Vì sao bạn thất bại với dự án học tập?
Bài viết được thực hiện để đồng hành với Khóa học miễn phí “7 ngày học cách học hiệu quả theo phương pháp Ultralearning”.
Khóa học hoàn toàn miễn phí, bạn sẽ nhận được các bài học hàng ngày qua email trong 7 ngày liên tiếp, mời bạn đăng ký tại đây.
—
Một mục tiêu học tập thường được khởi động trong khí thế hừng hực, do đọc một cuốn sách hoặc bài viết truyền cảm hứng, do gặp khó khăn trong công việc nên muốn học để tìm cơ hội mới, thậm chí do cảm hứng học đột ngột dâng cao vào một vài thời điểm cụ thể như đầu năm mới.
Sẽ thành thạo tiếng Anh, lấy bằng IELTS, TOEIC trong một năm;
Sẽ thi chứng chỉ chuyên môn để chuyển việc;
Sẽ học các khóa online về công nghệ hoặc công cụ nào đó giúp tạo cơ hội kiếm tiền;
…
Nhưng có bao nhiêu những dự án đó về đích thành công, đạt được mục tiêu và đúng thời hạn? Mình từng đọc trên tạp chí quốc tế có bài viết thống kê rằng, khoảng 80% những người đặt ra kế hoạch đầu năm đã bỏ dở, thậm chí không bắt đầu. Đâu là lý do của những thất bại này? Làm thế nào để không “lặp lại lịch sử” kiểu quyết tâm hừng hực, lên kế hoạch rồi vài ba ngày lại bỏ?
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ về những nguyên nhân mình thấy phổ biến nhất khiến chúng ta thất bại với dự án học tập của bản thân.
1. Không có động lực rõ ràng
Nói cách khác, là không tìm thấy câu hỏi lớn: Vì sao mình học? Hành trình học tập nào cũng nhiều chông gai, nếu không có động lực đủ lớn chắc chắn chúng ta khó lòng đi tới đích. Nói không có lý do cũng không đúng, mà thường là lý do không cụ thể, cũng không thực sự được ưu tiên.
Khi bạn không có thời gian để làm gì hoặc học gì đó, không phải vì bạn quá bận tới nỗi không còn giờ nào phút nào cho nó, chủ yếu vì mục tiêu ấy không thực sự là ưu tiên của bạn. Chúng ta có rất nhiều thứ muốn học và cần học, việc chọn học gì là một quyết định quan trọng, nên cần cân nhắc rất kỹ xem rốt cuộc vì sao mình lại học nó.
Một dự án học tập giống như khi bạn quyết định trồng một cái cây nhỏ xuống đất cam kết dành thời gian công sức để tưới nước, bón phân, cắt lá tỉa cảnh cho nó lớn lên tới ngày hái quả. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là: Vì sao lại trồng cây đó chứ không phải cây khác? Vì sao là lúc nào? Cái cây này nằm ở đâu trong quy hoạch khu vườn lớn của bạn?
Sẽ là mất thời gian nếu bạn dành thời gian học tiếng Trung Quốc khi chưa nhìn thấy hướng đi nào cụ thể và mục đích lớn nào đó khi bạn thành thạo ngoại ngữ này, trong khi trình độ tiếng Anh của bạn mới chỉ ở mức trung bình, có nhiều khía cạnh có thể tiến bộ, và nếu thành thạo ngôn ngữ này bạn sẽ có những cơ hội rõ ràng về nghề nghiệp.
Người ra thường hào hứng về một sự khởi đầu mới và rất ngại cải thiện những kỹ năng hoặc kiến thức đã từng học nhưng bị tắc lại đâu đó. Có điều, sự hứng khởi ấy nếu không dựa trên phân tích cụ thể, rất dễ chững lại sau một thời gian ngắn. Hãy xác định thật rõ lý do bạn học, động lực này cần phải rõ ràng, đủ lớn để nâng đỡ suốt hành trình. Mơ hồ về lý do bắt đầu chắc chắn là nguyên nhân khiến chúng ta không tới đích.
2. Không xác định cách học trước khi học
Nếu muốn viết tốt, đừng lao ngay vào viết. Nếu muốn thành thạo tiếng Anh trong một năm, đừng vội mua sách và học ngay lập tức. Nếu muốn thi chứng chỉ quốc tế, đừng vội vàng đăng ký một khóa học nào đó và đọc tài liệu luôn.
Khi có một mục tiêu học tập nào đó, việc đầu tiên chúng ta nên làm là: Học cách học. Đây là bước tìm hiểu, chọn lựa để tìm ra con đường ngắn nhất tới mục tiêu trước khi thực sự xuất phát. Nếu bạn từ Hà Nội muốn lái xe vào Sài Gòn, không phải có ý định là bạn lên xe nổ máy ngay lập tức đi ra ngoài đường. Điều cần làm là mở Google map xem phải đi hướng nào, có những con đường nào để đi và đặc điểm mỗi lộ trình, đường nào phù hợp với phương tiện và mong muốn của bạn, kinh nghiệm của những người đã đi lộ trình tương tự ra sao, đâu là con đường tốt nhất.
Mỗi mục tiêu có cách học khác nhau. Học cách học giống như bạn đang tìm con đường ngắn nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất để tới đích trước khi xuất phát. Luôn có những cách học hiệu quả hơn cách khác, bất kể người ta thường nói “mỗi người có cách học phù hợp riêng”. Một số người học hiệu quả, một yếu tố quan trọng là họ rất coi trọng phương pháp học, tìm hiểu nhiều cách học khác nhau, và luôn tìm kiếm con đường tốt nhất trước khi bắt tay vào học.
Trước khi bạn mua sách vở, khóa học, lên lịch ngày mai dậy sớm để học bài đầu tiên, hãy chắc chắn rằng bạn đã nghiên cứu đủ nhiều để biết cách mình sẽ đi trên con đường này.
3. Mơ hồ về thời gian dành cho việc học
Thứ nhất, tổng thời gian của một dự án học tập nên dưới sáu tháng, tốt hơn nữa là dưới ba tháng. Nếu mục tiêu của bạn quá lớn, không thể hoàn thành trong vài tháng, hãy tách nhỏ nó ra để có được mục tiêu đầu tiên phù hợp với khung thời gian đó. Một dự án càng kéo dài càng dễ mất động lực, và có nhiều vấn đề phát sinh xảy ra mà chúng ta không thể lường trước khiến kế hoạch chệch hướng.
Thứ hai, hãy xác định rõ thời gian mỗi ngày hoặc mỗi tuần bạn dành cho việc học và bằng mọi cách bảo vệ khung thời gian ấy. Ai cũng có vốn thời gian như nhau, người học nhiều không phải vì họ nhàn rỗi hơn mà bởi họ nỗ lực nhiều hơn để tìm thấy thời gian cho việc học. Internet, mạng xã hội, Youtube… chiếm bao nhiêu thời gian của bạn? Dù chỉ sử dụng một nửa trong số ấy để ngồi học tập trung hoặc đọc sách, cuộc đời chúng ta có thể đã khác đi rất nhiều.
Thứ ba, đừng mất thời gian ân hận tiếc nuối về quãng thời gian đã qua. “Lẽ ra mình phải bắt đầu từ cách đây năm năm”, “sắp cuối năm rồi, mình đã bỏ phí chín tháng”, “giờ mình học chắc không còn kịp”… Đây đều là những suy nghĩ không mang lại bất cứ hiệu quả nào, chỉ khiến chúng ta nhụt chí mà thôi. Sự bắt đầu tốt nhất là trước đây, tốt nhì là ngay bây giờ.
4. Chờ đợi sự tiến bộ tuyến tính
Một lý do khiến nhiều người đánh mất động lực học đó là: học mãi không thấy có chuyển biến, không tiến bộ, không biết mình đang làm đúng hay sai. Tâm lý này thường tới từ giả định rằng sự tiến bộ tuyến tính với nỗ lực nhưng thông thường điều đó không đúng.
Lúc bắt đầu học, chúng ta thường thấy chuyển biến rõ rệt sau thời gian ngắn. Lý do là vì chúng ta đang đi từ “không” tới “có”, từ chưa biết gì tới biết một chút, do đó rất dễ cảm nhận sự thay đổi. Sau chút “trăng mật” này, chúng ta bước vào một giai đoạn thường khá khó khăn, khi vẫn liên tục học nhưng không thấy chuyển biến, càng học càng khó nhưng không có cảm giác tiến bộ, dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Đây là điểm từ bỏ của rất nhiều dự án học tập. Mất động lực, nghi ngờ năng lực bản thân, không chắc chắn về cách học mình đã chọn, bị xao nhãng bởi những mục tiêu khác…
Muốn thành công với dự án học tập, bạn cần vượt qua giai đoạn này. Sự tiến bộ không tuyến tính với nỗ lực mà là cấp số mũ, nghĩa là vượt trội hơn cả tuyến tính, vấn đề là cần vượt qua một “đường hầm tối” trước khi nhìn thấy ánh sáng để cảm nhận được cấp số mũ đó.
5. Có nhiều hơn một dự án học tập cùng lúc
Lý tưởng nhất là bạn chỉ có một dự án học tập tại mỗi thời điểm. Dự án, tức là diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và đòi hỏi sự nỗ lực, tập trung. Dự án không liên quan tới những cách học kiểu nhẹ nhàng, giải trí như học “sương sương 15 phút trên ứng dụng, xem phim, nghe podcast… Đã là dự án, bạn cần những khoảng thời gian học tập trung, kéo giãn sự tập trung và năng lực tư duy, đôi khi khiến bạn mệt mỏi, nhưng đó là yếu tố cần thiết để đẩy bạn vượt qua giới hạn.
Đừng mong đợi sự dễ chịu, thoải mái mà vẫn đạt được mục tiêu học tập trong các dự án này. Đơn giản vì điều đó không thể xảy ra. Dạy cho não mình những kiến thức mới, luyện kỹ năng mới, phát triển tư duy sáng tạo không phải điều dễ dàng. Nhưng cũng vì thế, nó đáng giá.
Bạn có thể ấp ủ rất nhiều ý định học tập và cảm thấy khát khao được bắt đầu học tất cả. Hãy tin mình, sự tập trung là quan trọng. Hãy chỉ thực hiện một dự án mỗi lúc, đặt ra phạm vi cụ thể, trong thời gian 3-6 tháng rồi dồn nỗ lực cho nó. Hoàn thành một dự án xong, bạn có thể tiếp tục chuyển tới dự án tiếp theo.
Có một loại lãng phí phổ biến trong cuộc sống với cả cá nhân và doanh nghiệp đó là WIP (work in progress), tức là những thứ đang được thực hiện dở chừng nhưng chưa hoàn thành hoặc sẽ không bao giờ được hoàn thành. Không nên bắt đầu quá nhiều thứ để rồi mọi thứ đều không tới đích, đó là điều lãng phí nhất chúng ta tạo ra từ thời gian và công sức của bản thân.
Ít hơn là nhiều hơn. Một dự án học tập một lúc. Hãy tập trung.
Tạm kết:
Trên đây là những sai lầm thường gặp khiến chúng ta thất bại với những dự án học tập của mình. Mình luôn tin, sâu thẳm trong lòng mỗi người luôn muốn có thể giỏi hơn, hiểu biết hơn, có thêm nhiều kỹ năng hơn để phát triển bản thân, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp và để sống tốt hơn. Tuy vậy, nếu cứ đặt ra mục tiêu rồi thất bại, lâu dần chúng ta sẽ mất đi sự tự tin và không còn dám, hoặc không còn muốn học nữa.
Vấn đề rất có thể nằm ở một trong số các nguyên nhân trên. Phương pháp học tập là yếu tố quan trọng, thậm chí tiên quyết để học tốt. Đó cũng là lý do mình tạo ra khóa học “7 ngày học cách tự học hiệu quả”, hoàn toàn miễn phí, dựa trên trải nghiệm thực tế của mình nhiều năm qua và cả những kiến thức mình học được về chủ đề “Ultralearning” (học tập trung và đề cao sự tự định hướng).
Nếu bạn muốn có được phương pháp tự học có thể giúp mình đạt được nhiều mục tiêu học tập sau này, hãy đăng ký ở đây nhé! Khóa học hoàn toàn miễn phí, bạn sẽ nhận được các bài học và bài tập hàng ngày qua email trong 7 ngày liên tục.
Chúc bạn thành công,
Tố Uyên.