Một trong những câu hỏi tôi hay gặp ở các bạn nhân viên của mình là: “Em mông lung quá, không biết phát triển nghề nghiệp như thế nào. Làm sao để em tìm thấy định hướng?”.
Tôi thấu hiểu băn khoăn này, bởi chính tôi đã nhiều lần loay hoay với hai từ “định hướng”. Tôi từng cảm thấy bế tắc không có phương án nào đủ tốt để tiến tới; có khi tôi ngụp lặn giữa nhiều lựa chọn mà không biết đâu là tốt nhất; lại có lần tôi hối tiếc bởi nhận ra mình đã lệch hướng, không biết nên tiếp tục hay dừng lại và chọn cho mình một con đường khác?
Chăm chỉ, bền bỉ, nhanh nhạy là những đức tính cần có để xây dựng sự nghiệp vững chắc. Nhưng nếu thiếu định hướng, những công sức này sẽ khó mang lại hiệu quả như mong muốn; gây lãng phí thời gian, sức lực, và cảm hứng phấn đấu. Thậm chí, không nhìn thấy thành quả trong khi đã bỏ ra nhiều nỗ lực và hy vọng có thể khiến chúng ta mất tự tin, từ đó không dám dấn thân.
Nếu bạn đang lạc lõng trên con đường sự nghiệp, rối bời bởi không biết chọn hướng nào, hoặc băn khoăn con đường mình đã chọn có xứng đáng để tiếp tục không, thì đây là bài viết dành cho bạn. Tôi không thể đem lại cho bạn đáp án, bạn mới là người duy nhất làm được điều đó. Nhưng tôi chia sẻ những trải nghiệm và đúc kết của mình, với hy vọng bạn tìm ra cách thức phù hợp để có thể xác định rõ hơn định hướng cho sự nghiệp.
Ba nguồn thông tin hữu ích có thể giúp bạn:
1- NHỮNG CUỐN SÁCH HAY.
Sách luôn là nguồn thông tin đầu tiên tôi tìm đến bất cứ khi nào có vấn đề cần tìm hiểu trong cuộc sống. Sau rất nhiều năm, tôi nhận ra ba điều ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình nhờ đọc sách:
Thứ nhất, chăm chỉ đọc sách mỗi ngày, rồi sẽ tới lúc tôi tìm đến được thông tin phù hợp nhất hướng dẫn mình trong sự nghiệp. Nghĩa là, bạn không nên kỳ vọng ngay lập tức sẽ tìm được cuốn sách nào đó trả lời chính xác câu hỏi bạn đang có về nghề nghiệp. Nhưng nếu biến việc đọc sách thành thói quen, sẽ tới một thời điểm, các thông tin bạn có từ sách sẽ tự kết nối với nhau và kết nối với những sự kiện trong cuộc sống của bạn, chỉ cho bạn thấy lựa chọn mới.
Ví dụ, nhờ đọc những cuốn sách về quản lý dự án, tôi tìm thấy trích dẫn từ “Havards Business Review”. Bộ sách vô cùng nổi tiếng này chứa đựng những kinh nghiệm, chỉ dẫn, bài học sâu sắc cho bất kỳ người quản lý nào muốn phát triển sự nghiệp của mình lên những nấc thang cao hơn.
Thứ hai, việc đọc sách có thể không trực tiếp tạo ra ảnh hưởng tới lựa chọn nghề nghiệp của bạn, nhưng nó giữ tâm trí bạn ở trong trạng thái “động”, nghĩa là luôn sẵn sàng thu nhận kiến thức mới, học hỏi về cuộc sống. Điều này giúp bạn tránh xa bế tắc, tiêu cực, bớt đắm chìm trong mạng xã hội và các kênh giải trí trên Internet. “Sự tỉnh táo” này vô cùng quan trọng để bạn nhận ra những cơ hội hoặc lựa chọn nghề nghiệp khi nó xuất hiện.
Khi tìm hiểu về cách làm blog, tôi tình cờ biết tới cuốn “Con đường trở thành freelance writer” của tác giả Linh Phan. Tất nhiên, tôi không có ý định thực sự trở thành một “người viết tự do” toàn thời gian như đối tượng tác giả hướng tới, nhưng cuốn sách mang tới cho tôi rất nhiều hiểu biết về công việc của những người viết chuyên nghiệp, viết để kiếm sống và xây dựng tương lai. Những gợi ý, hướng dẫn trong cuốn sách giúp tôi nhận ra, việc tạo một blog để bắt đầu sự nghiệp viết là hoàn toàn có thể. Tôi không biết, liệu viết có thực sự thành một nghề trong tương lai của mình không, nhưng tôi rất biết ơn thói quen đọc sách đã dẫn tôi đến những nguồn thông tin bổ ích, thực tế, và truyền cảm hứng tới vậy.
Thứ ba, đọc sách giúp bạn hiểu những vấn đề mình gặp phải cũng thường xảy ra đối với nhiều người; và khiến bạn tin, mọi khó khăn đều có giải pháp, mọi vướng mắc đều đã có ai đó viết ra thành bài học.
Tôi đã từng mắc kẹt trong một thời gian dài với công việc cách nhà 2 tiếng đồng hồ đi và về mỗi ngày. Tôi mệt mỏi, nhưng sợ phải thay đổi. Tôi nghĩ mình là người không kiên trì, yếu ớt, thiếu chính kiến nếu từ bỏ một công việc chỉ bởi mất nhiều thời gian di chuyển, trong khi đó là việc làm mơ ước của nhiều người… Cho tới khi đọc cuốn sách “Tuần làm việc 4 giờ” của tác giả Timothy Ferriss; tôi rất ngạc nhiên khi tác giả dành thời lượng lớn của sách để nói về vấn đề mất cân bằng trong công việc và cuộc sống, những khoảng thời gian tiêu phí không cần thiết như việc di chuyển, và cảm giác “mình không đủ tốt” khi mong muốn công việc ít vất vả hơn – thật giống những gì tôi đang trải qua!
Tôi được “khai sáng” về cách tính giá trị cho mỗi giờ làm việc, bao gồm cả thời gian di chuyển hoặc xử lý việc phát sinh tại nhà. Giá trị này mới quyết định hiệu quả kinh tế công việc tôi đang làm. Sau đó, tôi đã có dũng khí để từ bỏ công việc đó, tìm kiếm một công ty khác cách nhà tôi chưa đầy 10 phút đi xe. Bằng cách tiết kiệm gần hai giờ mỗi ngày cùng với rất nhiều mệt mỏi, tôi trở nên khỏe khoắn hơn; dành được nhiều thời gian hơn cho gia đình; và tất nhiên, là cảm giác hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
Gợi ý của tôi về một số cuốn sách liên quan đến định hướng trong cuộc sống và công việc: Tuần làm việc 4 giờ (Timothy Ferriss), Kỹ năng đi trước đam mê (Cal Newport), Người trong muôn nghề (bộ sách - nhóm Spiderum).
2 - NHỮNG NGƯỜI NHIỀU TRẢI NGHIỆM.
Tìm hiểu con đường người khác đã đi qua, học hỏi từ thành công và thất bại của họ, chắt lọc những kinh nghiệm để áp dụng vào sự nghiệp của mình, đó là một cách làm tiết kiệm nhiều thời gian và công sức nhưng tiếc rằng nhiều người lại bỏ qua.
Thỉnh thoảng tôi hay gặp câu hỏi đăng lên các hội nhóm của những người làm quản lý dự án trên mạng xã hội: “Em đang làm nhân viên kiểm thử ở công ty A, nhưng có mong muốn trở thành PM (project manager), em phải bắt đầu từ đâu?”. Một câu hỏi quá rộng, thật khó để ai đó trên Internet hiểu về bạn để có thể đưa ra câu trả lời hữu ích. Nhưng sẽ khác hẳn, nếu bạn mang câu hỏi đó cho chính những đồng nghiệp xung quanh đã và đang làm quản lý dự án, đặc biệt những PM có kinh nghiệm và thành công nhất định ở ngay chính công ty của bạn. Họ là những người hiểu về thế mạnh và tính cách của bạn, hiểu môi trường làm việc ở công ty, có thể đưa ra gợi ý, lời khuyên, thậm chí mang lại cơ hội để bạn thử nghiệm làm công việc của một quản lý dự án.
Tôi thường khuyên các bạn trẻ trong đội nhóm của mình: câu trả lời cho những băn khoăn thắc mắc của chúng ta thường ở rất gần. Hãy tìm kiếm người sẵn lòng trao đổi, đặt câu hỏi, và học từ trải nghiệm của những người xung quanh. Sẽ không có câu trả lời ngắn gọn nào về định hướng sự nghiệp, bạn chỉ có thể tự chọn ra con đường cho mình khi đã thu lượm được rất nhiều thông tin. Và những thông tin bạn cần, đều có thể tìm thấy ở một số “chuyên gia” xung quanh bạn.
Gửi bạn một bài viết mình từng đăng trên blog, nói về những gì mình học được từ ba "chuyên gia" mà mình hâm mộ. Mình đã thực sự được truyền cảm hứng từ họ: Hành trình của tôi và 3 người phụ nữ truyền cảm hứng
3 - CHÍNH BẢN THÂN MÌNH.
Đây là “nguồn dữ liệu” quan trọng nhất khi một người cân nhắc về định hướng nghề nghiệp. Người ta thường đặt ra những câu hỏi rất “vĩ mô” như:
- Trong 10 năm tới nghề nghiệp nào phát triển nhất?
- Những công việc nào thường được trả lương cao nhất?
- Công ty có môi trường làm việc tốt nhất?
…
Nhưng một câu hỏi gần gũi hơn, quan trọng hơn, lại có phần khó trả lời hơn là: “Bạn thực sự thấy vui khi làm công việc gì?”. Tác giả Timothy Ferriss đã viết: “Nếu bạn không thích những gì bạn làm trong những năm khỏe mạnh nhất của cuộc đời thì những năm tháng đó của bạn hoàn toàn vô nghĩa – không gì có thể bù đắp cho sự hy sinh này”.
Theo kinh nghiệm của tôi, bạn có thể tự hỏi ba câu hỏi sau đây để tìm thấy những hướng đi nghề nghiệp phù hợp với sở thích, tính cách, và mong muốn của mình:
- Mình từng có sở thích/đam mê/mơ ước với công việc gì?
- Mình đã thích nghề nào nhưng từng bị bố mẹ, thầy cô, dư luận phản đối?
- Ai là tấm gương thành công mình ao ước hướng tới (kể cả họ làm công việc khác với việc mình đang làm)?
Tất nhiên, có những thời điểm trong cuộc đời, chúng ta buộc phải làm công việc mình không thích, thậm chí chán ghét, để duy trì cuộc sống. Nhưng hãy chỉ chấp nhận điều đó trong ngắn hạn, đừng tự động viên mình cố gắng đến suốt đời với việc đó để có thể tồn tại. Đôi khi, chúng ta cũng cần tìm kiếm những khía cạnh khác nhau trong một công việc để có được lý do yêu thích mỗi ngày đi làm. Thật ra ai cũng cần duy trì việc làm để có thời gian thử nghiệm biết mình thực sự đam mê điều gì, cho tới khi công việc mới giúp ta lo được cho cuộc sống. Đôi khi, ta chọn sai, và phải trả giá cho sai lầm đó. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, tìm về những đam mê tuổi thơ; mong muốn thời thanh xuân; hoặc sở thích từng bị chôn vùi vì định kiến của xã hội, ép buộc từ gia đình, hoặc thất bại trong quá khứ; sẽ giúp bạn một lần nữa có niềm tin vào bản thân mình.
Chỉ cần đảm bảo mình có đủ tích lũy trong thời gian thử nghiệm, sẵn sàng “phương án dự phòng” trong trường hợp thất bại; và, có người hỗ trợ, động viên, chia sẻ trên con đường dấn thân, bạn nhất định sẽ tìm thấy con đường sự nghiệp mình mong muốn.
THAY LỜI KẾT
Tìm kiếm định hướng cho sự nghiệp; những thử nghiệm, sai lầm, điều chỉnh, thất bại và thành công… đó là vòng tròn không bao giờ kết thúc. Nhưng chính những điều đó giúp chúng ta ngày càng trưởng thành, thêm nhiều hiểu biết, và bồi đắp kinh nghiệm sống.
Tặng bạn một câu nói tôi rất thích được trích dẫn trong cuốn sách Tuần làm việc 4 giờ:
“Có thể hành động không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc, nhưng sẽ không có hạnh phúc nếu không hành động”. (Benjamin Disraeli, cựu Thủ tướng Anh).
Dù bạn đang ở bước nào trên con đường sự nghiệp, bạn bắt đầu tìm, đang tìm, hay đã tìm thấy hướng đi phù hợp với mình, tôi cũng nghĩ bạn xứng đáng với một sự nghiệp mang lại niềm vui, thu nhập tốt, và cơ hội phát triển bản thân, bởi tôi biết bạn vẫn luôn hướng về phía trước. Bạn đang hành động.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
* Một số bài viết cùng chủ đề: