Có hai kiểu phát triển, mục tiêu bạn theo đuổi thuộc kiểu nào?
Hiểu để kiên trì với mục tiêu của mình, vượt qua sự nản lòng và những điểm bế tắc để đạt được điều mình mong muốn.
Mình đang học tiếng Trung. Đây là ngoại ngữ thứ hai mình chọn, chỉ mới bắt đầu được khoảng vài tuần nhưng mình đã cảm nhận được sự khó khăn mặc dù đã từng có kinh nghiệm… loay hoay với tiếng Anh trước đó. Mình đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về các phương pháp học hiệu quả, các nguồn tài liệu và các lộ trình tự học tương ứng với mong muốn của mình. Thời gian đầu, mình đã học được rất nhiều, cảm giác tiến bộ từng ngày. Dù vậy, mục tiêu mình đặt ra là đạt được HSK4 và giao tiếp được sau sáu tháng vẫn là một thách thức quá lớn.
Mình cũng đang viết blog. Mặc dù có một vài khoảng ngắt quãng, nhưng tính tổng cộng mình đã viết được hơn một năm với khoảng 100 bài. Mình rất vui vì đã có một nơi để ghi dấu những suy nghĩ, kiến thức, trải nghiệm và hành trình phát triển bản thân của chính mình, cũng nhờ các bài blog mà mình có thể “chạm” tới một số bạn đọc có cùng mối quan tâm và cùng “mức năng lượng”. Dẫu vậy, thú thực là lượng đọc blog đã tăng rất chậm, rất từ từ, cho tới giờ hành trình vẫn gần như không có đột biến về tăng trưởng.
Hai mục tiêu, học ngoại ngữ và viết blog, hoàn toàn khác nhau về nội dung, cách thức thực hiện, nhưng là hai ví dụ rất phù hợp để mình chia sẻ về lý do vì sao mình có thể kiên trì với chúng, không chỉ tới nay mà chắc chắn là tới rất lâu sau này khi đã đạt được những gì mình đã đề ra ngay từ đầu. Mình không sốt ruột, cũng không nản lòng, bởi mình hiểu mỗi mục tiêu này sẽ đi theo hướng tiến bộ như thế nào.
Thực ra, mỗi khía cạnh phát triển của chúng ta thường nằm ở một trong hai kiểu: tăng trưởng theo CẤP SỐ NHÂN (exponential growth) và theo CẤP SỐ LOGARIT (logarithmic growth).
Bài viết này, mình sẽ chia sẻ về sự khác nhau để giúp bạn xác định được mục tiêu của bạn thuộc nhóm nào và cách để chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn khi theo đuổi mục tiêu đó.
1. Tăng trưởng theo CẤP SỐ NHÂN (exponential growth)
Đây là kiểu tăng trưởng rất khó nhìn thấy thay đổi ở giai đoạn đầu dù đổ vào nhiều nguồn lực, nhưng khi tích lũy đủ nhiều sẽ tới một thời điểm chúng ta nhìn thấy sự tăng trưởng (có vẻ) đột ngột. Hình dưới đây là minh họa trực quan cho tiến trình đó:
Một số mục tiêu thường đi theo hướng tăng trưởng này:
Viết blog, làm Youtube, podcast, xây kênh (sáng tạo nội dung nói chung): Những người đã thành công ở mảng này khi chia sẻ lại kinh nghiệm, chúng ta thường thấy có điểm chung đó là họ rất kiên trì, thường ban đầu không nhận được nhiều sự chú ý, lượt xem tăng rất chậm. Nhưng tại một thời điểm nào đó có vẻ “tình cờ”, họ có một bài viết hoặc video “viral”, từ đó được biết tới nhiều hơn hẳn. Hiện tượng này có thể được coi như may mắn, nhưng thực tế đó là mô hình chung của kiểu tăng trưởng theo cấp số nhân, yếu tố thời cơ chỉ là điều kiện cuối cùng, và sớm muộn cũng sẽ xảy ra.
Nguyên tắc lãi suất kép: Số tiền trong một khoảng thời gian đầu sẽ tăng rất chậm, thậm chí không đáng kể, nhưng sau một thời gian dài sẽ tăng trưởng rất lớn.
Phát triển sự nghiệp: Nếu bạn liên tục tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng, có thể trong suốt vài năm vị trí của bạn không đổi, mức lương cũng vậy. Nhưng tới một thời điểm, khi gặp được thời cơ thuận lợi, sự tích lũy đủ nhiều, bạn sẽ có được bước tiến vượt bậc.
Công việc kinh doanh: Một người lãnh đạo trước đây đã nói với mình rằng, các công ty khởi nghiệp thành công đều có một hình thái phát triển tương đồng, đó là đi ngang ở mức thấp rất lâu do họ cần thời gian để xây dựng sản phẩm, nhân lực trưởng thành và có sản phẩm thăm dò thị trường, đồng thời do còn rất ít người biết họ nên mức độ truyền miệng thấp. Tới một thời điểm, biểu đồ phát triển sẽ đột nhiên tăng vọt, thậm chí dốc đứng.
…
Đây chính là lý do mình không cảm thấy sốt ruột khi các kênh nội dung tăng trưởng chậm. Việc của mình là kiên trì tạo ra giá trị, đăng tải các bài blog và các tập podcast, dù chỉ có ít bạn đọc quan tâm cũng là điều rất tốt rồi. Sự thay đổi đáng kể sẽ tới ở một thời điểm nào đó trong tương lai vì nó không hề tuyến tính, không phải mình làm gấp đôi là lượng tương tác sẽ ngay lập tức gấp đôi.
Vấn đề của kiểu tăng trưởng theo cấp số nhân này chủ yếu là không nhìn thấy thành quả rõ rệt sau một thời gian khá dài, khiến chúng ta chán nản, nghi ngờ năng lực và phương pháp của mình, cuối cùng dẫn tới việc từ bỏ quá sớm.
Giải pháp ở đây là… tiếp tục. Đơn giản là tiếp tục. Nếu bạn đã xác định rõ mục tiêu đó là ưu tiên của mình, là điều mình thực sự muốn làm và nhất định cần đạt được, vậy đừng để kết quả trở thành yếu tố nhìn vào mỗi ngày, hãy tập trung vào quá trình và thói quen tốt, đơn giản vì nếu phụ thuộc vào kết quả để có động lực bạn sẽ nhanh chóng thất vọng.
Nếu điều bạn muốn tăng trưởng thuộc kiểu cấp số nhân, kết quả sẽ chỉ tới sau một thời gian đủ dài, trước đó HIỂN NHIÊN là sự thay đổi không rõ ràng, khó nhận biết. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ có kỳ vọng hợp lý hơn vào những gì mình đạt được để tự cho mình thời gian, cũng là cho đồ thị tăng trưởng của mình tích lũy đủ. Có lẽ không có kiểu tăng trưởng nào khác phù hợp với điều chúng ta đã học trong môn triết học ở trường đại học: “Tích lũy đủ về lượng dẫn tới bước nhảy về chất”.
Nếu “bước nhảy” đó chưa diễn ra, đơn giản là vì chúng ta tích lũy chưa đủ nhiều, chưa đủ lâu. Và thử thách ở đây thực sự chỉ xoay quanh vấn đề tâm lý. Hãy cùng vượt qua nhé!
2. Tăng trưởng theo CẤP SỐ LOGARIT (logarithmic growth)
Hình minh họa dưới đây là đặc trưng của kiểu tăng trường theo cấp số logarit. Trong đó, ở giai đoạn đầu tiên sự thay đổi rất rõ rệt nhưng sẽ chậm lại khi tới ngưỡng nhất định, từ đó gần như không biến chuyển kể cả chúng ta dành thêm nhiều thời gian nguồn lực.
Một số mục tiêu thường đi theo hướng tăng trưởng này:
Học ngoại ngữ (và hầu hết các kỹ năng phức tạp): Đây là ví dụ quen thuộc nhất mình nhận thấy liên quan tới kiểu tăng trưởng logarit, cũng chính là những gì mình đã trải qua với tiếng Anh và giờ là tiếng Trung. Ban đầu, khi đi từ số 0, sau một thời gian ngắn chúng ta thấy sự biến đổi rất rõ rệt nhưng sau đó sẽ “tắc lại” ở một trình độ nào đó, không thể bước lên tiếp trình độ cao hơn.
Giảm cân, cải thiện sức khỏe, tập chạy bộ: Trong thời gian ngắn ban đầu, bạn có thể rất hào hứng luyện tập, áp dụng các phương pháp và thực sự đạt được hiệu quả. Nhưng rồi khi tới “ngưỡng”, bạn rất khó để nhìn thấy biến chuyển tiếp theo.
Năng suất, hiệu quả làm việc: Khi áp dụng các nguyên tắc, thói quen mới về sự tập trung hoặc tăng năng suất, ban đầu chúng ta thường thấy biến đổi rõ rệt, thậm chí chỉ sau vài ngày. Nhưng sau vài tuần, sự biến chuyển không còn rõ rệt khiến chúng ta có cảm giác “giậm chân tại chỗ”.
Ví dụ trực quan của kiểu phát triển theo hàm số logarit này là quá trình mình học tiếng Anh và tiếng Trung. Từ không có chút kiến thức nào, sau một thời gian học mính có được lượng từ mới nhất định, các mục ngữ pháp cơ bản và có thể nghe nói được mức đơn giản. Sự tiến bộ này có thể lên tới mức khá, như mình đã gọi trình độ tiếng Anh của mình sau hàng chục năm học phổ thông là “lỡ cỡ”. Sau đó, dù dành nhiều thời gian để học mình vẫn không thể thoát được trạng thái rành ngữ pháp nhưng không nghe nói được. Đó là vì mình đã đạt tới ngưỡng tiệm cận, vì cứ học tiếp theo tư duy cũ, cách thức cũ nên mình loay hoay mãi không tiến bộ được.
Cách để vượt qua điều này là chúng ta cần THAY ĐỔI ĐỘ KHÓ của mục tiêu lên mức cao hơn, và xem xét sử dụng các phương pháp học khác so với trước đây, đồng thời tập trung vào cải thiện những yếu tố kém nhất của mình trong tổng thể (ví dụ: kỹ năng nói trong trường hợp mình học tiếng Anh). Phương pháp đã giúp chúng ta đi từ số 0 tới hiện tại sẽ rất khó để giúp chúng ta đi tiếp khi trình độ đã đạt ngưỡng. Do đó, cần đặt mình trở lại vạch xuất phát, nghiên cứu cách học khác hẳn, và đặt các mục tiêu rõ ràng, tham vọng hơn.
Còn bạn, mục tiêu học tập và phát triển của bạn hiện tại thuộc nhóm nào trong số hai kiểu trên? Bạn có đang gặp phải vấn đề khó khăn tương ứng với mỗi loại tăng trưởng không và cách bạn vượt qua như thế nào?
Mình hy vọng bài viết này mang lại cho bạn sự chia sẻ và động lực để vượt qua những bước “tắc nghẽn” trên hành trình học tập, làm việc và phát triển bản thân sắp tới.
Chúc chúng ta thành công!
Tố Uyên.
Bài viết đúng thời điểm với em quá chị ơi. Em cũng đang ở hướng tăng trưởng logarithmic trong việc học ngôn ngữ, bị chững level 1 quãng lâum. Hiện tại em cũng đang tìm hiểu cách thức mới để tiếp cận với việc học ngôn ngữ tốt hơn. Chúc chị cũng sớm tìm ra phương pháp học tiếng Trung hiệu quả.😘