Tìm bình yên giữa “cơn bão chính trị” nơi công sở
Đừng cố gắng tìm kiếm một môi trường sạch bóng chính trị. Hãy chấp nhận nó là một phần của công việc. Bạn sẽ không bao giờ “thoát” hoàn toàn được khỏi chính trị chừng nào vẫn đi làm công ăn lương.
Một trong những vấn đề đau đầu, nan giải nhất với người đi làm, đó là vấn đề chính trị ở công sở. Chính trị ở đây được hiểu đơn giản là chuyện phe phái, nâng đỡ hoặc kìm hãm nhau, nói xấu, chê bai… Những điều này thường gây áp lực, căng thẳng tới chúng ta thậm chí nhiều hơn công việc chuyên môn.
Cá nhân mình đã đi qua nhiều kiểu doanh nghiệp: nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài… Thật lòng, mình không dám nhận đã hiểu hết, thông thạo về chuyện chính trị khi đi làm, đơn giản bởi vì mình không đủ trải nghiệm chỉ với mười mấy năm đi làm và đang ở mức quản lý cấp trung, không phải cấp cao. Nhưng mình tin, những kinh nghiệm mình có được sẽ hữu ích với các bạn mới đi làm, có kinh nghiệm khoảng dưới mười năm, và ở cấp độ nhân viên, trưởng nhóm, hoặc quản lý tầm trung giống như mình.
Hãy cũng mình tổng kết về về năm bí quyết để chống chọi, sống sót, và thoát khỏi nỗi đau đầu của chính trị khi đi làm:
1. Chấp nhận sự tồn tại của chính trị ở công sở
Chính trị xuất phát từ mối quan hệ giữa người với người. Khoan bàn tới tốt xấu, chỉ riêng nguồn gốc này cũng khiến nó trở thành điều hiển nhiên sẽ có dù bạn làm việc ở đâu, doanh nghiệp nhỏ hay lớn và ở vị trí nào.
Chính trị cũng không quá khó hiểu nếu chúng ta nhìn nó như một công cụ để mỗi người hoặc nhóm người thể hiện tầm ảnh hưởng, quan điểm, ý kiến để đổi lấy quyền lợi, nhóm cộng đồng riêng, hoặc đôi khi chỉ để thỏa mãn cảm xúc khẳng định bản thân và thấy mình quan trọng.
Đừng cố gắng tìm kiếm một môi trường sạch bóng chính trị. Kể cả bạn làm việc trong một công ty khởi nghiệp chỉ với chục người, vẫn luôn có xu hướng chia thành các nhóm nhỏ hơn, bảo vệ các tư tưởng và định hướng, quan điểm khác nhau, dẫn tới sự ảnh hưởng khác nhau của mỗi cá nhân.
Hãy chấp nhận nó là một phần của công việc. Bạn sẽ không bao giờ “thoát” hoàn toàn được khỏi chính trị công sở chừng nào vẫn đi làm công ăn lương. Ở mỗi công ty hoặc kiểu công ty, chính trị là một khía cạnh thể hiện văn hóa của doanh nghiệp, nó gắn chặt với lịch sử, con người, chiến lược của công ty đó. Ở đâu cũng vậy, không có ngoại lệ. Vì thế, đơn giản là hãy chấp nhận sự tồn tại của nó.
Thành thật mà nói, mình nhận thấy chính trị là điều cần thiết để vận hành các tổ chức bởi nó tạo cơ hội phân chia về quyền lực, sự ảnh hưởng, giúp các tập thể chọn được hướng đi. Con người từ xa xưa đã luôn vận hành xã hội dựa trên những điều này, dù ở thời đại nào chính trị vẫn luôn cần thiết, tồn tại hiển nhiên dù với hình thức khác nhau.
2. Bạn có quyền chọn chỗ đứng của mình giữa dòng chảy chính trị
Như mình đã viết, chính trị thực ra phản ánh mỗi quan hệ giữa con người với nhau. Việc bạn chọn đứng ở đâu trong bức tranh của công ty chính là chọn cách bạn ứng xử với các mối quan hệ với những người làm việc cùng mình.
Không phải cứ tham gia vào chính trị là xấu, đó đơn giản là một lựa chọn. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ về bản thân mình:
Bạn có mục tiêu như thế nào trong công việc?
Tính cách của bạn có phù hợp, thoải mái, và nhạy cảm với chính trị công sở không?
Bạn lựa chọn con đường phát triển nào? Sẵn sàng nỗ lực như thế nào hoặc sẽ hy sinh điều gì?
Không có con đường nào toàn vẹn. Nếu hướng mình trở thành người nhạy cảm và là một phần của các nhóm trong công ty liên quan tới chính trị, bạn có thể đạt được thuận lợi nhưng cũng có thể vấp phải sự thất bại mà đôi khi không liên quan tới năng lực, có thể tìm thấy cơ hội lớn nhưng cũng có thể đánh mất cơ hội mười mươi.
Chỉ có bạn mới hiểu về bản thân mình, có thấy hứng thú và đủ sức tồn tại trong sự phức tạp của chính trị hay không, có mong muốn phát triển ở môi trường đó tới đâu, có sẵn sàng với những rủi ro và cả cơ hội mà chính trị mang lại? Tất cả là ở bạn.
3. Hoàn toàn ổn, nếu bạn chọn nói không với chính trị công sở
Đừng tin những lời “đe dọa” núp bóng kinh nghiệm kiểu: “Không chính trị thì không phát triển được”; “Ở đâu cũng phe cánh thôi, phải chọn đúng phe nếu không muốn bị đuổi”, “Chẳng có chỗ nào dành cho người không thích chính trị”…
Trong lịch sử, dù ở triều đại nào cũng có những người không ở trong các phe cánh tranh giành. Tương tự, mình đã tìm hiểu đủ nhiều và cũng thử nghiệm, trả giá đủ nhiều để biết đó là một sự lựa chọn trong môi trường công sở ngày nay. Không phải chúng ta luôn bắt buộc phải chọn một “dây” nào đó để “đu” nếu muốn phát triển được khi đi làm.
Thú thực, đã có giai đoạn đi làm mình cảm thấy đó là điều bắt buộc, và ép bản thân phải đứng về một phía nào đó, tự cho rằng mình đang học cách sống nơi công sở. Nhưng, theo thời gian sau nhiều vấp váp, mình đã hiểu ra bản thân luôn có quyền lựa chọn.
Cuộc sống không đủ dài để chúng ta dành thời gian tâm huyết, niềm vui và nỗi buồn cho một vấn đề chúng ta không muốn tham gia.
Nếu bạn cũng giống mình, bạn hoàn toàn có thể tự lựa chọn đứng ngoài chính trị.
Tư duy này là bước ngoặt cho hành trình sự nghiệp của mình. Nếu trong cuộc sống cá nhân, quyết định không sống để chiều lòng đón ý người khác đã giải phóng mình, quyết định sẽ luôn đứng ngoài chính trị cũng có ý nghĩa tương tự khi mình đi làm. Mình không phán xét về chính trị và những người đang rất giỏi trong việc ấy, đó là lựa chọn và năng lực của họ. Mình chỉ đơn giản sống với lựa chọn của mình, hiểu vì sao lại chọn vậy, mình đang ưu tiên điều gì và sẵn sàng chấp nhận hoặc hy sinh cơ hội nào với lựa chọn ấy.
Vài năm qua mình đã luôn như vậy, vẫn phát triển, vẫn có công việc, vẫn tăng thu nhập mà không còn đau đầu về hai chữ “chính trị”, vậy bạn cũng có thể có cùng quyết định như mình nếu bạn muốn. Có điều…
4. Cần xác định “cái giá” phải trả khi chọn đứng ngoài
Không có lựa chọn nào hoàn hảo. Khi quyết định là một người làm công ăn lương đơn thuần, không theo đuổi quyền lực, địa vị, ảnh hưởng, lợi ích… dựa vào chính trị công sở, bạn cũng hãy sẵn sàng để chấp nhận những hệ lụy kèm theo, ví dụ như phải chấp nhận hy sinh sự gắn kết chặt chẽ với một (vài) mối quan hệ công sở, cơ hội thăng tiến, khả năng gắn bó lâu dài với công ty…
Đừng thất vọng nếu phải chịu thiệt thòi so với người được người khác nâng đỡ vì cùng “dây”, cùng “phe”. Đừng bất mãn, bởi đó là lựa chọn của bạn. Đừng coi thường và bỉ bôi người khác nếu họ không chọn như mình, bởi để sống được và sống tốt giữa môi trường chính trị, họ cũng phải giỏi và phải nỗ lực, hy sinh.
Nếu đã xác định đứng ngoài chính trị, bạn càng cần tập trung nhiều thời gian và tâm sức vào công việc và phát triển bản thân. Chỉ có như vậy mới giúp giá trị của bạn tăng lên, có nhiều lựa chọn, và luôn có thể sống tốt bất kể không đứng về phe nào hoặc gói gọn lựa chọn trong một kiểu công ty nào đó.
Cái bẫy lớn nhất chúng ta thường mắc kẹt khi đi làm (và cả trong cuộc sống) đó là cái gì cũng muốn nhưng không muốn bỏ công sức, nỗ lực nhiều hơn người khác. Bạn muốn một môi trường lành mạnh, không chính trị, sếp công bằng, làm việc được ghi nhận công sức, được đào tạo, đồng nghiệp vui vẻ hòa nhã, lương cao, cơ hội thăng tiến tốt… mà bản thân chỉ cần “nhàng nhàng”.
Đừng mơ mộng thế. Bạn sẽ phải rất may mắn mới có cơ hội được làm việc ở nơi có một vài yếu tố trong đó, chưa nói tới tất cả. Hơn nữa, điều quý hiếm không dành cho số đông. Cứ phát triển bản thân, bồi đắp năng lực, đủ giỏi và nổi bật trên thị trường lao động bạn sẽ tăng được khả năng tìm thấy nơi làm việc phù hợp với mình.
5. Cách ứng xử ở công sở khi lựa chọn không liên quan tới chính trị
Thực tế, kể cả đã xác định không ở phe nào, bạn cũng không hoàn toàn tách biệt bản thân và công việc ra khỏi luồng chính trị công sở. Điều chúng ta phải làm là nhận biết nó, đúc kết kinh nghiệm để trở nên nhạy cảm với nó, học cách đứng ngoài, và luôn nỗ lực làm việc.
Dưới đây là một số kinh nghiệm của mình:
Thể hiện rõ quan điểm của mình với quản lý trực tiếp về chính trị công sở. Hãy chia sẻ chân thành, tôn trọng, khách quan về chủ đề này.
Nhưng, cũng không cần nói với nhiều người về quan điểm và lựa chọn của bạn ngoài quản lý trực tiếp. Điều đó không mang lại ý nghĩa, có thể khiến bạn gặp rắc rối và sự hiểu lầm khi nhiều người không hiểu rõ ý bạn, chỉ nghe lại và suy diễn.
Tôn trọng TẤT CẢ mọi người ở công sở, bất kể quan điểm của họ như thế nào về vấn đề này. Mọi điều tồn tại đều có lý do của nó, chính trị không hoàn toàn xấu cũng không hoàn toàn tốt. Bạn chọn hướng đi và quan điểm cho riêng mình, đừng phán xét quyết định của người khác.
Nỗ lực làm việc, tập trung vào công việc, làm tốt nhất có thể những gì được giao. Bạn được trả tiền để mang lại giá trị cho công ty, hãy chỉ nghĩ về điều đó.
Luôn học hỏi không ngừng, từ sách vở, công việc, đồng nghiệp… Chính trị mỗi công ty mỗi khác, mỗi lãnh đạo cũng không giống nhau, chỉ có kiến thức và năng lực được bồi đắp mới là điều thuộc về bạn.
Xem xét các quyết định dưới góc nhìn khách quan: Mình có đang mang lại giá trị cho công ty? Công ty có mang lại giá trị cho mình? Khi còn có thể cố gắng, hãy cố gắng. Nếu bị làm phiền quá nhiều bởi chính trị, quá tiêu cực, không thể thoát ra, hãy mạnh dạn đi tìm “bến đỗ” khác. Để tự tin với điều này, bạn cần đủ giỏi, đủ kiên cường, đủ nỗ lực. Đó là lý do, là động lực buộc chúng ta phải phát triển bản thân.
Tạm kết
Bài viết này có lẽ hơi thẳng thắn, trực diện, và “nhạy cảm” hơn các bài viết khác của mình trên blog In Metime. Nhưng với một vấn đề vốn thường phức tạp và “lòng vòng” như chính trị công sở, mình nghĩ cách tiếp cận trực diện như thế này sẽ phù hợp hơn so với những lời ẩn dụ, bóng gió.
Không phải ngay từ khi mới đi làm mình đã có những suy nghĩ như trên. Thực ra, mình đã trả giá rất nhiều, vấp ngã, thất bại, tổn thương do quá ngây thơ trong chính trị công sở nhưng lại mong muốn sẽ hiểu về nó, thậm chí sử dụng nó để phát triển sự nghiệp như cách rất nhiều người đã làm. Để rồi mình nhận ra, mình không phù hợp, cũng không muốn dành thời gian cuộc đời mình cho điều đó. Và, thẳng thắn mà nói, mình không có đủ sự khéo léo, nhạy cảm và nỗ lực đủ lớn để thành công với chính trị công sở.
Đây là lựa chọn của bản thân mình, hẳn không phải trường hợp điển hình để đại diện cho bất kỳ ai. Nhưng, vài năm qua, mình đã làm việc, phát triển, và hoàn toàn thoải mái với cảm giác đứng ngoài dòng chảy chính trị như thế. Mình mong điều đó có thể mang lại cho bạn một chút cảm hứng, gợi ý, kinh nghiệm để bạn dễ dàng hơn đưa ra lựa chọn của bản thân.
Một lần nữa, mình khẳng định rằng chính trị công sở không hoàn toàn tốt hay xấu, cũng ổn thôi nếu bạn chọn đứng trong thay vì đứng ngoài như mình nếu bạn thoải mái với điều đó. Đến cuối cùng, chỉ có mỗi chúng ta mới biết điều gì phù hợp với bản thân.
Có điều, mọi lựa chọn đều đòi hỏi sự thấu hiểu chính mình, chấp nhận các mặt khác nhau của lựa chọn, và không oán trách bất cứ ai.
Chúc tất cả chúng ta đều trở thành những người làm công ăn lương bình an, có thu nhập tốt, và phát triển sự nghiệp vững chắc!
Tố Uyên.