Những gì mình nghĩ không hẳn là bản thân mình.
Đừng quá tin tưởng vào bộ não của mình.
Đôi lúc, mình đang hành động hoàn toàn không lý trí, chỉ do tâm trí dẫn dắt.
Đã từ rất lâu, mình học được những điều này. Có rất nhiều điều hiện lên trong tâm trí, dẫn dắt hành động, nhưng đó là do chúng ta có rất nhiều “khuôn mẫu” sâu trong tiềm thức. Nói đơn giản, điều đó như mình từng rẽ nhầm vào con đường dẫn đến công ty cũ trong vài tuần đầu tiên nghỉ việc; hoặc như dù đầu óc đang trên mây, không hề để tâm, mình vẫn rửa bát đúng chính xác trình tự.
Não chúng ta cũng vậy. Không phải những gì ta ra quyết định cũng đều đến từ suy nghĩ của hiện tại. Đúng hơn, hầu hết thông tin được đưa vào xử lý bằng những khuôn mẫu có sẵn - được thiết lập rất vững chắc, một trong số đó là các “thiên kiến”.
Thiên kiến là những khuôn mẫu có sẵn trong tiềm thức của chúng ta, được bồi đắp từ nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, từ thời thơ ấu, thậm chí từ sự tích lũy của cả ngàn năm tiến hóa của con người.
Trong phạm vi bài viết này mình muốn bàn về những thiên kiến sai lệnh - những niềm tin, khuôn mẫu khiến chúng ta vô thức hành động, suy nghĩ gây khó khăn cho mục tiêu đạt được thịnh vượng về tiền bạc và độc lập tài chính.
Những thiên kiến sai lệch này là lý do cho câu nói:
“Trong hành trình phát triển bản thân, kẻ thù chính yếu của chúng ta không phải là những trở ngại, khó khăn bên ngoài, mà chính là bộ não của mình”.
1. Thiên kiến sợ thay đổi
Chúng ta muốn mọi thứ ổn định và dễ dàng dự đoán. Một cách tự nhiên, chúng ta muốn hành động theo thói quen, làm những việc quen thuộc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bộ não xem những thay đổi là tiêu cực, khó chịu hay đau đớn.
Thay đổi, thực sự là một lựa chọn khó khăn nên con người có xu hướng né tránh nó. Ai cũng muốn thành công, có nhiều tiền, nhưng không muốn thay đổi lựa chọn. Nói cách khác, chúng ta muốn vẫn hành động như cũ nhưng lại muốn có kết quả khác đi.
Muốn tăng thu nhập nhưng không chấp nhận sự thay đổi: phải học thêm ngoại ngữ, chứng chỉ chuyên môn, phải bớt thời gian giải trí xem phim la cà quán xá tụ tập, phải học cách viết CV, luyện tập phỏng vấn… Thậm chí, chưa có cơ hội công việc mới, chúng ta đã lo lắng nếu chuyển chỗ khác nhỡ phải đi làm xa hơn, không được làm những việc quen thuộc với đồng nghiệp quen thuộc. Tóm lại là sợ thay đổi.
Kể cả hiện tại có chán nản, bế tắc, thu nhập thấp, chúng ta vẫn vô thức muốn bám vào nó, sợ bắt đầu một hành trình mới. Đó là do thiên kiến sợ thay đổi, phía trước là vô định, hiện tại là chắc chắn, dù sự chắc chắn đó không có cơ hội phát triển.
2. Cố chấp
Nhiều người hỏi xin lời khuyên nhưng rồi họ sẽ bỏ ngoài tai. Ở đây không phải chuyện đúng sai, mà họ chỉ muốn nghe những điều phù hợp với niềm tin của họ.
Sự kiên định và kỹ năng phản biện không phải lý do cho sự cố chấp.
Chúng ta có nhiều cách, nhiều phương pháp, thậm chí nhiều trường phái quan điểm về độc lập tài chính, tăng thu nhập, sống tự do và hạnh phúc. Vấn đề là, vì có nhiều như vậy, nên mình tin việc học hỏi liên tục là điều cần thiết. Nếu chỉ đơn thuần tin vào một hướng nào đó dựa vào trải nghiệm hạn hẹp của bản thân, không mở lòng học tập và tiếp nhận những kiến thức mới, góc nhìn mới, điều chúng ta làm chính là cố chấp.
Chỉ có cách duy nhất để cải thiện tình hình tài chính cá nhân là tiết kiệm hết mức? Muốn độc lập tài chính chắc chắn phải tự kinh doanh, không thể dựa vào đồng lương? Phải đầu tư chứng khoán mới mong có nhiều tiền? Người giàu đều là những người đầu tư bất động sản? …
Mình không chắc. Không ai có thể chắc được về bất cứ mệnh đề nào ở trên, bất kể người ta có thể kể ra bao nhiêu tấm gương làm ví dụ. Nếu tin tưởng duy nhất vào một điều nào đó như vậy và phủ nhận tất cả số còn lại, đó chính là cố chấp.
3. Tự mâu thuẫn
Nếu độc lập tài chính và tự do công việc mình muốn làm là mục đích của bạn, thì bạn phải có niềm tin hỗ trợ cho những mục đích khác. Nhưng, chúng ta lại có những niềm tin ngược lại với mong muốn.
Ví dụ, bạn tin người giàu thì tham lam và ích kỷ, tuy thế bạn lại muốn giàu có. Nghịch lý ở đây là: để làm giàu, bạn phải đi ngược lại niềm tin của mình. Bạn chọn làm giàu và tham lam ích kỷ? Hay nghèo nhưng tử tế? Hai niềm tin đối nghịch nhau khiến động lực sâu thẳm không đủ mạnh mẽ với sự đánh đổi kèm theo (trong duy nghĩ của bạn).
Niềm tin sai lầm có thể dẫn đến thay đổi mục tiêu: bạn không muốn làm người tham lam ích kỷ. Nhiều người sợ thành công và giàu có thường có nỗi sợ này: Một phần muốn thành công trong khi một phần tin rằng thành công phải trả giá bằng đạo đức. Mình từng là một người có niềm tin mạnh mẽ về điều này.
Giàu có sẽ phải đánh đổi bằng tính trung thực, người nghèo là người tốt, cuộc sống khó khăn sẽ có nhiều tình cảm, đủ đầy dẫn đến sa đọa, chung thủy khi thiếu thốn, phản bội lúc giàu sang…
Mình muốn có nhiều tiền, nhưng lại cảm thấy sợ viễn cảnh (mình tìn là) sự giàu có sẽ mang tới: bất ổn, tan vỡ, biến chất… Những nỗ sợ này kìm chân mình, khiến mình luôn tự thuyết phục bản thân rằng hoàn cảnh khó khăn mới là điều phù hợp, bởi mình không đủ sức đối phó xử lý những hậu quả kèm theo của sự giàu có. Giàu thì thật lạ, nghèo mới là bình thường. Tự do quá đáng sợ, nợ nần mới tạo được động lực để vươn lên.
4. Khi bạn khác biệt
Chúng ta đều muốn mình thuộc về các cộng đồng, muốn giống những người khác, muốn mình hành xử như số đông, bởi điều đó khiến mình có cảm giác an toàn và có cảm giác thuộc về.
Nhưng trên hành trình xây dựng độc lập tài chính, bạn và mình đều không thể tránh khỏi những lúc “ngược dòng”, làm những việc không giống với niềm tin của những người xung quanh: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Ngay cả việc viết chuỗi bài 52 tuần về độc lập tài chính này, mình cũng đang đi ngược lại số đông. Mấy ai chia sẻ về những chuyện này, nhất là khi đang ở trạng thái thất bại, lạc quan nhất rằng một ngày nào đó sẽ đạt được mục tiêu cũng cần khoảng thời gian rất dài. Mình được nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có ý kiến nói mình… dở hơi 🤦♀️
Nhưng mình biết mình đang làm gì và vì sao làm như vậy.
5. Trông đợi bí quyết của người khác
Có nên bỏ việc để khởi nghiệp? Có nên theo đuổi bằng cấp? Có nên chuyển việc? Có nên mua vàng giai đoạn này? Có nên dồn tiền mua mã chứng khoán kia? Có nên mua đất hay mua chung cư?
Mình nghĩ, chúng ta đừng nên cố gắng trông chờ bí quyết của người khác cho quyết định của chính mình, nhất là khi đó là quyết định quan trọng tới mức xoay chuyển sự nghiệp và tiền của bạn. Bởi làm việc đó, bạn đang muốn một người hoàn toàn xa lạ đưa ra những lời khuyên quan trọng nhất cho các quyết định của cuộc đời mình.
Bí quyết của người khác, bạn nghĩ nó hiệu quả với họ thì sẽ hiệu quả với mình? Cao hơn nữa, bạn muốn người khác định hướng cho cuộc đời mình?
Chúng ta có thể và nên học tập từ nhiều người, nhưng hãy quan tâm đến bức tranh tổng thể, học cách họ phân tích và tư duy, học các kỹ năng của họ, thay vì tìm kiếm bí quyết hoặc quyết định của họ để áp dụng vào của mình một cách thụ động.
Một vấn đề khác với hiệu ứng này là sự tôn thời những người thành công. Sự thật là chúng ta đều khác nhau. Nếu cách thức làm một điều gì đó hiệu quả với người khác, chưa chắc nó đã hiệu quả với bạn. Hãy học cách nghĩ, cách tư duy, cách quyết định, để rồi tự nghĩ, tự tư duy, và tự đưa ra quyết định của mình.
Tạm kết
Việc kiếm tiền, tiết kiệm, làm giàu một cách chắc chắn và an toàn là một cuộc hành trình, không dễ dàng nhưng đáng giá mà mình đang theo đuổi. Trên con đường ấy, mình hiểu rào cản đầu tiên, lớn nhất, và không thể đổ lỗi cho bất cứ ai khác, chính là những thiên kiến sai lầm của chính mình.
Hãy cho phép bản thân nghi ngờ, nghi ngờ ngay cả chính quan điểm, suy nghĩ, quyết định của bản thân. Bởi vì nhận thức được bồi đắp từ rất lâu, từ nhiều trải nghiệm hình thành nên các thiên kiến mà phần lớn trong đó là thiên kiến sai lệch, cản trở hành trình của chúng ta.
Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng mình trong bài viết nhỏ tuần này.
Tố Uyên.
P/S1: Mình đã vừa trả thêm được 1% khoản nợ, số nợ còn lại là 95.7%. Hi hi…
P/S2: Bạn có thể đọc thêm các bài viết khác của chuỗi bài về Độc lập tài chính tại đây:
😘😘😘😘