Vì sao nỗi sợ (thường) là một món quà?
Tới thời điểm này, mình hiểu rằng những nỗi sợ đều đến từ bản năng, đều có lý riêng của nó, và mình không còn trốn tránh sự sợ hãi nữa. Mình biết ơn những nỗi sợ.
Hồi đầu năm trước, mình có tham dự một cuộc trao đổi, chia sẻ giữa những người viết (nghiệp dư). Bọn mình nói về nhiều thứ, nhưng mình nhớ có một câu hỏi về động lực. Động lực để mình cố gắng nỗ lực là gì? Mọi người kể ra rất nhiều động lực, chỉ có mình nói rằng: động lực chủ yếu của mình là nỗi sợ. Mình sợ không lo được cho tương lai của con cái và cuộc sống tuổi già của cha mẹ, mình sợ thất nghiệp, mình sợ sống không tử tế sau này nhìn lại sẽ hối tiếc…
Nghe mình nói vậy, bạn điều phối nói đại ý là: Động lực có hai kiểu chính, một kiểu đến từ những điều tiêu cực (muốn thoát khỏi hoàn cảnh xấu nào đó, nỗi sợ của mình là kiểu này), một kiểu đến từ những khao khát tích cực (hướng tới điều tốt, như là muốn tạo ra giá trị, để lại di sản, muốn có cuộc sống thịnh vượng). Và, bạn ấy bảo, chúng ta NÊN tìm kiếm động lực hướng thứ hai thay vì thứ nhất.
Mình không nói gì thêm. Có thể bạn ấy đúng theo kiến thức, chuyên môn và trải nghiệm của bạn, nhưng mình biết điều đó không đúng với mình. Với mình, kiểu động lực thứ hai thực ra vẫn có nguồn gốc giống kiểu thứ nhất, chỉ là kéo xa hơn chút mà thôi.
Mình từng rơi vào hoàn cảnh tài chính khó khăn, cuộc sống mờ mịt, vì thế mình nỗ lực để không bao giờ phải gặp tình huống như thế nữa, và từ đó mình khao khát cuộc sống rực rỡ hơn.
Mình sợ sau này già rồi nhìn lại sẽ hối hận vì những ngày tháng sống lơ mơ, không tới nơi tới chốn ở bất cứ khía cạnh nào, vì thế mình cố gắng sống, học, làm, và yêu thương bằng tất cả những gì có thể. Từ đó mình dần có những hoài bão lớn hơn.
Nỗi sợ thì sao? Mình nghĩ bản thân nỗi sợ là một dấu hiệu tốt. Đó là bản năng, cũng là động lực chính cho cuộc sống của chúng ta. Không có nỗi sợ, làm sao con người khao khát tìm và tìm thấy lửa, thức ăn, nguồn nước? Không có nỗi sợ, chắc mình không có can đảm làm bất cứ điều gì cần làm. Không có nỗi sợ, chắc mình không thể là mình của hôm nay.
Câu hỏi ở đây là: Làm sao để ứng phó với những nỗi sợ để biến chúng trở thành động lực thay vì bị nó nhấn chìm?
Mình không có câu trả lời xác đáng đâu, thành thật là như vậy. Chính mình vẫn đang hàng ngày đối mặt với rất nhiều nỗi sợ, không ít trong số ấy chưa có lời giải nữa. Nhưng chí ít, tới thời điểm này, mình hiểu rằng những nỗi sợ đều đến từ bản năng, đều có lý riêng của nó, và mình không còn trốn tránh sự sợ hãi nữa. Mình biết ơn những nỗi sợ.
1. Nỗi sợ luôn là dấu hiệu của một vấn đề nào đó lớn hơn
“Có gì đâu mà sợ”, “có thế mà cũng sợ”, “đừng có sợ”… Mình ghét những câu này. Không biết từ đâu và bao giờ, “không sợ gì cả” trở thành thước đo của sự dũng cảm, của người bản lĩnh. Mình không nghĩ như vậy.
Nỗi sợ là một phản ứng tự nhiên của con người trước những gì mình không chắc chắn, tưởng tượng về tương lai bất định, hoặc nỗi ám ảnh nào đó trong quá khứ. Nhưng bản thân nỗi sợ lớn hơn chính nó, tức nó là dấu hiệu của một vấn đề nào đó phía sau, và việc của chúng ta là tìm ra điều ấy.
Mình sợ thất nghiệp, bởi mình từng (suýt) thất nghiệp. Mình sợ bị thị trường lao động đào thải, bởi từng nhận được cuộc điện thoại từ công ty bởi nằm trong danh sách cắt giảm gần chục năm trước. Có lần chuẩn bị cho một bài trình bày dài bằng tiếng Anh, mình sợ hãi giờ phút phải thực sự đứng lên và nói, bởi mình đúng là chưa nói dài thế bao giờ, lo rằng mọi người sẽ phát hiện ra sự yếu kém trong kỹ năng mình có. Mình sợ hết tiền, thiếu thốn, bởi mình từng đi làm khi trong túi chỉ có 20 ngàn, vào đổ xăng mà chỉ dám đổ 10 ngàn để còn lại 10 ngàn phòng thân.
