Tôi vốn là một người mang nhiều mong muốn, ước mơ và hoài bão. Từ khi còn nhỏ tới bây giờ đã trưởng thành, trong đầu tôi luôn ấp ủ những dự định, quyết tâm, và kỳ vọng vào bản thân. Một vài trong số đó đã thành hiện thực, rất nhiều mơ ước vẫn đang là mục tiêu để tôi nỗ lực mỗi ngày, cũng có ước mơ đã không còn trong tôi vì nhiều lý do. Nhưng nếu nói về một ước mơ, vốn đã từng mạnh mẽ nhất, tôi đã đến gần nhất nhưng rồi lại bỏ lỡ, để cuối cùng tôi đã đạt được bằng một cách ngoài dự định, thì đó là ước mơ được đi du học.
Trong bài viết hôm nay, tôi chia sẻ với các bạn câu chuyện về một hoài bão của mình thời đó. Đây đã từng là động lực, nỗi tiếc nuối, và tới một ngày trở thành niềm vui của tôi.
1. Khởi nguồn của giấc mơ du học.
Tôi sinh ra ở một vùng quê vải thiều nổi tiếng, lớn lên với cùng với những người dân chủ yếu làm nông nghiệp; mấy chục năm trước điều kiện giáo dục chưa thực sự tốt. Nhưng tôi may mắn được bố mẹ luôn quan tâm tới việc học, động viên và hỗ trợ. Lên cấp 3, tôi đỗ vào lớp chuyên toán trường chuyên của tỉnh. Dẫu vậy, mong muốn lớn nhất của tôi khi ấy vẫn chỉ là đỗ đại học, có một việc làm ổn định tại Hà Nội, giống như một số anh chị cùng quê đã từng làm được.
Xa nhà lên thành phố trọ học, thỉnh thoảng tôi qua thăm bà ngoại (mẹ nuôi của mẹ tôi) và “ăn ké” một bữa cơm nhà. Nhà bà có các dì, hễ thấy tôi đến là nấu đủ món ngon, ăn xong còn dúi cho tôi cả túi to bánh kẹo, hoa quả mang về. Một lần, tôi bắt gặp trên bàn làm việc cuốn sách với tiêu đề thú vị: “Em phải đến Harvard học kinh tế” (tác giả Lưu Vệ Hoa). Tò mò, tôi mượn dì mang về đọc. Tôi nghiến ngấu hết cuốn sách đó chỉ trong một ngày. Sách kể về hành trình của một người mẹ dạy dỗ, rèn luyện, đồng hành cùng con gái từ khi sinh ra, cho tới lúc cô gái giành được học bổng toàn phần của bốn trường đại học thuộc hàng “top” ở Hoa Kỳ, trong đó có trường Harvard danh giá.
Với một cô bé 15 tuổi tầm nhìn chỉ quẩn quanh ở những đồi vải thiều, mơ ước lớn nhất là thi đỗ đại học và có việc làm, cuốn sách ấy mở ra cả một chân trời mới tôi chưa bao giờ biết đến. Hóa ra người ta có thể sang nước ngoài học, hơn nữa nếu có học bổng sẽ không mất tiền, điều tuyệt vời hơn cả là tôi… chưa vào đại học. Nghĩa là tôi có cơ hội.
Tôi còn nhớ trong Đại hội Đoàn thanh niên của trường năm ấy, đại diện cho Bí thư Chi đoàn các lớp tự nhiên khối 10, tôi lên phát biểu một bài tham luận. Khi đứng trước thầy cô và các bạn, tôi đã nói ra mong ước cháy bỏng trong lòng: “Em nghĩ, mục tiêu của học sinh thời nay không chỉ là thi đỗ đại học, chúng em có thể mơ xa hơn nữa: đi du học”.
2. Lỡ hẹn lần đầu khi 18 tuổi.
Tôi không biết làm sao để được học bổng du học, chỉ lờ mờ hiểu rằng cần học tốt, điểm cao, và tiếng Anh giỏi. Với chút vốn tiếng Anh bập bẹ ở mức “I’m fine, thank you”, tôi quyết định đi học thêm để nâng cao trình độ ở trung tâm luyện thi đại học khối D mặc dù mình học chuyên toán và sẽ thi khối A. Đối với ba môn thi đại học: toán – lý – hóa, tôi lại càng quyết tâm phải cố gắng hơn nữa. Tôi phải đỗ và điểm cao! Tôi không thể bị trượt. Có như thế, tôi mới có hy vọng được đi du học. Vậy là chỉ với một mục tiêu xa xôi, chiến lược mơ hồ, tôi nhích từng bước với niềm tin con đường đó rồi sẽ dẫn đến cơ hội đi du học một ngày nào đó.
Và cơ hội ấy đã đến thật. Trong kỳ thi đại học năm đó, không chỉ đỗ, tôi còn trở thành thủ khoa Học viện Bưu chính viễn thông. Ngày khai giảng, khi bước giữa những hàng ghế và tiếng vỗ tay đi lên sân khấu nhận phần thưởng, ý nghĩ duy nhất trong đầu tôi là câu hỏi: thủ khoa, có dễ được đi du học hơn không?
Vào học được vài tháng, tôi biết câu trả lời cho thắc mắc ấy: Có, đó đúng là lợi thế đáng kể của tôi. Tôi biết có một dạng học bổng toàn phần do Chính phủ cấp, xét dựa trên điểm đầu vào, điểm tổng kết kỳ I ở trường đại học, và tiếng Anh. Là sinh viên nữ hiếm hoi trong ngành kỹ thuật, lại là thủ khoa, tiếng Anh tạm ổn và điểm kỳ I thuộc hàng nổi trội, cơ hội quả thật sáng sủa - theo lời cô giáo của tôi.
Nhưng khi chuẩn bị làm hồ sơ, tôi bất ngờ bị ngất khi nghe tin sốc dù tin ấy không thuộc về mình. Bạn cùng phòng của tôi khóc vật vã vì nghe tin người thân gặp nạn. Tôi sợ quá… cũng ngất luôn. Hồi nhỏ tôi từng bị nghi ngờ mắc bệnh tim. Dù bác sĩ kết luận không tìm thấy bằng chứng trong hình ảnh siêu âm hay các xét nghiệm, nhưng tôi vẫn phải cẩn thận. Sau nhiều năm, cảm giác đang đứng bỗng trời đất quay cuồng, hoa mắt, không kiểm soát được tay chân vẫn là trải nghiệm kinh khủng khiến tôi bất an về chính mình.
Tôi nghĩ, nếu ở nơi xa lạ, đất khách quê người không ai thân thích, tôi bị ngất như thế thì sao? Tôi biết mình quan trọng và quý giá với bố mẹ, em trai và người thân như thế nào. Với một sức khỏe không ổn định, tôi có nên mạo hiểm rời xa gia đình đến vậy không?
Cuối cùng, sau nhiều cân nhắc thiệt hơn, tôi quyết định gác lại ước mơ du học dù nó vẫn cháy bỏng trong tâm trí! Ở cái tuổi 18 ấy, tôi đã hiểu điều gì là quan trọng nhất đối với bản thân, bố mẹ và cả gia đình.
3. Lần thứ hai lỡ hẹn khi 22 tuổi.
Tôi tiếp tục học, tiếp tục quãng đời sinh viên tưởng như bình yên của mình. Ước mơ du học đã lùi vào một góc sâu thẳm nào đó trong tâm trí. Cho tới năm cuối đại học, gia đình bất ngờ gặp biến cố, bỗng chốc tôi từ cô sinh viên vô lo vô nghĩ, trở thành trụ cột cho cả nhà. Tôi tìm việc, đi làm, nhận trách nhiệm mà tôi cho rằng mình hiển nhiên cần gánh vác sau nhiều năm được bố mẹ chăm bẵm, chiều chuộng và nâng niu. Không lâu sau khi ra trường với vị trí thủ khoa tốt nghiệp (vâng, tôi là “thủ khoa kép”), tôi quyết định kết hôn và chồng tôi là người học cùng trường, trước tôi vài khóa.
Ba tháng sau khi “lên xe hoa”, mơ ước năm xưa lại gõ cửa tương lai của tôi một lần nữa dưới hình thức: giảng viên đại học. Với vị trí thủ khoa tốt nghiệp, tôi được nhà trường ngỏ ý giữ lại làm giảng viên, sau đó sẽ đi học thạc sỹ ở nước ngoài trước khi về chính thức giảng dạy và nghiên cứu.
Nếu nói rằng tôi không dao động chút nào sẽ là nói dối. Ước mơ một ngày nào đó được đi máy bay, đến nơi có bạn bè thầy cô từ nhiều nước khác, được học và được là một du học sinh vẫn chưa từng nguội đi trong lòng tôi. Hơn nữa, sau nhiều cuộc kiểm tra, tôi đã biết chắc sức khỏe của mình hoàn toàn ổn. Nhưng tôi lúc này đã khác nhiều lắm so với bốn năm trước. Đúng lúc ấy, vợ chồng tôi biết tin mình sắp có con; hơn nữa, bố mẹ cần tôi, em trai tôi chỉ vừa mới vào đại học.
Rất nhanh, tôi đưa ra quyết định: không làm giảng viên, không đi du học, đồng nghĩa với việc một lần nữa lỡ hẹn với ước mơ của mình…
Quyết định ở lại lần này với tôi dễ dàng hơn ở tuổi 18 rất nhiều; không phải bởi tôi không còn tha thiết với viễn cảnh kéo vali lên máy bay đi đến một chân trời mới, mà bởi những lý do để tôi ở lại quá nhiều, quá mạnh mẽ và đáng giá.
4. Bù đắp cho giấc mơ ở tuổi 30.
Từ chối làm giảng viên, tôi đã nghĩ, mình cần phải tự khép lại giấc mơ du học. Chắc hẳn đó là định mệnh, là sự an bài của số phận để mong ước du học mãi mãi không thuộc về tôi…
Mải miết với guồng quay cuộc sống, công việc, gia đình; tôi trở thành chuyên gia quản lý dự án ngành công nghệ, mẹ của hai em bé, và là một người phụ nữ “biết đủ” với những gì mình đang có. Tôi vẫn học tiếng Anh, thỉnh thoảng thi các chứng chỉ chuyên môn, đọc những cuốn sách hồi ký của du học sinh nhưng chỉ để học hỏi, mơ mộng và tự tin hơn với cuộc đời.
Năm tôi 30 tuổi, một lần tôi nói với chồng: “Em định học MBA. Giờ con lớn rồi, em muốn đi học tiếp”. Tôi đã tìm hiểu và ghi lại những lựa chọn phù hợp với điều kiện gia đình mình. Các chương trình MBA ở Việt Nam chủ yếu chia thành ba lựa chọn với mức phí tăng dần: Đào tạo tại trường đại học trong nước; đào tạo liên kết giữa trường trong nước với trường nước ngoài; và, hoàn toàn do nước ngoài đào tạo.
Danh sách lựa chọn là ba cái tên trường thuộc loại thứ hai, bởi loại thứ nhất gần như chỉ dạy bằng tiếng Việt, đó không phải mong muốn của tôi, loại thứ ba học phí quá đắt mặc dù chất lượng và uy tín thì những cái tên trong danh sách của tôi chọn không thể so sánh được. Thật bất ngờ, chồng tôi nói: “Nếu đã học, vợ hãy chọn cái tốt nhất. Dù tốn kém, nhưng gần nhất với chương trình học ở nước ngoài, sẽ tốt hơn cho vợ sau này”.
Học phí của “cái tốt nhất” mà chồng tôi nói, chương trình của Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) có giá trị bằng một phần đáng kể trong số tài sản chúng tôi đang có. Tôi phản xạ không điều kiện, nhăn mặt: “nhưng đắt lắm”. Đắt thật!
Nhưng học ở đó, tôi sẽ được chính những giáo sư từ Đại học Hawaii giảng dạy, được học cùng những anh chị giỏi và thành đạt hơn tôi rất nhiều, được bằng tốt nghiệp giống hệt như sang tận trường du học. Tôi bất giác lật lại mơ ước của mình. Đã hai lần lỡ hẹn, lần này tôi có thể tự cho mình một cơ hội trải nghiệm “khá gần” với ước mơ du học không?
Học tại Việt Nam và sang nước ngoài là hai điều khác nhau, khó so sánh, dù cùng chương trình, cùng giảng viên, và bằng giống hệt nhau. Nhưng với một người phụ nữ có công việc full time, còn gia đình với hai con nhỏ và rất nhiều những trách nhiệm khác, trải nghiệm một chương trình đào tạo giống nhất có thể với nước ngoài đã là điều xa xỉ. Sự xa xỉ ấy đánh đổi bằng một khoản tiền lớn, nhiều hỗ trợ của cả gia đình, và không ít nỗ lực của chính tôi…
Gần hai năm học MBA là thời gian thật đẹp, mang lại cho tôi nhiều kiến thức, kỹ năng và những người bạn chân thành. Tôi nhớ ngày khai giảng, trong giờ giải lao, anh bạn lớn tuổi học cùng lớp hỏi tôi: “Vì sao em lại chọn học ở đây?”. Anh hỏi chỉ với giọng nhẹ nhàng, có chút bông đùa thoải mái, nhưng tôi trả lời rất nghiêm túc: “Em muốn trả nợ chính bản thân mình”. Đó là một câu nói thật!
5. Hơn một thập kỷ theo đuổi ước mơ đã dạy tôi điều gì về cuộc sống?
Hành trình tôi phấn đấu, từ bỏ, rồi sau nhiều năm quay trở lại “trả nợ” cho chính mình đối với ước mơ du học là một câu chuyện dài, chất chứa những nhiệt huyết, nuối tiếc, và hy vọng. Nhưng trên tất cả, hành trình đó đã trải qua dạy cho tôi không ít bài học quý, và đây là ba trong số đó:
Thứ nhất, chỉ cần không quên ước mơ, một ngày nào đó vũ trụ sẽ cho bạn cơ hội để thực hiện nó.
Tôi không bao giờ nghĩ, sau hai lần lỡ hẹn, lại có thể được sống với mơ ước của mình, dẫu không hoàn toàn giống như trong tưởng tượng nhưng đã gần nhất có thể.
Biết ơn chồng tôi đã ủng hộ, biết ơn cả gia đình đã luôn bên cạnh, nhưng người đầu tiên tôi phải cảm ơn là chính mình. Tôi luôn thiết tha với việc học dù ở tuổi 15, 18, 22 hay 30, khi là một cô bé lớp 10, cô sinh viên trẻ phải gánh vác gia đình, hoặc đã là một người mẹ. Mong ước được đi học vẫn cháy bỏng trong lòng tôi, có lẽ vì thế vũ trụ đã đáp lời. Tôi tin là như thế.
Thứ hai, luôn quyết định theo sự lựa chọn của chính mình, tin tưởng và chịu trách nhiệm với những quyết định ấy.
Nếu bạn hỏi, tôi có hối hận không khi hai lần từ chối cơ hội du học? Câu trả lời chắc chắn là không. Có tiếc nuối, nhưng hối hận thì không, bởi đó là quyết định tôi tự đưa ra cho mình.
Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình từ chối du học bởi đang hy sinh cho gia đình, con cái, người thân. Tôi lựa chọn vì tôi muốn thế. Tôi biết mình sẽ chỉ thoải mái nếu đặt những điều quan trọng nhất, người quan trọng nhất lên trước trong những cân nhắc của mình. Không ai phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn của tôi. Tôi tự làm điều đó cho mình.
Thứ ba, mơ ước của tôi thuộc về chính tôi, không ai có nghĩa vụ phải giúp tôi hoàn thành phần dang dở.
Sau lần thứ hai lỡ hẹn với cơ hội du học, tôi đã tự hỏi: Vậy sau này mình có nhất định muốn con sẽ đi du học? Mình có áp dụng các cách thức trong cuốn “Em phải đến Harvard học kinh tế” để nuôi dạy con từ tấm bé không? Con sẽ giúp viết tiếp giấc mơ của mình chứ?
Nhưng ngay khi con ra đời, bế trong tay em bé nhỏ xíu, đôi mắt trong veo, tôi đã có câu trả lời cho mình: Con tôi có cuộc sống riêng của bạn ấy. Tôi không nên, không thể, và cũng không có quyền đặt bất kỳ áp lực nào lên con chỉ bởi vì đã không tự hoàn thành được giấc mơ của mình. Con cứ lớn lên khỏe mạnh, bình an, và có những ước mong của riêng con, đã là hạnh phúc lớn nhất của tôi rồi.
THAY LỜI KẾT
Trong bộ truyện Harry Potter mà tôi yêu thích, tác giả J.K. Rowling từng viết: “ It does not do to dwell on dreams and forget to live” (Tạm dịch: Đừng đắm chìm trong những giấc mơ và quên đi cuộc sống).
Mơ ước là điều đáng trân trọng của mỗi người. Những ước mơ sẽ dẫn dắt chúng ta bước trên đường đời, vượt qua khó khăn, đưa ra quyết định đúng đắn khi đứng giữa nhiều lựa chọn. Nhưng một điều còn quan trọng, quý giá và cần nâng niu hơn chính là cuộc sống đang diễn ra mỗi ngày.
Tôi cảm ơn vì mình luôn có những ước mơ, nỗ lực vì nó, và giữ mãi trong tim không bao giờ đánh mất dù có thực hiện được hay không; cảm ơn chính mình, vì đã có những lúc tôi tự tay đặt ước mơ ấy xuống để lựa chọn con đường khác phù hợp hơn - một việc khó khăn không kém gì quyết tâm thực hiện nó.
Dù ước mơ của bạn là gì, bạn đang ở đâu trên chặng đường vươn tới ước mơ của mình, bạn quyết định đặt xuống hay tiếp tục nỗ lực vì nó, tôi cũng mong bạn sống mỗi ngày với tình yêu thương và những niềm vui, bởi tôi tin đó mới là thứ quan trọng nhất mà tất cả chúng ta đều xứng đáng có được.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
* Một số bài viết cùng chủ đề: