Tuần 4: Vì sao mình muốn đạt được FIRE?
Điều quan trọng nhất của FIRE là cung cấp cho mình một công thức nhất định để tự tính ra con số mình cần.
Trong những bài viết trước, mình nói về “mối quan hệ đau khổ” giữa mình và nợ, những niềm tin về tiền bạc đã đeo bám mình bao năm qua, và một số bài học tới từ cuốn sách “Phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả”. Tất cả những điều ấy giống như điểm A của mình vậy - nơi bắt đầu, tình hình hiện tại. Vậy điểm B của mình với vấn đề tài chính là gì? Đó là FIRE - Financial Independence, Retire Early (Tự do tài chính và nghỉ hưu sớm).
Một cách ngắn gọn, FIRE là một phong trào trên thế giới, xu hướng tiết kiệm và tích cực đầu tư để đạt được mức tích lũy tiền và tài sản sinh lợi đủ để không còn phụ thuộc vào thu nhập nhờ lao động mà vẫn duy trì được mức sống bình thường, từ đó đạt được sự tự do về tài chính và có thể không bắt buộc phải làm việc nữa.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ việc tại sao mình lại lựa chọn FIRE là đích đến để theo đuổi trong hành trình sắp tới. Mình tin, tất cả sẽ luôn cần phải bắt đầu với câu hỏi tại sao.
1. Mình thích sự rõ ràng của những con số
Mình từng là một học sinh chuyên toán. Thú thực, dù viết lách và văn học mới là thứ mình yêu thích từ khi còn nhỏ và chưa bao giờ có thể rời xa, thậm chí nhiều năm ngừng lại rồi mình vẫn quay trở lại khi có thể, nhưng toán và những con số bằng một cách nào đó cũng đã trở thành một phần tư duy và con người mình.
Mình thích sự rạch ròi, rõ ràng, và logic của toán. Vì thế, bất cứ suy nghĩ, mục tiêu, kế hoạch nào của mình cũng cần được đại diện bởi một con số. Mình có cảm giác cầm nắm được, nhìn rõ và nhớ được khi có một con số lửng lơ trước mặt thay vì những mong muốn chung chung: giỏi hơn, tốt hơn, giàu hơn…
(Bật mí: Hồi học cấp 3, mục tiêu điểm thi Đại học của mình là 26, vì khoa mình muốn thi vào ở trường Bưu chính viễn thông lấy 26 điểm. Sự thực là mình đã đạt 29 điểm và trở thành thủ khoa của trường).
Về tài chính, mình cũng có những mục tiêu bằng chữ:
Lo được cho tuổi già của bố mẹ;
Chăm sóc tốt cho con cái và chuẩn bị cho tương lai vững chắc của con;
Được tự do làm việc mình yêu thích thay vì áp lực phải làm để duy trì cuộc sống;
Có thêm nhiều thời gian và trải nghiệm…
Nhưng bằng ấy là chưa đủ. Mình cần một con số. Cụ thể là bao nhiêu tiền? Nếu không, mình sẽ chẳng nhìn thấy đỉnh núi cần vươn tới là gì? Như thế nào là hoàn thành? Mình không đo lường được, vậy sẽ không biết đã đạt được tới đâu của hành trình cần đi.
Điều quan trọng nhất của FIRE là cung cấp cho mình một công thức nhất định để tự tính ra con số mình cần. Nói đơn giản, đó là 25 lần mức chi tiêu thông thường cho một năm, với giả định sẽ rút 4% tài sản hàng năm để chi tiêu, duy trì cuộc sống. Rõ ràng, con số 4% chỉ là mức trung bình, một con số giả thiết, ước lượng, không đúng với mọi cá nhân, gia đình, hoặc nền kinh tế. Nhưng nó cho chúng ta căn cứ để “bám vào”. Và đôi khi, thứ chúng ta cần để có một con đường sáng rõ chỉ là một điều gì đó để bám vào.
2. Mình thích độc lập tài chính, nhưng mình cũng thích nghỉ hưu sớm
Trong một lần đi làm sau kỳ nghỉ lễ dài, mình tới công ty, từ từ lấy một cốc nước ấm theo thói quen, đứng ở bên cửa kính nhìn xuống dòng người dưới đường rồi thở dài nói: “Tiếc quá! Hết lễ rồi. Phải đi làm thật rồi!”. Một bạn đồng nghiệp (nhân viên của mình) tỏ ra ngạc nhiên: “Ôi chị Uyên cũng thích nghỉ á? Hóa ra không chỉ mình em ngại đi làm”.
Ha ha! Thật sự. Tất nhiên rồi. Mình không thích đi làm đâu, nếu so sánh với việc được nghỉ. Mình rất ngạc nhiên vì có những đồng nghiệp cả năm không nghỉ hết ngày phép, ngày dư cứ chuyển từ năm này sang năm khác (em trai mình là một ví dụ). Không phải vì công việc quá bận tới không thể xin nghỉ, hoặc chính sách của công ty chặt chẽ, hay lãnh đạo quá khó khăn trong phê duyệt, mà lý do mình hay nghe được lại là: “Nghỉ cũng chẳng biết làm gì”.
Mình hay đùa: “Giá mà có chính sách cho mua ngày phép, mình sẽ hốt liền”. Mình chưa bao giờ gặp khó khăn để lên kế hoạch cho một-ngày-không-phải-đi-làm. Có thể vì một nửa hướng nội trong tính cách chăng? Mình thích cảm giác được ngồi một mình làm gì đó, đôi khi chỉ là ra quán cafe quen, đọc sách, viết lách, hoặc đi chơi với con cái, chồng, bố mẹ… Mình có rất nhiều niềm vui và kế hoạch ấp ủ với người nhà, bạn bè, và với cả chính mình.
Tất nhiên, đi làm công sở luôn mang lại những niềm vui mà làm việc tự do hoặc không làm việc không thể nào so sánh được. Nhưng được chủ động hơn với thời gian của mình, tự tin chọn lọc hơn nữa để chỉ làm những gì mình thực sự mong muốn và yêu thích, đó là điều mình rất muốn được trải nghiệm.
Trên Internet có những bài viết kiểu: Hối hận sau một năm nghỉ hưu sớm, mất động lực, nhàm chán, tiêu hết tiền tiết kiệm… Nhưng mình tin, đó chỉ là số ít, xảy ra với những người chưa có nền móng vững chắc thực sự về tiền, chưa chuẩn bị tinh thần tốt, không có kế hoạch cụ thể cho giai đoạn nghỉ hưu, cũng chưa có những thử nghiệm trước đó, và đặc biệt, chưa tìm thấy những điều khiến họ yêu thích và muốn theo đuổi. Nếu nghỉ hưu chỉ đơn thuần là không làm gì cả, chắc chắn sẽ sớm chán nản. Mình có nhiều thứ muốn làm, mình muốn chủ động thời gian, chủ động cả hoàn cảnh tài chính của mình, vì thế mình sẽ theo đuổi FIRE.
3. Mục tiêu FIRE tạo ra áp lực và động lực cho mình học hỏi
Thú thực, mình rất tò mò. Mình từng thi những chứng chỉ khó nhất về quản lý dự án, lý do thăng tiến công việc, tăng cường hiểu biết là một phần. Còn có phần quan trọng nữa là bởi: Mình muốn biết ở đó có gì? Học cái đó có khó như người ta vẫn bảo không? Mình liệu có làm được không? Sao ai cũng nói cần cả năm để học, mình có thể có cách nào rút ngắn không? Đọc sơ qua nội dung thấy vừa lạ lẫm vừa thú vị, mình muốn hiểu chúng thực ra là gì…
Mình rất tò mò về tài chính, đây cũng là một phần lý do khiến mình học MBA. Chương trình MBA quả thật đã cung cấp cho mình kiến thức nền tảng về tài chính doanh nghiệp. Nhưng hẹp hơn, “sát sườn” hơn, mình muốn có hiểu biết về tài chính của mình, gia đình mình. Có điều, kiến thức kinh nghiệm ngoài kia nhiều quá, một biển mênh mông, mình cần bám vào cái khung nào đó để tìm hiểu một cách có hệ thống, tập trung, và dễ tạo ra gắn kết giữa các mảng kiến thức. Mình chọn FIRE.
Từ “cái lõi” này, mình tìm hiểu về bản thân phong trào FIRE, sau đó sẽ mở rộng ra các thành phần liên quan, về tiết kiệm, thay đổi lối sống, tăng thu nhập, các loại hình đầu tư theo nguyên tắc bền vững của FIRE.
Mình hiểu, mỗi người có con đường khác nhau, phong cách tiếp cận với tài chính cá nhân cũng khác nhau. Chỉ một khía cạnh như đầu tư chứng khoán cũng có cả trăm trường phái, ai cũng có lý của mình. Mình không định tìm hiểu về tất cả, cũng không muốn ngả nghiêng mỗi hướng một chút, mình cần bám vào một mục tiêu để dễ dàng đưa ra quyết định. Giống như “vision” - định hướng, tầm nhìn của một doanh nghiệp vậy.
Mình không cần rất nhiều rất nhiều tiền, và hẳn với kiểu suy nghĩ của mình cũng chẳng đạt được tới mức ấy. Mình không đặt mục tiêu “nâng cao chất lượng sống” là ưu tiên hàng đầu để mong muốn mức sống càng cao càng tốt. Mình cũng không có kế hoạch bằng mọi giá cho con đi du học, có nhà mặt đất to đẹp, hoặc chuyển sang sống ở nước ngoài. Mình cần FIRE. Và đó, là điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực học hỏi của mình về tài chính cá nhân.
Trên đời này có rất nhiều thứ chúng ta cần học, muốn học, và thích học. Nhưng nếu không có chủ đích rõ ràng hoặc niềm đam mê thực sự, rất khó để ta theo đuổi việc đào sâu về một chủ đề nào đó.
Mình đọc ở đâu đó có câu nói rằng: “Chúng ta thường đánh giá quá cao những gì có thể làm trong một ngày và quá thấp những gì có thể làm trong một năm”. Việc xác định tầm nhìn FIRE sẽ giúp mình tập trung năng lượng, thời gian, và sự chủ ý vào số ít sách vở, tài liệu, blog, Youtube, podcast và cả trải nghiệm bản thân. Mình tin, sự bồi đắp tri thức là cần thiết và đáng quý, đặc biệt sau một thời gian dài đều đặn.
Tạm kết:
Mặc dù có rất nhiều sai lầm về tài chính cá nhân, và vẫn đang trên hành trình học từng chút một, mình tự thấy bản thân có một điểm mạnh, đó là khi đã xác định được vấn đề, sẽ đặt mục tiêu rất rõ ràng để giải quyết nó và kiên định với kế hoạch đó.
Có thể sau đây hai năm, mình sẽ chưa trả hết nợ như dự định, nhưng hẳn cũng phải hết tới 70-80% rồi chứ. Có thể sau đây 10 năm, mình chưa đạt được FIRE - tự do tài chính và nghỉ hưu sớm, hẳn mình cũng tiến được những bước rất dài từ hiện tại, và chỉ thêm một chút nữa, mình sẽ đạt được điều mình muốn.
Những câu hỏi “nhị phân” kiểu: Có làm được hay không? Thành công hay thất bại? Nhỡ không làm được thì sao?… thực ra không phải cách cuộc sống vận hành. Mọi thứ trong đời mình không có điều gì hay nỗ lực nào dẫn tới “1” hoặc “0”, luôn là đâu đó ở giữa.
Mọi hành động thực ra đều dẫn chúng ta đến một địa điểm nào đó, nên câu hỏi đúng ra nên là: “Khi ấy, mình sẽ đang ở đâu?”.
Khi ấy, mình chắc chắn ở gần mục tiêu FIRE hơn hiện tại nhiều, bởi vì mình thực sự đang hành động.
Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng mình trong bài viết hôm nay.
Đây là các bài viết trước của series “Tiền và tự do” nếu bạn quan tâm:
Tuần 1: Mình và nợ.
Tuần 2: Những niềm tin của mình về tiền
Tuần 3: Năm bài học quý từ cuốn sách “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả”.
Chúc bạn một ngày vui!
Tố Uyên.