Ngày hôm nay, bạn cũng có rất nhiều nỗi sợ trong lòng. Mình chắc chắn như thế. Có điều, đôi lúc chúng ta có xu hướng cố tình không nghĩ đến nó, để nó lơ lửng trong đầu thay vì quyết liệt nhìn thẳng vào và phân tích nó.
Giống như đi khám sợ sẽ ra bệnh, cảm giác phải mổ xẻ nỗi sợ khiến nhiều người e ngại. Chúng ta sợ điều này điều kia, nhưng lại có “hiệu ứng kép”: sợ mình không ổn vì có những nỗi sợ ấy.
Giống như đứa bé “không dám sợ” hoặc không dám nói là mình sợ trời tối vì như vậy sẽ thành đứa nhát cáy, chúng ta không dám thừa nhận mình sợ (ngay cả thừa nhận với chính mình), bởi như vậy sẽ thành người thiếu bản lĩnh, overthinking, thiếu năng lực.
Mình lại nghĩ, người dũng cảm nhất chính là người nhìn thẳng được vào nỗi sợ của mình, thừa nhận nó, và nghĩ về nó như dấu hiệu của một vấn đề cần mình giải quyết, một cơ hội để tiến lên, một nấc thang mới để biến mình trở thành phiên bản tốt đẹp hơn.
Dũng cảm không phải là không có nỗi sợ, mà là thấy sợ nhưng vẫn bước đi nếu đó là điều mình thực sự muốn làm và cần phải làm.
2. Còn biết sợ, nghĩa là bạn còn có động lực
Trong một tập podcast của Have A Sip, Jun Phạm - một ca sỹ, nhà văn mình rất thích đã nói về cảm xúc của anh khi bố mất. Anh nói đại ý là: bố mất rồi, mình cảm thấy như mọi gánh năng đã cất khỏi vai. Ồ, mình tự do rồi. Mình muốn làm gì thì làm. Giờ có scandal tới mình cũng không sợ nữa. Cái mình sợ đâu phải chuyện đó tới với mình, mà vì mình lo người thân sẽ đau buồn.
Nghe câu nói ấy, mình nghẹn lại.
Hồi Covid, đã từng có những tháng mình bị trầm cảm tấn công, đêm nào cũng mất ngủ tới 3-4 giờ sáng, đầu óc quay cuồng với bao nhiêu nỗi sợ. Nếu mình bị Covid thì sao? Có chuyện gì với mình thì bố mẹ, con cái mình phải làm thế nào? Cuộc sống hóa ra rất bất ổn, chuyện gì cũng có thể xảy ra, và mình sợ, sợ đủ thứ, dẫu tất cả đều là viễn cảnh mình tự vẽ ra trong đầu.
Thế là mình lao vào học, lao vào làm, mình tìm hiểu kỹ càng rồi mua bảo hiểm, mình tích cóp mua thêm tài sản, mình tập trung lo cho cuộc sống tương lai của bố mẹ và con mình.
Kỳ lạ, là sau thời gian ấy, mình cảm nhận rõ cách mình sống, đối xử với mọi người xung quanh, và nhìn những chảy trôi của cuộc đời đã khác đi rất nhiều. Những bất đồng trong công việc, những yêu ghét với người này người kia, thất bại hay thành công, bỗng dưng không tác động tới mình nhiều như trước. Bởi vì không gì lớn hơn những nỗi sợ kia trong lòng mình.
Bây giờ nghe những gì Jun Phạm chia sẻ, mình mới hiểu hóa ra tất cả là nhờ mình có những nỗi sợ ấy. Đó chính là động lực để mình tiến lên.
Hóa ra, những nỗi sợ cũng là một đặc ân mình có.
Những nỗi sợ của bạn có thể khác mình. Nhưng cũng giống như nỗi sợ từ triệu năm trước của con người, vì sợ thú dữ mà đốt lửa giữa đêm, vì sợ đói kém không thể săn bắt hái lượm nên mang cây về trồng trọt mang thú về thuần hóa, sợ hãi là bản năng của chúng ta. Nỗi sợ giúp chúng ta tồn tại và trở thành động lực để tiến về phía trước.
Đừng sợ nỗi sợ. Cũng đừng cho rằng bản thân mình thấy sợ là vì mình kém cỏi. Ngay cả “overthinking” cũng không phải một khuyết điểm bạn cần loại bỏ. Điều chúng ta cần làm là tìm ra cách thức phù hợp để:
3. Ứng phó với nỗi sợ
Đây là những cách mình luôn áp dụng khi trong đầu hiện lên nỗi sợ nào đó. Thật ra, đây là mô hình mình học được khi làm quản lý dự án, đó là quy trình “quản trị rủi ro” - risk management. Không có gì phức tạp đâu, đơn giản chỉ là: NHÌN THẲNG VÀO NỖI SỢ.
