Đây là một bài viết… vô tri
Mình rất thích từ “vô tri”. Ban đầu ai nghe không quen sẽ thấy từ này có vẻ hơi tiêu cực, nhưng thật ra nó dễ chịu cực kỳ.
Mỗi lần mình nói mấy câu không đầu không cuối khiến chồng mình ngơ ngác chẳng hiểu mình muốn bày tỏ gì, mình lại bảo: “Mấy câu dzô tri thôi, đừng bận tâm”.
Đôi lần ngồi quán cafe ở bàn cạnh cửa sổ, chống tay nhìn ra ngoài đường xe cộ nườm nượp, tự dưng nghĩ mình cũng may mắn ghê mới có được những giây phút bình yên thế này, mình cười ngây ngốc. Rồi mình tưởng tượng ai đó nhìn thấy mình trong bộ dạng ấy, hẳn người ta sẽ nghĩ “Trời! Sao cười vô tri thế kia?”, và thế là mình lại bật cười.
Mình đi làm, mang tiếng là quản lý của mấy chục người, nhưng cũng chỉ là một con bé ba mấy tuổi đầu thôi. Có cái mình biết, và vô số điều mình không biết. Nhiều lắm những lần mình đặt ra những câu hỏi ngu ngơ cho sếp, thậm chí cho nhân viên của mình, vì mình không biết thật. Làm sao để vượt qua cảm giác sợ hỏi, sợ mọi người biết là mình không biết? Đó là tự nhủ: Nào, đi hỏi một câu vô tri nào.
Bài blog hôm nay, mình quyết định sẽ viết về sự “vô tri” này. Mình không có mục tiêu gì đặc biệt cho bài viết, không dàn ý, và chắn chắn mình cũng không biết xếp nó vào thể loại nào, phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp, hay gì nữa?
Chỉ là đột nhiên, mình nhận ra cuộc sống của mình được lấp đầy một phần vì những sự vô tri như thế. Và biết đâu, chính nhờ nó mà mình có được những gì mình đang có hôm nay?
Mình kể cho bạn một chuyện. Gần đây mình đọc sách của một tác giả Trung Quốc tên là Lý Thượng Long. Sinh năm 1990, tức là gần với lứa tuổi của mình (nếu bạn chưa biết, mình sinh năm 1989), tác giả Long đã xuất bản rất nhiều sách và đều thuộc top bán chạy. Bạn ấy từng là giáo viên tiếng Anh, rồi sáng lập một trung tâm dạy tiếng Anh trực tuyến rất lớn. Sau này, Long tiếp tục khởi nghiệp với một công ty khác về giáo dục. Không chỉ là giáo viên, nhà văn, chủ doanh nghiệp, Lý Thượng Long còn là nhà sản xuất phim.
Với sách của Long, có hai luồng ý kiến. Một bên là những người bài trừ, nói rằng những gì Long viết chỉ giống như kiểu “súp gà cho tâm hồn”, nghĩa là câu chuyện truyền cảm hứng nửa vời, đọc rồi quên ngay. Một bên là những người vô cùng mến mộ, yêu thích, và thực sự muốn mình có can đảm phấn đầu nỗ lực giống như những gì Long đã làm. Mình thuộc nhóm thứ hai.
Lý do là bởi vì: Những cuốn sách, bài viết của Lý Thượng Long thực sự phản ánh cách bạn ấy sống và làm việc. Vì nhìn thấy nỗ lực và thành quả bạn ấy có được NGOÀI VIỆC VIẾT, nên mình tin. Ngược lại, mình không tin tưởng vào người nói nghe hay ho nhưng không có bằng chứng nào về cách họ áp dụng những điều đó vào công việc và cuộc sống của họ. Cách họ sống, và những gì họ viết, hai điều này phải tách biệt độc lập nhưng phản ánh qua lại lẫn nhau.
Ví dụ như:
Người nói về nuôi dạy con cái, tâm lý trẻ em, phương pháp làm cha mẹ nhưng chưa bao giờ kết hôn, chưa có con cái thì dù họ có nền tảng khoa học lý luận tới đâu, mình cũng không tự thuyết phục được bản thân tin tưởng vào họ.
Người viết về sự bền bỉ, nhưng mình chẳng nhìn thấy họ thể hiện sự bền bỉ ở bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống, mình sẽ không tin dù họ viết hay và chí lý thế nào.
Người khuyên người khác về phát triển sự nghiệp, cách chuyển việc, mẹo phỏng vấn, trong khi mình tìm hiểu thấy họ quá lâu rồi không đi làm doanh nghiệp, chỉ làm nội dung đã rất nhiều năm. Vậy mình dựa vào đâu để tin điều họ khuyên bảo?
…
Khi vô tình đọc cuốn sách đầu tiên của Long, mình lên mạng tìm hiểu về công việc cậu ấy đã làm, những gì cậu đã gây dựng được trong sự nghiệp giáo dục, hành trình cuộc đời… Sau đó, không có sau đó nữa, vì mình lên ngay Tiki đặt hết sách của Long về đọc. Súp gà thì sao chứ? Mình thích món súp gà này.
Chắc hẳn trên đời này sẽ có người không đồng tình với lựa chọn của mình, thậm chí coi thường lựa chọn ấy vì với họ, thứ văn học của Long không có giá trị. Nhưng mình mua, mình đọc và học vì thấy chúng có giá trị với mình, và thế là đủ. Dù lựa chọn đó trong mắt một số người, là VÔ TRI.
Chuyện khác nữa nhé. Đu thần tượng (idol). Mình từng kể trong nhiều bài viết rằng, mình là một “fan girl”, hâm mộ nhóm nhạc Hàn Quốc Super Junior từ mười mấy năm rồi. Như chồng mình từng hỏi: “Em có trong số những người từng lên sân bay đón thần tượng rồi khóc ngất đi đó không?”. “Có”. Đơn giản là có. Tự tin trả lời “có”.
Mình từng rơi nước mắt trong một buổi tối tháng ba ở Sài Gòn, giữa tiết trời se se lạnh và giữa mười lăm nghìn người bạn không quen cùng nhau hát vang một bài hát cũ cùng thần tượng, trong đầu như sống lại những ngày tháng thanh xuân của nhiều năm trước. Để có được khoảnh khắc ấy, mình phải bỏ tiền mua vé buổi biểu diễn, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn và các chi phí đi lại ăn ở suốt mấy ngày. Mình có vô tri không? Chắc hẳn với nhiều người, câu trả lời là có.
Sau này, mình “đu” một chương trình nội địa, cũng cuồng nhiệt chẳng kém gì nhóm nhạc Hàn Quốc kia, dù mình đã ở lứa tuổi “băm mấy lần”. Ngày mua vé, mình hụt, dù đã thuộc lòng mấy chục bài hát để sẵn sàng “quẩy”.
Về nhà, mình bỏ cơm, nằm ủ ê. Quá tuyệt vọng, mình bù lu bù loa, đòi chồng và em trai “đập” tiền tiết kiệm vào ngân hàng tài trợ để có cơ hội có vé miễn phí. Mình có vô tri không? Trong mắt chồng và em trai mình, là có. Và họ đang chiều theo sự vô tri ấy của mình (dù họ bảo nhau là “không ngờ đến mức này”).
Vô tri là gì nhỉ? Nếu vô tri nghĩa là làm những việc có vẻ vô nghĩa trong mắt một số người, là đưa ra những lựa chọn không ai hiểu, là thoải mái thể hiện rằng mình còn nhiều điều chưa biết để sẵn sàng đặt ra một “câu hỏi ngơ ngơ”, thì mình nghĩ vô tri chính là bí quyết cho cuộc sống mình đã có.
Tất nhiên, vô tri cũng có nhiều kiểu. Nhưng miễn là không ảnh hưởng tới ai, không làm hại ai, không trở thành tác nhân xấu cho xã hội, thì cứ vô tri cũng có sao, đâu có gì phải ngại ngùng, bạn có thấy thế không?
Vô tri, đôi khi đồng nghĩa với đơn thuần, tò mò, lạc quan, thiếu hiểu biết (nhưng không cho rằng mình biết tất cả), bốc đồng, cảm hứng… Là tất cả, cùng một lúc.
Chà! Thật mừng vì sau khi trải qua tất cả những gì đã trải qua, mình vẫn là mình với sự vô tri như thế này.
Cảm ơn bạn nha, vì đã dành thời gian đọc bài viết không đầu không cuối này của mình.
Hẹn gặp bạn trong một bài viết nào đó khác trong tuần sau!
Tố Uyên.
Chào Uyên. Mình nghĩ được sống vô tri cũng là một sự dũng cảm và được là chính mình ấy. Mình cũng thích lâu lâu dám thể hiện sự vô tri của bản thân.
Mình cũng giống Uyên khi quyết định tin tưởng vào nội dung của người nói cùng bằng chứng về cách họ áp dụng những điều họ nói vào công việc và cuộc sống của họ.
Cám ơn bài viết nhẹ nhàng của Uyên.