Tất tần tật về cách mình học tiếng Trung - bắt đầu từ số 0
Bài này nói về các công cụ, sách vở, khóa học mình đang dùng sau mấy tháng thử nghiệm và chọn lọc.
Khi bắt tay vào học gì đó, điều quan trọng nhất và khó nhất là chọn lựa và “chốt” được mô hình mình sử dụng. Mô hình này bao gồm: cách học, tài liệu, khóa học, thời gian học. Mỗi người có một mô hình khác nhau, không ai giống ai, chính vì thế việc tìm ra mô hình của riêng bản thân rất quan trọng nhưng cũng rất khó.
Khi đã xây dựng được cái khung này, việc của mình chỉ là cứ tiếp tục kiên trì mỗi ngày, khi ấy mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu phải tìm hiểu, thử nghiệm, đánh giá, thậm chí lạc lối giữa rất nhiều phương hướng cách thức.
Tới hiện tại, sau vài tháng thả bản thân “rơi tùm” xuống cái hồ, mình đã bơi được rồi. Mình nghiên cứu rất nhiều hành trình học tiếng Trung của mọi người trên Youtube, lọc lựa các cách thức mình thấy hay, mua một số khóa học để trải nghiệm, thực hiện và đúc kết, sau đó loại bỏ dần hoặc điều chỉnh để tạo nên cái khung cho “sự nghiệp” học tiếng Trung của bản thân.
Nếu bạn có ý định học hoặc đang học tiếng Trung, cứ coi bài viết này của mình như một kênh tham khảo. Mình không biết cách mình học có phù hợp với bạn không, nhưng ít nhất đây cũng là thành quả mình có sau mấy tháng trầy trật thử và điều chỉnh.
1. Nguyên tắc chọn lựa
Muốn chọn thì phải xác định tiêu chí trước, nếu không sẽ chạy theo những người khác và chạy mãi không chốt được vì mỗi người gợi ý một cách học, khóa học, tài liệu khác nhau. Nếu hỏi có tốt không, mình nghĩ cái nào cũng tốt. Có điều, phải có tiêu chí để chọn ra những thứ phù hợp với mình.
Tiêu chí của mình là: Linh động về thời gian, học từ gốc, bền vững, ưu tiên chắc chắn (nhưng vẫn muốn nhanh hihi), tiết kiệm chi phí. Cụ thể như thế này:
Có thể tự học theo tiến độ riêng, không phụ thuộc thời gian của người khác. Vì tiêu chí này, các khóa học tập trung ở trung tâm bị loại ngay từ vòng đầu. Có giai đoạn mình sẽ học chậm hơn bình thường vì bận hoặc mệt, nhưng cũng có giai đoạn mình sẽ cày cuốc rất nhanh, nên các khóa học cố định về thời lượng và lịch trình mỗi tuần sẽ không phù hợp.
Chi phí thấp. Quá trình trầy trật với tiếng Anh đã dạy mình rằng, yếu tố quan trọng để học ngoại ngữ không phải việc chi tiền, mà ở thời gian và nỗ lực của chính mình. Không liên quan. Nên mình xác định luôn là đặt mức chi phí thấp, thậm chí rất thấp. Tổng mức đầu tư về tiền mình dành cho dự án này là dưới 10 triệu, từ đầu cho tới khi học xong HSK4. Số tiền này tới nay mình chưa dùng hết, nhưng đã thử qua được các lựa chọn cần thiết để tìm thấy điều mình cần.
Khiến mình thấy thích học. Tiếng Trung là ngoại ngữ thứ hai, mình bắt đầu học khi đã 35 tuổi. Với việc phải đi làm căng thẳng, chăm sóc gia đình con nhỏ và các dự án cá nhân khác, nếu việc học này không mang lại niềm vui cho mình mà chỉ toàn là sự gắng gượng, mình sẽ không lựa chọn.
Vấn đề không phải ở tiếng Trung, mà là ở việc mình chọn công cụ gì và học như thế nào.
Đây là ba tiêu chí quan trọng nhất của mình, là màng lọc giúp mình đánh giá được điều gì phù hợp và nhanh chóng loại bỏ những cách thức hoặc tài liệu, khóa học không phù hợp. Tiêu chí của bạn có thể khác, nhưng dù là gì, mình cũng khuyến khích bạn viết ra những tiêu chí ấy trước khi bước vào giai đoạn tìm kiếm và thử nghiệm. Nếu không, bạn sẽ không biết mình đang tìm gì.
2. Kết quả lựa chọn công cụ, tài liệu, khóa học
Nguyên tắc học ngoại ngữ mình chọn là sự lặp lại. Chấp nhận sự quên lãng, không có chuyện chỉ học một lần là mình nhớ được. Vì thế, mình cần các “luồng” học khác nhau, để đảm bảo sự bổ trợ, lặp lại giữa các nền tảng đối với một kiến thức nào đó. Số lượng không được quá nhiều nhưng không thể chỉ có một.
Và đây là những gì đã ở lại sau khi mình sàng lọc, và chính là các công cụ mình sử dụng mỗi ngày cho hành trình tiếng Trung:
Khóa học có cấu trúc: Khóa online của thầy Nguyên Trần. Thầy ở Đà Nẵng, đã dạy tiếng Trung rất lâu. Mình mua combo khóa học từ HSK 1 tới HSK 4 của thầy, chi phí khoảng 4 triệu.
Thầy dạy rất bài bản, dễ hiểu, luôn giải thích tận gốc rễ thay vì kiến thức đơn thuần. Đặc biệt thầy hướng dẫn viết rất tỉ mỉ, nhờ đó mình không còn sợ viết, thậm chí thích viết, và đó là nền tảng cho niềm vui của mình khi học.
