TẠI SAO TÔI CẦN CÓ METIME?
Năm 2020, tôi bắt đầu hành trình chinh phục bằng Thạc sỹ Executive MBA của Đại học Hawaii (Hoa Kỳ), khóa học gần hai năm. Trường có cơ sở đào tạo tại Hà Nội, thầy cô giáo bay từ Mỹ sang giảng dạy tập trung mỗi môn học khoảng 12-15 ngày. Trung bình mỗi tháng tôi học một môn, kèm theo lịch học trên lớp là vô số kiến thức cần tìm hiểu, bài luận cá nhân, bài tập nhóm và các dự án nghiên cứu thực tế trước và sau giờ học.
Tôi có công việc toàn thời gian và đã có gia đình với hai con nhỏ. Việc đi học vào thứ bảy, chủ nhật và buổi tối trong tuần khiến tôi kiệt sức nhanh chóng sau hai môn học đầu tiên. Hàng ngày tôi về tới nhà khi kim đồng hồ chỉ 10h đêm, mệt rã rời, cảm thấy trống rỗng không còn chút sinh khí để làm gì khác. Tôi thường lên giường đi ngủ trong tình trạng quá tải, đầu óc căng thẳng, thậm chí có phần trống rỗng. Ngày hôm sau lặp lại như thế, không hồi kết.
Tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra tình trạng này kéo dài không ổn. Lịch trình kín đặc mỗi ngày từ 6h sáng tới 11h đêm, luôn phải tập trung cao độ khiến tôi có cảm giác mất kiểm soát với chính cuộc sống của mình. Tôi biết, để đi được đường dài, tôi cần phải thay đổi điều gì đó. Tôi có thể làm ngay, đơn giản thôi, nhưng sẽ giúp tôi nhanh chóng lấy lại cân bằng.
Như một thói quen, tôi lên mạng tìm kiếm: “Cân bằng cuộc sống”, “Người bận rộn”, “Làm sao để đỡ mỏi mệt”… Những câu trả lời tôi tìm thấy loanh quanh trong mấy lời khuyên: Tắt thiết bị điện tử, không làm những điều không cần thiết, ăn đủ, ngủ ngon, nghỉ giải lao hợp lý… Nhưng thật sự là tôi còn chẳng có thời gian để mở Facebook, Youtube, website nào trong suốt cả ngày. Tôi làm gì cũng là việc bắt buộc phải làm. Và, vấn đề quan trọng là làm sao để ăn đủ ngủ ngon với một cái đầu căng thẳng, một cơ thể rã rời thì không thấy những bài báo ấy nói tới.
Tôi tuyệt vọng. Tôi sẽ phải làm sao để hoàn thành khóa học hai năm này, khi chỉ mới hai tháng đã muốn gục ngã?
Tôi đã tìm thấy Metime – nhờ Harry Potter!!!
Tôi vẫn thường nói vui như vậy khi kể về lần đầu tiên biết tới khái niệm Metime. Thật sự tôi đã được “cứu rỗi”! Trong ba năm qua, tôi không chỉ vượt qua những vất vả của một người mẹ vừa đi làm vừa đi học mà cùng lúc còn đạt được nhiều mục tiêu khác, trong khi vẫn mạnh khỏe về thể chất và bình yên trong tâm hồn.
Tôi vốn hâm mộ cuồng nhiệt bộ truyện Harry Potter từ mười mấy năm trước, sau này là series phim chuyển thể nổi tiếng do ba diễn viên đóng chính được đánh giá “như bước ra từ trang truyện”. Trong đó, tôi đặc biệt yêu thích Emma Watson, người đã thể hiện xuất sắc vai Hermione Granger – một trong hai người bạn thân nhất của Harry Potter.
Một lần khi đang đọc bài báo viết về Emma, tôi vô tình tìm thấy câu trả lời phỏng vấn rất thú vị khi cô được hỏi về tình trạng độc thân của mình. Cô nói: "I'm very happy [being single]. I call it being self-partnered". (Tạm dịch: Tôi rất hạnh phúc, tôi gọi đó là tự hẹn hò với chính mình).
Ngay lập tức, tôi bị thu hút và lần theo các bài viết khác xoay quanh chủ đề này. Ý nghĩa mở rộng của self-partner là sự tập trung vào chính bản thân, dành thời gian chăm sóc mình về thể chất, tinh thần và tâm lý. Từ đó chúng ta có thể tìm thấy sự cân bằng từ nội tại, không phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài hay bất kỳ ai khác.
Và đâu là cách tốt nhất, dễ nhất, đơn giản nhất để thực hành self-partner? Một câu trả lời mới lạ đến với tôi: Metime.
1 - Metime là gì?
Từ Metime vốn được viết rời “Me time”, nghĩa là quãng thời gian dành cho bạn làm bất kỳ điều gì bạn muốn mà không chịu sự thúc ép từ ai hay áp lực từ nhiệm vụ nào. Đây là một khái niệm mới, ngay cả ở tiếng Anh trong những năm gần đây thực sự mới được quan tâm, khi tình trạng mệt mỏi kiệt sức xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng có lẽ nổi bật là áp lực kinh tế, sự phát triển mạnh của mạng xã hội và những luồng thông tin vô tận trên Internet. Việc dành quá nhiều thời gian cho công việc, học tập, Internet cùng áp lực từ xã hội, gia đình và chính bản thân khiến nhiều người trẻ (trong đó có tôi) thường xuyên “quên mất” việc dành thời gian chất lượng để “sạc năng lượng” cho mình.
Nói một cách đơn giản, chúng ta có thói quen “nhìn ra ngoài” quá nhiều, mà quên mất cốt lõi của một cuộc sống an yên là “soi vào trong”. Nếu không chăm sóc tốt cho cơ thể, tinh thần, tâm lý, chúng ta đã vô tình bỏ quên thứ quan trọng nhất giúp mình đương đầu với cuộc sống đó là: Chính mình. Việc dành thời gian cho bản thân, cởi bỏ tất cả trách nhiệm, áp lực, chỉ đơn thuần làm những gì mình thực sự muốn làm luôn là cách “sạc pin” hiệu quả nhất.
2 - Nên dành Metime cho bản thân vào lúc nào?
Tùy vào hoàn cảnh của mỗi người, chúng ta đặt ra khoảng thời gian dành riêng cho bản thân vào những thời điểm khác nhau. Đó có thể là 30 phút dậy sớm, khi mọi người trong gia đình còn đang ngủ say; có thể là giờ nghỉ trưa ở nơi công sở; công ty; cũng có thể là buổi tối sau khi đã hoàn thành công việc của cả một ngày dài.
Mặc dù Metime có thể được đặt vào bất kỳ lúc nào trong ngày, trong tuần, trong tháng, theo bất kỳ tần suất nào tùy vào quyết định của mỗi người, nhưng tôi đúc kết rằng, tốt nhất là nên có Metime cho bản thân MỖI NGÀY. Bởi vì mỗi sáng thức dậy, thứ đang chờ đợi ta là rất nhiều nhiệm vụ chồng chất, hối hả từ gia đình tới công việc, nhưng chỉ cần một khoảng thời gian ngắn dành cho chính mình cũng giúp ta lấy lại cân bằng, nạp năng lượng, bình tâm và khỏe mạnh. Nếu trì hoãn việc này, năng lượng sẽ tụt xuống nhanh chóng và rất khó “nạp” lại khi đã quá mỏi mệt.
3 - Nên làm gì vào Metime?
Đây cũng là một câu hỏi không thể trả lời chính xác, chủ yếu phụ thuộc vào sở thích và hoàn cảnh của mỗi người. Chỉ có một chú ý quan trọng, đó là: chỉ làm những gì mình thực sự thích thú, thoải mái, “cho mình”. Vì tiêu chí này nên Metime của người này, lại không phù hợp với Metime của người khác.
Ví dụ chạy bộ, bạn chạy mỗi ngày vì biết điều đó tốt cho sức khỏe, phải “hô quyết tâm”, “vượt lười” để chạy, thì đó không phải Metime của bạn. Ngược lại, nếu bạn yêu thích việc vận động, luôn cảm thấy phấn khích, chờ đợi đến thời gian được chạy mỗi ngày, bạn tận hưởng niềm vui của hoạt động này thì thời gian chạy bộ chính là Metime của bạn.
Tôi nhận thấy hầu hết các bài viết về chủ đề này trên Internet thường gợi ý sử dụng Metime để thiền, tắm dưới vòi sen bằng nước ấm, tập yoga… Những điều này rất hữu ích, nhưng tôi nghĩ những hoạt động làm chúng ta vui vẻ, thoải mái, dễ chịu không chỉ bó hẹp như vậy. Nếu bạn thích đọc sách, được mải mê với một cuốn sách mới sẽ khiến bạn thấy an yên không kém gì thiền hay yoga. Nếu bạn thích vẽ, thích đàn, hay thêu thùa, Metime là cơ hội để bạn chìm đắm vào sở thích của mình, đôi khi đó còn là “sở thích bí mật” từ thời trẻ thơ mà cuộc sống với bao bề bộn lúc trưởng thành nên đã dễ dàng bị vùi lấp.
Tôi đã từng thấy có nhiều người thường làm trong những phút dành cho bản thân là viết. Viết bất kỳ điều gì bạn muốn, viết như để trút hết những tâm tư hỗn độn, hoặc sáng tác một câu chuyện mà chính bạn cũng không chắc có cho ai đọc không… Chỉ đơn giản viết khiến bạn cảm thấy vui thích thì chính là Metime của bạn.
Trong ba năm qua, tôi thường xuyên dành cho mình 30 phút vào buổi tối trước khi đi ngủ, sau khi hoàn thành tất cả công việc để làm những điều yêu thích, bất chấp tâm trạng lúc ấy thế nào. Tôi đọc sách, viết, học tập, hay đơn giản chỉ tắt đèn điện, bật lên ngọn nến ấm áp và ngồi ngắm ánh lửa bập bùng. Không có áp lực nào cả, bởi đó là Metime – thời gian duy nhất trong ngày chúng ta tự dành cho chính bản thân mình.
4 - Tôi học được gì sau ba năm dành cho mình 30 phút Metime mỗi ngày?
Metime đã thay đổi cuộc đời tôi! Tôi có thể tự tin mà nói vậy. Là người mẹ của hai đứa trẻ, vừa đi làm vừa đi học tất bật tới mức “bước đi như chạy, chân không chạm đất”; triền miên sống trong trạng thái hối hả không hồi kết và luôn có cảm giác bị mất kiểm soát với cuộc sống, Metime đã giúp tôi tìm lại sự cân bằng, bình tĩnh, an yên. Tôi đã học hỏi được rất nhiều sau những năm thực hành Metime, và đây là ba điều nổi bật nhất:
Chúng ta dễ tìm ra niềm vui khi thực hành Metime nhưng không có công thức chung cho tất cả mọi người.
Tôi tìm hiểu về Metime hồi đầu chủ yếu trên các trang blog viết bằng tiếng Anh. Ở đó có rất nhiều người chọn cách ngồi thiền. Đúng là thiền rất tốt cho sức khỏe thể chất, tinh thần và tôi đã hăm hở đặt mục tiêu thiền 30 phút ngay trong lần đầu tiên. Kết quả, tôi bỏ cuộc khi chưa qua được nửa thời gian.
Sau này tôi mới hiểu, mỗi người đều muốn tận hưởng cuộc sống, tìm thấy cảm giác an yên và thoải mái trong những cách làm khác nhau. Tôi chưa thiền bao giờ, việc đặt mục tiêu 30 phút rõ ràng không hợp lý. Mặc dù dần dần trở nên thích thú và thoải mái hơn, tôi vẫn chỉ thiền ngắn khoảng 5-10 phút rồi làm việc khác. Có hôm ham viết hoặc mải mê đọc sách quá, thậm chí tôi không thiền nữa. Không sao cả, đó là thời gian của riêng tôi. Không áp lực, không khuôn mẫu, không nặng nề mục tiêu.
Có hôm mượn hộp màu của con, tôi vẽ nguệch ngoạc một bức tranh trên tờ giấy A4, tô kín những mảng xanh đỏ, trong đầu hoàn toàn không có suy nghĩ nào về việc sẽ dùng bức tranh đó làm gì, có cho ai xem không, hay tranh đó có ý nghĩa gì. Tôi thấy stress, và bỗng nhiên tôi muốn vẽ. Chỉ vậy thôi. Khi bức tranh thành hình cũng là khi những rối bời trong đầu óc tôi đã được trút xuống rồi tan biến.
Đó chính là ý nghĩa thực sự của Metime.
Tôi (và bạn) luôn có thể tìm ra khoảng thời gian cho chính mình.
Cuộc sống rất bận rộn với hàng tá công việc có tên và không tên từ sáng sớm đến tối khuya, thậm chí len lỏi cả vào trong giấc ngủ. Từ bao giờ, câu cửa miệng của chúng ta luôn là “mình bận lắm”. Nhưng nếu cơ thể, tâm trí, và cảm xúc của tôi hay bạn không được chăm chút, thì chúng ta sẽ không có “vốn liếng” để tiếp tục bươn chải và hoàn thành tất cả những công việc ấy.
Quyết tâm dành ra 30 phút Metime mỗi ngày, tôi nhận ra việc đó dễ hơn tôi tưởng rất nhiều. Nếu đã xác định 22h30 tới 23h mỗi tối là khoảng thời gian dành cho mình, trước lúc ấy, bạn hãy dừng lại tất cả mọi việc. Hãy đặt ưu tiên, lựa chọn, tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác, làm mọi điều để có được 30 phút ngắn ngủi nhưng đầy quyền năng đó cho riêng mình. Đừng nghĩ: 23h mình sẽ đi ngủ. Hãy “đặt lịch” lại: 22h30 mình sẽ kết thúc một ngày vất vả. Tôi đã làm được, và tôi tin bạn chắc chắn cũng vậy.
Tôi, bạn và ai nữa trong chúng ta cũng chỉ có 24 giờ trong ngày như nhau, để có cuộc sống hiệu quả và cân bằng, tôi tin rằng chìa khóa không phải cố làm càng nhiều càng tốt mà cần ưu tiên, lựa chọn, sắp xếp, nhất là đừng quên thời gian để “sạc pin”. Chúng ta mong manh hơn tưởng tượng, vậy nên hãy đối tốt với bản thân, bắt đầu bằng 30 phút an yên mỗi ngày.
Metime giúp chúng ta tìm lại chính mình, chữa lành thương tổn, và phát triển năng lực bản thân.
Ban đầu tôi tìm đến Metime chỉ với hy vọng sẽ vượt qua được cảm giác mệt mỏi, quá tải, mất kiểm soát do cùng lúc làm quá nhiều việc. Vì thế tôi viết, uống trà nóng, thiền mỗi ngày. Dần dần, tôi phát hiện ra có những điều khác cũng khiến mình thoải mái vui vẻ và có thể làm trong Metime. Tôi đọc bất kỳ cuốn sách nào khiến mình thấy thích thú, không câu nệ sách về chủ đề gì, liệu có hữu ích, tương đồng với công việc đang làm hay không. Thật không ngờ, chính sự lựa chọn có phần “phóng khoáng”, hoàn toàn dựa vào cảm hứng này đã giúp tôi tìm thấy những cuốn sách “để đời”, gối đầu giường, thậm chí làm thay đổi tư duy và quan niệm trong cuộc sống.
Tôi học trong Metime. Nghe thật vô lý, nhưng có những chứng chỉ quốc tế tôi thấy phấn khích khi được học, được tìm hiểu, được nghiên cứu. Không ai bắt tôi học, tôi cũng không có mục tiêu phải thi được để tăng lương hay chuyển việc, tôi học vì thực sự vui thích. Có thể vì học với tâm thế đó, tôi tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Trong hai năm học MBA, tôi không những hoàn thành tốt chương trình mà còn thi được thêm ba chứng chỉ quốc tế, trong đó có một chứng chỉ rất khó – cấp độ cao nhất dành cho quản lý dự án chuyên nghiệp. Tất cả, đều đến từ Metime.
THAY LỜI KẾT
Một sự thật thú vị là những trang viết của blog này cũng đến từ những phút Metime của tôi mỗi ngày. Ban đầu tôi chỉ viết cho vui, để chữa lành, để trút bớt những hỗn độn trong tâm trí. Sau nhiều thay đổi, tôi dần dần đưa các bài viết của mình đến với cộng đồng như một cách để chia sẻ hành trình của bản thân.
Tôi mong độc giả của mình sẽ đọc những trang viết này trong Metime của các bạn. Có lẽ bởi tôi luôn hy vọng bạn sẽ thấy vui vẻ, bình an, và có cảm giác được chia sẻ bằng những dòng chữ của mình. Đó cũng chính là một trong những động lực thúc đẩy tôi xây dựng blog nhỏ này: Giúp bạn đọc “sạc năng lượng”, học thêm được những điều thú vị, hay chỉ đơn giản là thấy thoải mái, vui vẻ hơn một chút khi dừng chân nơi đây.
Tôi mong bạn sẽ có những khoảng thời gian Metime chất lượng, đều đặn, và ý nghĩa trong hành trình mỗi ngày; mong bạn luôn tràn năng lượng và sự an yên, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.
Tặng bạn một câu nói tôi rất thích của Công nương Diana: “Every one of us needs to show how much we care for each other and, in the process, care for ourselves.” (Tạm dịch: Tất cả chúng ta đều cần thể hiện chúng ta quan tâm tới nhau như thế nào, và trên hành trình đó, đừng quên chăm sóc chính mình).
Tôi chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.