Tuần 6: Chính xác thì vì sao chúng ta cố gắng làm giàu?
Động lực đằng sau mọi quyết định về tài chính cá nhân.
Hồi năm 2021, lúc đang trong dịch Covid, mình từng rơi vào một giai đoạn khủng hoảng nặng nề. Có nhiều lý do dẫn tới sự trầm cảm ấy, áp lực từ cuộc sống, sự bất an vào tương lai, lo lắng, sợ hãi… Nhiều đêm, mình thức trắng. Nỗi lo lắng bóp nghẹt trái tim trồi lên mạnh mẽ, đột ngột, không báo trước: “Nếu có chuyện gì đó xảy ra với mình, tương lai của con mình và bố mẹ mình sẽ ra sao?”.
Không phải tới lúc ấy mình mới lo lắng cho bố mẹ và con cái, cũng không phải bây giờ mình không còn lo, mà không hiểu vì sao trong giai đoạn Covid, nỗi lo trở thành “công tắc”, nhấn chìm mình trong chuỗi ngày sợ hãi, hoảng hốt, tưởng tượng đủ trường hợp xấu có thể xảy ra. Khi tỉnh táo và lý trí, mình mới có thể quay trở lại và tìm hiểu, đánh giá về những gì đã trải qua thời kỳ ấy. Còn lúc đó, tất cả những gì bủa vây lấy mình đều là sự tiêu cực.
Nguồn gốc của nỗi lo lắng tột cùng ngày đó của mình là: Tiền. Giá như mình có nhiều tiền hơn. Giá như mình đã tích lũy đủ để đảm bảo cuộc sống của người thân cho nhiều năm tới. Giá như mình đã tiết kiệm hơn. Giá như mình kiếm được nhiều tiền hơn…
Cho tới rất lâu sau này, khi tìm hiểu nhiều hơn về tài chính cá nhân, đặc biệt về khía cạnh tư duy và cảm xúc, mình mới hiểu động lực để mình nghĩ về tiền khi đó xoay quanh một nhu cầu, đó là: Cảm giác chắc chắn và an toàn. Động lực đó luôn có, chỉ là trong giai đoạn cuộc sống bất ổn, khó đoán về tương lai, nó lấn át toàn bộ lý trí của mình.
Ngoài nhu cầu về sự chắc chắn, chúng ta còn có thêm năm nhu cầu cảm xúc khác nữa liên quan tới tài chính cá nhân. Đây là điều mình học được từ cuốn sách “The path - Đường đến tự do'“ (Peter Mallouk, Anthony Robbins).
Chúng mình sẽ cùng chia sẻ và tìm hiểu về sáu nhu cầu ấy trong bài blog hôm nay, để hiểu động lực đằng sau những quyết định tài chính của mình. Và biết đâu đấy, có thể giúp chúng mình không vướng phải “cái bẫy trầm cảm” như mình từng trải qua vài năm trước của cảm xúc quá đà, mất kiểm soát.
Nhu cầu 1: Cảm giác chắc chắn.
Đây là mong muốn biết chắc về tương lai, không có biến động, và mọi thứ đều đã được chuẩn bị đầy đủ hoặc có thể đoán được. Nguồn gốc của tâm lý này là do con người một cách bản năng, luôn theo đuổi sự “sinh tồn” đầu tiên, và mọi vấn đề phát sinh luôn khiến chúng ta rơi vào trạng thái sợ hãi, mất kiểm soát, không biết điều gì chờ đợi mình phía trước.
Mong muốn có được sự chắc chắn là động lực để chúng ta cố gắng sở hữu một căn nhà, tiết kiệm tiền, xây dựng sự nghiệp. Đó cũng là một trong những động lực lớn nhất của chính mình với vấn đề tiền bạc.
Nhưng, điểm khó khăn là ở chỗ, tương lai thực sự ẩn chứa rất nhiều biến số, không ai có thể dự đoán hết được. Trong khi đó, về mặt tâm lý, chúng ta lại có xu hướng nghĩ và tưởng tượng về viễn cảnh tồi tệ rõ ràng hơn nhiều viễn cảnh tốt đẹp. Điều này làm chúng ta không nhìn mọi thứ một cách tỉnh táo và khách quan, quên đi những gì mình đang có, chỉ tập trung vào sự “nhỡ mà”, “chắc là sẽ”, “sẽ thế nào nếu”. Đây chính là nguyên nhân lớn dẫn tới giai đoạn trầm cảm của mình thời Covid.
