Tất cả những hiểu biết mình có khi bắt tay vào xây dựng blog chỉ đơn thuần là: VIẾT. Ngay cả điều duy nhất đó mình cũng không hề được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào. Mình thường viết theo sở thích, bản năng, và thói quen. Cũng chính vì vậy, mình không biết phải bắt đầu từ đâu, đi trên con đường nào để có một blog cho riêng mình, nội dung theo ý mình, và giao diện đẹp để nhìn đủ “bắt mắt”.
Mình dựa trên ba nguồn tham khảo chính để học hỏi về thiết kế blog:
- Một số trang blog mình thấy có “gu” thiết kế rõ ràng, ấn tượng, không lẫn lộn giữa rất nhiều các trang blog trên mạng:
https://thepresentwriter.com/blog/
https://thehanoichamomile.com/
https://lindseypollak.com/blog/
https://www.lavendaire.com/blog/
- Khóa học cao cấp của Chi Nguyễn (PhD.), tác giả blog The Present Writer: là một trong ba học viên đầu tiên được Chi dẫn dắt có lẽ là sự may mắn lớn nhất của mình trên hành trình xây dựng blog. Trong suốt khóa học, mình được “huấn luyện” rất nhiều, ở đó các vấn đề liên quan đến sáng tạo nội dung chỉ là một phần. Những chỉ dẫn và tư vấn của Chi có ý nghĩa quan trọng về mặt định hướng cho In Metime từ những ngày đầu tiên, phần thiết kế cũng không ngoại lệ.
- Tư vấn của bạn Từ Hà An: tác giả blog cùng tên, họa sỹ minh họa, đồng thời là Giám đốc mỹ thuật (Art Director) của thương hiệu The Present Writer. Chúng mình cùng là học viên khóa học cao cấp của Chi, được Chi kết nối và đó là cơ duyên khiến mình nhận được tư vấn của An trong quá trình thiết kế In Metime.
Với ba nguồn kiến thức vô cùng hữu ích đó, mình từng bước thử nghiệm và lựa chọn thiết kế cho trang blog của mình. Thậtra, thời gian qua mình đã thay đổi thiết kế rất nhiều, về tổng thể và cả những chi tiết nhỏ. Mình nghĩ, quá trình này vẫn còn tiếp tục; bởi theo thời gian, nội dung của blog, nhận thức của mình, và định hướng cho kênh nội dung sẽ có những điều chỉnh, kéo theo những biến đổi về mặt hình thức.
Mặc dù vậy, mình đã đúc kết cho mình một số bài học về việc thiết kế một trang blog mà mình sẽ chia sẻ trong bài viết này. Mình hy vọng bài viết sẽ có ích cho bạn, nếu bạn đang có ý định xây dựng cho riêng mình một website.
I - NHỮNG ĐIỀU CẦN XÁC ĐỊNH TRƯỚC KHI THIẾT KẾ
1. Phong cách của tác giả.
Đây là điều quan trọng bậc nhất cần xác định trước khi thiết kế. Việc yêu thích hình ảnh của một trang blog nào đó sẽ mang tới những gợi ý, nhưng mình nhận thấy, chúng ta không nên học theo thiết kế của người khác mà không xuất phát từ chính phong cách của mình.
Lấy ví dụ từ blog In Metime. Hai trang blog bằng tiếng Việt mình hay đọc nhất là The Present Writer và The Hanoi Chamomile, đây cũng là những hình mẫu của mình tại thời điểm bắt đầu làm blog. Nhưng mình kịp nhận ra, điểm chung nổi bật của Chi Nguyễn và Nam Anh – hai tác giả của các blog trên, đều là những người theo chủ nghĩa tối giản. Vì thế, trang web của họ rất đơn giản, gần như chỉ dùng hai màu chủ đạo là đen và trắng. Tuy nhiên, mình không phải người theo chủ nghĩa tối giản, phong cách của mình có phần giản dị, màu sắc, và sôi nổi hơn. Vì thế, khi lựa chọn bảng màu chính, mình chủ định tìm kiếm những màu có sắc thái rõ ràng, ấm áp, có phần nổi bật: nâu vàng, xanh lá, xanh biển.
Việc lựa chọn màu sắc dựa trên phong cách của bản thân sẽ giúp blog mang lại cảm giác gần gũi, thống nhất với cuộc sống và con người “thật” của tác giả. Vì thế, nếu bạn bắt đầu xây dựng blog, mình gợi ý bạn tham khảo các trang blog mình thích, nhưng cuối cùng hãy ngồi xuống, viết ra những gì thuộc về chính mình, tính cách và những mong muốn của mình.
2. Nhóm độc giả mục tiêu.
Nhóm độc giả mục tiêu, hay khách hàng mục tiêu, là những khái niệm mới lạ đối với mình trước khi được Chi Nguyễn chia sẻ. “Khách hàng” ở đây không có nghĩa là ở trong mối quan hệ mua – bán mặt hàng nào đó cụ thể; trong phạm vi một blog, đó là những ý tưởng, bài viết, chia sẻ. Là một người sáng tạo nội dung, mục tiêu của mình là mang lại giá trị cho bạn đọc, và những gì mình xây dựng, bao gồm cả nội dung và hình thức của blog; từ đó sẽ thu hút những đối tượng độc giả khác nhau. Đó là ý nghĩa của cụm từ “độc giả mục tiêu” hay “khách hàng mục tiêu”.
Ví dụ với In Metime, mình tưởng tượng về bạn đọc của mình, là những người muốn đọc những bài viết về lãnh đạo và quản lý, khao khát phát triển bản thân, và có sự đồng cảm nhất định với mình – một người có xuất phát điểm không quá tốt, từng trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, và mong muốn đạt được những mục tiêu dựa vào nỗ lực của chính mình.
Như vậy, hình thức của blog nên thể hiện sự chuyên nghiệp, trưởng thành, đơn giản. Điều này giúp mình dễ dàng loại ra những lựa chọn thiết kế quá rực rỡ về màu sắc, nhiều chi tiết, các phông chữ cách điệu.
Trong khi ấy, nhiều trang web và blog hướng tới các bạn trẻ ở độ tuổi 17 đến dưới 30 tuổi, tính cách nhí nhảnh, trong sáng, nội dung blog thường đề cập đến tình yêu, tình bạn, “tâm sự tuổi hồng”, vì thế thiết kế trên các trang nội dung đó có màu sắc tươi sáng như: hồng, vàng, xanh biển nhạt.
Việc xác định bạn đọc của mình là ai, nội dung blog mình định viết hướng tới nhóm đối tượng nào, sẽ giúp chúng ta xác định tốt hơn cách lựa chọn thiết kế. Vì vậy, bạn đừng bỏ qua bước này nhé!
3. Nguồn lực dành cho thiết kế.
Mặc dù làm việc trong ngành phần mềm, nhưng thiết kế không phải chuyên môn của mình, vì thế khi nghĩ tới việc xây dựng blog, thiết kế chính là điều khiến mình đau đầu nhất. Theo mình, có ba giải pháp cho phần việc này khi làm website cá nhân:
- Tự thiết kế: Nếu bạn có kinh nghiệm hay hiểu biết về mảng này thì quá tuyệt vời (không giống mình:D), bạn có thể tự làm blog với các công cụ và hướng dẫn cụ thể có trên mạng.
- Thuê người thiết kế blog: Đây là hướng đi ban đầu của mình. Mình hợp tác với một bạn sinh viên từng có kinh nghiệm về phần mềm, có thể làm việc này. Bạn ấy là người giúp mình làm từng trang của website từ những ngày đầu tiên, và hiện tại vẫn tiếp tục cùng mình cải thiện In Metime .
- Tìm kiếm tư vấn từ người có chuyên môn về mỹ thuật: Sau khoảng một tháng cùng nhau xây dựng, mình và bạn thiết kế đã tạo nên phiên bản đầu tiên của trang web. Nhưng ngay khi đó mình nhận ra, website của mình không ổn về mặt mỹ thuật. Mình biết mình muốn gì, có thể viết ra những tính từ mô tả về trang web trong tưởng tượng... Bạn thiết kế rất giỏi về mặt lập trình, tức là khi mình muốn chữ nhỏ đi, màu sáng hơn, căn chỉnh lề… bạn ấy sẽ thực hiện được ngay. Nhưng cả hai chúng mình đều không có mắt nhìn về mỹ thuật. Vì thế blog xây dựng xong có đủ các chức năng như mong muốn, nhưng hiệu ứng về màu sắc và hình ảnh lại không ổn. Mình thấy “nó” không giống tưởng tượng của mình, nhưng không biết thay đổi như thế nào, chọn màu, thiết kế ảnh ra sao, để “ra” được phong cách đó. Đây là lúc cần tới sự tư vấn của một chuyên gia – và đó là bạn Từ Hà An. Cho tới bây giờ, mình vẫn cảm thấy tư vấn đó là một trong những may mắn lớn của mình, để mình có được hướng đi phù hợp cho “phần nhìn” của blog In Metime.
Trên đây là ba cách để xây dựng blog về mặt thiết kế mà mình đã đúc kết. Bạn có thể giống như mình, chọn một trong ba cách, hoặc kết hợp chúng tùy hoàn cảnh, mong muốn và điều kiện kinh tế. Điều quan trọng nhất mình muốn nhấn mạnh ở đây là: Có được một blog không khó. Nhưng để biến nó trở nên chỉn chu, hài hòa, và phản ánh đúng phong cách tác giả mong muốn, cần rất nhiều nỗ lực và sự đầu tư về công sức, thời gian, và cả may mắn.
II - CÁC BƯỚC XÁC ĐỊNH MÀU SẮC VÀ PHONG CÁCH HÌNH ẢNH CHỦ ĐẠO
Bước 1: Xác định “vibe” của blog.
“Vibe” tức là không khí, cảm giác, hơi hướng của blog mà bạn mong muốn, mô tả bằng 10 – 12 tính từ. Ví dụ như: ấm áp, đơn giản, chuyên nghiệp, cá tính, nghệ thuật… Các tính từ này phản ánh hình dung của bạn về trang web, tương đồng với nội dung bạn viết, và hình ảnh bạn muốn thể hiện tới người đọc.
Bước 2: Tìm các trang web tương đồng.
Bạn tìm trên Internet các blog cùng chủ đề, cùng phong cách mình thích (hoặc gần giống) bằng các từ khóa liên quan đến chủ đề hoặc “vibe” bạn thích. Từ các trang web này, bạn sẽ có hình dung rõ hơn về điều mình muốn, tham khảo thêm một số màu sắc, hình ảnh, và kiểu thiết kế phù hợp.
Bước 3: Xác định bảng màu.
- Bạn tổng hợp khoảng 10 tấm ảnh chụp bản thân hoặc không gian của mình mà bạn cảm thấy phần "nhìn" đúng với con người và tinh thần của mình và “vibe” của blog nhất.
- Ghép 10 tấm ảnh đó thành một ảnh lớn, sau đó up lên trang https://www.canva.com/colors/color-palette-generator/ để tìm ra 1 bảng màu tự động.
Bạn có thể chỉnh sửa thêm sau bước này, nhưng cá nhân mình đã lựa chọn luôn bảng màu do trang web “lọc” ra từ chính các bức ảnh của mình. Cách này đảm bảo màu sắc sẽ hài hòa với hình ảnh của bạn, và đúng với những nét tính cách, sở thích, gu thẩm mỹ của bạn.
Sau bước trên, mình đã có bảng màu chính gồm 5 màu, hầu hết là tông khá đậm.
- Nhập mã của từng màu trên bảng màu chính (code HEX) lên trang web: https://www.htmlcsscolor.com/hex/326065 để tìm thấy các màu “họ hàng”, thường là nhạt hơn theo nhiều cấp độ để tìm bảng màu phụ cho blog. Mình thường dùng bảng phụ này cho phần nền của các hình ảnh thiết kế.
Với một bảng màu đậm và một bảng màu nhạt có “họ hàng” với nhau, sẽ dễ dàng hơn nhiều khi thiết kế để tạo nên sự hài hòa khi nhìn vào toàn bộ trang blog. Điều này thực sự rất quan trọng, rất thú vị, nhưng cũng rất khó với một người “ngoại đạo” về mỹ thuật như mình.
Mục đích cuối cùng của tất cả những bước này là để xác định màu sắc, hình ảnh, không khí của blog đúng nhất với tính cách, sở thích, mong muốn của người viết. Thay vì mông lung giữa rất nhiều lựa chọn; đi theo khuôn mẫu của một trang web nào đó được coi là rất chuyên nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng chính những tư liệu của mình, để tìm ra “công thức” xây dựng hình ảnh cho trang web tương đồng với tác giả, và bằng cách đó, cũng sẽ tương đồng với nội dung của blog.
III - MỘT SỐ GỢI Ý KHÁC CỦA MÌNH
Một số gợi ý của mình dành cho bạn, được rút ra từ rất nhiều lần sai và sửa liên tục của In Metime:
- Màu sắc: Chỉ nên lựa chọn một vài màu chủ đạo, khoảng 3-5 màu là phù hợp, trong đó có 1-2 màu chính. Các màu này nên có độ tương đồng về sắc độ.
- Phông chữ: Việc lựa chọn phông chữ là một phần rất quan trọng của thiết kế. Bạn có thể tìm kiếm phông chữ mình thích trên các trang web, đưa vào văn bản để xem đó là phông chữ gì. Nên chọn các phông chữ đơn giản, rõ ràng, tương thích với tiếng Việt. Và chỉ nên có hai phông chữ trong tất cả các thiết kế, nội dung của blog: một phông có chân, và một phông không chân để tạo sự hài hòa.
- Cỡ chữ: Chỉ riêng cỡ chữ, mình đã thay đổi rất nhiều lần trong tháng đầu xây dựng blog. Chữ trên blog nên đủ to, rõ ràng để không tạo cảm giác “nhìn cố”, khó chịu cho người đọc. Lưu ý: cỡ chữ trong lập trình khác với cỡ chữ của chương trình soạn thảo văn bản. Bạn hãy thử một vài cỡ cho tiêu đề chính, tiêu đề phụ, nội dung bài viết để điều chỉnh, chọn ra những cỡ “ưa nhìn” nhất. Sau đó lưu lại, và sử dụng xuyên suốt cho blog.
Quá trình xây dựng blog là cơ hội giúp mình học hỏi được rất nhiều điều, về viết, xây dựng thương hiệu cá nhân, và thiết kế - vốn đều là những mảng mình không được đào tạo, rất ít hiểu biết và không có nhiều nguồn thông tin tham khảo khi bắt đầu.
Mình và In Metime vẫn đang trên hành trình học hỏi, điều chỉnh và cải tiến để ngày một tốt hơn. Mình sẽ ghi lại những gì mình đã học được trên con đường này để có dịp chia sẻ với bạn. Hy vọng bài viết này mang lại giá trị nào đó cho bạn, mình sẽ rất vui về điều đó.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.