Có nhất định phải tìm thấy công việc mình đam mê?
Yêu cũng được, không yêu cũng được, đam mê công việc thì tốt, không đam mê cũng không sao (thật đấy!).
Thành thật mà nói, mình vô cùng ngưỡng mộ những bạn xác định được rõ ràng bản thân thích làm gì và kiên trì tới cùng để làm được nó. Mỗi ngày đều thấy vui, hạnh phúc vì được làm công việc bạn yêu thích. Như một câu nói rằng: “nếu bạn làm những gì bạn yêu thích, bạn sẽ không bao giờ nghĩ là mình đang phải làm việc”.
Có điều, bản thân mình chưa bao giờ được trải nghiệm cảm giác đó. Mình sẽ nói cụ thể hơn: Mình chưa từng biết mình phù hợp với công việc gì.
Ngay ở hiện tại, mình đang làm cùng lúc một số việc: làm quản lý một phòng ban trong công ty công nghệ (phòng mình chuyên về quản lý dự án), viết và làm podcast, lâu lâu đi giảng dạy bên ngoài về quản lý dự án. Có một số bạn từng đặt câu hỏi cho mình: Làm sao Uyên biết mình phù hợp?
Câu trả lời của mình là: Không. Mình đã và tới giờ vẫn không biết mình phù hợp với công việc gì. Mình cứ làm thôi.
Mình không làm những công việc mà bản thân không có một chút thế mạnh nào hoặc là việc mình… ghét cay ghét đắng, nhưng mình cũng không kỳ vọng tìm thấy một công việc khiến mình ngày nào cũng hạnh phúc vì được làm, mỗi sáng đều nao nức thức dậy để nhào vào công việc.
Vậy mình đã xác định hướng công việc để theo đuổi như thế nào? Những tư duy nào đã định hình nên cách mình đưa ra các quyết định về sự nghiệp? Và, làm thế nào để biết thời điểm cần dừng lại hoặc đi tiếp?
1. Công việc không phải toàn bộ cuộc đời
Câu hỏi mà nhiều người lớn đặt ra cho trẻ con là: “Lớn lên cháu sẽ làm gì?”.
Câu trả lời được kỳ vọng là MỘT DANH TỪ chỉ nghề nghiệp nào đó: bác sỹ, giáo viên, công an, bộ đội, nhà báo…
Mình nhận thấy có rất nhiều vấn đề xung quanh câu hỏi và câu trả lời được kỳ vọng này. Sau cùng, chính những tư duy như thế đã đi theo chúng ta suốt tuổi thơ để sau này định hình lên cách chúng ta nghĩ về sự nghiệp trong cuộc đời mình. Đó là:
Mỗi người được định nghĩa bằng công việc họ làm;
Chúng ta chỉ có và chỉ nên có một nghề nghiệp duy nhất;
Cần phải xác định càng sớm càng tốt công việc mình theo đuổi;
Một khi đã chọn, chúng ta không thể chọn lại, sẽ rất… dở hơi nếu đổi nghề, đổi ngành;
Nếu không biết mình muốn làm gì, đó chính là thất bại;
…
Mình cố sức để xác định nghề nghiệp muốn làm, dồn mọi tâm huyết để vào được trường đại học học về nó, ra trường thi được vào tập đoàn lớn nhất nhì của ngành, thấy mình cũng… oách, cũng thành công ghê. Để rồi vài năm mình phải chọn lại, tìm lại, nghĩ lại về sự nghiệp.
Lúc ấy mình thấy bản thân thật thất bại vì vi phạm tất cả những gạch đầu dòng trên. Mất việc, mình không biết mình là ai vì không còn công việc để định nghĩa bản thân, không biết nên làm gì, có thể làm gì. Có điều mình không hề biết, thất bại ấy sẽ dạy mình nhiều bài học đến vậy.
Bài học quan trọng nhất chính là: Đừng hỏi trẻ con sau này cháu muốn làm công việc gì nữa. Đơn giản, vì công việc không phải toàn bộ cuộc đời.
Công việc là một phần cuộc sống, là phương tiện để chúng ta kiếm tiền, phát triển năng lực, mở rộng mối quan hệ, thuộc về một cộng đồng… Nhưng nó không phải định nghĩa về con người mình. Hôm nay mình có thể nói: “mình là một quản lý dự án”, nhưng mình còn “là” rất nhiều điều khác nữa: một người mẹ, một giảng viên, một người viết, một người học, một “fan girl”…
Công việc có thể thay đổi, con người chúng ta thì không. Mình vẫn là mình, dù công việc hôm nay mình làm không giống gì với cách đây chục năm. Mình đã có lúc thất bại trong công việc, nhưng mình không phải người thất bại. Ngã ở đâu đứng lên ở đó. Không làm được việc này thì làm việc khác. Giờ chưa kiếm được nhiều tiền thì nỗ lực dần dần.
Khi hạnh phúc vui vẻ, công việc chính là niềm tự hào, là nơi phát triển bản thân, là các mối quan hệ chất lượng, là hy vọng vào tương lai. Khi gặp trở ngại, công việc vẫn là công việc thôi, là phương tiện để chúng ta nuôi sống bản thân và gia đình.
Trên tháp nhu cầu Maslow có 5 cấp độ: Nhu cầu sinh lý (thức ăn, nước uống, sự ấm áp), Sự an toàn (tiền, nơi ở), Giao tiếp xã hội (gia đình, bạn bè, cộng đồng), Tôn trọng (Sự tự tin), Nhu cầu thể hiện bản thân.
Công việc có thể mang lại cho chúng ta cả năm cấp độ này. Nhưng đôi khi, nó chỉ mang lại được cấp độ thấp nhất mà thôi. Vì thế, đừng kỳ vọng quá nhiều rằng mình phải tìm thấy một công việc có thể luôn giúp mình đạt được cả 5 nhu cầu. Công việc ấy nếu có, cũng cần thời gian trải nghiệm mới có thể tìm ra, cần chúng ta tự nâng cấp bản thân mới thấy được, và kể cả có thấy, rồi cũng có nhiều lúc chúng ta mệt mỏi chán nản tới mức muốn bỏ nó thôi.
Tất nhiên, trong hầu hết trường hợp, chúng ta không nên bỏ, hoặc ít nhất đừng bỏ vội vàng bởi vì…
2. Công việc là “khung sườn” cho cuộc sống
Dù bạn làm doanh nghiệp hay làm việc tự do, công việc nhàn nhã hay bận rộn, làm tại văn phòng hay trực tuyến từ nhà, công việc vẫn là cái khung định hình mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng năm.
Cụ thể hơn, công việc mang lại cho chúng ta những gì để mọi điều khác có nơi để “bám vào” và “chạy theo”?
Mục tiêu mỗi ngày: Kể cả khi bạn thức dậy và thấy không muốn đi làm, sợ hãi tới công ty, chán nản vì lương thấp… Bạn vẫn luôn có một mục tiêu là đến nơi làm việc, và làm cho xong nhiệm vụ phải làm. Đó là chưa kể, sẽ có những ngày bạn gặp trắc trở trong cuộc sống cá nhân, tình cảm, gia đình… Khi ấy, mục tiêu hoàn thành công việc chính là cứu cánh để bạn có thể vượt qua mỗi ngày.
Biết mình cần phải học hỏi, phát triển theo hướng nào: Khi không biết nên học gì, hoặc không thấy thích điều gì cụ thể để tìm hiểu, chúng ta luôn có một cách giúp phát triển bản thân đó là bám vào công việc. Làm tốt nhất những gì được giao, thấy mình yếu kém phần nào thì tập trung phát triển phần đó, hỏi đồng nghiệp hoặc người cùng nghề về những gì họ học…
Tiền bạc để duy trì cuộc sống: Có một câu nói mình thấy rất chí lý đó là “Tiền bạc không phải tất cả nhưng lại cần thiết như khí oxy” (Zig Ziglar). Nguồn tài chính đến từ công việc giữ cho chúng ta và có thể là cả gia đình được sống một cách bình thường, an toàn, ấm áp. Đôi khi, đó thực ra là tất cả những gì cần thiết nhất chúng ta cần. Bạn có thể đang căng thẳng mệt mỏi vì công việc, nhưng nếu không có công việc đó, bạn sẽ phải ngay lập tức đối mặt với những căng thẳng mệt mỏi còn kinh khủng hơn vì không có tiền.
Có ngày đi làm mình rất vui, rất yêu công việc; cũng có ngày mình sợ hãi phải đi làm. Có công ty mình thấy thích, muốn gắn bó, nghỉ rồi vẫn tiếc nuối điểm này điểm kia; cũng có công ty mình phải chia tay sau thời gian ngắn ngủi. Nhưng dù làm ở đâu, thành thực là mình đều rất biết ơn công ty vì đã cho mình một nơi để làm việc và trả công cho mình đều đặn.
Mỗi tháng, cứ đúng ngày là có tiền đổ vào tài khoản. Điều đó quý giá lắm.
Mình làm việc có tốt, có giỏi đến đâu cũng chỉ là một mắt xích nhỏ trong tổng thể, và sẽ không làm nên khác biệt gì nếu không có cả một bộ máy lớn với rất nhiều con người, quy trình, văn phòng, các mối quan hệ của nhiều người khác. Vì thế, có một công việc để làm, một nơi nào đó thuê mình để mình có thể đóng góp năng lực, điều đó chúng ta cần trân quý.
Yêu cũng được, không yêu cũng được, đam mê công việc thì tốt, không đam mê cũng không sao. Chỉ cần chúng ta nhớ rằng công việc tạo ra cái khung nâng đỡ toàn bộ cuộc sống của mình, và dù mình có thành công nào trong sự nghiệp cũng vì có cả một hệ thống hỗ trợ. Chỉ vậy thôi, là đủ để chúng mình vượt qua những thăng trầm mà mình tin không ai tránh nổi trong suốt hành trình đi làm nhiều năm.
3. Tư duy quan trọng để phát triển sự nghiệp
Nói về công việc, mỗi người có trải nghiệm khác nhau nên tư duy cũng khác, các nghề nghiệp lại muôn hình vạn trạng. Ở đây, mình chỉ xin tổng kết một số tư duy mình đúc kết được từ hành trình cá nhân, hy vọng sẽ mang lại chút cảm hứng và gợi ý cho bạn:
Cần xác định điều gì là ưu tiên lớn nhất đối với bạn trong công việc ở thời điểm hiện tại: mức lương càng cao càng tốt, được làm việc bạn thích làm, gần nhà, có người hỗ trợ kèm cặp tốt… Không có công việc nào hoàn hảo, nên chúng ta cần xác định rõ điều gì là ưu tiên, từ đó mới có căn cứ để đưa ra các quyết định và có động lực gắn bó, nỗ lực.
Đừng quá đề cao chuyện yêu hay không yêu, đam mê hay không. Trong công việc, điều bạn tưởng mình yêu nhưng khi trở thành trách nhiệm, tình yêu ấy cũng sẽ nhạt dần; điều bạn không quá đam mê nhưng càng làm sẽ càng giỏi, và bạn có thể dần dần tự tin hơn, tìm thấy niềm vui từ công việc ấy.
Có thể và nên có nhiều hơn một công việc;
Sự nghiệp có lúc lên lúc xuống, khi thuận lợi lúc khó khăn, cứ nhìn vào thực tế vấn đề để tìm cách khắc phục chứ đừng nâng cao quan điểm thành “mình kém cỏi”, “mình chọn sai”, “mình không hợp”… Hãy cho mình và chính nghề nghiệp mình đã chọn cơ hội để trở nên “hợp nhau” hơn;
Luôn luôn học hỏi thêm các kỹ năng (kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ) để làm tốt hơn công việc và chuẩn bị cho những thay đổi khi cần. Đừng đợi tới khi bắt buộc phải thay đổi, bạn sẽ rơi vào thế bị động, mọi thứ đều khó khăn hơn;
Mọi sự bắt đầu không bao giờ là muộn, nhưng bắt đầu sớm hơn vẫn tốt hơn. “Từ 27 tuổi tới 37 tuổi là 10 năm, nhưng từ 17 tuổi tới 27 tuổi là cả một cuộc đời”. Những năm đầu sự nghiệp bạn có thể thử nghiệm nhiều hướng nhưng phải dồn sức, không vì có nhiều thời gian nên “cưỡi ngựa xem hoa”, bởi vì đó chính là bàn đạp cho suốt hành trình sau này của bạn;
Nếu không biết phải làm gì để phát triển sự nghiệp, hãy cứ học ngoại ngữ. Tiếng Anh trước, rồi khi thành thạo thì học tiếp ngoại ngữ thứ hai.
Không có gì tốt mãi, cũng chẳng có gì xấu mãi, miễn chúng ta không ngừng vận động. Còn học hỏi, nỗ lực là vẫn còn hy vọng. Không sớm thì muộn, mọi thứ cũng sẽ tốt lên, miễn là chúng ta không giậm chân tại chỗ và ngồi kêu ca khóc lóc suốt ngày mà không nỗ lực gì.
—
Bạn thân mến,
Mình từng đọc trong một cuốn sách về học tập và sự nghiệp, tác giả nghiên cứu về nhiều người đã chuyển đổi lĩnh vực, nghề nghiệp nhiều lần trong suốt cuộc đời, trong đó mình ấn tượng với một lời nhận xét rằng: Nếu nỗ lực, chăm chỉ và tìm thấy phương pháp tốt, bạn chỉ mất trung bình sáu năm để đi từ số 0 tới thành thạo trong một lĩnh vực nào đó. Khi thành thạo rồi, bạn có thể tìm một lĩnh vực mới và bắt đầu chinh phục, trong khi vẫn làm việc trong lĩnh vực cũ để nuôi sống mình.
Con số sáu năm có thể là tương đối, có thể dao động khoảng từ năm tới bảy năm. Cá nhân mình đã thử nghiệm và thấy ý tưởng này hoàn toàn khả thi. Vì thế, mình đang trên hành trình chinh phục sự nghiệp thứ hai sau khi đã có chỗ đứng nhất định ở sự nghiệp đầu tiên.
Mình chưa từng tự hỏi: Công việc này, công việc kia có phải niềm đam mê suốt đời, xứng đáng để mình dồn tâm huyết không? Mình chỉ nghĩ: một hướng đi tạm ổn, mình có thể học hỏi để làm được, thị trường lao động có nhu cầu, mức thu nhập tiềm năng là đủ để mình theo đuổi.
Cứ nỗ lực, chăm chỉ, học hỏi không ngừng, tình yêu với công việc sẽ tới dần dần. Kể cả những khi nó không tới, kỹ năng và sự thành thạo vẫn giúp chúng ta kiếm được tiền và nhiều điều quan trọng khác từ công việc. Và như vậy, đã là quá đủ rồi, trước khi chúng ta lại bắt đầu tìm kiếm một sự nghiệp thứ hai, thứ ba để theo đuổi và hy vọng là sẽ… thành công.
Chúc chúng ta sống được, sống tốt, và sống bình yên với sự nghiệp của mình.
Thân mến,
Tố Uyên.
Bài này rất hay. Tôi đọc thấy rất truyền cảm hứng. Chắc có lẽ đã từng trải qua những nghi ngờ bản thân, sự nghiệp và quá choáng ngộp với thành công của mọi người xung quanh, nên nhiều khi tôi vẫn thường tự hỏi: Liệu mình có phải là người duy nhất kém cỏi hay không? sao ngoài kia ai cũng thành công, ai cũng tài giỏi, còn mình thì cứ làm việc đều đều, chậm rãi, ngày này qua ngày khác, trong vòng 10 mấy năm nay. Nhưng sau khi đọc những gì bạn chia sẻ tôi cảm thấy biết ơn vì những việc mình đang làm và những gì mình đang có. Cám ơn bạn vì bài viết!
Cảm ơn chị Uyên vì những chia sẻ chân thành và thiết thực này ạ. Những thông điệp, bài học này đến với em thật đúng thời điểm và e đã nhấn vào đọc ngay khi thấy title.
Em đã phạm tất cả những gạch đầu dòng chị đưa ra khi định nghĩa bản thân bằng công việc, rồi từng bỏ lại tất cả để mong tìm kiếm thứ gọi là giá trị bản thân ngoài công việc. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng cần trắng đen đến mức cực đoan như thế chị nhỉ!