Do vậy, nhu cầu về sự chắc chắn là lành mạnh khi ở một “liều lượng” phù hợp, nhưng nếu để nhu cầu tâm lý này kiểm soát bạn thì bạn sẽ nhanh chóng bị tê liệt, bởi vì: điều duy nhất chắc chắn là cuộc sống không có gì chắc chắn cả.
Nhu cầu 2: Trải nghiệm sự đa dạng.
Bạn có mong muốn được đi du lịch tới thật nhiều vùng đất mới, đất nước mới? Bạn muốn có nhiều bộ quần áo đẹp và thời thượng? Bạn đang có điện thoại và vẫn dùng tốt, nhưng không thể kiềm chế khao khát có được chiếc Iphone mới ra mắt?…
Tất cả những điều nay đến từ nhu cầu trải nghiệm sự da dạng. Chúng ta luôn cảm thấy những gì mình có, mình biết và mình được hưởng thụ chỉ là phần rất nhỏ, còn quá nhiều thứ cần chúng ta khám phá và sử dụng.
Vấn đề là, để thỏa mãn những mong muốn này, chúng ta sẽ đưa ra các quyết định tiêu tiền. Đây là điểm mấu chốt khiến lối sống tối giản được đón nhận và trở nên phổ biến trong những năm gần đây, khi tinh thần tối giản trái ngược với nhu cầu trải nghiệm sự đa dạng.
Ở đó, chúng ta học cách biết đủ, trân trọng những gì mình đang có, và chọn lọc cẩn thận những gì mình sẽ mua, sẽ trải nghiệm, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng.
Với cá nhân mình, mình từng vướng vào nhu cầu trải nghiệm sự đa dạng này rất nhiều lần, và đó là nguyên nhân khiến mình mua sắm để rồi sau đó lại thấy hối hận, tiếc nuối. Giờ đây, dẫu không phải người theo chủ nghĩa tối giản, mình đã học cách đơn giản hóa cuộc sống, tâm lý vững vàng hơn để không “chiều theo” nhu cầu trải nghiệm sự đa dạng này.
Nhu cầu 3: Thấy bản thân quan trọng.
Có một câu trích dẫn khá nổi tiếng từ bộ phim Fight Club: "Người ta mua những thứ mình không cần, bằng đồng tiền không phải của họ, để tạo ấn tượng với những người mà họ không thích".
Đây chính là một phần của nhu cầu “tiêu tiền để thấy bản thân quan trọng”. Rất nhiều quyết định tiêu tiền của chúng ta là để thể hiện đẳng cấp của bản thân, để thấy mình cũng “bằng bạn bằng bè”, người khác có mình cũng phải có, hoặc sợ người khác nói mình nghèo và kém cỏi khi sở hữu những thứ “kém đẳng cấp” hơn.
Chúng ta cần một chiếc ô tô, nhưng lại vay ngân hàng để mua một chiếc mới nhất, đẹp nhất có thể. Chúng ta cần một nơi để ở, nhưng cố gắng mua một căn chung cư rộng hơn cần thiết, với mức giá gấp nhiều lần khoản tiền mặt mình có, để rồi sau đó dành nhiều năm trả nợ và khoản lãi cao ngất ngưởng cho ngân hàng. Chúng ta mua cả tủ quần áo, nhất là sau mỗi sự thay đổi công việc, hoặc đôi khi bỏ rất nhiều tiền cho một bộ đồ đắt tiền dù chỉ sử dụng một lần.
Sau tất cả, đó là cách tiêu tiền để thể hiện sự ảnh hưởng, tạo ra sự khác biệt và “đẳng cấp” của mình, trong khi điều đó vượt xa nhu cầu thực sự về mặt công năng sử dụng, và cũng vượt xa cả túi tiền của mình.
Nhu cầu 4: Yêu thương và kết nối
Một động lực khác cho các quyết định tài chính cá nhân là nhu cầu yêu thương và kết nối, điều này đúng với người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Với cá nhân mình, đây là một động lực tích cực, thúc đẩy mình nỗ lực phấn đấu, kiếm tiền và tích lũy cho tương lai. Tuy nhiên, cũng có một số mặt trái của động lực này:
Tâm lý sợ bỏ lỡ: Tức là luôn cố gắng mua sắm hoặc mang tới trải nghiệm cho người thân vì sợ sau này không còn cơ hội, kể cả khi điều đó vượt quá khả năng chi trả của mình.
Áp lực vượt ngoài tầm kiểm soát: Đây là trường hợp mình từng gặp phải, và mình tin cũng là cảm giác nhiều bạn cũng gặp. Khi tình yêu thương, sự lo lắng gặp phải tình hình bất ổn dễ khiến thổi bùng áp lực lên gấp nhiều lần.
Mặc dù vậy, đây vẫn là nhu cầu cảm xúc lớn nhất, có ý nghĩa nhất, và là động lực chính giúp mình dấn thân, nỗ lực trong cuộc sống. Vấn đề chỉ là mình cần kiểm soát tốt hơn, tỉnh táo hơn, và cân đối một cách khoa học hơn giữa mong muốn chi tiêu với hoàn cảnh tài chính thực tế của mình.
Nhu cầu 5: Phát triển
Trong nhiều trường hợp, mong muốn có hoàn cảnh tài chính tốt hơn là để chúng ta có thể phát triển bản thân nhiều lên. Ví dụ như: được học chương trình cao hơn, được làm những việc chúng ta thích và biết là mình có kỹ năng, được nhìn thấy các khía cạnh trong cuộc sống của mình (tín ngưỡng, tình cảm, tư duy…) đều có cơ hội phát triển.
Thực tế, không có đủ tiền là lý do hàng đầu khiến người ta khó khăn trong việc đạt được những bước tiến mới trên hành trình phát triển bản thân và xây dựng cuộc sống. Ngược lại, có nhiều người dù đã đạt mục thu nhập mơ ước so với quá khứ, nhưng không cảm nhận được hạnh phúc, sự thỏa mãn vì không thực sự ý thức được mức phát triển của mình.
Cá nhân mình, mặc dù mức thu nhập đã gấp nhiều lần so với năm đầu tiên đi làm, nhưng đôi khi mình vẫn cảm thấy chưa làm được gì, không có bước phát triển, thậm chí giậm chân tại chỗ. Sự thật không phải vậy. Khi bình tĩnh, tỉnh táo và suy nghĩ khách quan, mình biết mình đã khác rất nhiều về tư duy, kinh nghiệm, kỹ năng.
Hoặc, mình chỉ nhìn thấy những điều chưa làm được, chưa mua được, chưa nâng cấp được trong cuộc sống mà quên đi mình, cuộc sống, tài sản của mình ở hiện tại đã vô cùng khác biệt so với chục năm trước.
Chúng ta rất dễ vì nhìn vào người khác mà quên đi sự phát triển của chính mình, từ đó không cảm nhận được niềm vui của hoàn cảnh tài chính cá nhân đang có.
Nhu cầu 6: Cống hiến
Đây là động lực của rất nhiều người khi nghĩ tới tự do tài chính. Khi không còn bắt buộc phải đi làm một công việc nào đó vì tiền, bạn có thể chọn làm tình nguyện, tổ chức phi lợi nhuận, đóng góp cho cộng đồng. Bạn cũng có thể dùng tiền của mình giúp đỡ được nhiều người với hoàn cảnh khó khăn.
Rất nhiều người nói rằng, được giúp đỡ người khác, đóng góp cho xã hội, khi “cho đi” là lúc họ cảm thấy hạnh phúc nhất, thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa. Đó là động lực kiếm tiền với nhiều người, để không chỉ bản thân vững vàng, còn có thể giúp đỡ nhiều người khác.
Với bản thân mình, thú thực mình chưa có nhiều điều kiện về kinh tế để giúp đỡ người khác, rộng hơn nữa là cộng đồng, xã hội. Điều mình có thể làm được chỉ là những bài viết như thế này hoặc trên kênh Youtube, podcast… để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bài học mình có trong cuộc sống, sự nghiệp tới bạn đọc.
Mình hy vọng, những điều này có thể giúp được ai đó, đây là cách mình trả ơn rất nhiều người bạn, người thầy đã giúp mình trưởng thành hơn trong cuộc sống nhiều năm qua.
Tạm kết
Thật không ngờ chỉ liên quan tới tiêu tiền, kiếm tiền, tiết kiệm tiền lại ẩn chứa nhiều nhu cầu cảm xúc tới vậy! Cuốn sách “Đường đến tự do” đã mang tới cho mình nhiều góc nhìn mới, thực sự là tài liệu hữu ích cho hành trình độc lập tài chính mà mình đang theo đuổi.
Hiểu về các yếu tố tâm lý thúc đẩy chúng ta theo hướng tiêu cực hoặc tích cực giúp mình bình tĩnh hơn trước mỗi quyết định tài chính, tỉnh táo hơn trước mỗi “cơn bão cảm xúc”, và có cái nhìn khoa học hơn khi nghĩ về tiền.
Hẹn gặp bạn trong những bài viết tiếp theo vào thứ sáu hàng tuần về chủ đề Tài chính cá nhân trên blog In Metime.
Mời bạn đọc thêm ở đây các bài viết trước của series 52 tuần viết về tài chính cá nhân của mình: https://www.inmetime.com/s/tien-va-tu-do
Cảm ơn bạn,
Tố Uyên.
Bài viết này của chị đúng với những mong muốn của em hiện tại ạ, trừ việc tiêu tiền cho những thứ khiến mình hối hận. Em vui vì em đã “cai” được sự mua sắm theo cách đó. Nhất là sau khi em có con và có nhiều nhu cầu đầu tư cho học tập và tích luỹ cùng chồng.
Nhu cầu về trải nghiệm, phát triển, cống hiến và tiền đối với em luôn tồn tại song song và ảnh hưởng lẫn nhau. Có lúc em thấy chúng ảnh hưởng đến nhau như một vòng tuần hoàn. Có lúc chúng lại ảnh hưởng đến nhau ziczac như trò pinball vậy.
Em đã từng khá chật vật trong việc mình hành động để đáp ứng nhu cầu nào trước.
Ví dụ:
- em muốn đăng ký học khoá nào đó nhưng lại không đủ điều kiện tiền bạc
- em muốn kiếm tiền để khiến bản thân thấy an toàn và độc lập nhưng lại phải làm công việc em không đam mê.
- em học và tìm kiếm công việc em yêu thích nhưng trình độ và kinh nghiệm của em lại không đủ với yêu cầu của các bên.
Em cũng đã gỡ rối mờ bòng bong của mình từng chút một. Học khoá nhỏ và rẻ, làm job đơn giản, rồi tích góp đầu tư lại vào việc học thêm nhiều thứ hơn, chịu tìm kiếm và mở lòng. Em lại có thêm job khác.
Dần dần chút một. Em cũng gần tháo gỡ được nút rối của mình, đang trong tiến trình gỡ nút hoàn toàn, sắp xếp lại các đầu mối và đường dây một cách trật tự hơn. Em tin là sẽ có một ngày em thoả mãn được những nhu cầu đó của mình.
Em sẽ tìm mua cuốn sách mà chị nhắc đến trong bài viết. Chúc chị luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc ạ!
Em vẫn luôn theo dõi các bài viết của chị Uyên ạ. Em cảm ơn bài viết của chị hôm nay rất nhiều ♥️.
3 điều em học được:
- Lo lắng về tiền là nỗi lo "bẩm sinh" của con người vì nhu cầu chắc chắn.
- Nhu cầu mang lại trải nghiệm cho những người yêu thương là chính đáng để tiêu tiền, nhưng nên cân nhắc kỹ giữa lợi ích trước mắt và ảnh hưởng lâu dài đối với tài chính của bản thân.
- Nhu cầu phát triển cần phải được ý thức liên tục vì nó vừa xứng đáng để tiêu tiền, vừa mở ra cơ hội kiếm thêm tiền, từ đó giúp đạt được những nhu cầu khác.
2 điều em sẽ làm từ 3 bài học trên:
- Ưu tiên dùng tiền vào mục tiêu phát triển bản thân (ít nhất là trong 5 năm tới), ưu tiên thứ 2 là giúp đỡ gia đình và người thân.
- Tiếp tục dành ra 1 số tiền nhỏ mỗi tháng để đóng góp vào "Dự án từ thiện cá nhân" để củng cố điều mình đã từng nhận ra: mục đích sống cuối cùng là để "cho đi".
1 điều em sẽ bỉ từ 3 bài học trên:
- Không để cho bản thân chìm vào nỗi lo sợ về tiền quá 1 tuần. Khi nhận ra nguồn gốc của nỗi lo trong 1 tuần đó, em sẽ bắt tay vào tìm hiểu và giải quyết nó bằng cách nhớ lại Nhu cầu an toàn và chắc chắn, vẽ mindmap hành động, nhìn lại quá trình dùng tiền của mình thời gian qua, ghi lại điểm tốt, điểm chưa tốt và cách khắc phục.