Một trong số ít việc khiến tôi luôn cảm thấy thoải mái khi làm bất kể tâm trạng, đó là đọc sách. Chìm đắm vào một cuốn sách hay không những mở mang hiểu biết, còn khiến tôi tôi giải tỏa căng thẳng trước những lo âu, bộn bề của cuộc sống.
Tuy vậy, giữa bạt ngàn những cuốn sách về mọi thể loại, làm cách nào để chọn được cuốn phù hợp với mình? Đây là câu hỏi tôi nhận được từ rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, và người thân của mình nhất là sau khi tôi đăng lên blog bài viết về thay đổi tư duy đọc sách và những cuốn sách quan trọng nhất năm 2022; bởi vậy, tôi sẽ đưa ra quan điểm của mình về việc lựa chọn sách và ba cách tôi thường sử dụng để tìm thấy những cuốn sách chất lượng, giá trị, phù hợp với mong muốn của mỗi người trong bài viết này.
1. THÓI QUEN ĐỌC LÀ QUAN TRỌNG, NHỮNG CUỐN SÁCH YÊU THÍCH SẼ TỚI SAU.
Trên một vài hội nhóm đọc sách, review sách trên facebook, thỉnh thoảng tôi lại thấy có bạn đặt những câu hỏi như: “Em muốn đọc sách, em nên mua cuốn nào để bắt đầu?”, “Em thấy mình trì trệ quá, có cuốn sách nào giúp thoát ra tình trạng này không?”, “Em muốn tìm hiểu về kinh doanh, nhờ anh chị gợi ý cuốn nào hay?”.
Thực ra việc đặt câu hỏi cho những người khác để có sự chia sẻ kinh nghiệm là cần thiết và thường có hiệu quả nhất định. Tuy vậy, từ kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy: điều cốt yếu không phải chọn sách nào để bắt đầu, quan trọng là bắt đầu đọc sách.
Việc tìm kiếm trên mạng, nhờ tư vấn về sách là việc nên làm, nhưng chỉ trong thời gian ngắn bạn cần ra quyết định. Sa đà vào sự tìm kiếm để mong gặp được cuốn sách phù hợp nhất sẽ khiến bạn đánh mất nhiều thời gian, thậm chí còn là sự trì hoãn. Đơn giản là hãy bắt đầu đọc. Bạn có thể gõ “những cuốn sách hay nhất về chủ đề A” trên Internet, chọn lấy một cuốn, nếu cuốn đó có nhiều review tốt trên các trang bán sách như Tiki, bạn hãy mua, không cần chọn tiếp.
Mong muốn tìm ra cuốn sách tốt nhất, hay nhất, phù hợp nhất tôi nghĩ là điều không khả thi, ngay cả dựa trên tư vấn của những người xung quanh. Bởi nền tảng hiểu biết, cảm nhận, và mục đích đọc sách của mỗi người khác nhau. Có thể bạn chưa quá yêu thích cuốn sách đầu tiên, nhưng nó sẽ dẫn bạn đến cuốn thứ hai, thứ ba… khi bạn đã có những hiểu biết nhất định về vấn đề đang tìm hiểu. Ngược lại, tìm kiếm quá lâu và không quyết định được sẽ khiến bạn mất cảm hứng để bắt đầu đọc.
Cứ chọn một cuốn và bắt đầu đọc, bạn sẽ sớm tìm thấy những cuốn sách “gối đầu giường” của mình! Đó là kinh nghiệm số một của tôi khi bắt đầu tìm hiểu về chủ đề nào đó. “Done is better than perfect”. Đọc xong một cuốn sách sẽ giúp bạn biết nên đọc cuốn nào tiếp theo, đừng cố gắng tìm cuốn sách hoàn hảo ngay từ đầu.
