Tôi nhớ những ngày đầu sau khi kết hôn, vợ chồng tôi thường cùng nhau đi hiệu sách. “Gu” của chồng tôi là những cuốn “non-fiction” (không hư cấu), loại sách hướng tới việc bồi đắp kiến thức, kỹ năng, hiểu biết cho một vấn đề nào đó, ví dụ như tài chính, chứng khoán, điều hành. Còn tôi, ngược lại, thường lang thang cả buổi ở khu vực… truyện thiếu nhi. Mặc dù đọc nhiều thể loại, nhưng những cuốn sách tôi thích nhất qua nhiều năm vẫn luôn là Anne tóc đỏ, Emily ở trang trại trăng non, Khu vườn bí mật, Lũ trẻ đường ray, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Harry Potter...
Ở nhà, chúng tôi chia giá sách mỗi người một khu vực, không động chạm. Cả hai đều cảm thấy không thể hiểu nổi những cuốn sách người kia say mê đọc có gì hay. Điều tốt nhất chúng tôi làm được lúc đó là thỉnh thoảng có chút càu nhàu, thắc mắc, nhưng không thực sự can thiệp vào sở thích của nhau. Nói đơn giản là sách của ai người ấy giữ gìn, đọc và tự… khen hay.
Thấm thoắt đã hơn mười năm, tuy chưa phải quãng đường quá dài, nhưng cũng đủ để chúng tôi thay đổi thật nhiều điều. Và một trong số đó là quan niệm về đọc sách. Những ngày này, tôi đang đọc “Bí mật dot com” – giống như nhiều cuốn trước đó tôi đã đọc trên giá sách của chồng, và chồng tôi cũng vừa nói với con gái: “Bố mới download bộ Anne tóc đỏ về kindle cho con đấy”.
Trải qua một hành trình dài của sự mở lòng, thử nghiệm, tới thấu hiểu và yêu thích, chúng tôi đã tiếp cận với các thể loại sách của nhiều tác giả, nhiều phong cách khác nhau. Điều đó giúp chúng tôi có cái nhìn khách quan hơn về việc lựa chọn sách, tiếp cận thêm nhiều tri thức quý giá, không còn giữ định kiến của mình về bất kỳ thể loại nào.
Tôi đã thay đổi về tư duy đọc sách, không chỉ về thể loại mà còn lựa chọn thời điểm đọc với mỗi cuốn, và số lượng sách nên đọc. Bài viết dưới đây của tôi về ba sự thay đổi, hy vọng mang đến cho bạn thêm những góc nhìn mới về hoạt động thú vị và bổ ích này.
1. KHÔNG NÊN GIỮ ĐỊNH KIẾN VỀ THỂ LOẠI SÁCH.
Trước đây, tôi không có cảm tình với dòng sách self-help. Khởi nguồn từ cuốn Hạt giống tâm hồn; ban đầu tôi đọc ngấu nghiến, thấy rất thú vị và thấm thía. Nhưng đọc tới cuốn thứ hai, thứ ba, sự hào hứng nhạt dần. Mặc dù câu chuyện có khác nhau, thông điệp khác nhau, nhưng vẫn là những bài học cuộc sống được rút ra, cổ vũ phải nghĩ tốt, có mối quan hệ tốt với gia đình và tất cả mọi người.
Tôi mượn tới cuốn thứ năm, chỉ đọc lướt rồi trả lại. Tôi thấy mệt mỏi khi liên tục phải đọc về những bài học, mệt mỏi thấy bản thân mình thật tệ, phải gắng sức quá nhiều mới mong tốt lên được. Tôi bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực hơn: “sống mà phải nghĩ ngợi nhiều thế này thì mệt lắm”, “tác giả chắc chỉ nói suông vậy thôi, kể chuyện cho hay ấy mà”…
Giờ nghĩ lại hồi cấp 2, tôi thấy mình thật trẻ con, thiển cận và thiếu hiểu biết. Nhưng đó là lăng kính của tôi lúc ấy, chưa có nhiều trải nghiệm để nhìn thấy những ý nghĩa sâu sắc của một cuốn sách. Tệ hơn, tôi bắt đầu gán nhãn không tốt cho tất cả những cuốn sách self-help, mặc định đó là dòng sách của “dạy dỗ”, “nói suông”, “không thực tế”. Sau này, tôi còn tự mở rộng hơn “phạm vi ghét” của mình, từ chối quan tâm tới bất kỳ cuốn sách non-fiction nào. Vâng, vì không thích Hạt giống tâm hồn, tôi ghét sách self-help, rồi đánh đồng tất cả các dòng sách non-fiction đều giống như vậy. Tôi chỉ đọc sách văn học với niềm tin duy nhất rằng thể loại đó mới có giá trị.
Nếu được gặp cô bé Uyên của những ngày tháng ấy, tôi thật muốn… cho một cái véo tai thật đau vì sự ngốc nghếch của cô. Nhiều năm sau, khi đang sống giữa những bề bộn của áp lực, mệt mỏi, mất phương hướng, tôi bắt gặp một đầu sách thú vị trên giá của chồng: Sức mạnh của thói quen (tác giả Charles Duhigg). Đó chính là cuốn sách đập tan niềm tin của tôi về dòng sách non-fiction. Cho tới hôm nay, tôi đã đọc thêm rất nhiều những cuốn sách hay khác thuộc các thể loại “ngoài văn học”. Có thể nói, sự phát triển cá nhân của tôi những năm qua có đóng góp không nhỏ từ việc đọc sách, mà những cuốn non-fiction chiếm một phần lớn.
Ngược lại, chồng tôi sau nhiều năm, cũng không còn thắc mắc vì sao giá sách của tôi nhiều sách văn học tới vậy, đặc biệt là văn học thiếu nhi. Anh đã hiểu những cuốn sách ấy thật trong trẻo, lạc quan, mang lại nguồn năng lượng tích cực và trong sáng. Hơn nữa, sách văn học giúp nâng cao khả năng diễn đạt, cảm thụ, và sự tinh tế trong cảm nhận về cuộc sống. Chồng tôi là người thường xuyên mua sách, đọc sách cùng con, tìm những bản sách điện tử cho con khi các bạn ấy lớn hơn.
Nếu có định kiến về một thể loại sách, giống như cô bé Uyên của nhiều năm trước, tôi mong bạn sẽ đặt suy nghĩ ấy sang một bên, thử cầm lên một cuốn và khám phá.
Sự cởi mở, thoải mái khi lựa chọn với một niềm tin không hạn chế chính là bước đầu tiên để chúng ta tìm được những cuốn sách phù hợp. Thế giới của sách rộng lớn, mỗi góc đều ẩn chứa niềm vui và sự bất ngờ mà chúng ta không nên bỏ lỡ.
2. CẢM NHẬN VỀ MỘT CUỐN SÁCH CÓ THỂ SẼ THAY ĐỔI THEO THỜI GIAN.
Ngày 15/3/2021, tôi đăng một tấm ảnh lên facebook, viết một bài rất dài cho riêng mình, mở đầu bằng những câu: “Đây chắc chắn sẽ là cuốn sách mình sẽ còn đọc lại nhiều lần, cuốn sách gối đầu giường, khiến mình thay đổi cách học tập và làm việc…”. Nghe thật ngọt ngào, tâm huyết, tràn đầy năng lượng tích cực. Thật khó tin, cách đó vài năm, tôi đã từng cầm lên chính cuốn sách ấy, không đọc nổi một nửa trước khi cất kỹ lên giá. Đó là cuốn “Deep Work – Làm ra làm, chơi ra chơi” (Cal Newport).
Khi mua quyển sách này, công việc của tôi còn khá nhẹ nhàng, không nhiều thử thách. Vì thế, các quan điểm, kinh nghiệm, hướng dẫn về làm việc tập trung, tăng cường chất lượng và tốc độ để nâng cao hiệu suất của tác giả không chạm tới những vấn đề tôi hiện có.
Lần thứ hai tôi đọc cuốn sách của tác giả Cal Newport là năm 2021, ở một hoàn cảnh đã khác. Khi đó, tôi đang theo học chương trình thạc sỹ MBA, trong khi vẫn đi làm hàng ngày, chăm sóc gia đình với hai con nhỏ, đồng thời ôn thi thêm chứng chỉ chuyên môn và nâng cao trình độ tiếng Anh. Tôi sống trong sự mệt mỏi, quá tải. Cuốn sách “Deep work” (cùng với một số sách giá trị khác) trở thành kim chỉ nam, giúp tôi ra khỏi tình trạng căng thẳng bằng cách thay đổi tư duy làm việc, sắp xếp thời gian, và lựa chọn theo ưu tiên.
Một lý do khác khiến tôi thay đổi trong cảm nhận về cuốn sách này là bởi sau vài năm làm quản lý, tôi đã có trải nghiệm khác so với khi đang làm nhân viên. Người quản lý có nhiều trách nhiệm hơn, nhiều việc phải giải quyết thuộc về các vấn đề khác nhau cùng một lúc… Đặc điểm công việc thay đổi tạo nên trải nghiệm khác, khiến tôi đã tìm thấy những bài học quan trọng trong sách mà trước đó không có sự đồng cảm.
Như vậy, mỗi cuốn sách sẽ có thời điểm phù hợp trong cuộc đời chúng ta. Có thể nó từng không phù hợp trong quá khứ, nhưng lại trở thành “cứu cánh” vào một lúc khác, khi ta đã có trải nghiệm gần gũi hơn với nội dung trong sách. Ngay cả một cuốn sách đọc lần đầu đã thấy thích, thấy hay, chúng ta vẫn có thể có cảm nhận sâu sắc hơn sau một thời gian đọc lại. Tôi thường xuyên ngỡ ngàng nhận ra những bài học mới khi đọc lại một cuốn sách cũ.
Hãy một lần mở lòng với những cuốn sách bạn đã từng đóng lại, bởi sự xuất hiện vào đúng lúc của “nó” sẽ đem lại một ý nghĩa khác.
3. ĐỌC NHIỀU KHÔNG BẰNG ĐỌC “CHẤT”.
Tôi ít tham gia các hội nhóm trên facebook, ngoại trừ có một nhóm biết nhau đã lâu trên một diễn đàn nhỏ. Một năm, mọi người bàn nhau lập kế hoạch năm mới, trong đó có mục học tập, phát triển bản thân. Tôi hùng hồn đặt mục tiêu: “Sẽ đọc 100 cuốn sách trong năm nay”. Thực ra mỗi năm tôi thường vẫn đọc khoảng vài chục cuốn bởi ngày nào cũng dành thời gian cho sách. Nhưng thành thực mà nói, con số 100 kia là tôi có chút “bệnh thành tích”. Khi ấy, tôi cảm thấy đọc nhiều mới tốt, hết cuốn nọ sang cuốn kia, đọc sách như thể… chạy chỉ tiêu vậy. Tôi không có ý “đua” hay “khoe” với ai, tôi khi ấy chỉ muốn tự hào với chính mình.
Nhưng rồi, sau nhiều năm đọc sách, càng ngày càng học được những điều hay về cách đọc, tôi nhận ra mình đã không còn quan tâm đến những con số như vậy nữa. Đọc bao nhiêu sách mỗi năm không quan trọng; cốt yếu là lựa chọn những cuốn sách phù hợp, tập trung đọc để nắm được điều tác giả muốn truyền tải; đồng thời có những liên hệ tới công việc, cuộc sống, các vấn đề của mình và tìm cách áp dụng những gì đã học được trong sách vào cuộc sống.
Tôi có ba cách để nâng cao hiệu quả khi đọc sách:
Thứ nhất: Số lượng sách đọc trong cùng một khoảng thời gian tối đa chỉ nên là hai cuốn; trong đó một cuốn non-fiction, cuốn còn lại (nếu có) là sách văn học, tản văn, hồi ký. Bạn không nên đọc hai cuốn sách có nhiều kiến thức cùng một lúc vì sẽ làm giảm khả năng cảm nhận và áp dụng những giá trị từ đó.
Thứ hai: Đọc chủ động. Luôn cầm theo bút khi đọc sách, gạch chân những câu từ hay, ghi thêm những cảm nhận, suy nghĩ của cá nhân trước những quan điểm hoặc thông tin tác giả cung cấp. Đây là điều thú vị nhất khi đọc sách, vừa tăng sự tập trung, giúp lưu lại cảm nhận nội dung trong sách, lại không bỏ lỡ những ý tưởng vụt đến trong quá trình đọc.
Thứ ba: Tổng kết sau khi đọc. Sau khi khép lại mỗi cuốn sách, tôi ghi lại cho mình 3 bài học quan trọng nhất, 2 điều cần làm ngay, 1 điều cần bỏ ngay. Có thể viết luôn vào cuối sách, vào một cuốn sổ riêng, hoặc đăng lên facebook ở chế độ riêng tư. Tôi mới học được điều này từ một người thầy của mình và thực sự cảm thấy giá trị khi áp dụng với những cuốn sách gần đây. Cách tổng kết này giúp tôi nhanh chóng áp dụng kiến thức đã đọc được, có tác dụng ngay vào cuộc sống và đặc biệt, giúp tôi ghi nhớ nội dung sách trước khi chuyển sang cuốn tiếp theo.
THAY LỜI KẾT.
Tôi vừa “kể” lại với bạn về một hành trình đến với sách, lựa chọn, đọc sách, và áp dụng kiến thức từ sách vào cuộc sống của mình. Tư duy đọc sách của tôi đã thay đổi rất nhiều trong thời gian qua khi tôi có thêm những trải nghiệm mới, trưởng thành hơn, và học được nhiều hơn.
Tôi tặng bạn một câu nói tôi rất thích từ cuốn sách nằm trong câu chuyện tôi kể, cuốn “Deep work”: “Nếu dành thời gian và tâm sức cho các hoạt động có tác động nhỏ, nghĩa là bạn đang lấy đi thời gian dành cho các hoạt động có tác động lớn” (Cal Newport).
Cần chọn ra một hoạt động có tác động lớn nhất đến cuộc sống của tôi, trải dài, xuyên suốt, thì đó chính là đọc sách. Tôi mong bạn tận hưởng hành trình riêng của mình với những cuốn sách hay; bạn sẽ chứng kiến bánh xe cuộc đời mình thay đổi tích cực hơn mỗi ngày nhờ học hỏi, trải nghiệm, và áp dụng từ việc đọc sách.
Cùng chủ đề về sách, nếu thấy hứng thú bạn có thể đọc thêm một bài viết khác của tôi về ba cuốn sách quan trọng nhất tôi đã đọc năm 2022.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
* Một số bài viết cùng chủ đề: