In Metime

In Metime

Share this post

In Metime
In Metime
HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC BA CHỨNG CHỈ CAO NHẤT VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN
Copy link
Facebook
Email
Notes
More
User's avatar
Discover more from In Metime
Chào người bạn mới! Mời bạn nhấn subscribe để không bỏ lỡ những bài blog mỗi tuần của Tố Uyên về chủ đề học tập và phát triển bản thân trên kênh In Metime.
Over 1,000 subscribers
Already have an account? Sign in
Xây dựng sự nghiệp

HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC BA CHỨNG CHỈ CAO NHẤT VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN

Tố Uyên's avatar
Tố Uyên
Feb 04, 2023
2

Share this post

In Metime
In Metime
HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC BA CHỨNG CHỈ CAO NHẤT VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN
Copy link
Facebook
Email
Notes
More
Share

Trong hơn mười năm sự nghiệp của mình, nếu có điều gì đó khiến mình phấn khích theo đuổi, mình quyết định đó là mục tiêu của mình “bởi vì nó khó”, thì đó là: Bộ ba chứng chỉ cao nhất về quản lý dự án.

Tháng 5/2017, khi vừa chân ướt chân ráo vào VNPT Technology quản lý một dự án phát triển & sản xuất thiết bị viễn thông, có bạn hỏi mình: “Uyên có định thi PMP không?”. Mình ngơ ngác: “PMP là cái gì thế?”.

Lên mạng search Google, kết quả ngay lập tức làm mình phấn khích. PMP (project management professional) – Quản lý dự án chuyên nghiệp, là một chứng chỉ do PMI (Project Management Institute) - tổ chức quốc tế hàng đầu về quản lý dự án đánh giá và cấp bằng. Nó được coi là “tiêu chuẩn vàng” cho người làm quản lý dự án trên khắp thế giới. Quan trọng hơn, trong hệ thống của tổ chức này, PMP là bước đầu tiên của bộ ba chứng chỉ theo thứ tự tăng cấp dần về phạm vi kiến thức và độ phức tạp: PMP (project) – PgMP (program) – PfMP (portfolio).

Ở thời điểm đó, Việt Nam có khoảng 400 người có chứng chỉ thứ nhất, chưa ai có hai chứng chỉ còn lại. Mình tự đặt mục tiêu cho mình: Nhất định sẽ chinh phục cả ba. Nếu đã lựa chọn quản lý dự án (QLDA) là nghề của mình, mình cần phải học, cần phải giành lấy cả ba chứng chỉ quan trọng nhất này.

Hành trình 6 năm theo đuổi ba chứng chỉ khó nhất, cao nhất, danh giá nhất của nghề QLDA, mình đã trải qua nhiều gian nan vất vả, đôi lần tưởng phải từ bỏ… Nhưng, cũng chính quãng đường ấy dạy mìnhthật nhiều điều về cuộc sống, ý nghĩa của sự nỗ lực, và về chính bản thân mình. Mình muốn chia sẻ với bạn đọc về hành trình ấy trong bài viết này. 

1. Bước chân đầu tiên của hành trình vạn dặm: PMP (Project Management Professional)

Năm 2017, mình bắt đầu ôn thi PMP, ở Việt Nam lúc đó chưa có nhiều nơi dạy, cũng chưa có nhiều nguồn tài liệu và đề thi thử để ôn tập như bây giờ. Mình nhớ mình chỉ có một cuốn sách chính, một tài liệu tham khảo thêm, và 4 đề thi tìm được trên mạng để luyện. Mình “cày nát” các diễn đàn, các bài viết chia sẻ kinh nghiệm của những người đã thi đỗ, chủ yếu bằng tiếng Anh. Trước mắt mình chất chồng những hoang mang, vô định, lo lắng. 

Thời điểm quyết định ôn thi, mình là mẹ của một bé năm tuổi, bé thứ hai vừa qua sinh nhật đầu tiên. Mỗi ngày đi làm về, mình nấu cơm, tắm rửa, cho con ăn uống  rồi vội vàng ăn cho xong bữa để đi học. Chồng mình trông con và cho hai con đi ngủ, còn mình đeo balo sang quán trà sữa cạnh nhà, học từ 9 giờ tới 11 giờ đêm.

Triền miên như vậy trong bốn tháng, không nghỉ một ngày nào. Điều mình nơm nớp lo lắng trong giai đoạn ấy không phải là bài vở. Mình sợ con ốm! Nếu con ốm, mình sẽ phải dừng lại việc học ít nhất một, hai tuần, trong khi ngày thi không thể lùi. Thật may mắn, các con đã làm được việc tốt nhất, quan trọng nhất giúp mình trong bốn tháng ôn thi căng thẳng: Không ốm. 

Khác với hai chứng chỉ sau này mình được thi tại Hà Nội, hồi ấy Việt Nam chỉ có một trung tâm ở TP. Hồ Chí Minh được phép tổ chức thi. Phí dự thi, tiền vé máy bay, tiền phòng khách sạn lúc ấy đối với gia đình mình là một khoản tiền lớn. Chồng mình thu xếp gửi con sang ông bà đưa mình đi thi bởi anh lo cho mình lần đầu tiên đến nơi xa lạ, sợ không đảm bảo sức khỏe và tinh thần để thi tốt.

Mình vẫn nhớ, ngày đi thi mình hồi hộp lo lắng tới mức để quên cả bút, quên luôn chai nước đã chuẩn bị sẵn ở khách sạn. Giữa giờ thi, mình bắt buộc phải xin ra ngoài vì khát, trong khi khu vực thi không có nước, cũng không cho người nhà gửi chai nước vào vì vấn đề bảo mật. Mình vào nhà vệ sinh, vốc nước bằng tay từ vòi lên miệng, lòng thầm cầu mong đừng đau bụng trước khi hoàn thành bài thi. 

Bài thi trong 4 tiếng, mình bấm nút chọn câu trả lời cuối cùng khi đồng hồ đếm ngược chỉ còn 2 phút, thậm chí không đủ thời gian để xem lại bài làm. Khoảnh khắc nộp bài cho kỳ thi ấy, là một trong những phút giây thót tim nhất của mình từ trước tới nay. Mình đỗ, một cái kết có hậu cho bốn tháng miệt mài và cả một hành trình từ Bắc vào Nam. 

Mãi sau này khi hiểu cặn kẽ hơn về cách đánh giá của kỳ thi, mình mới biết thực ra mình đã “đỗ vớt”. Bài thi có nhiều mục, trong đó dù tổng điểm đạt, nhưng chỉ cần hai mục trong số đó ở mức “need improvement – cần cố gắng”, mình sẽ trượt. Kết quả, mình có một mục cần cố gắng, một mục khác chỉ vừa đủ qua. 

Tất nhiên, đó là chuyện sau này. Còn ngày hôm đó khi ra khỏi phòng thi, câu đầu tiên mình nói với chồng: “Em đỗ rồi. Ăn mừng thôi. Giờ mình đi chơi ở đâu?” 

2. Thử thách khó khăn nhất: PgMP (Program Management Professional)

Bốn năm sau khi thi PMP, mình dấn thân vào chứng chỉ thứ hai, được coi là thử thách lớn nhất, bước ngoặt đối với mỗi người làm quản lý dự án trên thế giới. Rút kinh nghiệm từ lần thi trước, cộng với điều kiện kinh tế đã khá hơn, mình đưa ra hai quyết định quan trọng trước khi bắt đầu:

  • Tìm kiếm khóa học hỗ trợ, thay vì tự học 100% như với chứng chỉ đầu tiên.

  • Xin nghỉ không lương một tháng vào giai đoạn cuối của kế hoạch ôn thi kéo dài năm tháng. 

Lý do của sự lựa chọn “tốn kém” này, là bởi mình đã rút ra những bài học xương máu từ lần thi đầu tiên. Mình muốn đỗ chắc, thay vì đỗ vớt. Mình muốn tiết kiệm thời gian tìm kiếm, lọc lựa tài nguyên. Mình biết giá trị của sự tập trung, đặc biệt trong giai đoạn quyết định cuối cùng.

Thời điểm ôn thi PgMP, mình còn đang theo học khóa thạc sỹ MBA. Mình lựa chọn giai đoạn tăng tốc của quá trình ôn tập vào đúng kỳ nghỉ hè hai tháng của khóa thạc sỹ. Nếu thành công, đây sẽ là giai đoạn sắp xếp và thực hiện đồng thời các mục tiêu hiệu quả nhất của mình. Nếu thất bại … không, mình không được thất bại. Tiền đã bỏ ra rất nhiều, nhưng quan trọng hơn, mình không muốn thời gian và công sức của mình vô nghĩa. Mình sẽ không thất bại!

Quyết tâm ngùn ngụt như thế, nhưng mình vẫn vấp phải sự thật là chứng chỉ này rất khó, khó gấp nhiều lần PMP. Đi được nửa hành trình ôn thi, đã có những ngày mình mệt mỏi, nghi hoặc, thậm chí đau khổ vì thấy mình vẫn chưa hiểu được tổng thể vấn đề. Mình lo lắng tới mất ngủ, nhiều đêm thức chong chong tới 3 - 4 giờ sáng. Thậm chí trong mơ mình cũng thấy mình đang học.

Sự ám ảnh đó là tốt hay xấu? Mình cũng không chắc. Chỉ biết rằng, mình bế tắc tới mức quyết định viết email cho một nữ blogger mà mình chưa từng liên hệ bao giờ, để tìm kiếm sự chia sẻ, tư vấn, giúp đỡ. Mình thường xuyên theo dõi những bài viết của blogger đó, nhưng cũng chưa từng nghĩ một ngày nào đó sẽ kết nối. Bởi cô ấy chắc hẳn rất bận rộn. Mình đâu có gì đặc biệt để cô phải quan tâm? Và, mình còn không chắc, những gì mình đang trải qua có thực sự là một vấn đề không?

Điều ngớ ngẩn nhất, khôn ngoan nhất, hay may mắn nhất mình đã làm lúc đó, là mình đã thực sự viết một bức email.

“C thân mến,

Mình ngồi viết những dòng này cho C khi tâm trạng rối bời, bất an. C không biết mình đâu, nhưng mình không bỏ lỡ bài viết nào trên blog của C trong ba năm qua.

Kể ra cuộc sống của mình đang rất ổn, nếu nhìn từ bên ngoài thấy khá bình thường, chỉ là đợt này Hà Nội đang lockdown. Mình ở nhà suốt ngày không ra ngoài nửa bước, đang trong đợt ôn thi cao điểm cho một chứng chỉ rất quan trọng vào tháng 9. Gì nữa nhỉ? Mình mất ngủ, lo âu, căng thẳng. Hình như mình đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Mình phải làm gì để vượt qua giai đoạn này, C có thể gợi ý cho mình được không? Cảm ơn C rất nhiều.”

Thật bất ngờ. Chưa đầy 24 giờ sau, mình nhận được hồi âm từ người mình vẫn luôn ngưỡng mộ với những lời lẽ rất chân thành. Từ những gợi ý, chỉ dẫn, khóa học tâm lý và những cuốn sách cô ấy gửi, mình đã dần dần lấy lại cân bằng và tiếp tục hành trình ôn thi đầy thử thách. 

Nhìn lại, mình nhận ra thời gian ôn thi PgMP là một thử thách vô cùng lớn; đạt được chứng chỉ danh giá này là cực kỳ khó với lượng kiến thức quá lớn, cộng với tình hình cách ly cả thành phố do Covid…, tất cả đã cộng hưởng với nhau gây áp lực tâm lý cho mình. Đây là vấn đề lớn nhất mình phải vượt qua để có được chứng chỉ này, cũng là trải nghiệm quý giá nhất mình có được khi chinh phục PgMP.

3. Cái kết ngọt ngào: PfMP (Portfolio Management Professional)

Mình vốn định thi PfMP từ đầu năm 2022, nhưng không hiểu sao luôn có những vấn đề quan trọng khác cần đặt lên trên khiến mình phải lùi lịch học. Lùi mãi, lùi mãi, cho tới cuối năm, mình nghĩ mình sẽ không thể hoàn thành được nếu cứ tiếp tục đặt PfMP ở ưu tiên cuối cùng trong những việc cần làm. Mình quyết định làm một việc mạo hiểm: Nộp tiền, đặt lịch ngày thi chỉ cách hai tháng. Nghĩa là mình chỉ có hai tháng để học, để ôn tập, và luyện tập. Một khoảng thời gian ngắn kỷ lục.

Mục đích của mình là tự tạo ra áp lực để ép bản thân phải tập trung, gạt bỏ mọi mối quan tâm khác. Phải nói rằng, ngoài áp lực đó, kinh nghiệm có được từ những lần học và thi trước là điều quan trọng nhất giúp mình vượt qua cửa ải cuối cùng này. Cũng là những ngày cuối tuần, những buổi tối ngồi lỳ ở một góc quán café, nhưng mình đã nhìn về thử thách với tâm thế thoải mái và tự tin hơn nhiều. 

Chưa hiểu, mình học lại. Chưa rõ, mình tra cứu thêm tài liệu khác để đọc từ góc phân tích mới. Băn khoăn về bài vở và câu hỏi luyện tập, mình trao đổi với những người khác cũng đang ôn thi. Mọi khó khăn đều có lời giải, miễn là mình bình tĩnh, cầu thị, và học hỏi với tâm thế tận hưởng hành trình thu nạp kiến thức. 

Mình đỗ PfMP. Hành trình chinh phục ba chứng chỉ danh giá nhất trong ngành QLDA khép lại, và từ đây mở ra một chân trời mới đối với mình.

4. Ba bài học quý giá của mình

Nhìn lại sáu năm ấy, với vô số gian nan, nhưng cũng thật nhiều thành tựu, mình đã rút ra cho mình ba bài học quan trọng để chia sẻ với bạn đọc. 

- Sử dụng tất cả sự hỗ trợ có thể trong khả năng của mình. Tiền rất quan trọng, nhưng công sức, thời gian và cơ hội mới là những thứ quý giá hơn. 

- Khó khăn và thử thách khi học tập và làm việc, cùng với những vấn đề khác trong cuộc sống có thể (và rất dễ) dẫn tới những vấn đề về tâm lý. Nếu bạn thấy bản thân có những suy nghĩ bất ổn, lo âu, mất ngủ… đừng ngại tìm đến bác sỹ tâm lý hoặc ai đó bạn nghĩ có thể giúp mình. Những người sẵn sàng giúp đỡ bạn nhiều hơn bạn tưởng, nhưng bạn phải lên tiếng và đưa ra cánh tay của mình. 

- Cần đưa ra giới hạn thời gian rõ ràng với các mục tiêu bởi vì càng để lâu, nhiệt huyết càng giảm khiến chúng ta khó hoàn thành được việc đã định. Mình không cổ vũ áp lực cực đoan, bất khả thi, nhưng áp lực phù hợp trong một khoảng thời gian nhất định sẽ giúp chúng ta tăng khả năng tập trung và lựa chọn ưu tiên. Đây là điều tối quan trọng để thành công, nhất là khi chinh phục mục tiêu khó, cần rất nhiều công sức và trí lực. 

THAY LỜI KẾT

Sau cái ngày ngơ ngác hỏi: “PMP là gì thế” và quyết định sẽ chinh phục mục tiêu “bởi vì nó khó”, sáu năm sau, vào một buổi tối mùa đông đầu năm 2023, mình hít một hơi thật sâu, ngồi xuống và viết status đăng facebook: “Trở thành nữ PM (project manager) đầu tiên ở Việt Nam có ba chứng chỉ quốc tế cao nhất về quản lý dự án”. Đó chính là khoảnh khắc mình đã mơ ước, đánh đổi bằng nhiều ngày, nhiều tháng thậm chí nhiều năm vất vả, gian nan, có những lúc bế tắc không biết phải vượt qua bằng cách nào. 

Việc học tập và giành được ba chứng chỉ QLDA đã giúp mình có thêm hiểu biết; nhiều cơ hội tiếp cận với những công việc tốt, nhưng quan trọng hơn, mình đã vượt qua chính bản thân mình. Mình hiểu mình có quyền mơ ước, và để đạt được thành tựu đó cần rất nhiều nỗ lực, nhưng tận hưởng trên con đường thực hiện mới chính là điều ý nghĩa nhất. 

Dù bạn đã có, đang có, hay sắp có mục tiêu quan trọng nào trong cuộc sống, mình cũng mong bạn sẽ bình tĩnh, cho phép bản thân tận hưởng hành trình, và trân trọng mỗi kết quả mình đạt được. Chúng ta có quyền mơ ước, có quyền thất bại, cũng có quyền tán thưởng chính mình. 

Chúc bạn một ngày bình yên,

Tố Uyên.

Trâm Tôn Nữ Ngọc's avatar
Ngoc Nguyen's avatar
2 Likes
2

Share this post

In Metime
In Metime
HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC BA CHỨNG CHỈ CAO NHẤT VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN
Copy link
Facebook
Email
Notes
More
Share

Discussion about this post

User's avatar
Có nhất định phải tìm thấy công việc mình đam mê?
Yêu cũng được, không yêu cũng được, đam mê công việc thì tốt, không đam mê cũng không sao (thật đấy!).
Nov 6, 2024 • 
Tố Uyên
40

Share this post

In Metime
In Metime
Có nhất định phải tìm thấy công việc mình đam mê?
Copy link
Facebook
Email
Notes
More
6
Làm gì khi thấy tương lai… mờ mịt?
Khi tương lai bất định, phía trước mịt mờ, chúng ta phải làm gì? (Và không nên làm gì?).
Sep 4, 2024 • 
Tố Uyên
19

Share this post

In Metime
In Metime
Làm gì khi thấy tương lai… mờ mịt?
Copy link
Facebook
Email
Notes
More
13
Có hai kiểu phát triển, mục tiêu bạn theo đuổi thuộc kiểu nào?
Hiểu để kiên trì với mục tiêu của mình, vượt qua sự nản lòng và những điểm bế tắc để đạt được điều mình mong muốn.
Sep 25, 2024 • 
Tố Uyên
21

Share this post

In Metime
In Metime
Có hai kiểu phát triển, mục tiêu bạn theo đuổi thuộc kiểu nào?
Copy link
Facebook
Email
Notes
More
1

Ready for more?

© 2025 Tố Uyên
Privacy ∙ Terms ∙ Collection notice
Start writingGet the app
Substack is the home for great culture

Share

Copy link
Facebook
Email
Notes
More

Create your profile

User's avatar

Only paid subscribers can comment on this post

Already a paid subscriber? Sign in

Check your email

For your security, we need to re-authenticate you.

Click the link we sent to , or click here to sign in.