Năm 31 tuổi, tôi bắt đầu học chương trình thạc sỹ - Executive MBA. Trước ngày khai giảng một tuần, tôi nhận được email của người điều phối khóa học, đề nghị các học viên cung cấp một số thông tin về bản thân. Trong đó có câu: “Một sự thật thú vị về bạn mà có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết”. Không ngần ngại, ngay lập tức tôi điền câu trả lời: “Tôi là fan Kpop, đặc biệt hâm mộ nhóm Super Junior”.
Khỏi phải nói, các bạn cùng lớp đã bất ngờ như thế nào khi biết điều đó. Nói qua một chút về lớp học MBA của tôi: hầu hết thành viên đều là những nhà quản lý lâu năm, đa số các anh chị trên dưới 40 tuổi, tôi nằm trong số những học viên trẻ nhất. Tôi khi ấy cũng đang làm quản lý dự án phát triển phần mềm. Mọi người vô cùng ngạc nhiên khi biết tôi là một fan Kpop, bởi “nhìn cô ấy có vẻ điềm đạm, chín chắn, nghiêm túc”.
Thực ra tôi không khó dự đoán phản ứng của các bạn cùng lớp vì đó là điều tôi nhận được trong mỗi lần tự giới thiệu mình là fan hâm mộ Kpop dù ở bất cứ đâu. Cũng khó trách mọi người, bởi tại Việt Nam, ấn tượng của nhiều người về fan Kpop thường qua những tấm ảnh, bài viết trên các phương tiện truyền thông đại chúng và được gán với những từ ngữ như: nhảy nhót vớ vẩn, fan cuồng… thậm chí nhiều từ còn nặng nề hơn thế.
Điều đó chính là động lực để tôi viết những dòng chữ này. Tôi muốn đưa thêm một góc nhìn, từ trải nghiệm của một người đã dành hơn một thập kỷ yêu mến âm nhạc Hàn Quốc, đặc biệt là Super Junior.
Bài viết này là câu chuyện của tôi khi yêu thích Kpop - những định kiến xã hội, niềm tin của chính tôi và những bài học tôi có được trong 12 năm qua. Tôi hy vọng qua điển hình là âm nhạc Hàn Quốc, bài viết mang lại cái nhìn khách quan hơn từ xã hội về những điều thú vị khác trong cuộc sống mà người hâm mộ thường phải chịu ánh nhìn không công bằng từ gia đình, bạn bè.
1. ĐỊNH KIẾN VỀ KPOP
Mỗi khi nhắc tới âm nhạc Hàn Quốc, những người ở lứa tuổi 8x trở về trước, hầu hết đều có cái nhìn thiếu thiện cảm. Không phải tất cả, nhưng điều đó đúng với ít nhất là những người sống quanh tôi. Nhiều năm trước, chồng tôi – một người cuối thế hệ 7x, đã từ ngạc nhiên tới bất mãn khi thấy tôi vừa bật Kpop vừa… nấu cơm. Gu âm nhạc của chồng tôi điển hình của thanh niên thế hệ đó: Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Westlife… Chồng tôi bảo: “Không thể hiểu nổi sao em lại thích thứ âm nhạc xập xình nhảy nhót ấy”, “Gu âm nhạc chứng tỏ chưa trưởng thành”, “Em có trong số những người lên sân bay đón thần tượng rồi khóc ngất đi không đấy?”.
Đến tận bây giờ khi viết những dòng này tôi vẫn nhớ rõ cảm giác giận dữ sôi sục trong lòng khi nghe những câu nói ấy của chồng. Nói hơi quá một chút, chúng tôi có thể đã đứng bên bờ vực của đổ vỡ chính vì sự bất đồng quan điểm về gu âm nhạc như vậy. Tôi nhớ mình đã nói gằn từng tiếng, giọng vừa thách thức, vừa ấm ức: “Em thích đấy, thì sao? Em còn yêu Super Junior trước khi yêu anh. Anh không hiểu gì về Kpop thì đừng có đánh giá về em như thế.”.
Xin được chú thích trước ở đây để bạn đọc In Metime “yên lòng”, đến nay đã hơn mười năm kể từ bữa cơm “bất ổn” hôm ấy, chúng tôi vẫn là một gia đình. Kpop chứng kiến nhiều đợt sóng lớn nhỏ, Super Junior trải qua không ít đổi thay, và vợ chồng tôi cũng đã tự điều chỉnh rất nhiều. Nếu các bạn muốn biết về sự thay đổi ấy, hãy đọc tiếp nhé, tôi sẽ hé lộ nhiều hơn về hành trình đó của mình.
Quay lại vấn đề định kiến của xã hội về Kpop, tôi cho rằng có ba nguyên nhân chính tạo nên cái nhìn không thiện cảm của nhiều người:
- Thông tin không đầy đủ từ truyền thông.
Hiện nay các phương tiện truyền thông đã đưa thông tin khách quan, đa chiều, xác thực hơn về âm nhạc Hàn Quốc. Nhưng khoảng mười năm trước, hầu hết báo chí chỉ đưa tin về những ảnh không đẹp của người hâm mộ Kpop, tạo nên sự khó chịu, bất bình, thậm chí có phần coi thường của mọi người với âm nhạc Hàn Quốc và những người hâm mộ.
Suy nghĩ của chồng tôi trước đây đại diện cho tác động của truyền thông đến những người vốn không nghe nhạc thường xuyên, không quan tâm, cũng không có trải nghiệm với Kpop, chỉ thuần túy xem các thông tin trên báo và đưa ra đánh giá.
- Một số biểu hiện thiếu văn minh trong cộng đồng người hâm mộ.
Không thể phủ nhận, trong cộng đồng người hâm mộ và thần tượng, thực sự có những “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến hình ảnh của Kpop trở nên méo mó. Đó là những cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội; “dìm” lẫn nhau của một bộ phận người hâm mộ các nhóm nhạc, ca sỹ; những hành động trái pháp luật của một số “thần tượng” nổi tiếng…
Những điều đó làm xấu đi hình ảnh chung, khiến dư luận rất khó để có cái nhìn khách quan, công bằng, và thiện cảm hơn với giới giải trí Hàn Quốc và “fan” - người hâm mộ của họ.
- Tư tưởng “dán nhãn” sở thích cá nhân với những kiểu tính cách nhất định.
Tôi nhận thấy, nhiều người có quan điểm “đóng khung” về vấn đề này, ví dụ như: những người sâu sắc sẽ thích nhạc Trịnh Công Sơn; người ấm áp, trưởng thành sẽ thích Hà Anh Tuấn; người có hiểu biết về âm nhạc sẽ thích các ca sỹ của cuộc thi Sao Mai… Tương tự, thích nhạc Hàn Quốc được “dán nhãn” là những người chưa trưởng thành, không nghiêm túc, có phần hời hợt.
Không thể phủ nhận thị hiếu âm nhạc có sự tương đồng nhất định với tính cách, tuổi tác, quan điểm sống. Nhưng tôi cho rằng, để khắc họa một con người cần rất nhiều khía cạnh, trong đó thị hiếu âm nhạc chỉ là một phần nhỏ. Hơn nữa, chưa hiểu rõ về các ca sỹ, hành trình của họ, và chưa thực sự nghe những bài hát đã đưa ra đánh giá “đóng khung” về các bạn fan, tôi không nghĩ đó là cách tiếp cận đúng đắn và công bằng.
2. HÀNH TRÌNH 12 NĂM LÀM FAN SUPER JUNIOR CỦA TÔI
- Suy nghĩ của người xung quanh về sở thích của tôi.
Hơn mười năm qua, tôi đã vấp phải vô số định kiến của những người xung quanh khi là một fan hâm mộ Kpop. Đôi khi, tôi nhận được những cái nhìn của ai đó thay đổi thái độ hoàn toàn trước và sau khi biết thần tượng của tôi là một nhóm nhạc Hàn Quốc.
Hầu như tất cả mọi người đều cảm thấy khó hiểu, vì sao một người làm công việc quản lý như tôi, đã ở độ tuổi trên 30, lại đem lòng hâm mộ những “chàng” ca sỹ mà theo con mắt của họ là “chỉ biết nhảy nhót”, không hơn không kém. Đôi khi, tôi cảm thấy phẩm giá của mình như bị đánh giá lại mỗi khi có ai đó biết về sở thích này của mình. Tôi đã từng phải giấu đi niềm đam mê này vì không chịu nổi những thắc mắc, đánh giá, thậm chí cười cợt của những người xung quanh.
Nhưng sau này, tôi nhận ra đó vẫn luôn luôn là một phần của con người tôi. Nhiều năm qua, tôi vẫn thích nhạc Hàn Quốc, vẫn bất giác mỉm cười mỗi khi xem các video của Super Junior, vẫn háo hức vô cùng mỗi khi nghe tin chương trình lưu diễn vòng quanh thế giới của nhóm (Super Show) có thể sẽ đến Việt Nam (chỉ là “có thể” thôi, bởi sau 18 năm hoạt động của nhóm, đến nay mới chỉ hai lần “có thể” trở thành “thực sự”).
Trong danh sách những điều nhất định sẽ làm trong đời của tôi có một mong muốn: “Đi xem Super Show”.
- Vì sao tôi yêu mến Super Junior lâu tới vậy?
Mỗi khi nhớ lại, tôi nghĩ hành trình trở thành một “fan Kpop” của mình bắt đầu từ mười hai năm trước, khi còn là sinh viên. Những bài hát sôi động của nhóm; những ca khúc nhẹ nhàng của thành viên hát riêng, khác hẳn tưởng tượng của mọi người về sự “nhảy nhót, xập xình”; những chương trình thực tế hài hước, là một phần kỷ niệm thời sinh viên của tôi.
Đó là năm cuối đại học, tôi nhớ khi ấy gia đình gặp biến cố, tôi bắt đầu đi làm thêm; mỗi ngày trở về ký túc xá, mệt nhoài bởi chưa quen với guồng quay mới. Khoảng thời gian dễ chịu nhất cuối ngày mà tôi mong chờ là được nằm nghe list bài hát của Super Junior tới khi thiếp đi lúc nào không hay. Những giọng hát ấy đi vào giấc ngủ của tôi, nâng đỡ tôi qua những tháng ngày mệt mỏi, cô đơn, với rất ít hy vọng vào cuộc sống. Sau này, cứ mỗi khi nghe Super Junior cất tiếng hát, tôi lại nhớ đến giai đoạn khó khăn đó. Những gì tôi trải qua khi đó thật quá gian nan, nhưng cũng là lúc tôi dũng cảm, kiên định, và trưởng thành.
Đôi khi, khiến fan hâm mộ lưu luyến, không chỉ có ca sỹ thần tượng, mà quan trọng hơn là kỷ niệm - cảm giác nhớ lại chính mình trong một giai đoạn nào đó, gắn với những bài hát mình đã từng nghe.
- “Lời hồi đáp của thanh xuân” sau 12 năm.
Chương trình lưu diễn vòng quanh thế giới của Super Junior đã diễn ra từ năm 2008, trong suốt 15 năm, nhưng chỉ có hai lần đến Việt Nam. Lần đầu tiên là năm 2011, đúng năm tôi trở thành “fan” của nhóm nhạc, nhưng khi đó tôi không có bất kỳ một cơ hội nào để đi xem show diễn. Lần thứ hai nhóm nhạc yêu thích của tôi đến với Việt Nam… chính là năm nay - 2023.
Mười hai năm, từ một cô sinh viên chưa tốt nghiệp, nhận lấy gánh nặng gia đình để rồi bắt buộc phải trưởng thành ở tuổi 22; tôi bây giờ đã có gia đình và làm mẹ của hai bạn nhỏ, có công việc ổn định và một chỗ đứng nhất định trong nghề nghiệp… Chỉ có một điều không thay đổi, tôi vẫn là fan hâm mộ của Super Junior! Tôi vẫn bất giác vui khi xem video nhạc của các thần tượng, và vẫn tha thiết tìm lại thanh xuân của mình trong những bài hát đã nghe trong rất nhiều năm qua.
3. TÔI ĐÃ HỌC ĐƯỢC NHỮNG GÌ?
Hơn một thập kỷ làm fan Kpop cùng với hành trình trưởng thành, tôi đã nhận ra nhiều điều về cuộc sống: sở thích, đam mê, và cách nghĩ của mình khi vấp phải sự đánh giá của xã hội đối với niềm yêu thích riêng của cá nhân.
- Tin tưởng và trân trọng sở thích của chính mình.
Mặc dù đã từng có lúc dao động, nhưng qua nhiều năm, tôi nghĩ mình có thể tự hào nói rằng, tôi đã thực sự tôn trọng bản thân mình trong vấn đề này. Tôi không còn quan tâm đến việc người khác nghĩ gì khi biết mình yêu thích âm nhạc Hàn Quốc. Bởi tôi biết giá trị và con người mình.
Tôi vẫn là tôi. Dù có thích ca sỹ hay nhóm nhạc nào đi nữa cũng không làm ảnh hưởng đến tính cách, công việc và cuộc sống của tôi. Điều đó đơn giản là niềm yêu thích, sự đồng cảm, và hành trình riêng của tôi mà thôi.
- Tôn trọng sở thích của người xung quanh.
Đã từng phải chịu những ánh nhìn không thiện cảm chỉ vì sở thích không giống số đông, sau này tôi hiểu sâu sắc cảm giác của người yêu thích một điều gì đó vốn chịu nhiều định kiến. Vì thế, tôi tự rèn luyện cho mình phản xạ không đánh giá, soi xét, “dán nhãn” người khác chỉ bởi họ yêu hoặc ghét điều gì khác mình. Khi đã là sở thích, tôi nghĩ không có ai “cao cấp” hay “thấp cấp” hơn ai.
Ngừng đặt quan niệm, niềm tin, và đánh giá chủ quan của mình, nhất là những thứ mình vốn không hiểu rõ lên người khác là điều tôi luôn tự nhủ mình cần phải làm để tôn trọng những người xung quanh, cũng là cách để tôi tự tôn trọng bản thân mình.
- Không thể thay đổi người khác, chỉ có thể lựa chọn cách ứng xử của chính mình.
Sau một vài cuộc cãi vã không hồi kết, tôi đã hiểu: tôi không thể thay đổi quan điểm của chồng tôi hay bất kỳ ai, tôi chỉ có thể điều chỉnh chính mình.
Tôi vẫn yêu Super Junior, nhưng không bật nhạc to khiến cả nhà phải nghe mặc dù không thích. Tôi tìm những cơ hội để chia sẻ với chồng về hành trình của tôi gắn bó với âm nhạc Hàn Quốc từ những kỷ niệm trong quá khứ. Tôi luôn nghiêm túc, chỉn chu, chân thành trong công việc và cuộc sống.
Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để trả lời cho thắc mắc và nghi hoặc của nhiều người: Fan Kpop có phải chỉ toàn những đứa trẻ chưa trưởng thành?
THAY LỜI KẾT
Nếu coi 12 năm hâm mộ Kpop của tôi là một câu chuyện, tôi chắc chắn câu chuyện ấy vẫn còn tiếp tục rất lâu, rất lâu... Trong đó, năm 2023 hẳn là một chương hạnh phúc. Chồng tôi chủ động nhận chăm sóc các con để tôi yên tâm từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh tham gia cổ vũ chương trình biểu diễn của thần tượng.
Mười hai năm – dấu gạch nối của hai lần Super Junior đến Việt Nam cho chương trình lưu diễn riêng, cũng là chiều dài của một giai đoạn đầy biến động trong cuộc đời tôi. Với tư cách là một fan Kpop lâu năm, tôi nghĩ đây là một hành trình thành công để gìn giữ niềm yêu thích của riêng mình.
Cảm ơn Super Junior đã hoạt động bền bỉ trong nhiều năm để sau một quãng thời dài gian tập trung xây dựng sự nghiệp và chăm sóc gia đình, tôi đã có cơ hội thực hiện một trong những mong ước lớn nhất: tham dự Super Show – chương trình lưu diễn vòng quanh thế giới đến từ nhóm nhạc gắn liền với “thanh xuân” của mình. Cảm ơn chồng tôi, các con tôi, và nhiều người xung quanh đã dần dần thấu hiểu và có cái nhìn khách quan hơn về âm nhạc Hàn Quốc. Cảm ơn chính tôi và những fan hâm mộ khác, đã cùng nhau kiên định để nuôi dưỡng niềm yêu thích vốn chẳng dễ dàng: Kpop.
Tôi hy vọng những tâm sự “trút tâm can” này từ một fan hâm mộ âm nhạc Hàn Quốc sẽ góp một chút năng lượng tích cực cho tháng ngày của bạn, cổ vũ bạn gìn giữ và hạnh phúc với những niềm tin, sự yêu mến, và sở thích của riêng mình.
Tôi chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.