Tuần 5: Tiết kiệm, chiến lược # chiến thuật
Cập nhật: Mình vừa trả được 1.6% số nợ A (chốt tại thời điểm bắt đầu chuỗi 52 tuần viết về tài chính cá nhân trên blog). Vậy là còn 98.4%. Yeah!
Mình đã nghiêm túc học về tiết kiệm dưới góc nhìn của một người học tập và thực hành. Lý do là bởi, mình tin để có hoàn cảnh tài chính tốt, cần sử dụng và tiết kiệm tốt khoản thu nhập đang có, trước khi nghĩ tới kinh doanh thêm hoặc đầu tư.
Việc tiết kiệm, thoạt đầu nghe có vẻ rất đơn giản, chỉ là tiêu ít đi, hạn chế những khoản không cần thiết, để dành một khoản tiền riêng ra. Những lời khuyên về tiết kiệm cũng không khó để tìm, phổ biến trong số đó là:
Tiết kiệm trước tiêu sau, trích ra một khoản cố định hàng tháng trước khi dùng cho nhu cầu cuộc sống.
Gán cho mỗi đồng tiền một mục đích.
Chuyển hết thành tiền mặt, không dùng thẻ hoặc tài khoản điện tử để dễ quản lý.
Ghi chép chi tiêu từng khoản mỗi ngày.
Chia tiền thành năm, sáu… lọ, mỗi “lọ” dành cho một lĩnh vực của cuộc sống như: chi tiêu thiết yếu, giáo dục, giải trí…
Mình đã từng áp dụng hầu hết các cách này nhưng không hiệu quả như mong muốn. Thú thực, mình rất thất vọng vào bản thân khi đã hiểu và làm nhiều cách như vậy, nhưng mức tiết kiệm vẫn không khiến mình hài lòng. Mình luôn cảm thấy bản thân hoang phí, không biết “liệu cơm gắp mắm”, cố gắng bao nhiêu cũng là chưa đủ.
À, đó là chuyện của trước kia. Hiện giờ mình đã tìm thấy “chân ái” của cuộc đời về vấn đề tiết kiệm. Ít nhất, những “bí quyết” này giúp mình chủ động thích ứng với thay đổi trong cuộc sống, làm chủ cách tiết kiệm sẽ áp dụng, đặc biệt giải phóng về tâm lý. Giờ mình không còn hoang mang, lo lắng, thậm chí tự dằn vặt bản thân về tiết kiệm nữa.
Mình sẽ bật mí với bạn trong bài viết hôm nay. Tất cả xoay quanh hai chữ: CHIẾN LƯỢC VÀ CHIẾN THUẬT.
1. Phân biệt giữa “chiến lược” và “chiến thuật” tiết kiệm
Thật kỳ lạ, hai chữ này là điều quen thuộc trong công việc của mình - một quản lý dự án, sau này là “quản lý của quản lý dự án”. Nhưng, phải mất rất lâu mình mới nhận ra: mình không có chiến lược tiết kiệm trong khía cạnh tài chính cá nhân.
Dù đã đọc sách, xem Youtube, học hỏi và thử nghiệm bao nhiêu cách tiết kiệm, chia lọ hay chia túi, ghi chép bằng ứng dụng này hay ứng dụng khác, cắt tiền trước hay sau chi tiêu, tất cả đều là những cách cụ thể - các kỹ thuật để tiết kiệm. Nói cách khác, đó đều là những chiến thuật, không phải chiến lược. Chiến lược mang tính tổng thể hơn nhiều.
Đó là tầm nhìn xa, hướng hành động bao trùm. Nếu không có chiến lược, những gì chúng ta làm chỉ mang tính thời điểm, giống như cố gắng vá chỗ này chỗ kia, các hành động không bổ trợ được cho nhau.
Ví dụ, để phát triển sự nghiệp, chiến lược của mình là bám vào khả năng học hỏi nhanh và chăm chỉ để khiến mình trở nên nổi bật trên thị trường lao động. Vậy chiến thuật sẽ là: học ngoại ngữ, ôn thi các chứng chỉ, tìm mọi cơ hội học hỏi từ đồng nghiệp và công ty khi làm việc ở bất cứ đâu, đồng thời nghiên cứu và theo dõi kỹ càng nhu cầu của thị trường lao động để xác định cần bồi đắp tiếp các kiến thức kỹ năng gì.
Một người khác có thể có chiến lược khác mình, đó là sử dụng sự lâu bền, gắn bó, và trung thành để thăng tiến - kiểu “người cuối cùng ở lại” trên con thuyền. Chiến thuật của người này sẽ không bao gồm việc tìm hiểu về thị trường lao động, chuyển việc khi có cơ hội, họ tập trung vào giữ vững vị trí ở một công ty họ thấy phù hợp, tìm cách dần dần thăng tiến tại đó, tận dụng lợi thế về sự gắn bó, trung thành, các mối quan hệ ngày càng bền vững.
Trở lại với vấn đề tiết kiệm, nếu chúng ta giống nhau, hẳn bạn cũng từng hoang mang như mình khi đứng trước vô vàn lời khuyên về tài chính cá nhân, thử áp dụng nhưng thấy mệt mỏi mà không hiệu quả. Không hiểu vì sao nhiều người bảo cách này cách kia tốt lắm, hãy ghi chép từng khoản đi, hãy chia các lọ đi, hãy tiết kiệm trước tiêu sau đi, nhưng bạn không làm được. Việc ghi chép khiến bạn mệt mỏi và áp lực, thu nhập chưa đủ chi tiêu làm thế nào để tiết kiệm trước tiêu sau, tiền có bằng ấy mà phải chia năm xẻ bảy bạn không kiểm soát nổi…
Vấn đề của tất cả những hoang mang này là do chúng ta không có CHIẾN LƯỢC TIẾT KIỆM. Những điều chúng ta làm chỉ là chiến thuật, mà các kỹ thuật đó lại nhiều vô vàn, mỗi người khuyên một kiểu khiến ta như lạc vào ma trận, không biết làm theo kiểu nào mới ổn.
Trên Internet, khi tìm kiếm “chiến lược tiết kiệm tiền”, thông tin mình tìm được hầu hết vẫn là các kỹ thuật cụ thể. Thật kì lạ!
2. Chiến lược tiết kiệm của mình
Bật mí với bạn, chiến lược đó là: COI TIẾT KIỆM TIỀN LÀ MỘT CUỘC THI.
Thú thực, mình thích các cuộc thi, và thường làm tốt. Từ lâu mình đã nhận ra để có kết quả thi tốt, việc chăm chỉ học và năng lực là một phần, phần khác rất quan trọng là các kỹ thuật trong suốt quá trình học và cả trong ngày thi. Đó là phân bố sức lực, thời gian, sàng lọc nguồn tài liệu, tìm kiếm người có thể hỗ trợ mình học tập, cách sử dụng những ngày học cuối cùng trước khi thi…
Vào một ngày mùa thu cách đây vài năm, đúng dịp phải làm ở nhà do Covid, tài khoản của mình ở con số đáng báo động, không có khoản tiết kiệm, công việc có thay đổi. Mình ngồi ở ban công, sách vở ngổn ngang vì đang học cho một kỳ thi lớn nhưng không học nổi vì cảm giác lo lắng, sợ hãi, và hoang mang khi nghĩ đến tiền. Rốt cuộc phải làm sao để tiết kiệm được nhiều tiền hơn?
Một ý nghĩ đơn giản tới bất ngờ vụt tới, khi mình nhìn xuống từng chồng sách trước mặt, vài chiếc bút đủ màu xanh đỏ dùng để ghi chú. Mình khá giỏi trong việc học và vượt qua các kỳ thi với số điểm cao, vậy có nên coi việc tiết kiệm là một cuộc thi? Mục tiêu là cần đỗ với số điểm cao. Chỉ vậy thôi.
Chiến lược đó giúp mình đưa ra quyết định với các kỹ thuật - chiến thuật sẽ sử dụng rất nhanh và dứt khoát:
Ghi chép: Có, để theo dõi tiến trình. Giống như lúc ôn thi, mình luôn ghi lại cụ thể những tài liệu đã học, đề bài đã làm, kết quả… để theo dõi sự tiến bộ.
Chia lọ hay không? Không, cách đó không phù hợp với mình, không phải kiểu dành cho một cuộc thi vì có quá nhiều mục tiêu cần phải đạt được ở tất cả các lọ.
Mục tiêu: Chỉ một là đủ. Mục tiêu cho kỳ thi đại học không phải là “toán lý hóa mỗi môn 7 điểm”, mà là “tổng ba môn trên 20 điểm”; không phải “vừa đỗ đại học vừa có tình yêu đẹp”, chỉ duy nhất “đỗ đại học”.
Mình không muốn đặt mục tiêu kiểu: tiết kiệm được 100 triệu trong nửa năm, đi du lịch hai đất nước, sắm thêm đồ đạc mới… Mục tiêu, chỉ một là đủ, và tập trung hoàn toàn vào đó. Cách đặt mục tiêu của mình có lẽ hơi cực đoan so với nhiều người, cuộc sống thực tế cũng cần cân đối nhiều yếu tố, nhưng mình sẽ chỉ để MỘT MỤC TIÊU về tiết kiệm lơ lửng trong tâm trí, cũng như MỘT MỤC TIÊU về sự nghiệp, MỘT MỤC TIÊU về sắp xếp cuộc sống gia đình. Mỗi khía cạnh của cuộc sống chỉ có duy nhất một mục tiêu. Bằng cách này, mình tập trung hơn, không bị phân tán.
Dùng tiền mặt hoàn toàn hay thẻ/ tài khoản: Không quan trọng. Mình dùng theo cách mình thấy tiện dụng, chỉ cần đảm bảo: trả ngay sau khi dùng thẻ tín dụng. Tóm lại là dùng tiền của mình để chi tiêu, không vay để chi.
Học tập: Chắc chắn rồi. Đây là một cuộc thi, nên mình cần học hỏi rất nhiều. Mình dành thời gian đọc sách, đọc blog, xem Youtube, nghe podcast về chủ đề tài chính cá nhân mỗi ngày. Thực ra, là rất nhiều, vì đây là “đầu vào” tri thức của “cuộc thi” mình đang theo đuổi.
Chia sẻ: Một cách luôn hiệu quả để học tốt hơn đó là chia sẻ, giảng lại, bàn thảo với bạn bè về bài vở. Việc cố gắng diễn đạt lại cho người khác giúp mình có áp lực phải học hỏi liên tục, tổ chức thông tin trong đầu, sắp xếp, và nói hoặc viết ra một cách dễ hiểu cho người khác. Chiến thuật này chính là nguyên do khiến mình quyết đinh mở series 52 tuần viết về tài chính cá nhân trên blog.
3. Hiệu quả của việc xác định chiến lược tiết kiệm
Lần đầu tiên mình biết tới những cộng đồng tiết kiệm và thực sự tìm hiểu về nó là cách đây khoảng hơn mười năm, khi mình “lạc” vào một chủ đề có tới hàng trăm người tham gia trên một diễn đàn nổi tiếng ở thời điểm đó. Chủ đề đó có tên đại ý là “Trích 10% thu nhập cho tiết kiệm”.
Đó cũng là một dạng chiến lược. Không cần biết thu nhập bao nhiêu, trích ra gửi vào kênh nào, đầu tư ở đâu… Chỉ cần tập trung một cách thức, mục tiêu, tư duy duy nhất: Cắt 10% thu nhập. Đây có thể là một chiến thuật trong chiến lược khác, nhưng ở trường hợp này, tự bản thân nó đã là chiến lược.
Mình nói vậy để bạn hình dung chiến lược tiết kiệm có thể đa dạng và khác biệt tới mức nào. Nhưng cơ bản, chiến lược là một điều có tính tổng thể, dẫn dắt các quyết định của bạn, và sẽ không thay đổi kể cả bạn thay đổi các kỹ thuật bên trong. Chiến thuật hoặc kỹ thuật có nhiều, bạn tùy ý lựa chọn, kết hợp, thay đổi trong suốt quá trình. Chiến lược lại khác, nó bền vững hơn nhiều.
Nếu các kỹ thuật được viết rất nhiều trên Internet hoặc sách vở, chiến lược lại mang tính cá nhân, tùy thuộc rất nhiều vào điều bạn muốn, cách bạn thích, vì thế sẽ không tìm thấy ở đâu khác ngoại trừ chính bạn. Đây là điểm khó, nhưng lại thú vị nhất, bởi nó mang tính cá nhân, như một tuyên ngôn riêng của bạn. Một khi tìm được nó, bạn sẽ “miễn nhiễm” với sự hoang mang mỗi khi thấy ai đó nói về cách này cách khác. Chúng ta vẫn học hỏi, nhưng là học chiến thuật để bổ sung cho hành trình của mình, và việc thay đổi ấy không đáng để mình hoang mang hoặc thấy bản thân không đủ tốt.
Một số tác dụng lớn nhất của việc xác định chiến lược tiết kiệm mà mình nhận được trong thời gian qua:
Bớt lo lắng, hoảng hốt, “đứng giữa dòng” hoang mang khi thấy mọi người xung quanh hoặc trên Internet nói về đủ cách đủ kiểu tiết kiệm mà mình không áp dụng được, nhất là các bài báo giật tít kiểu “Áp dụng 3 cách này nếu bạn không muốn rỗng túi khi về già”, “5 lời khuyên từ tỷ phú A để tiết kiệm được X triệu chỉ trong một năm”, “Hãy làm điều này ngay để tiết kiệm được ít nhất 20% thu nhập”…
Tự hào về bản thân vì có một điều gì đó thuộc về riêng mình. Đó là chiến lược tiết kiệm “made by mình”.
Có áp lực học hỏi và chia sẻ với mọi người.
Thực sự tiết kiệm được tiền và bình tĩnh với hành trình đó, không thay đổi “xoành xoạch” các mục tiêu hoặc cách làm như trước.
Quan trọng nhất, tìm thấy niềm vui thay vì áp lực trong quá trình tiết kiệm.
Còn nhiều nữa, những tác dụng hay ho nhất có lẽ sẽ còn đến sau trong nhiều ngày tháng phía trước, mình tin là như thế.
Tạm kết:
Trong sự nghiệp, cuộc sống, học tập… và bây giờ là tài chính cá nhân, cụ thể hơn nữa là tiết kiệm, hai chữ “chiến lược” và “chiến thuật” luôn trở đi trở lại với mình. Toàn bộ bài viết này nói về hiệu quả của việc có chiến lược, nhưng chiến thuật cũng là phần không thể thiếu. Cả hai đều quan trọng. Có điều, trước giờ chúng ta (hay ít nhất là mình) thường tập trung quá nhiều vào chiến thuật, tức là các kỹ thuật cụ thể, mà không có quan điểm, định hướng bao trùm, chính là chiến lược.
Bạn thân mến,
Nếu bạn cũng có mong muốn làm tốt và tốt hơn nữa việc tiết kiệm, điều đầu tiên và quan trọng nhất, mình hy vọng bạn sẽ dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, nhất là về bản thân mình, để xác định một chiến lược riêng. Nó thuộc về bạn, phù hợp với bạn, và giúp bạn học hỏi thay vì hoảng hốt chạy theo những lời khuyên.
Mình rất vui nếu bạn chia sẻ với mình chiến lược tiết kiệm của bạn qua comment ở bài viết hoặc tới email: touyen.mentor@gmail.com.
Chúc tất cả chúng ta đều xác định được chiến lược phù hợp và tận hưởng hành trình đi theo chiến lược ấy, dẫu không dễ dàng, nhưng thành quả luôn xứng đáng.
Thân mến,
P/s: Mình gửi bạn các bài viết trước của series “Tiền và tự do”, nằm trong chuỗi 52 tuần viết về tài chính cá nhân.
Tuần 1: Mình và nợ.
Tuần 2: Những niềm tin của mình về tiền
Tuần 3: Năm bài học quý từ cuốn sách “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả”.
Tuần 4: Vì sao mình muốn đạt được FIRE?