Cuộc cạnh tranh công việc giữa các thế hệ (cụ thể là gen Y và gen Z)
Dường như có quá nhiều người cảm thấy (và thực sự) gặp bất lợi khi mình thuộc về một thế hệ (quá già hoặc quá trẻ) để phù hợp với thị trường lao động đầy cạnh tranh của hiện tại.
Khoảng một năm gần đây, thị trường lao động ghi nhận nhiều biến động sau đại dịch, đâu đâu cũng thấy cắt giảm nhân sự, khó khăn để tìm việc, mức lương trung bình cho một ví trí thấp xuống.
Dạo quanh các kênh mạng xã hội như Facebook, Instagram, hay một nền tảng mới nổi gần đây là Threads, mình nhận thấy một làn sóng của sự lo lắng, hoang mang liên quan tới định hướng công việc, nổi bật trong số đó là cảm giác “bị lấy mất cơ hội” từ thế hệ khác.
Ví dụ như:
Cảm thấy mình quá già cho công việc này, các bạn trẻ giỏi quá, cái gì cũng biết;
Gen Z thành thạo ngoại ngữ, mình thì không;
Công việc nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm, trong khi mình mới ra trường, không cạnh tranh được với anh chị nhiều tuổi hơn;
…
Dường như có quá nhiều người cảm thấy (và thực sự) gặp bất lợi khi mình thuộc về một thế hệ (quá già hoặc quá trẻ) để phù hợp với thị trường lao động đầy cạnh tranh của hiện tại.
Cá nhân mình, chỉ trong gần mười năm qua, mình đã làm ở công ty mà mình trẻ nhất (đến tận bây giờ sau khi nghỉ việc đã lâu, mình vẫn thấy phòng ban ấy không tuyển người trẻ hơn mình vào), cũng đã làm ở công ty mà mình dường như quá khó để gặp ai đó nhiều tuổi hơn, thậm chí có bạn sinh năm 2001, 2002 còn chào mình là… cô luôn rồi.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn góc nhìn kinh nghiệm của bản thân về thị trường lao động và cách chúng ta tạo ra sự khác biệt nổi trội, đủ đảm bảo có chỗ đứng cho mình thay vì liên tục chìm trong lo lắng vì phải cạnh tranh với cả một thế hệ khác.
1. Sự cạnh tranh là thật, và càng ngày càng khốc liệt
Suy nghĩ thường trực của nhiều người đi làm hiện tại, nhất là những người thuộc thế hệ 8x, 9x là: “Gen Z giờ giỏi lắm”.
Suy nghĩ thường trực của nhiều bạn trẻ sinh khoảng năm 2000 mới ra trường lại là: “Sao tìm việc intern thôi cũng khó vậy?”.
Thị trường lao động đang cạnh tranh gay gắt có phải sự thực hay chỉ là cảm giác của mọi người? Từ kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế qua nhiều công ty, mình có thể trả lời bạn: Là thật.
Chúng ta được hưởng lợi rất nhiều từ việc phổ biến Internet, cơ hội học tập mở ra không giới hạn, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nhà tuyển dụng có nhiều cách, nhiều nguồn, và thông tin rộng mở hơn để tiếp cận với các ứng viên. Đó là Linkedin, các trang web tuyển dụng, thậm chí qua kênh mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram…
Việc dễ dàng tìm kiếm thông tin về ứng viên và cơ hội công việc, dễ dàng có được nguồn tài nguyên cho học tập phát triển kỹ năng đặt chúng ta vào sự cạnh tranh.
Thực chất, đây chỉ là hệ quả của một thời đại bùng nổ thông tin. Nói thẳng ra, đó là bởi sự công bằng, khi ai cũng có cơ hội để học hỏi, ứng tuyển, và nhận việc, không còn rào cản về thông tin và kiến thức.
Nhiều bạn có thể nghĩ rằng sự cạnh tranh này ảnh hưởng lớn tới thế hệ của mình, nhưng tác động của biến động trong xã hội ảnh hưởng tới tất cả mọi người, mọi thế hệ, không chỉ riêng nhóm người nào. Việc kinh tế thế giới đang ở thời kỳ khủng hoảng về nhiều khía cạnh là một phần lý do của sự cạnh tranh, nhưng cuộc sống luôn có vấn đề, không phải khủng hoảng kinh tế bạn cũng sẽ gặp khó khăn khác.
Tóm lại, sự cạnh tranh là thật, và sẽ càng ngày càng khốc liệt. Đây là điều chúng ta buộc phải chấp nhận.
2. Thế hệ nào cũng có lợi thế riêng
Không phải tất cả các công việc đều có chung một “chân dung ứng viên”, không phải tất cả công ty doanh nghiệp đều tìm “ứng viên trẻ, thông thạo ngoại ngữ”, cũng không phải công ty nào cũng cần người “có kinh nghiệm năm năm trở lên”.
Mỗi thế hệ ứng viên có điểm mạnh điểm yếu riêng, ví dụ như:
Người trẻ, mới ra trường thường có độ linh động cao về thời gian, mức lương mong muốn không quá cao, bù lại cần được đào tạo nhiều.
Người có kinh nghiệm thường không cần công ty bỏ ra nhiều nguồn lực thời gian để đào tạo, nhưng chi phí lương lại cao hơn.
Tất nhiên, đó là nói chung. Thực tế dù ở thế hệ nào, khoảng tuổi nào, cũng luôn có người ham học hỏi, nỗ lực, chăm chỉ và có người không như vậy. Thế hệ Z cảm thấy không cạnh tranh nổi với 8x, 9x về kinh nghiệm; thế hệ 8x 9x lại cảm thấy bị đe dọa bởi các bạn trẻ “nói tiếng Anh như gió”. Nỗi lo lắng đó khiến chúng ta quên mất lợi thế cạnh tranh của mình. Và chúng ta cũng không cần trở thành người tất cả các công ty đều khao khát muốn có, chỉ cần một (vài) công ty phù hợp.
Sự chuyển dịch về thế hệ là hiển nhiên, không thể tránh khỏi. Nếu đã như vậy, vấn đề lại quay về với từng cá nhân: Vậy phải làm gì để có chỗ đứng trên thị trường lao động?
3. Cách để bạn nổi bật trên thị trường lao động
Dành nhiều thời gian để than vãn, lo lắng, thậm chí chỉ trích hoàn cảnh và xã hội, hoặc nuôi dưỡng tư tưởng nạn nhân không phải cách để chúng ta có thể trở thành một ứng viên được săn đón và có công việc cho mình. Điều đầu tiên, hãy chấp nhận. Đó là cách xã hội, cuộc sống, và thời đại này vận hành.
Điều chúng ta có thể làm được, đó là tìm ra cách để biến bản thân trở nên “quý giá”, “quan trọng”, “có ý nghĩa” với năng lực phù hợp với thị trường nhắm tới.
Đây là một số kinh nghiệm của mình:
Xây dựng tư duy của một lao động chuyên nghiệp: Xã hội càng phát triển càng coi trọng sự chuyên nghiệp. Công ty doanh nghiệp càng lớn càng không muốn tuyển những người có thái độ và phong cách “nghiệp dư” kiểu công ty của nhà, thích làm theo ý mình, và không chịu học hỏi.
Học, học, và học: Liên tục học hỏi, từ công việc, đồng nghiệp, sách vở, chứng chỉ. Bớt thời gian cho “thông tin” (mạng xã hội, báo chí…), tập trung vào kiến thức (sách, khóa học chất lượng…).
Ngoại ngữ: Dù thế nào, cũng cố gắng học tiếng Anh, ít nhất đủ để đọc tài liệu, viết email, giao tiếp cơ bản, sau đó nâng cao dần các kỹ năng. Xu hướng tất yếu là công việc cần tiếng Anh càng ngày càng nhiều và phổ biến. Tốt hơn nữa là sử dụng được hai, thậm chí ba ngoại ngữ.
Hiểu nhu cầu của các công ty tuyển dụng: Thị trường của công việc bạn theo đuổi đang coi trọng những điều gì, xu hướng công nghệ nào, quy trình, cách làm, chứng chỉ nào… Chúng ta chỉ trở nên giá trị hơn nếu có những kiến thức và kỹ năng thị trường cần, nhất là khi đó là những kiến thức kỹ năng “hiếm” và “khó”.
Đừng ngại “nhảy việc” khi cần: Không có một câu trả lời đúng, chung, cho câu hỏi có nên nhảy việc không? Điều này phụ thuộc vào tính chất từng ngành, chiến lược sự nghiệp của bạn, và tình hình thực tế của công việc bạn đang làm. Nếu công việc đó vẫn mang lại giá trị cho bạn, và bạn đang đóng góp được cho công ty, hãy cố gắng vượt qua thử thách để tiếp tục. Ngược lại, nếu môi trường quá độc hại, lương thấp so với năng lực và đóng góp, hoặc đơn thuần bạn tìm được cơ hội phù hợp hơn, hãy chuyển việc.
Tạm kết
Như rất nhiều vấn đề khác trong cuộc sống, điều chúng ta lo sợ thực ra những người khác cũng đang lo sợ, khó khăn ta gặp phải phổ biến hơn ta tưởng, và tâm lý nạn nhân không dẫn bạn hay mình tới vị trí nào tốt đẹp hơn.
Bạn có thể buồn, thất vọng, lạc lối, hoang mang, nản lòng… Nhưng đến cuối cùng, hãy trở lại và tiếp tục nỗ lực. Bởi đó là điều duy nhất chúng ta có thể làm, cũng là cơ hội duy nhất để đạt được điều mình mong muốn bất kể xã hội vận hành như thế nào, thế giới bình ổn hay hỗ loạn, và người khác hoặc thế hệ khác đang trì trệ hay phấn đấu ra sao.
Vấn đề luôn là bản thân chúng ta.
Như nữ ca sỹ Taylor Swift trong một bài phát biểu nổi tiếng tại Đại học New York trước hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đã nói:
“Tin đáng sợ là: Tất cả phụ thuộc vào bạn”.
Tin tuyệt vời là: Tất cả phụ thuộc vào bạn”.
Chúc chúng ta, dù sinh năm bao nhiêu, đang làm công việc gì, đều sẽ tìm thấy con đường và chỗ đứng riêng của mình.
Thân mến,
Tố Uyên.
Tin tuyệt vời một cách không đáng sợ những con chữ của Uyên luôn xuất hiện đúng thời điểm với ai đó. Cảm ơn chị vì đã chăm chỉ 🥰