Người làm dự án có nhiều nỗi sợ lắm. Sợ không hoàn thành đúng hạn, sợ khách hàng phê bình, sợ sếp không hỗ trợ, sợ chất lượng không đảm bảo, sợ chuyên gia không hỗ trợ… Nhưng khác với mỗi cá nhân, chúng mình liệt kê nó một cách rõ ràng.
Cụ thể rủi ro có thể xảy ra là gì? Nỗi sợ mơ hồ trong đầu nếu phải viết ra nó sẽ thế nào? Trường hợp xấu nhất là sao? Xác suất đến đâu? Nếu xảy ra thật, mình có cách nào để giảm thiểu thiệt hại hoặc có cách nào dự phòng, tránh luôn nó đi không?
Dưới đây là một số bí kíp của mình, bạn tham khảo nha.
Thứ nhất, sợ hãi tự nó không phải điều gì đáng xấu hổ. Đi ngoài đường, mình lái xe máy rụt rè rón rén, nhìn thấy xe to là tránh xa mấy chục mét nép vào lề đường. Ừ, mình sợ. Ai nói mình nhát cũng được, vì mình nhát thật. Có sao đâu? Bạn đi làm, thấy sợ phải nói tiếng Anh, vậy là bạn giống mình trước kia, kỹ năng còn yếu, hoặc nói được mà cứ nghĩ mình không thể. Thế thôi.
Thứ hai, mọi nỗi sợ đều do bạn tưởng tượng, nó chỉ có trong đầu bạn thôi. Nỗi sợ không có thực. Điều này nghe rất hiển nhiên, nhưng lại là điểm neo cho những khi mình chao đảo sợ hãi. Trước đây, mình là người chỉ cần có một góc của bức tranh, sẽ tự suy diễn để vẽ ra phần còn lại, và thường là trường hợp xấu nhất.
Ví dụ như: sếp nhắn ngày mai trao đổi với anh 30 phút, mình sẽ nghĩ chắc mình vừa gây ra tội lỗi gì rồi, hay sếp sắp đuổi việc mình? Sự thực là 10 lần thì tới 8 lần câu chuyện chỉ thuần túy về vấn đề gì đó của tổ chức, chỉ có số ít lần nói về cá nhân mình. Vậy mà mình đã dành tới cả mấy ngày trước đó để lo lắng.
Thứ ba, khi sợ hãi, chúng ta đang đứng trước cơ hội tiến thêm một bước trên hành trình phát triển bản thân hoặc gây dựng cuộc sống. Nếu không sợ gì hết, hoặc là bạn đã ở trong vùng thoải mái quá lâu, và điều này không tốt về lâu dài; hoặc bạn không nhận thức khách quan về những vấn đề mình đang có, điều này lại càng không tốt.
Thứ tư, ai cũng có những nỗi sợ của riêng mình. Bạn sợ, không phải vì bạn kém cỏi hơn người khác. Hóa ra ai cũng như mình - tự nhủ điều này sẽ giúp chúng mình đỡ cảm thấy lạc lõng hơn nhiều.
Thứ năm và cuối cùng, bạn có quyền biến nỗi sợ thành động lực, là bậc thang để tiến lên, hoặc để cho nó đè mình xuống tới ngộp thở. Bạn có quyền lực với lựa chọn của chính mình hoặc ít nhất, là cách mình nghĩ về nỗi sợ ấy. Ai mà kiểm soát được những gì mình nghĩ đâu, phải không?
—
Bạn thân mến,
Câu nói “sợ nhưng vẫn đi” mình nhắc tới ở đầu bài, nằm trong cuốn truyện thiếu nhi “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” (Henryk Sienkiewicz), tới từ cậu bé da đen dù sợ bóng tối nhưng vẫn lao đi tìm cho được con chó của người cậu nhận là chủ nhân.
Trong cuốn truyện ấy, ai cũng là người dũng cảm. Nhưng điểm chung nhất là họ đều sợ, chỉ là họ lựa chọn hành động, dù vừa hành động vừa sợ.
Đừng để nỗi sợ đè nghẹt chúng mình. Hãy ghi nó ra thật rõ ràng, phân tích mổ xẻ nó như thể một người quản lý dự án, đôi khi chỉ để nỗi sợ đừng lơ lửng mãi trong đầu.
Mình chúc bạn, chúc tất cả chúng ta đều sẽ dũng cảm đón nhận mọi điều cuộc đời này mang tới, kể cả những nỗi sợ. Đôi khi, được sợ, chính là một kiểu hạnh phúc và may mắn. Và vì sợ, chúng mình sẽ có động lực để tiến về phía trước vững vàng hơn.
Thân mến,
Tố Uyên.
Facebook: https://www.facebook.com/inmetime/
Podcast: In Metime.
Khóa học miễn phí qua email về cách tự học và lập kế hoạch dự án học tập: subscribepage.io/Inmetime_Ultralearning
Thích câu "vừa hành động vừa sợ"❤