Mình đã đăng ký một khóa online khác do người Trung dạy bằng tiếng Anh, và thử một số khóa miễn phí, chương trình dạy trên Youtube nhưng đều không hiệu quả với mình. Hiện tại, khóa học tổng hợp và có cấu trúc duy nhất mình học là của thầy Nguyên.
Ứng dụng học tập có cấu trúc: Mình mua tài khoản của Hello Chinese. Các bài học được tổ chức rất khoa học, theo thứ tự tăng dần độ khó.
Bài tập tổng hợp: Mình sử dụng cuốn sách của thầy Nguyên, tên là “Ngữ pháp và bài tập tổng hợp HSK 1-2” thầy vừa xuất bản. Kèm với đó là bộ sách HSK chuẩn.
Luyện viết: Mình rất thích viết, mặc dù nhiều người cho rằng việc đó mất thời gian. Với mình, ngồi viết tiếng Trung mỗi ngày như một khoảng thời gian tự chậm lại, một kiểu… thiền. Hồi đầu mình lo lắng tìm bút nào viết đẹp, sau này mình hiểu ra miễn là bút dạ, bút nước đều viết được và có thể viết đẹp. Không cần cầu kỳ ở khâu chọn bút, chọn vở.
Học từ mới: Ứng dụng Anki.
Luyện nói: Chức năng nói chuyện với AI của ứng dụng Super Chinese. Ứng dụng này tương tự như Hello Chinese, cũng để học theo từng bài học tăng dần độ khó nhưng có thêm phần trò chuyện AI. Mình lỡ học theo Hello Chinese rồi nên theo tiếp, còn chồng mình học Super Chinese từ đầu nên mình “dùng ké” riêng phần trò chuyện. Cách gọn gàng hơn là đăng ký Super Chinese, bạn sẽ có all-in-one.
Từ điển: Hanzii.
Vậy tóm lại, mình mất phí cho những mục này: Khóa học có cấu trúc của thầy Nguyên (4 triệu tới hết HSK4), ứng dụng Hello Chinese (mình không nhớ giá, nhưng mua lúc có khuyến mại nên cũng không đắt); từ điển Hanzii. Sách, vở, bút chi phí nhỏ.
3. Cách sắp xếp thời gian học
Mình sắp xếp thời gian như thế nào để học với các công cụ trên? Mình chia thành các việc hàng tuần và hàng ngày. Có thể xê dịch đôi chút nhưng cơ bản sẽ như thế này:
Việc hàng tuần:
(1) Học khóa online theo từng bài;
(2) Làm bài tập tổng hợp;
Hai việc này cần thời gian tập trung lâu chút nên mình thường học vào cuối tuần. Tối nào trong tuần có nhiều thời gian và đủ khỏe mình cũng sẽ học, nếu không chỉ tập trung học hai ngày cuối tuần.
Việc hàng ngày:
(1) Học trên App Hello Chinese: mỗi bài khoảng 20 phút;
(2) Học từ mới trên Anki: khoảng 10-30 phút tùy hôm do gặp ít hay nhiều từ mới, dễ quên hay không;
Luyện nói: Chỉ 5-10 phút;
Liệt kê ra có vẻ nhiều nhưng thực tế mình chỉ cần 45 phút trước khi đi ngủ để hoàn thành cả ba nhiệm vụ. Thậm chí có hôm ăn trưa ngồi chờ làm người bán làm xong món bê ra mình cũng học xong một thứ, chờ vào họp mình cũng xử lý được một bài, chờ đón con học thêm cũng xong chục từ mới…
Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều thời gian trống, chỉ cần tận dụng tốt, coi đó là nhiệm vụ cần hoàn thành, chúng ta sẽ luôn có thể làm được.
Luyện viết:
Mình để riêng mục viết này, vì đây là việc mình hứng thú nhất trong quá trình học tiếng Trung, nên nói chung hôm nào mình cũng viết. Kể cả vào lúc không còn quá minh mẫn tỉnh táo, mình vẫn viết được vì chỉ đơn thuần là công việc của đôi tay. Mỗi ngày, sau rất nhiều những căng thẳng mệt mỏi, ngồi vào bàn viết từng nét từng nét chữ khiến mình được thả lỏng.
Ngày cuối tuần, khi cảm thấy não đã quá tải với thông tin và kiến thức mới, mình sẽ lại viết. Những chữ mình viết chính là các chữ đã học từ khóa online, từ sách bài tập, bộ Anki…
Vậy là hết rồi đó ạ. Tất cả những gì mình đang sử dụng để học tiếng Trung đều ở trong bài viết này. Suốt mấy tháng ngụp lặn, tìm kiếm và thử nghiệm, mình đã lọc lựa và xây dựng được khung học tập của mình như vậy. Đó là giai đoạn khó nhất đối với mỗi hành trình của mình.
Xác định được cái khung này rồi, với cảm giác mãnh liệt “Ơ rê ka” vì đã thấy thoải mái, vui, và hiệu quả, những gì mình cần làm tiếp theo chỉ là cứ kiên trì.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết hôm nay. Hy vọng sau đây sáu tháng, một năm, mình có thể viết được và nói được thật nhiều câu tiếng Trung hay ho để khoe với bạn. Hihi…
Tố Uyên.
Bài bổ ích quá chị. Em cũng đang tự học tiếng Trung và cũng thích nhất phần luyện viết vì nó khá thư giãn ^^
Không rõ mục tiêu học của bạn là gì. Mình thấy học tiếng Trung khá thú vị nhưng trong ngành software có vẻ chưa thấy tiềm năng lắm :D