Tuần 2: Những niềm tin của mình về tiền
Mình từng có cảm giác tiền bị coi là điều gì đó xấu xa, là nguồn gốc của tội lỗi, và chẳng đáng giá gì khi đặt cạnh tình cảm con người.
Nhìn lại hành trình riêng của mình với tiền, mình đã tự rà soát và nhận ra bản thân có những niềm tin rất “chắc chắn” về tài chính cá nhân, không biết đã được bồi đắp từ bao giờ, cũng chẳng biết đúng sai tới đâu.
1. Nợ là điều hiển nhiên của những người nỗ lực
Ba mình từng nói: “Cả đời ba mẹ luôn sống trong nợ nần”. Lý do nợ nần của ba mẹ hơi khác của mình. Ba mẹ mình sống cực kỳ tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, liệu cơm gắp mắm “đỉnh cao”. Chẳng thế mà chỉ với nguồn thu nhập không lấy gì làm dư dả, ba mẹ mình vẫn nuôi được con cái rất tốt, có tài sản, và giúp đỡ được gia đình họ hàng, cho tới trước khi xảy ra biến cố. Trong ký ức của mình, ba mẹ rất ít khi có quần áo mới, cả chiếc quần mặc ở nhà cũng dùng bao năm. Ăn uống rất hợp lý, không bao giờ hoang phí, luôn cần kiệm.
Lý do của việc mắc nợ là bởi ba mẹ khi có tiền luôn cố gắng tích cóp để đổi nó thành tài sản, ví dụ như một miếng đất nhỏ. Tích thêm chút lại bán miếng đất đó đi mua sang một miếng rộng rãi hơn chút. Nhiều năm trước, ba mẹ mình mua một miếng đất ở mặt đường lớn (nhà mình ở trong đồi), tất nhiên là phải vay thêm, trả nợ vài năm mới hết. Sau đó, khi em trai mình học ở thành phố, ba mẹ bán miếng đất ấy đi, cộng thêm tiền tiết kiệm, và lại vay thêm, để mua nhà ở thành phố (trong ngõ nhỏ thôi). Sau này, lại bán tiếp ngôi nhà ngõ ấy, thêm tiền đã tích thêm, và vay mượn để mua chung cư ở Hà Nội.
Nếu không có sự quyết đoán và nỗ lực ấy hẳn gia đình mình sẽ chẳng bao giờ có thêm chút tài sản. Mình hiểu điều đó và rất khâm phục ba mẹ.
Nhưng, thật lạ lùng, mình lại suy nghĩ lệch lạc về cách thức tích lũy ấy. Điều đọng lại trong đầu mình không phải là tiết kiệm rồi vay thêm để có tài sản sau đó cố gắng trả nợ, cách để sử dụng nợ như một công cụ, mà lại chỉ là câu “sống cả đời trong nợ”. Bằng một cách nào đó, điều ấy ghim chặt vào đầu mình, khiến mình quên mất nợ đáng sợ như thế nào.
Mình mất kiểm soát với tiền trong túi, coi nợ và vay mượn là điều bình thường, dẫn tới việc dù rất chăm chỉ trả nợ, mình… vẫn nợ.
2. Để giàu có, phải có nền tảng gia đình sẵn có, bố mẹ giàu con mới giàu được.
Giàu có ở đây là sự thoải mái và tự do về tiền bạc. Và mình, chưa bao giờ nghĩ bản thân có thể tới lúc thoải mái và tự do về tiền bạc. Mình sinh ra trong một gia đình bình thường ở quê, chứng khiến ba mẹ cân đối từng tờ tiền năm trăm một nghìn. Thấy ba mẹ vất vả kiếm tiền để nuôi hai chị em, nên mình luôn mặc định “đủ ăn là tốt rồi”.
Không hiểu sao, chính điều này khiến mình luôn tin cả đời mình sẽ thiếu thốn tiền bạc. Kể cả khi thu nhập đã cao lên, mình cũng tin rất nhanh thôi, hẳn cuộc sống của mình sẽ lại quay trở về “thiếu trước hụt sau”.
Bài học về quản lý tài chính của ba mẹ, mình đã không học tới nơi tới chốn. Mình hiểu lầm toàn bộ quá trình, chỉ giữ lại điều không nên giữ, và bỏ đi điều quan trọng cốt lõi.
3. Giàu có là nguồn gốc của đổ vỡ, phản bội, và bất hạnh.
Hồi nhỏ mình đọc truyện, lúc nào phú ông cũng là kẻ xấu, anh nông dân nghèo là người tốt.
Lớn lên chút, mình “đọc trộm” báo Hạnh phúc gia đình của mẹ, trong ấy đầy rẫy những câu chuyện kiểu: vợ chồng yêu nhau, lấy nhau từ lúc hàn vi, tới khi một trong hai người thành đạt, cuộc sống đủ đầy, sẽ chắc chắn có ngoại tình, “rửng mỡ” làm bừa. Tư tưởng chung của những câu chuyện ấy là: khi không còn phải lo nghĩ về tiền, người ta dễ sa ngã, chuyển sang những thú vui độc hại và không còn trân trọng nhau như lúc nghèo.
Những câu chuyện từ hàng xóm, người trong làng, trong huyện, rằng nhà đó giàu lắm nên không quan tâm con cái, chỉ quan tâm đến tiền thôi. Ở những gia đình “có tiền” ấy, con cái không hiểu cái khổ cái nghèo nên không có động lực học hành, lười biếng chơi bời tụ tập hút chích, gia đình tan nát chỉ bởi giàu. Thú thực, những điều đó in hằn trong đầu mình từ rất lâu, rất lâu.
Nghèo dường như mang tới một sự an toàn nào đó. Và, mọi sự về tình cảm, tình yêu, tình thân đều sẽ đổ vỡ khi người ta có nhiều tiền hơn mức cần thiết của cơm ăn áo mặc.
Từ bao giờ không rõ, mình… sợ giàu. Mình mong cuộc sống BÌNH THƯỜNG, VỪA ĐỦ, nếu được chọn để nghiêng về bên nào hơn, mình sẽ chọn thà nghèo chút còn hơn giàu rồi gia đình lục đục, đổ vỡ, mất lòng nhau.
…
Thêm một ví dụ khác, hơi… lãng mạn:
4. Tiền không mua được tất cả, nhưng…
Không hiểu từ đâu, có một câu cứ trở đi trở lại trong đầu mình rất nhiều năm mỗi lần nghĩ tới tiền, đó là: Tiền không mua được tất cả. Tiền không quan trọng. Quan trọng là tình cảm.
Mình đã tin như thế. Nhưng, lần đầu tiên mình nghe thấy một suy nghĩ khác, lật ngược tư duy có vẻ coi thường tầm quan trọng của tiền này, là hồi học cấp 3.
Hồi ấy, mình ở trọ. Sáng chủ nhật nào mình cũng nghe chương trình Quick & Snow Show trên đài. Mình nhớ có một câu chuyện, nói về mối tình của một cô gái với người yêu, chàng trai (tên Hòa thì phải) chia tay cô và có người yêu mới với gia đình có điều kiện kinh tế hơn. Cô gái ấy kết thúc lá thư gửi chương trình với câu: “Tiền không mua được tất cả, nhưng rất tiếc, là tiền mua được nhiều thứ. Con đường Hòa từng chở tôi đi dạo dưới trăng sao, giờ Hòa đã rẽ sang ngả khác…”.
Đó là lần đầu tiên mình nghe được một tư duy khác, rằng: tiền có khả năng chi phối cực kỳ lớn nhiều quyết định của con người. Tất nhiên, câu chuyện này vẫn ẩn chứa nỗi chua chát và phê phán một người rời xa mình, tự gán cho người ấy lý do chia tay mình vì tiền.
Dẫu vậy, rõ ràng không thể đánh giá sai lệch, thậm chí coi thường tiền. Bởi nó là phương tiện không thể thiếu để sống và để chăm lo cho người khác.
Gần đây, mình đọc một cuốn sách trong đó có câu trích dẫn:
“Tiền không thể mua được hạnh phúc, nhưng nó có thể giúp bạn sống thoải mái ngay cả khi đau khổ”. (Clare Boothe Luce).
Giờ thì mình biết điều này là đúng.
Hồi bố mình bị bệnh phải mổ, đứng giữa lựa chọn có chọn bác sỹ giỏi hơn không, có thuê phòng dịch vụ để bố được thoải mái hơn không, mình đã quyết định chọn các phương án tốt nhất dù tốn tiền, dù lúc ấy mình cũng không dư dả. Nhưng ở bệnh viện là lúc mệt mỏi nhất, đặc biệt với bệnh nhân. Chỉ một khác biệt về phòng, về giường và dịch vụ, cũng khiến trải nghiệm trở nên dễ chịu đựng hơn nhiều.
Tiền đúng là không mua được hạnh phúc, nhưng trong nhiều trường hợp, lại giúp mang lại sự thoải mái cho người thân yêu của mình, và vì thế, làm mình hạnh phúc.
Mình từng mắc phải rất nhiều sai lầm trong tài chính cá nhân, nhưng việc cố gắng dành những gì tốt nhất có thể cho người thân, là điều mình biết không sai, và mình không bao giờ hối hận vì điều ấy, dẫu đôi lúc đúng là mình đang “cố quá”.
Mình thật không hiểu vì sao xã hội và nền giáo dục nói chung, lại hay né tránh giảng giải cho trẻ nhỏ về tầm quan trọng của tiền? Mình có cảm giác tiền bị coi là điều gì đó xấu xa, là nguồn gốc của tội lỗi, và chẳng đáng giá gì khi đặt cạnh tình cảm con người?
Kể từ ngày học phổ thông nghe câu chuyện tình yêu kia trên đài, mình có nhiều trải nghiệm thực tế trong những năm qua chứng minh điều ngược lại. Tình cảm quan trọng, đúng vậy. Nhưng nó chẳng làm giảm giá trị của tiền trong cuộc sống chút nào. Muốn yêu thương và thể hiện sự yêu thương, trong nhiều trường hợp, chúng ta phải có tiền. Khi gia đình thiếu tiền, vợ chồng thường căng thẳng, cãi vả, vậy đâu thể hạnh phúc được? Muốn thoải mái, trước hết phải cảm thấy an toàn về tài chính đã chứ, đúng không?
TẠM KẾT:
Mình cũng chưa biết tới bao giờ, mình mới thực sự chắc chắn về tâm lý và tư duy của mình về tiền bạc. Có những thứ mình đã nghĩ được về nó rồi, nhưng khi hành động, dường như có những làn sóng tư duy ngầm mình không thể kiểm soát lại tràn về. Và mình, lại cảm thấy tiền thật chẳng đáng gì, có cũng như không, nhiều hay ít không khác biệt. Và rằng, tận hưởng cuộc sống mới là điều quan trọng, mối quan hệ giữa người với người mới là điều duy nhất có ý nghĩa.
Bạn thấy đấy, dù rất logic và chắc chắn về nhiều khía cạnh khác, nhưng cứ nhắc tới tài chính cá nhân, tiền bạc, mình lại mơ hồ, dường như vẫn đang đứng giữa ngã ba đường của rất nhiều suy nghĩ, cả điều mình kiểm soát được, cả những niềm tin đã hằn sâu quá lâu vào trí não.
Bạn có niềm tin nào giống mình không, hay bất cứ một niềm tin nào đó khác về tiền và sự giàu có? Thật khó để bàn chuyện đúng sai, hay đổ lỗi cho bất cứ ai về những niềm tin này. Chỉ là, mình viết ra để chúng đừng quẩn quanh trong đầu mình nữa, về để chia sẻ với bạn vì biết đâu, bạn cũng có niềm tin tương tự với mình.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này của mình hôm nay.
Chúc bạn một ngày vui, và đừng ngần ngại chia sẻ với mình qua comment hoặc gửi email về địa chỉ touyen.mentor@gmail.com nhé!
Thân mến,
Tố Uyên.
Chị ơi, em cũng hay thích đọc mấy bài về đầu tư, em thấy có blog của anh Hạc, bài viết rất là đầu tư & hữu ích luôn. Chị thử tìm đọc nhé: https://vohoanghac.com/
Em cũng có cảm giác mâu thuẫn á chị ơi. Đọc bài chị em nhận ra niềm tin của em về tiền là kiếm ra nhiều tiền sẽ đánh đổi cuộc sống bình yên mà mình đang có, mình sẽ căng thẳng hơn, bận rộn hơn, khó chịu hơn. Nhưng đồng thời em cũng muốn có thêm nhiều tiền để có nhiều lựa chọn.😭