“Cô bé mùa đông” và hành trình vượt qua sự tự ti
Có rất nhiều điều, nếu phải làm mình sẽ làm được, nhưng vẫn hoàn toàn không với sự tự tin. Mình ngưỡng mộ người bạn “tự tin từ trong máu ấy”, và thất vọng về sự tự ti của chính mình.
Gần đây mình theo dõi một chương trình giải trí rất thú vị trên truyền hình, nơi những nam ca sỹ chia thành từng nhóm, làm mới và biểu diễn nhiều bài hát quen thuộc với thế hệ 8x, 9x. Trong đó, có một bài hát mình nghe đi nghe lại, không hẳn vì giọng ca xuất sắc hay sân khấu lung linh, mà bởi nó gợi lại cho mình một kỷ niệm tưởng đã lùi rất xa về quá khứ:
Bạn hẳn cũng biết những câu hát này:
“Bước cùng với nhau dưới cơn mưa phùn rất lâu
Tôi nhìn em, em đỏ mặt, em không nói khiến cho lòng tôi bồi hồi
Trong ngần mắt em thấy long lanh muôn ngàn tuyết rơi
Một mùa đông em đứng đó, một mùa đông êm đềm…”
Ồ! Không phải vì mình có một mối tình nào lãng mạn của tuổi 18 đôi mươi liên quan bài hát này đâu. Hoàn toàn ngược lại. Đó là một kỷ niệm về sự tự ti. Nói đúng hơn là, “tự ti vì mình đã tự ti”, “tự ti vì thấy người khác quá tự tin”, “buồn vì tại sao mình không tự tin được bằng người khác”…
Mình sẽ kể với bạn…
1. Kỷ niệm của mình khi 18 tuổi
Đó là chương trình chào đón tân sinh viên năm mình mới vào đại học. Buổi tối, cả hội trường đông nghẹt khóa trước khóa sau. Mình lúc ấy đi với các bạn ở cùng phòng ký túc xá, vừa rụt rè, vừa háo hức trải nghiệm hoạt động tập thể đầu tiên ở môi trường đại học. Hoàn toàn khác hẳn với không khí của thời phổ thông học hành “sấp mặt”, suốt ngày chỉ toàn bài vở, chúng mình bước vào thời sinh viên chính bằng buổi tối chương trình chào đón ấy - rực rỡ, vui vẻ, náo nhiệt.
Mình không còn nhớ chính xác chương trình có những phần gì. Mình chỉ nhớ rõ một đoạn, và đoạn ấy thế này. Sau khi các anh chị khóa trên đã biểu diễn các tiết mục văn nghệ được chuẩn bị sẵn, người dẫn chương trình hỏi: “Các bạn tân sinh viên ơi! Có ai muốn lên sân khấu để hát tặng mọi người một bài không?”.
Cả hội trường ngoảnh nhìn xung quanh. Mình, vốn vẫn tưởng bản thân rất tự tin, nhưng hóa ra không phải. Mình cúi đầu, ngồi lún vào trong ghế như thể cố gắng lọt thỏm vào đám đông, yên ổn làm một khán giả bình thường. Có ai lên sân khấu không? Liệu người đó là ai? Mình không biết, nhưng chắc chắn không phải mình. Mà chắc không có ai đâu, ai mà dám đứng lên hát trước mất trăm người lạ khi chỉ vừa nhập học được vài ngày?
Ấy vậy mà có. Mình ngẩng lên. Cả hội trường đang vỗ tay cổ vũ một bạn nam bước giữa những hàng ghế đi lên sân khấu. Bạn ấy cầm mic, tự tin nhìn xuống dưới và nói: “Em xin hát bài: Cô bé mùa đông”.
Nhạc nổi lên, và bạn hát thoải mái tự nhiên như thể giữa chỗ không người:
“Từng cơn gió, khẽ vô tình
Chiếc lá lìa cành, buông xuống lòng đường
Ngồi nhặt chiếc lá tôi nhớ về
Cô bé đáng yêu của tôi…”
Mình mãi mãi không thể quên bài hát ấy, không phải vì bản thân bài hát, mà vì cảm giác của chính bản thân mình. Mình ngưỡng mộ sự tự tin của bạn ấy và thất vọng nhận ra mình thiếu tự tin tới mức nào. Mình tưởng mình tự tin lắm, vì mình cũng rất quen thuộc với ánh đèn sân khấu, từng đi qua nhiều cuộc thi hát hò, kể chuyện, thậm chí tới cấp quốc gia. Nhưng hóa ra mình vẫn là mình, rụt rè và tự ti, khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người xung quanh.
Khi ấy, mình chợt nhận ra hình dáng của sự tự tin thực sự. Đó là tâm thế tự do, thoải mái, chấp nhận và yêu thương chính bản thân thay vì cố gắng thể hiện với người khác. Có rất nhiều điều, nếu phải làm mình sẽ làm được, nhưng vẫn hoàn toàn không với sự tự tin. Mình ngưỡng mộ người bạn “tự tin từ trong máu ấy”, và thất vọng về sự tự ti của chính mình. Ngạc nhiên hơn nữa, mình phát hiện bản thân đang “tự ti vì thấy mình tự ti”.
2. Vượt qua sự tự ti
Trở lại thời điểm năm 18 tuổi ấy, đây là một số bằng chứng của việc mình “có vẻ cũng tự tin”, hay chí ít, đáng để tự tin vào bản thân mình:
Có thành tích học tập khá tốt, gần nhất là trở thành thủ khoa đầu vào đại học;
Thời học phổ thông từng tham gia nhiều cuộc thi văn nghệ, dấu mốc lớn nhất là giải ba thi kể chuyện toàn quốc năm lớp 5;
Đã làm lớp trưởng suốt 9 năm, và Bí thư chi đoàn trong 3 năm cuối trước khi vào đại học;
…
Nhưng mình không tự tin.
Nhiều năm sau, khi đã ra trường, đi làm ở một công ty lớn, có gia đình đủ đầy, mọi thứ ổn định hơn cả mức kỳ vọng… Mình vẫn không tự tin. Mình nhận ra điều ấy khi một lần nhìn vào tấm gương trong cửa hàng quần áo. Nhìn lại mình là một gương mặt rụt rè, ánh mắt thất thần, cố gắng tỏ ra vui vẻ nhưng chỉ bởi không muốn người khác nghĩ mình lầm lì.
Hiện tại thì sao? Một số bạn bè, người quen hỏi mình làm thế nào để viết khi học chuyên toán, học ngành kỹ thuật và đang làm công nghệ. Mình rất muốn nói rằng, điều khó nhất đối với mình không phải việc viết, mà là cảm giác tự tin để chia sẻ những gì mình viết. Viết, nhất là viết về bản thân rồi để người khác đọc, giống như tự “phơi bày” bản thân vậy. Điều mình phải vật lộn nhất để vượt qua không phải kỹ thuật viết, câu chữ, văn phong, mà là vượt qua sự tự ti để bộc lộ chính mình.
Điều đó cần sự tự tin nhiều hơn cả việc đứng giữa rất nhiều người để nói, để giảng dạy, hoặc để phát biểu trong công việc mà mình thường làm.
“Có vẻ tự tin” không có nghĩa là tự tin. Tự tin thực sự, cần một hành trình rất dài và không bao giờ kết thúc để bồi đắp mỗi ngày.
Khi nhận ra mình vẫn luôn tự ti bất kể những gì đã có, bất kể mình có thể đứng giữa nhiều người để nói, bất kể đã đạt được gì và có thể làm gì, mình đã nghiêm túc tìm hiểu để giải mã sự tự tin, trả lời cho câu hỏi lớn: Vì sao mình lại tự ti đến thế? Và làm sao thoải mái hơn để sống, để tin vào chính mình?
Đây là một số điều mình tìm được:
Sự tự ti đã được bồi đắp từ rất lâu, rất lâu trong đời. Bất kể bạn đã làm được gì, năng lực tới đâu, phần lớn sự tự tin hoặc tự ti lại đến từ những gì bạn nghe từ người xung quanh: bố mẹ, anh em, thầy cô, bạn bè, hàng xóm… Những câu nói chê bai từ lúc nhỏ tưởng chừng vô hại, “trẻ con không biết gì”, “lâu rồi ai còn nhớ”, lại chính là những vết dao sắc nhất, để lại những vết thương không thể lành dù đã qua bao lâu, khiến chúng ta không tin vào chính mình dù đã đạt được những gì sau này.
Nỗi sợ hãi “mình không đủ giỏi, không đủ tốt” có trong hầu hết mọi người, bất kể chúng ta khác nhau về trình độ, địa vị, tài sản, thu nhập, kinh nghiệm, năng lực… Nhìn người khác, mình nghĩ họ giỏi tới vậy, giàu tới vậy, chắc hẳn họ vô cùng tự tin. Sự thực ngược lại. Ai cũng có nỗi lo lắng về việc bản thân “không đủ”. Không bao giờ đủ.
Ai đó tự tin không phải vì họ cho rằng họ giỏi nhất, tốt nhất, không tì vết, mà đó là những người hiểu rõ giá trị của bản thân mình, tự trân trọng, và có khả năng vượt trên dư luận.
Vào một ngày khi đã bước qua tuổi 30, mình bất chợt nhìn vào một tấm gương khác mới được lắp trong thang máy tòa chung cư và ngỡ ngàng nhận ra ánh mắt mình đã khác. Nhìn vào chính mình khi ấy là một gương mặt kiên định, vẫn nhiều lo lắng băn khoăn, nhưng không còn rụt rè như hồi nào nữa. Mình đã tự tin hơn, dù hẳng có dấu hiệu nào để người xung quanh có thể nhận ra điều ấy. Sự tự tin ấy được đánh đổi và bồi đắp bằng những gì?
Học hỏi không ngừng: Giai đoạn mình học được nhiều nhất, nhanh nhất chính là khi mình bận rộn nhất, lúc vừa đi làm, vừa chăm con nhỏ, tuổi trên dưới 30. Mình học vì mình muốn học, chỉ học những gì thực sự cần thiết, và không vì thúc ép của bất cứ ai. Học để hiểu, đọc để biết, để nhìn thấy thế giới trải rộng hơn trước mắt mình.
Kiếm tiền, kiếm tiền, kiếm tiền: Sự tự tin sẽ lên một tầm cao mới ngay khi chúng ta có thu nhập từ chính sức lao động của mình, nhất là khi nguồn thu ấy ngày một tăng, và đủ mang lại cảm giác an toàn.
Dừng làm mọi thứ để vừa lòng người khác, tập trung vào số ít điều quan trọng và người quan trọng: Tới khi nào những nỗi sợ kiểu “người ta sẽ bảo”, “sẽ bị đánh giá là”, “làm thế lại thành khác người”… không còn ám ảnh mỗi hành động, suy nghĩ, quyết định, chúng ta sẽ có được sự tự tin và cảm giác bình yên.
3. Hành trình sắp tới
Đã gần hai mươi năm qua đi kể từ khi người bạn ấy hát “Cô bé mùa đông” giữa hội trường đông kín người, bạn có lẽ không bao giờ biết hành động của bạn lại tác động mạnh mẽ và lâu dài tới mình như thế. Chúng mình không thân nhau, ngay từ thời đi học đã ít khi nói chuyện huống hồ sau khi đã tốt nghiệp. Nhưng nếu hành trình trưởng thành được định hình bởi một vài khoảnh khắc, thì khoảnh khắc mình nhìn bạn bước lên sân khấu với đầy sự ngưỡng mộ pha lẫn ghen tị ấy chắc chắn là dấu ấn mình không thể quên.
Hiện tại mình có luôn tự tin không? Câu trả lời của mình là không.
Có nhất thiết phải cố gắng để trở nên tự tin không? Câu trả lời cũng là không. Nói cách khác, đừng tự ti vì thấy mình tự ti.
Mình có tiếp tục nỗ lực không? Câu trả lời là có, chắc chắn, nhưng không phải để cố gắng trở nên tự tin hơn, mà chỉ bởi đó là điều mình cần làm, muốn làm. Sự tự tin có lẽ sẽ được bồi đắp dần dần ở một vài thời điểm nào đó mình không biết trước.
Ai cũng ao ước mình sẽ trở nên tự tin, ai cũng ngưỡng mộ những người có khí chất tự tin tỏa ra từ ánh mắt lời nói nụ cười, mình cũng vậy. Nhưng hành trình đã đi qua đã dạy mình rằng: tự tin là hệ quả, không phải nguyên nhân. Càng cố gắng để tự tin hơn và chứng tỏ mình tự tin, chúng ta sẽ càng lún sâu vào điều ngược lại. Không tự tin cũng không sao hết, miễn chúng ta vẫn kiên trì và nỗ lực với những điều cần phải làm để mỗi ngày lại sống tốt hơn.
Mình hy vọng, bài viết này sẽ tìm tới bạn và trở thành một kỷ niệm nho nhỏ trong hành trình của bạn. Chúng ta, mỗi người đều khao khát để tự tin hơn giữa cuộc đời này. Và chúng ta, mỗi người cũng đều nhiều lần vật lộn với nó.
Tự tin rồi sẽ tới, đừng đi tìm. Cứ tập trung vào hành động, hành động một cách tự ti cũng được. Một ngày nào đó, chúng ta đều sẽ ổn hơn, và tự tin hơn bây giờ.
Thân mến,
Tố Uyên.
Em cảm ơn chị. Em là cô bé tự ti trong bài viết của chị ạ. Người ngoài nhìn vào thì thấy em biết 2 ngoại ngữ, làm It consultant cho khách hàng nước ngoài nhưng sâu thẳm trong em lúc nào cũng thấy mình thua kém người chị gái khéo léo, thành công. Chỉ biết động viên bản thân mình cố gắng cho mình chứ đừng so sánh nữa :(
😘😘😘😍😍😍😍