Tài chính cá nhân – một chủ đề thiết thực, phổ biến, nhưng luôn ẩn chứa rất nhiều sự khác biệt giữa từng người, từng gia đình. Đã có nhiều cuốn sách, website, podcast nói về các khía cạnh của tài chính cá nhân, đặc biệt là giải đáp các câu hỏi: “Làm thế nào để…?”
Làm thế nào để tiết kiệm 80% thu nhập hàng tháng?
Làm thế nào để kiếm được 100 triệu đồng từ công việc “tay trái”?
Làm thế nào để kiểm soát chi tiêu theo cách của người Nhật?
…
Giải pháp có nhiều. Sách vở, tài liệu, khóa học cũng rất phong phú. Tôi tin là hầu hết những ai đang gặp khó khăn về tài chính hoàn toàn hiểu tình cảnh của họ, biết nhiều cách cơ bản để vượt qua tình trạng đó. Điều níu chân họ, như với mọi vấn đề khác trong cuộc sống, đó là sự “biết” ấy, chưa vượt qua được những “nỗi sợ” trong lòng. Rào cản về tâm lý là một thứ vô hình, nhưng có sức mạnh lớn hơn mọi điều khác trong cuộc sống. Tôi nói vậy vì chính mình đã trải nghiệm, và chứng kiến ở những người thân, bạn bè.
Khi một người đang gặp các vấn đề tài chính, dùng hết sự cởi mở, dũng cảm, và thân tình để tâm sự với ai đó, những phản hồi thường gặp nhất mà họ nhận được là:
Bạn nên làm như thế này…
Bạn nên đọc những cuốn sách này…
Bạn nên nói chuyện và xin tư vấn của người này…
Nhưng có một câu hỏi khác, tôi nghĩ cần phải quan tâm trước khi đi tới các giải pháp “làm thế nào…”, đó là: “Bạn có những nỗi sợ nào về vấn đề tiền?”. Các phương thuốc có rất nhiều, nhưng cái gốc phía sau của căn bệnh mới là căn nguyên, sâu sắc và khó đoán – thứ có thể chặn đứng mọi nỗ lực làm theo những lời khuyên thông thường.
Trong bài viết này, tôi muốn bàn luận về một số trong những nỗi sợ ấy – nỗi sợ về tiền và quản lý tiền.
1. SỢ MÌNH CHÍNH LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA VẤN ĐỀ.
Đây là nỗi sợ hãi khó chấp nhận, nhưng lại thường trực trong lòng mỗi người trưởng thành đang có tình trạng tài chính không tốt. Nỗi sợ này dẫn đến sự dằn vặt, tự trách, tự coi thường “bản lĩnh tài chính” của mình. Trong một số trường hợp, nhận lỗi về mình sẽ khiến chúng ta có động lực để tự học, tự tìm hiểu và nỗ lực để xây dựng dòng tiền và khối tài sản tốt hơn. Nhưng trong nhiều hoàn cảnh khác, sự dằn vặt ấy mang đến những suy nghĩ tiêu cực không dứt, nhất là khi so sánh bản thân và gia đình mình với bạn bè, đồng nghiệp, những người trong xã hội để càng thấy rõ sự yếu kém của mình.
Một người quen của tôi hiện 30 tuổi, đã có công việc ổn định với mức lương khoảng $2000/tháng, có nhà chung cư ở Hà Nội, nhưng thường xuyên bực bội với chính mình, thấy mình quá tệ, không đủ giỏi giang vì có tình trạng tài chính cá nhân “không ra gì”. Chưa có ô tô, chưa có nhà mặt đất, chưa thoải mái chi tiêu và đi du lịch như một số bạn bè… Mặc dù vậy, từ góc nhìn khách quan, tôi nghĩ mức độ kinh tế như vậy là khá tốt đối với một người sống độc thân và tự đi lên bằng sức lao động của mình, gia đình không có nhiều tiềm lực tài chính để hỗ trợ. Nhưng sự tự trách đó lại thường gặp ở rất nhiều người.
Nếu bạn cũng đang có nỗi sợ hãi khi nghĩ mình chính là nguyên nhân của tình hình tài chính cá nhân không tốt, tôi mong bạn cân nhắc đến một số vấn đề này:
- Nỗ lực cá nhân quan trọng, nhưng tình hình tài chính hiện tại của mỗi người còn có ảnh hưởng lớn từ xuất phát điểm – nghĩa là hoàn cảnh gia đình.
Nói cách khác, phía sau “con nhà người ta” thường là “bố mẹ nhà người ta”. Sự khác biệt ở nơi bắt đầu cùng sự hỗ trợ về cả kinh nghiệm, định hướng, và nền tảng tài chính của gia đình là yếu tố quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất về nhiều khía cạnh tạo nên chỗ đứng hiện tại của chúng ta về tài chính. Đôi khi, không hẳn gia đình cho được ta nhiều tiền, nhưng chỉ cần một khoản vốn khi lập nghiệp, hoặc chỉ dẫn từ sự từng trải của bố mẹ, chính là nguyên liệu quý giá lúc bắt đầu để tạo nên những dư dả về tài chính cho con cái sau này.
Vì thế, xin đừng so sánh bản thân với ai đó ở hiện tại, mà quên đi sự khác nhau từ xuất phát điểm giữa hai người, để rồi liên tục thất vọng, dằn vặt về mình. Bạn không phá phách, lười biếng, thiếu ý chí, ngược lại, bạn luôn chăm chỉ, nỗ lực để mong có được cuộc sống tốt hơn sau này – đó là tất cả những gì chúng ta có thể. Bạn đang làm rất tốt rồi, dẫu chỗ đứng hiện tại chưa thể so sánh với nhiều người khác.
- Trách nhiệm của mỗi người trong cuộc sống là không giống nhau.
Sẽ là không công bằng nếu so sánh một người đang chịu trách nhiệm chu cấp cho bố mẹ hoặc một cặp vợ chồng chăm sóc bố mẹ hai bên, thậm chí lo lắng cho cả anh em trong nhà, với người gần như chỉ tự lo cuộc sống của mình. Cá nhân từng người mới hiểu rõ và có lựa chọn về trách nhiệm của mình với người thân.
Tôi muốn nói ở đây là, bạn có thể đang làm được rất nhiều điều giá trị và ý nghĩa cho gia đình, cũng là cho chính mình. Mặc dù những nỗ lực ấy có thể khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để đạt được mục tiêu tài chính của mình so với người khác, nhưng điều đó là xứng đáng, bởi bạn đã dành tất cả tình yêu thương và sự chăm sóc cho người thân.
- Cuộc sống không công bằng, đôi khi rất nghiệt ngã với một số người, và đó không phải lỗi của bạn.
Cuộc đời ai cũng có những khúc quanh, xảy ra những biến cố nằm ngoài mọi dự liệu. Phần lớn trong số ấy là sự tình cờ của số phận, không phải do bạn làm gì sai. Những vấn đề này chắc chắn khiến bạn lao đao về tài chính, thậm chí rơi vào khó khăn, túng quẫn. Hãy tin rằng, dù không phải bạn, bất kỳ ai khác rơi vào hoàn cảnh đó có lẽ cũng không thể làm tốt hơn bạn đã làm.
Trước khi tự trách mình vì chưa tích lũy được nhiều tiền, bạn có thể nhìn lại những trách nhiệm mà mình đang gánh, có phải bạn đang làm trụ cột một gia đình nhỏ, có lẽ cả gia đình lớn không? Có phải vợ/chồng bạn đang gặp vấn đề trong công việc hoặc có thu nhập không ổn định? Có phải anh/em của bạn đang có khó khăn và bạn không đành lòng để mặc trong khi có thể giúp đỡ phần nào?
Hoàn cảnh mỗi người khác nhau, rất có thể người khác không có những trách nhiệm (hoặc có thể họ không muốn nhận trách nhiệm) bạn đang đứng ra gánh vác đâu.
Tôi nghĩ, tin rằng mình là nguyên nhân của tình hình tài chính không dư dả là một nguồn động lực, nhưng đôi khi chúng ta có xu hướng nhận tất cả mọi vấn đề về mình, đó lại trở thành gánh nặng về tâm lý khó lòng vượt qua. Điều tôi muốn nói ở đây là, để so sánh, ta cần đặt tất cả về cùng xuất phát điểm, cùng cách đo lường và hệ quy chiếu. Khi không thể làm như vậy, bạn đừng nên tự gán mọi điều chưa tốt cho mình, và tốt nhất là, đừng so sánh. So sánh – luôn là không công bằng, thậm chí nghiệt ngã với chính mình. Bạn, có thể đang làm rất tốt rồi.
2. SỢ MÌNH ĐANG LÀM KHÔNG ĐÚNG CÁCH.
Nỗi sợ thứ hai tôi muốn đề cập ở đây là khi đứng trước vô vàn những lời khuyên về tài chính, ta có thể rơi vào trạng thái mông lung, bất an, và cho rằng mình đang làm không đúng cách. Nhất là khi những lời khuyên ấy đôi khi lại mâu thuẫn với nhau.
Nên ghi chép chi tiêu đến từng đồng lẻ để kiểm soát “dòng chảy nhỏ” của tiền, hay chỉ cần quan tâm đến những khoản chi lớn cho đỡ mất thời gian?
Nên dùng thẻ tín dụng để tận dụng sự tiện lợi và những khoản “cash back” – tiền thưởng hay nên khóa toàn bộ thẻ để kiềm chế tâm lý chi tiêu “vô tội vạ”?
Nên tập trung vào tiết kiệm, ngay cả những khoản nhỏ, hay cứ chi tiêu để đảm bảo chất lượng sống tốt nhất có thể, và tập trung vào tìm cách kiếm thêm những nguồn thu nhập khác?
…
Trong khi đó, những lời khuyên và sách về tài chính cá nhân thường đều kết lại bằng câu: “Tuy có nhiều cách như vậy, nhưng lựa chọn cách nào là ở bạn, chỉ bạn mới hiểu rõ nhất về hoàn cảnh của mình, và điều phù hợp với mình cùng gia đình”.
Thật quá khó!
Tuy vậy, từ quan điểm của tôi, câu nói trên rất có lý, bởi vì chắc chắn không có một cách chung luôn đúng với tất cả mọi người. Và, sự khác biệt ở từng hoàn cảnh sẽ dẫn đến những sự lựa chọn phù hợp khác nhau. Tuy vậy, đứng từ vị trí một người cần được tư vấn về tài chính cá nhân, điều tôi cần là một hướng nào đó rõ ràng, có thể không đảm bảo 100% thành công, nhưng chí ít nó mang đến cho tôi niềm tin để bước tới trên con đường đó, thay vì cứ mãi đứng giữa ngã ba đường và lo sợ mình sắp chọn sai.
Để vượt qua nỗi sợ sai này, tôi có một số lời khuyên cho bạn – nếu bạn cũng như tôi trước kia, lạc lối giữa vô vàn lời khuyên, và luôn cảm thấy mình chọn cách nào cũng là chưa đúng:
- Hãy dành thời gian đọc và học thật nhiều, với tư duy mở, và đừng ngay lập tức tin tưởng 100% vào lời khuyên nào đó.
Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh vào những lời khuyên được khái quát thành một tư duy lớn nhưng dựa trên dẫn chứng về chỉ một ví dụ, tấm gương. Đây là cách viết khá thường thấy trong nhiều sách phát triển bản thân, đặc biệt là về tài chính. Tác giả kể một hoặc một vài ví dụ, sau đó dùng nó để đưa ra kết luận về một phương cách nào đó “chắc chắn sẽ giúp chúng ta thành công”. Ẩn ý phía sau cách dẫn dắt này là: Bạn nhìn thấy tấm gương này rồi chứ? Họ đã làm theo cách đó và thành công, vậy nếu bạn làm giống như thế, bạn cũng sẽ thành công.
Không! Điều này không khách quan. Đó có thể vẫn là một lời khuyên tốt, nhưng chỉ đủ tốt để chúng ta học hỏi, cân nhắc, và có thêm một cách tiếp cận. Không có một “cách tốt” nào có thể trở thành “cách phù hợp nhất” đối với hoàn cảnh của mỗi người ngay lập tức như vậy.
Dù vậy, nhưng tôi vẫn khuyên bạn nên học hỏi thật nhiều, từ sách, khóa học, và những người bạn tin tưởng, bởi chỉ khi biết thật nhiều, ta mới có sự liên hệ, kết nối, đánh giá và lựa chọn. Tiếp thu kiến thức với tư duy mở, cùng tư duy phản biện, nghĩa là sẵn sàng nghe mọi điều, nhưng không dễ dàng tin lời người khác mà không có so sánh, phân tích của chính mình, là cách tốt nhất để hình thành hiểu biết và những quan điểm về tài chính cá nhân thuộc về chính bạn.
- Dù chọn cách nào, cũng nên bắt đầu, và tự đưa ra hạn định để đánh giá và điều chỉnh, thay đổi nếu cần.
Trong quản lý dự án có một vòng lặp quan trọng, gọi là PDCA (Plan – Do – Check – Act), nghĩa là dù phương án là gì, khi đã cân nhắc về tổng thể và còn những băn khoăn nhỏ cũng hãy cứ mạnh dạn áp dụng, sau đó bạn luôn có cơ hội để điều chỉnh. Tư duy này giúp gạt bỏ những trở ngại về tâm lý khi bắt đầu.
Ví dụ, thay vì cứ băn khoăn liệu việc ghi chép chi tiêu mỗi ngày tới từng khoản nhỏ có thực sự hiệu quả không, có mất thời gian lắm không, bạn có thể áp dụng thử trong một tháng, thật chỉn chu đều đặn. Sau đó, nếu thực sự cảm thấy cách làm đó gây lãng phí thời gian và bạn chọn từ bỏ, bạn vẫn nhận được thành quả là sự chắc chắn về đánh giá từ trải nghiệm của mình. Ngược lại, nếu nó phù hợp, bạn sẽ có được một phương pháp đơn giản nhưng thực sự có thể giúp thay đổi tình hình tài chính của mình.
3. CÓ KHI NÀO BẠN SỢ TIỀN DƯ DẢ SẼ LÀM BIẾN ĐỔI BẢN CHẤT CỦA CHÍNH MÌNH, CÁC MỐI QUAN HỆ, VÀ KHIẾN HẠNH PHÚC LUNG LAY KHÔNG?
Thoạt đầu, bạn có thể cảm thấy hơi khó hiểu về nỗi sợ tôi vừa viết, nhưng tôi đảm bảo với bạn, đó là một nỗi băn khoăn có thật với rất nhiều người. Một số lý do của nỗi sợ tưởng chừng vô lý ấy:
- Với nhiều người, sự phân định về đạo đức đi liền với tiền bạc:
Điều này có lẽ bắt nguồn từ khi còn nhỏ với những câu chuyện cổ tích, quan điểm của ông bà cha mẹ, và các thông điệp tương tự từ xã hội. Người ta thường dễ thấy đồng cảm và tin vào bản chất tốt đẹp của con người trong hoàn cảnh thiếu thốn, và ngược lại, gán những tính xấu, ích kỷ, giảo hoạt cho người giàu. Từ những câu chuyện phú ông tham lam, người nông dân nghèo tốt bụng ngày xưa, cho đến những tấm gương về “học sinh nghèo vượt khó”, “trẻ em nhà giàu vượt sướng” trên mạng xã hội ngày nay. Thậm chí còn nhiều cách nói kiểu “chụp mũ” khi nói về những điều tiêu cực như: “lắm tiền nên mới vậy”, “sướng quá hóa rồ”, “giàu đổi bạn sang đổi vợ”…
Tôi thừa nhận, những vấn đề nêu trên có xảy ra trong xã hội, nhưng bản chất vấn đề không hề đơn giản như chúng ta thấy. Việc dựa vào các trường hợp không phổ biến để khái quát thành chân lý thể hiện một niềm tin rất hạn chế. Sự thực tôi thấy là đạo đức, tính cách của người được coi là túng bấn hoặc dư dả về tiền không gắn liền với nhau, xét trên phạm vi rộng. Đến chừng nào chúng ta tin rằng người nghèo hay người giàu không liên quan tới việc họ tốt hay xấu, chúng ta mới có thể quên đi cảm giác sợ hãi vô hình: nhiều tiền sẽ làm thay đổi bản chất và các mối quan hệ.
- Niềm tin sự chung thủy và hạnh phúc sẽ mất đi khi người ta dư dả về tiền bạc:
Có một thực tế là trên báo và các trang mạng hay “kể” những câu chuyện về hạnh phúc gia đình theo cách: hai vợ chồng gắn bó với nhau khi còn nghèo khổ, sau thời gian nỗ lực và gặp may mắn, hoàn cảnh của họ khá giả hơn, không còn phải quá lo lắng về tiền bạc, lại xảy ra ngoại tình, lừa dối… Đó có thực sự là mẫu số chung của cuộc sống không?
Từ góc nhìn cá nhân của tôi, câu trả lời là: KHÔNG. Bởi vì:
Thứ nhất, tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến gia đình lục đục không phải vì nhiều tiền, mà là do thiếu tiền. Khi thu nhập không đủ để lo cho cuộc sống, áp lực nợ nần, gánh nặng không thể san sẻ cho nhau, đó mới là lúc người ta bỏ quên tính cách dễ chịu, âu yếm, yêu thương, và thể hiện ra những cục cằn, cáu bẳn, cay nghiệt nhất của mình.
Thứ hai, biến đổi tính cách sau khi có nhiều tiền chỉ chiếm phần nhỏ, phần lớn hơn là do người đó bản tính thiếu chung thủy ngay từ đầu, hoặc tình cảm của cặp đôi đã có những mầm mống rạn nứt từ bên trong. Người có tâm tính không tốt, sẽ ngoại tình, phản bội bạn đời ngay cả khi họ rất nghèo. Con người không thể đổ lỗi cho tiền khi lựa chọn cách hành xử vô trách nhiệm.
Thứ ba, những tờ báo “lá cải” và mạng xã hội thích “câu like, câu view” thường đưa ra câu chuyện “giật gân”, bởi những điều bình yên không phải thứ dễ thu hút người đọc. Họ viết về một vài cặp vợ chồng nổi tiếng để làm dẫn chứng cho định hướng dư luận, nhưng ít khi đưa tin về nhiều triệu cặp đôi hạnh phúc, bởi điều đó chẳng có gì đặc biệt.
Vì thế, chúng ta hãy lựa chọn thông tin; đừng để bản thân mình vô thức vẽ nên bức tranh cuộc sống chỉ dựa vào một vài kênh coi số lượng click chuột của người đọc là mục tiêu tối thượng.
***
Nhận thức về những nỗi sợ trong vấn đề tài chính cá nhân là bước đầu tiên để phá vỡ những niềm tin giới hạn, trước khi đi đến bước tìm kiếm, phân tích, lựa chọn cách làm nào phù hợp với mình,
Cải thiện tình trạng tài chính cá nhân là một bài toán khó và dài hơi, nhất là khi ta có những khó khăn ở vạch xuất phát, từng gặp biến cố lớn, hoặc có mục tiêu sớm được nghỉ hưu. Việc tìm hiểu về suy nghĩ của chính mình (đôi khi trong vô thức) và những sự kiện trong quá khứ hoặc hiện tại ảnh hưởng tới suy nghĩ đó là bước đầu tiên để giải được bài toán vốn vừa khó, lại vừa mang tính cá nhân, khó áp dụng cách của người khác vào bản thân mình như những vấn đề liên quan đến tiền bạc.
Tôi hy vọng bài viết này hữu ích cho bạn. Hẹn gặp bạn trong những bài viết khác về chủ đề tài chính cá nhân và gia đình.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.