Định hướng trong nghề nghiệp và cuộc sống là nỗi băn khoăn của mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt khó khăn với những người trẻ. Là một người quản lý, đặc biệt trong một ngành với đa phần nhân lực là các bạn trẻ dưới 30 tuổi, khúc mắc tôi thường nghe thấy nhất là “Em chưa biết đi đường nào”. Chính tôi trước đây đã nhiều lần tìm trên Internet với những câu hỏi như: “làm sao có định hướng tốt?”, “làm sao để biết mình muốn làm gì?”, “sai định hướng phải sửa chữa thế nào?”…
Tôi nghĩ mình chưa chắc đã hiểu sâu sắc về vấn đề này bởi vẫn đang trên hành trình kiến tạo bản thân, luôn lựa chọn và chỉnh sửa, nhưng trải qua những bước ngoặt trong công việc và cuộc sống hơn mười năm qua, tôi đã học hỏi và rút ra cho mình những bài học. Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ cùng bạn những lý do khiến một người có cảm giác mờ mịt, hoang mang khi nghĩ về định hướng tương lai.
Tôi cho rằng có ba nguyên nhân chính, đó là:
1. Những niềm tin giới hạn
Khi con gái tôi còn nhỏ, một lần bác hàng xóm hỏi: “Sau này lớn con thích làm gì?”. Bé đang nghịch đồ chơi, ngẩng lên cười tươi rói trả lời: “Con thích lái máy bay”. Bác hàng xóm phản ứng ngay: “Ôi sao con gái lại lái máy bay? Chỉ con trai mới làm phi công được thôi. Hay con làm cô giáo, bác sỹ nhé!”.
Tất nhiên, tôi đã lên tiếng để bảo vệ ước mơ nhỏ nhoi của con gái mà tôi biết có thể con tôi sẽ nhanh chóng chuyển sang ước mơ khác chỉ sau vài ngày. Nhưng những cuộc đối thoại như thế này chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, nhất là trong tuổi thơ của chính mình. Từ những đối thoại vu vơ, đến cách định hướng của thầy cô giáo, gia đình, và nền văn hóa phương Đông, đã hình thành nên không ít niềm tin giới hạn về vấn đề nghề nghiệp cho những đứa trẻ, nhất là dựa trên giới tính, tính cách, và hoàn cảnh kinh tế của gia đình.
Một vài ví dụ thường gặp:
- Con trai lại thích làm đầu bếp? Cái đó chỉ hợp với con gái thôi.
- Nhà mình không có tiền, không có quan hệ, nếu con học ngành đó không xin được việc đâu.
- Tính nó chậm lắm, “lù đù” thế kia làm sổ sách sao được?
Suy nghĩ bó buộc ngành nghề như trên rất phổ biến trong nhiều thế hệ, được “thẩm thấu” vào đầu những đứa trẻ từ khi còn nhỏ, khiến chúng ta lớn lên với rất nhiều mặc định. Nhưng thực ra tất cả đều là những tấm rào chắn được dựng bởi quan niệm của xã hội, trải nghiệm của thế hệ trước, và đánh giá chủ quan của những người chưa từng qua thực tế.
Nền kinh tế, và các chính sách nghề nghiệp đã thay đổi rất nhiều chỉ sau vài chục năm. Rất nhiều công việc hiện nay chưa từng xuất hiện vào thời bố mẹ, ông bà. Nhưng, chúng ta – chính những người lao động ở thời điểm hiện tại vẫn vô tình bị giới hạn bởi nhiều tư duy đã cũ.
Tôi nhớ ngày đầu tiên nhập học ở Học viện Bưu chính viễn thông, ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông, một bạn cùng phòng ký túc xá của tôi nói: “Con gái học ngành này không giỏi nổi đâu, làm sao đọ được với con trai?”. Bạn nói với tôi, nhưng bạn cũng đang nói về chính mình.
Không ai biết trước đích đến, nhưng ngay vạch xuất phát đã tự “dìm” mình với niềm tin thua thiệt như vậy về giới tính, tôi nghĩ đó không phải cách tốt để bắt đầu và cam kết với lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Tất nhiên, không thể phủ nhận các khía cạnh như giới tính, kinh tế gia đình, và tính cách có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công việc và khả năng thăng tiến. Nhưng mỗi ngành nghề đều có nhiều vị trí, nhiều công ty với văn hóa khác nhau, mang tới cơ hội cho bất kỳ ai nỗ lực phát triển bản thân. Vì thế, nếu bạn cảm thấy thích thú với công việc nào đó, đừng bao giờ lựa chọn dừng lại chỉ vì niềm tin giới hạn ai đó đã viết lên trang giấy cuộc đời bạn. Bạn có quyền thử, có quyền nỗ lực, có quyền bước tới hoặc thay đổi. Lựa chọn vẫn luôn ở đó, đừng loại bỏ chỉ bởi ai đó bảo bạn không phù hợp.
2. Ảnh hưởng bởi kỳ vọng của xã hội, gia đình, và bản thân
Gần đây tôi hay đọc blog của một bạn gái rất thú vị, một tài năng hội họa nhưng trải qua rất nhiều năm làm một công việc không khiến “trái tim ca hát”, bạn mới có cơ hội, sự dũng cảm, và sự dìu dắt cần thiết để từ bỏ công việc nhàm chán và mỏi mệt ấy, toàn tâm toàn ý xây dựng sự nghiệp nghệ thuật của mình. Nhìn vào những gì bạn viết, bạn vẽ, và những tấm ảnh của bạn, tôi thấy sự an yên, thoải mái, mãn nguyện mặc dù sự thay đổi này hẳn mang lại cho bạn không ít những khó khăn. Sở dĩ bạn phải chôn giấu mơ ước làm họa sỹ của mình, có lẽ cũng giống như rất nhiều người trong chúng ta, bị “dập tắt” ước mơ từ khi còn trong trứng nước.
Ngày bé, tôi rất thích viết. Tôi làm thơ, mặc dù gieo vần còn rất vụng về. Tôi tự tưởng tượng ra câu chuyện và “sáng tác” trên những trang giấy mà tôi tin là mình đang… tạo nên tuyệt tác. Nhưng một ngày, tôi có chiếc xe đạp mong ước, sớm hơn dự kiến rất nhiều. Mỗi ngày, cứ đi học về tới nhà là mẹ giục tôi đi tập xe. Sau này tôi mới biết, mẹ mua cái xe ấy cho tôi bởi mẹ mong muốn nhờ có nó, tôi sẽ quên đi ham thích “sáng tác” thơ văn. Mẹ tôi sợ con gái theo nghiệp văn chương, sẽ khổ, sẽ nghèo, giống như anh trai của mẹ - một nhà thơ từng đoạt giải sáng tác cấp quốc gia nhưng cả cuộc đời túng quẫn. Mẹ tôi mong sau này con gái bà có nghề nghiệp tốt, với nghĩa là “kiếm được tiền để nuôi sống mình”, đừng sa đà vào những con chữ - vốn nghe tới đã thấy nghèo…
Bản thân tôi cũng từng vẽ nên những kỳ vọng cho mình bởi chỉ nhìn vào dư luận. Cách đây vài năm, khi đã làm quản lý dự án phần mềm, cứ mỗi Tết đến, tôi lại gặp những bài báo trên Internet nói về tiền thưởng của ngành Ngân hàng, được tính bằng chục tháng lương, hàng trăm triệu. Tôi ao ước con số ấy, và bằng mọi cách tìm kiếm cơ hội vào làm trong ngành Tài chính để một ngày nào đó có thể vào ngân hàng. Tôi thậm chí ép bản thân học và thi một chứng chỉ của ngành này. Cuối cùng, không thành công dù đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức, và tiền bạc, tôi mới hiểu những kiến thức đó không phù hợp với công việc thực tế của tôi. Hơn nữa tôi cũng không hề hứng thú. Kỳ vọng không thực tế vào bản thân đã khiến tôi đi một nước cờ sai. Giờ đây, tôi vẫn luôn để ngỏ ý định vào ngân hàng làm việc, bởi ai biết trước được tương lai? Nhưng nếu có ngày đó thật, thì chắc chắn do tôi đã tìm thấy sự phù hợp về văn hóa, công việc, và người lãnh đạo, nhất định không vì khao khát được là một phần của bài viết trên báo mỗi năm khi tới mùa thưởng Tết.
Tất cả những áp lực từ kỳ vọng của xã hội, gia đình, và bản thân chiếm phần quan trọng khiến bánh lái sự nghiệp của chúng ta rẽ hướng. Dẫu vậy, tôi cho rằng không ai có lỗi ở đây. Xã hội là sản phẩm của lịch sử, gia đình luôn muốn điều tốt nhất cho con cái và bố mẹ cũng chỉ có thể tư vấn cho con cái những gì bố mẹ biết. Bản thân mỗi người cũng mong đưa mình đến vị trí tốt nhất có thể trong cuộc đời. Vì vậy, điều duy nhất chúng ta có thể làm là tự nhận thức, để biết rằng những suy nghĩ mình đang có thực ra đều là sản phẩm của nhiều tác động, và rất nhiều trong số đó mang tính chủ quan, không thực sự đúng ở hiện tại. Hiểu rằng niềm tin mình đang giữ rất có thể không phải sự thật, là bước đầu tiên nhưng đôi khi lại quan trọng nhất, để cho mình cơ hội có một lựa chọn khác.
3. Nỗi sợ thất bại
Đây có lẽ là sợi dây xích trói buộc mạnh mẽ nhất những mong ước của mỗi người, trong đó có tôi.
Tôi thích viết. Đây là điều tôi biết từ khi còn rất nhỏ. Mặc dù không theo nghiệp viết, nhưng lớn lên, đọc được các blog hay, tôi ấp ủ ý định cũng sẽ tạo nên một blog cho mình. Cách đây vài năm, tôi đã thực sự đăng ký một tên miền blog với cái tên rất “trẻ con”: Uyencoi.wordpress.com (Uyên Còi: biệt danh của tôi hồi bé). Nhưng, tôi không đăng bất kỳ bài viết nào mình đã viết lên đó. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là sợ viết không hay, sợ không ai đọc, nếu có ai biết đến thì đọc xong cũng sẽ chê…
Tôi nghĩ, mình không được đào tạo nên viết sẽ không hay. Việc viết lên blog sẽ không đi đến đâu cả, chỉ khiến mình thêm một lần thất vọng với bản thân. Nỗi sợ của việc sẽ gặp thất bại khiến tôi chùn bước, không cho mình cơ hội bắt đầu. Tôi không có dũng khí để thử.
Những trang viết trên In Metime bạn đang đọc hôm nay, vẫn sẽ nằm trong máy tính của tôi, nếu không phải trong thời gian qua tôi đã may mắn nhận được sự động viên của chồng mình, sự dìu dắt của một người thầy đặc biệt, và những nhận xét đầy khích lệ của bạn bè khi tôi “rón rén” đăng một vài đoạn viết ngắn trên facebook.
Vượt qua nỗi sợ hãi để bắt đầu rất khó khăn, nhưng cuộc sống tiềm tàng nhiều bất ngờ không thể đoán trước, nếu chỉ vì lo mình thất bại nên quay lưng lại với những ước mong sẽ khiến chúng ta phải hối tiếc đến mãi sau này.
THAY LỜI KẾT
Tác giả sách nổi tiếng Jim Rohn đã từng viết: “It is the set of the sails, not the direction of the wind that determines which way we will go” (Tạm dịch: Chính hướng căng buồm, chứ không phải hướng gió quyết định con đường chúng ta sẽ đi).
Bạn thân mến,
Tôi và bạn đều không thể lựa chọn nơi mình sinh ra và trưởng thành, cũng khó lòng thay đổi quan niệm của bất kỳ ai dù đó là gia đình, người thân, bạn bè. Vì thế, tôi cho rằng, điều chúng ta có thể làm là sống với lòng biết ơn và niềm tin mình đã nhận được tất cả những gì tốt nhất có thể; tôi và bạn cần nỗ lực học tập để thêm hiểu biết, rèn luyện bản thân, rồi một ngày nào đó ta có thể tự tin chỉnh hướng căng buồm cho sự nghiệp và cuộc sống của mình.
Tôi chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
* Một số bài viết cùng chủ đề: