Một mùa hè nữa lại về…
Giờ này, hẳn nhiều bạn sinh viên năm cuối vừa nhận bằng đại học, chính thức bước chân vào thị trường lao động và cuộc sống trưởng thành. Tuổi 22, 23 là một trong những thời điểm đặc biệt nhất trong cuộc đời mỗi người, khi chúng ta đứng giữa lằn ranh của một đứa trẻ, suốt mười mấy năm chỉ biết học hành là ưu tiên số một, để đặt bước chân đầu tiên sang một hành trình mới: Trở thành người lớn. Dù ở đâu đó bạn từng làm gia sư, làm thêm, bán hàng để có tiền đi học… thì điều đó cũng không làm giảm đi những nhọc nhằn, khó khăn, và cả những hào hứng về công việc thực sự đầu tiên, đồng lương đầu tiên sau khi tốt nghiệp.
Tốt nghiệp là một dấu mốc quan trọng, mà tôi đã không thực sự nhận ra điều đó ở thời điểm rời trường đại học. Khi ấy, tôi một lòng hào hứng về chặng đường sắp tới, nhưng không có hình dung nào đủ rõ ràng về con đường ấy. Tôi sẽ đi theo hướng nào, sống ra sao khi hoàn thành việc học? Điều gì đang chờ đợi mình phía trước?
11 năm đã qua từ cái ngày tôi chụp tấm ảnh mặc đồ cử nhân, bước lên nhận bằng tốt nghiệp, thay mặt các bạn cùng khóa nói lời cảm ơn thầy cô giáo, cảm ơn nhà trường, cảm ơn chính chúng tôi về những ngày sống và học tập nhiệt huyết đã qua. Để sau đó, mỗi người rẽ theo một hướng khác nhau, tất cả đều phải tự mình đương đầu với những sóng gió cuộc đời.
Tôi nhớ, mình đã nói thế này trong bài phát biểu ngày tốt nghiệp:
“Những lời này, mình xin được dành riêng cho các bạn cùng khóa.
Các bạn thân mến, hơn bốn năm trước, chúng ta đã được số phận sắp xếp lại bên nhau dưới cùng một cái tên. Quãng thời gian ấy, chúng ta đã cùng học, cùng chơi, cùng lớn lên, để tới hôm nay, lại một lần nữa cùng nhau khoác lên bộ đồ cử nhân, nhận tấm bằng tốt nghiệp. Chỉ ngày mai thôi, ta sẽ là một phiên bản khác, bước vào giai đoạn mới của cuộc đời….”
Khi ấy, tôi đã không hề biết rằng trên chặng đường tôi và các bạn sắp đi, rồi sẽ có nhiều vấp ngã, gặp phải trắc trở và bắt buộc phải học lấy những bài học cuộc đời. Tôi luôn ước ao khi ấy có ai đó chỉ cho mình một hình dung về thế giới của người trưởng thành, của công việc, và hành trình khẳng định bản thân. Ước gì vào ngày tôi tốt nghiệp đại học, có ai đó ngồi bên tôi và nói với tôi đôi điều về ngày mai sẽ đến…
Sự thực, là tôi đã không có ai như thế! Nơi tôi đang đứng hôm nay, giá như nó đã không phải đánh đổi bằng nhọc nhằn, trầy xước, và từng có nhiều lúc cô đơn đến thế…
Nhưng, tôi của hiện tại, dẫu chưa quá nhiều kinh nghiệm sống, vẫn có thể làm được một điều: viết lại những lời khuyên tôi ước mình đã được nhận. Tôi cũng không chắc lời khuyên của mình có phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của tất cả sinh viên hay không, nhưng có một điều chắc chắn: Nếu tôi có một người em trai, em gái sẽ tốt nghiệp vào mùa hè này, đây chính là những lời tôi sẽ nói với bạn ấy, bằng tất cả yêu thương, sự quan tâm, lo lắng, và kỳ vọng của mình.
1. TỐT NGHIỆP RỒI, SAU NÀY VẪN TIẾP TỤC CẦN HỌC.
Ngày khép lại chặng đường học và thi triền miên suốt mười mấy năm trời khi được cầm trên tay bảng điểm và con dấu của trường Đại học, tôi từng hào hứng nghĩ: “Xong rồi! Từ nay chính thức không học nữa nhé!”. Tôi đã tưởng, sau đây chỉ có công việc, kiếm tiền, và sống mà thôi.
Nhưng sự thực, việc học cứ đi theo chúng ta mãi... Đó có thể là chương trình thạc sỹ, học tiếng Anh, nâng cao chuyên môn, cũng có thể học hỏi không ngừng từ đồng nghiệp, lãnh đạo, và học từ chính công việc hàng ngày.
Tôi nhớ ngày đầu đưa tôi về trường nhập học, bố tôi nói: “Chắc phải mua máy tính để bàn con ạ. Sẽ cần đấy! Sau này, có khi mỗi người đều có một cái máy tính xách tay luôn ấy chứ!”. Không ngờ, “sau này” mà bố tôi dự đoán chỉ khoảng 3 – 4 năm sau. Ai ngờ được lại nhanh đến thế?
Với máy tính, điện thoại thông minh và Internet khắp mọi nơi, cuộc sống và công việc của thế hệ chúng ta có nhiều khác biệt so với thời của bố mẹ mình. Khi tôi mô tả, bố mẹ tôi còn cảm thấy khó hiểu, không hình dung được công việc của tôi hiện tại. Mọi thứ ngày nay thay đổi quá nhanh! Nếu không mở lòng học hỏi và liên tục tiếp thu cái mới, làm sao chúng ta có thể đáp ứng được với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động?
Tôi đồng ý, là có nhiều người không theo xu hướng này, họ chọn một con đường riêng nào đó và vẫn có thể thành công. Nhưng với trải nghiệm của một người không có nhiều lợi thế ở vạch xuất phát như tôi, việc học và nỗ lực là con đường duy nhất tôi có để tồn tại và vươn lên. Tôi tin vào sức mạnh của giáo dục, dù dưới hình thức được giảng dạy, đào tạo, hay tự học. Và, tự học hẳn là kỹ năng quan trọng bậc nhất trong thời đại ngày nay.
2. KHÔNG CÔNG BẰNG – ĐÓ LÀ BẢN CHẤT CỦA CUỘC SỐNG.
Ngày tốt nghiệp, dù đã 22 tuổi, tôi vẫn nhìn cuộc sống màu hồng, có lẽ không khác nào ánh mắt một đứa trẻ. Khi còn đi học, dẫu cũng có những vấn đề nhất định trong giáo dục của các nhà trường, nhưng sự công bằng vẫn là điều tôi nhìn thấy được. Học tốt, điểm cao, được khen ngợi; học kém, nghịch ngợm sẽ bị phê bình... Đối với một đứa trẻ, đó chính là biểu hiện của sự công bằng. Dù chỉ tương đối, nhưng nó có lý - ở chừng mực nào đó.
Vì thế, khi bước vào môi trường công sở, điều khiến tôi ngạc nhiên, thậm chí… bất mãn nhất là sự thiếu công bằng. Điều này thể hiện ở việc phân công nhiệm vụ không đồng đều, đánh giá của lãnh đạo thiếu khách quan, hoặc không minh bạch. Sự không công bằng còn thể hiện ở thu nhập, cơ hội thăng tiến, và quyền tiếp cận với cơ hội học hỏi phát triển chuyên môn.
Tôi của những ngày trẻ dại ấy thường không kiểm soát được cảm xúc tiêu cực của mình khi chứng kiến sự bất công diễn ra ngay trước mắt. Tôi nghỉ việc, tìm công ty mới, với hy vọng mọi thứ khá hơn. Nhưng không! Dù bằng cách này hay cách khác, ở những mức độ khác nhau, sự bất công vẫn luôn hiển hiện đâu đó quanh tôi.
Trải qua nhiều va vấp, tôi đã hiểu ra những điều có giá trị:
- Mỗi người chúng ta rất nhỏ bé trong thế giới chung rộng lớn vô cùng; bởi vậy, hãy tin rằng mọi điều tồn tại đều có lý do của nó, ngay cả khi bản thân mình không thể hiểu được lý do ấy.
- Suy nghĩ, hành động của người khác; cơ chế, chính sách của một tổ chức là điều chúng ta không kiểm soát được. Điều duy nhất ta có thể là “quản lý” quan điểm, cách nhìn, và sự nỗ lực của chính mình. Thay vì mất thời gian và năng lượng tập trung vào việc khó chịu, gây ức chế, ta nên quay vào bản thân, học hỏi, phát triển năng lực để có được những cơ hội tốt hơn.
- Mỗi người đều có thế mạnh riêng, nếu ai đó có vị trí, nghĩa là họ có những điểm giỏi, ngay cả khi khía cạnh đó không quen thuộc trong “hệ quy chiếu” của chúng ta. Vì thế, hãy dành sự tôn trọng cho tất cả mọi người. Tôi tin rằng, mỗi người tôi gặp đều có điểm gì đó khiến mình có thể học hỏi để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
- Chúng ta có quyền lựa chọn. Nhưng muốn có quyền này, ta phải nỗ lực hơn nữa để biến mình trở thành người nổi bật trong lĩnh vực mình tham gia. Nếu chỉ than vãn cuộc sống bất công nhưng không có hành động thay đổi, thì điều ta nhận được mãi vẫn là thực tại không thể nào xoay chuyển.
- Đôi khi, sự công bằng nằm ở bức tranh lớn, dẫu trong phạm vi nhỏ, thứ ta nhìn thấy là sự bất công. Đây là điều trừu tượng nhất, nhưng cũng giá trị nhất tôi có được sau hơn một thập kỷ xây dựng sự nghiệp.
3. TIỀN KHÔNG MUA ĐƯỢC TẤT CẢ, NHƯNG TIỀN GIÚP TA ĐỔI LẤY NHIỀU TỰ DO.
Khi còn trẻ, với những niềm tin giới hạn, tôi đã từng nghĩ: tiền không quan trọng, nghĩ đến tiền khiến con người trở nên thực dụng… Ngay khi tôi đang trong thời kỳ cố gắng phấn đấu cho sự nghiệp cũng từng nhận được câu hỏi của người thân: “Tiền quan trọng gì? Sao cứ phải lăn lộn như thế?”.
Đúng là tiền không đảm bảo có được hạnh phúc và sự chân thành trong các mối quan hệ. Nhưng điều rõ ràng là có tiền giúp chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống, có quyền che chở và lựa chọn những điều tốt nhất cho gia đình.
Mối quan hệ với tiền, cùng những niềm tin hạn chế về tiền có lẽ là điều khó khăn nhất để tìm thấy tiếng nói chung trong mỗi gia đình và sự bình an trong nội tâm mỗi người. Vậy nên, nếu như được chọn một lời khuyên duy nhất cho các bạn trẻ mới tốt nghiệp, tôi sẽ nói với các bạn ấy:
“Hãy đánh giá đúng tầm quan trọng của tiền với cuộc sống của mình. Tiền không mua được tất cả, nhưng nó giúp chúng ta có quyền lựa chọn và sự tự do”.
4. TÌNH YÊU QUAN TRỌNG, NHƯNG ĐỪNG PHỤ THUỘC VÀO CẢM XÚC TỚI MỨC THẢ TRÔI BẢN THÂN CHO TÌNH YÊU XOAY CHUYỂN.
Tình yêu của những năm đầu của tuổi 20 giống như những vệt màu rõ ràng, đó là màu hồng của những ngọt ngào, màu xám xịt của những đổ vỡ, là màu xanh của bầu trời ngày hò hẹn, có cả màu trong suốt của rất nhiều nước mắt đau buồn.
Đó là những màu sắc rất đáng trân trọng. Ai có thể trưởng thành khi chưa đi qua những trong sáng, ngây ngô?
Bước chân vào thế giới trưởng thành, có rất nhiều thứ chúng ta cần điều chỉnh để sẵn sàng đón nhận cuộc sống mới với nhiều thử thách. Một trong số ấy là việc không nên dành quá nhiều thời gian, tâm huyết cho tình yêu, như thuở học trò.
Lớn lên rồi tôi mới hiểu, tình yêu vẫn là điều quan trọng, nhưng đừng vì những “trồi sụt” của chuyện tình cảm mà làm ảnh hưởng tới sự nghiệp, sức khỏe và tương lai của mình. Bạn có thể khóc vì người yêu, nhưng nhất định đừng vì điều đó mà ảnh hưởng tới công việc. Bạn có thể đang bay bổng trong một mối quan hệ, nhưng đừng vì thế mà quên mình đang có những dự định khác phải hoàn thành. Bạn hãy luôn nhớ rằng, người khác đối xử với bạn như thế nào, cũng không làm ảnh hưởng tới giá trị của bạn. Vì thế, tôi mong các bạn trẻ, dù đang hạnh phúc hay đau khổ trong tình yêu, cũng đừng làm gì tổn hại đến sức khỏe. Bản thân bạn mới là điều quan trọng nhất. Hãy tin rằng, luôn có ai đó dành cho mỗi người, đừng để tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống của mình. Chúng ta sống để yêu (và làm việc, học tập, tận hưởng, trải nghiệm…), không phải yêu để sống.
5. NÊN GIỮ LẤY ƯỚC MƠ CỦA MÌNH, ĐỪNG ĐỂ GUỒNG QUAY CUỘC SỐNG CUỐN ĐI…
“Cứ hồn nhiên, rồi em sẽ bình yên”…
Nhưng sự thực… không phải thế! Ít nhất là với trải nghiệm của tôi, cuộc sống bên ngoài cổng trường đại học rất phức tạp, về nhiều khía cạnh. Nhưng, nếu cuộc sống có nhiều sóng gió nối tiếp nhau dội vào chúng ta đến thế, làm cách nào để ta giữ được sự cân bằng, thay vì bị cuốn mãi vào guồng xoáy đó?
Tôi nghĩ, “mỏ neo” nặng nhất, tốt nhất mà mỗi người có, chính là bản thân mình. Tin vào giá trị của mình, không quên những tháng ngày trong sáng, nhiệt huyết, và đầy ước mơ ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, sẽ giúp chúng ta không đi lạc khỏi kim chỉ nam của cuộc đời.
Trên chặng đường trưởng thành, chắc chắn sẽ có lần bạn thất bại, bị chỉ trích, thậm chí bị coi thường, nhưng đó cũng chỉ là một quãng ngắn trên cả hành trình cuộc đời rất dài. Khi nếm trải, ta cảm thấy mỗi ngày đều nặng nề như không bao giờ kết thúc. Nhưng sau này nhìn lại, những giai đoạn đó ta có thể kể lại chỉ bằng một câu, nhẹ bẫng như thể một dòng chữ trong cả cuốn sách nhiều chương mình đã và sẽ có.
Vì thế, bất cứ khi nào gặp khó khăn bạn hãy tự nhủ: “Cuối cùng, mọi thứ rồi sẽ ổn. Nếu chưa ổn, thì chưa phải cuối cùng”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này của tôi – một bài viết có lẽ tôi cũng đang viết cho chính mình của ngày tốt nghiệp năm ấy. Khi đó, tôi nhớ đã kết lại như thế này:
“Các bạn thân mến,
Chỉ lát nữa thôi, chúng ta sẽ bước qua cánh cổng trường, khép lại một quãng đời niên thiếu hồn nhiên, trong sáng, và tràn đầy nhiệt huyết. Từ ngày mai, chúng ta sẽ bước vào thế giới của những người trưởng thành, với rất nhiều thử thách, cơ hội, thành công, có cả nỗi buồn và niềm vui. Tôi thực lòng mong các bạn và tôi, sẽ có những trải nghiệm quý giá, để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Chúc tất cả chúng ta chân cứng đá mềm, để 5 năm – 10 năm – 20 năm nữa, khi gặp lại nhau, chúng ta vẫn có thể cười thật tươi, giống như hôm nay.”
Tôi xin chúc các bạn đọc vững bước trên đường đời, luôn giữ được những gì chân thành, trong sáng, và nhiệt huyết nhất, và luôn có thể cười thật tươi mỗi khi nhìn lại hành trình mình đã đi qua.
Thân mến,
Tố Uyên.