2. TÌM KIẾM NGUỒN REVIEW SÁCH CHẤT LƯỢNG.
Trước đây, tôi có thói quen tìm thông tin của một cuốn sách nào đó bằng cách đọc review trên internet. Tuy vậy, thật khó để tìm được những review chân thực, sâu sắc, và khách quan. Tôi thường gặp những bài review rất dài, đa số là những lời khen ngợi; đọc xong không đọng lại được những điểm trọng tâm của sách, không có những liên hệ với thực tế của người đọc để tôi có thể đối chiếu sang bản thân mình. Tôi cũng ít tìm thấy những trang review sách thành nhóm, tức là khoảng 3-5 cuốn sách hay về chủ đề nào đó, có đánh giá, so sánh, liên hệ giữa các cuốn sách, và gợi ý người đọc nên tìm hiểu theo thứ tự nào.
Theo kinh nghiệm của tôi, khi tìm review sách, các bạn hãy gõ tên cuốn sách, kèm chữ “blog”. Ví dụ, “Sức mạnh của thói quen review blog”. Sở dĩ như vậy, bởi các bài ở đây thường được viết dựa trên đánh giá và cảm nhận thực tế của tác giả blog, không vì mục đích thương mại, hoặc nếu có, đó cũng không phải mục đích quan trọng nhất.
Nếu bạn đọc tốt tiếng Anh, có thể tìm kiếm theo từ khóa tương tự, nhưng với tên sách bằng tiếng Anh, có khả năng bạn sẽ tìm thấy những bài review rất hay trên các trang blog – thường chi tiết hơn nhiều các trang đăng review chỉ với mục đích giới thiệu và bán sách.
Một trang tôi thường tìm đánh giá về các cuốn sách là Goodreads, một trang rất lớn của cộng đồng đọc sách trên toàn thế giới: https://www.goodreads.com/
Tôi đang có dự định sẽ xây dựng chuyên mục review sách trên blog In Metime của mình. Tôi hy vọng sẽ trở thành một địa chỉ đáng tin cậy, chân thật, và bổ ích cho những người đang tìm kiếm những cuốn sách hay.
3. ĐI THEO GỢI Ý TRONG SÁCH.
Một cuốn sách hay, vốn được tạo thành bởi kiến thức, kinh nghiệm, và rất nhiều sự tổng hợp từ trải nghiệm của tác giả và những cuốn sách mà tác giả từng đọc qua. Vì vậy, bạn có thể tìm thấy gợi ý cho mình khi tác giả nói về sách của người khác, trích dẫn hoặc lấy ý trong sách khác làm căn cứ cho lập luận của mình. Bằng cách này, tôi luôn có một danh sách các cuốn sách tiếp theo mình muốn đọc. Khi đã có danh sách này, hãy lọc lựa tiếp bằng hai cách trên, bạn sẽ biết tiếp theo mình nên đọc gì.
Ví dụ, khi đọc cuốn Deep Work của tác giả Cal Newport, tôi tìm thấy một trích dẫn hay từ tác giả Jack Canfield: “Thành công không phải là phép màu nhiệm hay sự lừa gạt, nó chỉ đơn giản là học cách tập trung”. Từ đó tôi tìm được một loạt các cuốn sách thú vị của tác giả này như: Những nguyên tắc thành công, Người nam châm, Sức mạnh của tập trung…
THAY LỜI KẾT
Bằng những gì đã trải nghiệm trong rất nhiều năm đọc sách của mình - từ khi còn là một cô bé đạp xe giữa cái nắng oi ả mùa hè đến thư viện huyện mượn từng cuốn sách, tới mười năm qua tôi mở rộng phạm vi đọc tới những thể loại sách tôi vốn không ngờ mình thấy yêu thích, hữu ích, và mang lại nhiều ý nghĩa cho cuộc sống đến thế. Tôi đã rút ra được ba điều quan trọng nhất để chọn được cuốn sách phù hợp chia sẻ cùng các bạn.
Nhưng dù sử dụng cách nào để tìm kiếm sách hay, và mất bao lâu để thấy những cuốn sách mình đặc biệt yêu thích, tôi cũng tin rằng cách đơn giản nhất là cứ bắt đầu với bất kỳ cuốn nào thấy “có vẻ ổn”. Hành trình tiếp theo sẽ dẫn ta đến những chân trời mới vốn không thể biết trước được khi mới bắt đầu kiếm tìm.
Đơn giản là hãy cầm lấy một cuốn sách và bắt đầu đọc. “Done is better than perfect”.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
* Một số bài viết cùng chủ đề: