Cộng đồng học viên nhiều bạn trẻ dưới 30 tuổi.
- Đại học Hawaii: Từ năm 2021 trở về trước, học phí là hơn $23.000, tương đương 550 triệu (theo tôi biết trường sẽ tăng học phí từ năm 2023). Yêu cầu kinh nghiệm quản lý trên 5 năm. IELTS 7.0, nếu trên 5.5 nhưng dưới 7.0 phải tham gia hai khóa đào tạo tiếng Anh bổ sung của trường, học phí $1.100. Cộng đồng học viên phổ biến trên dưới 40 tuổi, đã có vị trí, kinh nghiệm lâu năm.
Trên đây là những thông tin tôi có được trong quá trình tìm hiểu về các chương trình đào tạo MBA tại Việt Nam ba năm trước; nhằm giúp bạn có cái nhìn tổng thể về việc này. Hiện nay, nhìn chung mô hình không thay đổi, tuy mỗi hình thức đều có những chương trình mới được bổ sung, cập nhật, điều chỉnh. Vì vậy, nếu bạn định theo học, tôi khuyên bạn nên liên hệ trực tiếp tới bộ phận tuyển sinh của các chương trình để có thông tin mới nhất.
LỰA CHỌN CHƯƠNG TRÌNH MBA THẾ NÀO CHO PHÙ HỢP?
Học Thạc sỹ, dù MBA hay bất kỳ ngành nào, cũng là một hành trình khá dài, thường trong hai năm. Đối tượng tham gia hầu hết là những người đã có công việc full time, nhiều người đã có gia đình, vì thế để lựa chọn chương trình phù hợp cần dựa vào rất nhiều yếu tố.
Tôi cho rằng bạn cần xác định câu trả lời cho các vấn đề sau đây trước khi quyết định:
- Mục tiêu: Bạn làm việc trong cơ quan nhà nước và muốn có bằng để thuận lợi thăng tiến? Bạn vừa tốt nghiệp đại học muốn bổ sung kiến thức, bạn đã làm quản lý hoặc có công ty riêng và muốn học để điều hành tốt hơn? Xác định rõ điều mình muốn đạt được khi học MBA là yếu tố quan trọng nhất giúp rút gọn danh sách các lựa chọn vốn rất phong phú, khác biệt về nhiều khía cạnh và đôi khi khó so sánh.
- Địa điểm: Đây là điều quan trọng hàng đầu để có thể duy trì việc học trong thời gian dài. Ban đầu, đôi khi chúng ta bỏ qua yếu tố này, tập trung vào các vấn đề như chất lượng, giảng viên, chi phí. Nhưng địa điểm học nếu quá xa sẽ gây cản trở lớn khiến người học khó theo đuổi chương trình, nhanh chóng gây ra sự mệt mỏi, quá tải, chán nản. Công việc và gia đình đã rất bận, bạn cần tiết kiệm năng lượng còn lại cho việc học, thay vì di chuyển trên đường vào giờ cao điểm. Hãy ưu tiên học ở gần nhà hoặc gần công ty, đây là lời khuyên số một của tôi dành cho bạn nếu bạn đang muốn học cao hơn trong khi vẫn có công việc full time và đã có gia đình.
- Chương trình học: Bạn ưu tiên học về kiến thức nền tảng, hay kinh nghiệm thực tế? Bạn muốn có cơ hội học 100% tiếng Anh hay muốn có trợ giảng/giảng viên tiếng Việt? Bạn có nhu cầu đi học ở nước ngoài trong một thời gian không?
- Chi phí: Mỗi người có điều kiện tài chính, khả năng chi trả và mục tiêu đi học khác nhau nên chi phí là vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Với tôi, MBA mang lại rất nhiều điều chứ không chỉ là kiến thức hay tấm bằng. Vì vậy, thực sự bạn nên coi đây là một khoản đầu tư, thay vì chỉ nhìn nó là một chi phí. Khoản đầu tư này nếu được tận dụng tốt, có thể thay đổi cả sự nghiệp của một người.
- Mạng lưới học viên: Chất lượng của những học viên cũ của chương trình là điều nên cân nhắc khi lựa chọn chương trình học. Những chương trình có mạng lưới học viên tốt, phát triển mạnh và độ gắn kết cao, nhiều hoạt động bổ ích, giúp bạn quen biết được những người tài giỏi và học hỏi được nhiều điều.
NHỮNG BÀI HỌC LỚN NHẤT TÔI CÓ ĐƯỢC KHI HỌC MBA
Chương trình tôi theo học là khóa MBA của Đại học Hawaii (Hoa Kỳ), có cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Gần hai năm theo đuổi tấm bằng thạc sỹ là hai năm tôi trải qua rất nhiều vất vả, khó khăn, thậm chí mệt mỏi, nhưng cũng là khoảng thời gian quý giá giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều.
Nếu được chọn ba bài học quan trọng nhất tôi có được khi học MBA, thì đó sẽ là:
1. Khi ở trong hoàn cảnh bắt buộc, tôi có khả năng thích ứng, và sử dụng thời gian hiệu quả hơn tôi nghĩ rất nhiều.
2. Không chỉ học từ thầy cô và sách vở, tôi đã học được những điều thú vị nhất từ chính những người bạn cùng lớp.
3. Sự học là hành trình cả cuộc đời, học thêm một điều sẽ mở ra mười điều khác cần tìm hiểu. Bạn hãy hào hứng, chăm chỉ, nhưng đừng quá hoang mang khi thấy còn quá nhiều thứ mình chưa biết.
Hành trình theo đuổi tấm bằng thạc sỹ MBA của Đại học Hawaii, bắt đầu từ tháng 10/2020, khép lại vào tháng 8/2022 đã đem tới cho tôi những tháng ngày đáng nhớ trong cuộc đời mình; giúp tôi thực hiện được một phần mơ ước từ những năm tháng còn là học sinh là được đi du học.
Tôi hy vọng, bài viết này sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian cho việc tìm kiếm thông tin, dồn sức ôn tập chuẩn bị cho những kỳ thi tuyển, và chuẩn bị tài chính cho hành trình sắp tới.
Tôi chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên
* Một số bài viết cùng chủ đề: