Tôi làm việc trong ngành phần mềm, có cơ hội làm việc với các đối tác, khách hàng ở nước ngoài. Có lần vào họp với mấy team khách hàng Mỹ, bạn quản lý bên đó bảo: “Uyên nghiêm túc thật. Hôm nào vào cũng thấy đăng nhập trong cuộc họp từ sớm, mở sẵn tài liệu, gửi hết thông tin rồi”. Tôi trả lời: “Không phải mình vốn như thế đâu. Mình đi làm từng gây nhiều rắc rối lắm!”.
Sự thật là, hồi mới ra trường tôi “làm ăn phất phơ”, cái gì cũng chỉ làm cho xong, nhanh nhanh để còn vào lướt web, đọc tin tức với “lội” các chủ đề dài dằng dặc trên mấy diễn đàn trên Internet. Anh sếp đầu tiên đã phải phê bình: “Em đi làm, đừng để tập thể thấy có tôi cũng được, không có cũng không sao. Chờ tôi làm người ta xử lý luôn cho rồi”.
Thế rồi tôi vào Viettel – bước ngoặt cho sự thay đổi. Bắt đầu cuộc hành trình từ "phất phơ" học cách trở nên chuyên nghiệp. Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ kể lại câu chuyện nhỏ về cách mà Tập đoàn Viễn thông lớn nhất Việt Nam đã dạy tôi về kỷ luật, để tôi trở thành Uyên của hôm nay.
1 - MỘT THÁNG LÀM TÂN BINH TRONG MÙA ĐÔNG GIÁ RÉT
Nói về quãng thời gian bốn năm làm Viettel, điều ấy ấn tượng đầu tiên với tôi là kỳ quân sự. Tôi và nhiều bạn khác thuộc hàng “nhân viên mới” phải đi quân sự theo chương trình “rèn luyện tân binh”. Không về nhà. Không phân biệt vị trí cấp bậc. Không được giảm bớt nhiệm vụ dù là con gái.
Hồi đó là mùa đông, cảm giác khô khốc, cộng với bụi đất làm tay chân đứa nào cũng nứt nẻ. Tập trung được một tuần, chồng tôi lên “tiếp tế”, trong thùng hàng quan trọng nhất là hũ son dưỡng môi hình quả đào, hộp chống nẻ Nivea, tha hồ bôi tứ tung, Mỗi sáng thức dậy vào lúc 5 giờ, gió thổi hun hút, vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, kéo nhau xuống quét sân mà không ai nói với nhau câu nào vì rét và buồn ngủ, mặt mày ngơ ngác. Ăn sáng. Chuẩn bị quân trang. Ra thao trường tập xong một lượt, nghỉ giải lao rồi mặt trời vẫn chưa lên.
Bữa sáng chỉ độc một thau cơm và bát thịt cà chua ở giữa. Cơm xúc vào chậu bằng xẻng (tất nhiên là chuyên để xúc cơm thôi chứ không xúc gì khác ), vẫn còn nguyên dấu, nhìn là biết ngay mỗi chậu chỉ cần một ”xúc”. Bữa trưa được dọn ra từ 8-9 giờ sáng, đi tập về 11 giờ ngồi vào bàn ăn đĩa thịt đã thành món “ba chỉ đông”. Ấy thế mà ăn hết sạch. Điện thoại bị tịch thu, chỉ được trả lại và cho gọi về nhà trong một tiếng cuối giờ chiều.
Một cuộc sống khác hẳn với lệ thường, nhưng bằng một cách kỳ diệu nào đó, khi đã quen với việc ngủ mặc nguyên quân trang sợ đêm báo động, đi ủng nấu cơm khi đến ca trực, hô một câu là răm rắp hàng lối sau 30 giây, thì tất cả chúng tôi lại tận hưởng cái kỷ luật ấy. Bởi chỉ cần tuân theo KỶ LUẬT, thì thứ tôi có lại là rất nhiều TỰ DO.
Những “con cú đêm” chuyên thức khuya đến 12 giờ, sáng dậy quáng quàng đi làm, thậm chí bỏ cả ăn sáng, lúc nào cũng đến công ty sát nút giờ bỗng dưng thay đổi. Chỉ sau một tuần, chúng tôi dần quen với giờ giấc mới. Năm giờ sáng tự động thức dậy, ngày ba bữa ăn đều đặn, hoạt động thể chất nhiều, không xem tivi lướt điện thoại, tối chín giờ đã lên giường. Tôi trở nên khỏe khoắn, nhanh nhẹn, sảng khoái.
Hóa ra, thường ngày lúc nào cũng thấy bận, thấy cập rập, là bởi vì dành quá nhiều thời gian cho những điều “vô bổ”. Vì không tự ép bản thân vào nền nếp, nên thường xuyên thấy vội, thấy mệt, thấy không muốn làm gì. Ngược lại, ở doanh trại huấn luyện, do ăn uống đầy đủ và ngủ nghỉ đúng giờ, mỗi ngày trôi qua tôi đều hoàn thành hết những việc cần làm và muốn làm, không cảm thấy mệt mỏi.
2 - VIETTEL RÈN LUYỆN TÔI TRONG CÔNG VIỆC HÀNG NGÀY
Thành thực mà nói, bốn năm làm Viettel không phải là giai đoạn thành công trong sự nghiệp của tôi, nhưng tôi đã được chỉ dạy và phải rèn luyện rất nhiều, không chỉ trong kỳ quân sự mà trong từng công việc từ nhỏ đến lớn mỗi ngày sau đó. Chuẩn chỉnh từng phút của giờ đến giờ về. Chỉ cần bước chân vào văn phòng sau tiếng chuông reo sẽ kéo theo hệ lụy về đánh giá và thu nhập cả tháng, cả quý. Chuẩn chỉnh từng dấu chấm dấu phẩy, đã từng có văn bản tôi làm bị trả lại tới… năm lần vì lỗi. Mỗi người ở Viettel đều được yêu cầu đảm bảo chính xác với mỗi sản phẩm làm ra, dù đó là báo cáo, thiết kế hay số liệu.
Tôi nhớ có lần được sếp giao rà soát số trạm truyền dẫn dọc Việt Nam. Tôi làm quấy quá, gửi lên, sếp thấy sai mà gấp rồi, không thể (hay không dám liều) giao lại cho tôi sửa, phải đưa cho chị đồng nghiệp của tôi ngồi rà soát xuyên cuối tuần. “Tội lỗi” của tôi không để đâu cho hết.
Nhưng chính nhờ Viettel, nơi các quy tắc, quy định, văn hóa đậm nét người lính đã tôi luyện, đã “bắt lỗi”, đã “dạy dỗ” tôi mới khiến tôi không còn lơ ngơ, làm ăn “phất phơ”. Viettel là nơi dù muốn hay không, cố ý hay vô tình, yêu hay không yêu công việc, cũng phải trở nên chuyên nghiệp. Và, càng đi làm lâu, tôi càng thấm thía rằng, năng lực quan trọng, thái độ quan trọng, nhưng sự chuyên nghiệp là điều không thể thiếu nếu muốn có bước phát triển vượt bậc.
THAY LỜI KẾT
Rời Viettel, tôi đã đi qua nhiều công ty khác, với nhiều văn hóa khác nhau. Nhưng dù làm việc ở vị trí nào, tôi cũng luôn cố gắng nghiêm túc và chỉn chu hết mức, để không ai phải phàn nàn về tôi, cũng không ai vì tôi mà gặp rắc rối thêm một lần nào nữa.
Cảm ơn anh sếp đầu tiên đã chỉ ra cho tôi biết tôi đã ”phất phơ” và điều đó thật tệ tới mức nào. Cảm ơn văn hóa và những người anh, người chị Viettel đã “đập tơi tả” cái phất phơ ấy để tôi trở thành tôi ngày hôm nay. Cảm ơn những gì đã trải qua, cả vấp váp và thất bại, để tôi cuối cùng đã hiểu một bài học lớn cho mình: Kỷ luật = Tự do.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này, cùng tôi hồi tưởng về một quãng thời gian đáng nhớ trong sự nghiệp của mình.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.