Động lực vô cùng quan trọng để thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước, đặc biệt cho những mục tiêu phát triển bản thân. Động lực đến từ đâu? Vì sao chỉ sau một thời gian ngắn, chúng ta lại nhanh chóng mất động lực. Và, để đạt được những mục tiêu mình muốn, chúng ta cần gì, ngoài động lực?
Trong công việc và cuộc sống, người ta thường tìm kiếm động lực với kỳ vọng có động lực, sẽ giúp mỗi người dám dấn thân, quyết liệt theo đuổi và đạt được mục tiêu nào đó. Chính tôi, trong một vài thời điểm, từng lên Internet tìm kiếm với từ khóa: “làm sao để có động lực?”, “tại sao mất động lực?”, “cách duy trì động lực”…
Sau khi sinh con đầu lòng, nhiệm vụ làm mẹ vất vả khiến tôi không có năng lượng và thời gian để nghĩ đến điều gì khác. Kinh tế gia đình tôi khi ấy khá ổn định, mỗi ngày trôi qua với tôi đều đều, có lúc mệt mỏi, cũng có khi được nhẹ nhõm. Trong lòng tôi mơ hồ cảm nhận được sự trì trệ của bản thân nhưng dưỡng như lại cũng tận hưởng, dung túng cho sự trì trệ ấy, dù sâu thẳm trong lòng, tôi biết mình không phải mẫu người yêu thích sự nhàn hạ và sống phụ thuộc vào chồng. Tôi biết mình có khả năng, (đã từng) nhiều hoài bão, phần nào đó trong tôi muốn thay đổi, muốn bắt đầu lại một hành trình, nhưng có gì đó lại luôn trì hoãn, níu kéo, dỗ dành tôi hãy bằng lòng với hiện tại, quên đi nhiều mong muốn, và nuôi hy vọng mọi thứ rồi sẽ luôn yên ổn như thế. Đó là lúc, tôi loay hoay tìm kiếm động lực cho mình.
Trong bài viết này, tôi đưa ra những khía cạnh về động lực dựa trên những hiểu biết và trải nghiệm của chính mình. Tôi đã nhiều lần tìm kiếm, tìm thấy, đánh mất, và rồi khơi lại được động lực trong cuộc sống.
1 – ĐỘNG LỰC ĐẾN TỪ ĐÂU?
Với tôi, trước đây động lực thường chỉ xuất hiện trong hai trường hợp:
Thứ nhất, khi tôi gặp ai đó hoặc đọc được điều gì truyền cảm hứng, trong tôi bỗng trào lên mong muốn được đặt mục tiêu, phấn đấu với niềm khát khao hoàn thành, hoặc ở một mốc thời gian đặc biệt, dễ phát sinh động lực. Ví dụ, tôi thường “ngùn ngụt khí thế” mỗi dịp cuối năm, tự tổng kết và lập kế hoạch cho năm mới. Sự thực, mặc dù công việc không tiến triển nhiều như dự tính, nhưng bản kế hoạch của ngày đầu năm tràn trề động lực đã giúp tôi rất nhiều.
Thứ hai, khi tôi rơi vào một nghịch cảnh, bắt buộc phải thay đổi và đứng lên. Nhìn lại, có lẽ bước ngoặt khiến tôi từ một cô gái vô tư, trở thành người kiên định, chăm chỉ, và rồi hoàn toàn tin vào chính mình là sau biến cố gia đình gặp phải khi tôi đang học đại học. Bỗng chốc, từ một sinh viên, tôi trở thành trụ cột gia đình. Động lực của tôi khi ấy là bố mẹ, em trai, gia đình cần tôi gánh vác. Đó là nghịch cảnh, là khó khăn, nhưng đồng thời tạo ra động lực lớn hơn bao giờ hết, thúc đẩy tôi tiến về phía trước mà không cho phép bản thân một lần chùn bước hay ngoảnh lại tiếc nuối bất cứ điều gì.
Sau này, khi theo học chương trình MBA, được dạy bài bản về động lực trong các môn học quản trị, mình mới biết động lực đến từ hai nguồn chính:
- Động lực từ bên ngoài (Extrinsic motivation): Đây là những động lực khiến chúng ta muốn làm được, hoàn thành tốt điều gì đó để đạt được phần thưởng từ người khác, từ xã hội. Ví dụ như cố gắng làm việc và kiếm tiền với mong muốn bằng bạn bằng bè; làm việc chăm chỉ vì cảm giác hạnh phúc, thành tựu khi được lãnh đạo khen ngợi; nỗ lực học tập vì muốn được thầy cô, bạn bè và gia đình thừa nhận năng lực…
- Động từ bên trong (Intrinsic motivation): Đây là động lực đến từ chính bản thân mỗi người, khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, thỏa mãn khi làm điều gì đó. Ví dụ, mình viết, lý do đầu tiên không phải vì cố gắng để được ai đó khen ngợi hay thừa nhận, mà bởi mình cảm thấy vui khi làm việc đó. Con gái mình có sở thích tái chế quần áo cũ, cắt ra và khâu lại thành đồ dùng mới, như túi đựng bút chẳng hạn. Con luôn thích thú, cố gắng làm vào những khoảng thời gian rảnh rỗi với “tay nghề” ngày càng thành thạo. Đó là biểu hiện của động lực bên trong.
Đôi khi, cùng một hành động, cũng có thể xuất phát từ cả hai nguồn động lực: bên trong và bên ngoài. Ở công ty mình, việc học tập được đầu tư rất lớn. Công ty tổ chức những khóa học chuyên môn, mời giảng viên về dạy, tài trợ chi phí cho nhân viên. Vì thế, rất nhiều bạn chăm chỉ học, nhưng với động lực khác nhau. Có bạn học vì muốn được lãnh đạo ghi nhận, thêm hiểu biết sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hoặc tăng lương. Các bạn này sẽ tập trung học những khóa rất sát với dự án đang làm.
Nhưng ngược lại, cũng có những bạn học vì quan tâm, muốn thêm hiểu biết về vấn đề đó. Bởi vậy, trong những lớp hướng dẫn pha chế hay làm đồ thủ công, lúc nào cũng đông kín, không kém gì các lớp học chuyên môn.
Có bạn học chuyên môn, nhưng không đặt mục tiêu nhất định phải đỗ chứng chỉ, học bởi muốn có thêm hiểu biết mà thôi; hoặc bạn tin khóa học sẽ giải đáp một vài câu hỏi khó nhằn bạn gặp trong công việc, đó cũng là động lực từ bên trong.
Bạn sẽ hỏi, trong hai nguồn động lực này, nguồn nào quan trọng hơn? Có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng mình cho rằng, cả hai đều quan trọng, nếu có phía nào “nhỉnh hơn” thì mình tin đó là động lực từ bên trong.
Thực tế, chúng ta dễ tìm thấy động lực từ bên ngoài hơn. Sự thừa nhận của xã hội và những cơ hội đến từ đó, luôn có sức quyến rũ mạnh mẽ. Nhưng, xét về sự bền bỉ, động lực từ bên trong sẽ thúc đẩy chúng ta tốt hơn. Bởi vì, động lực từ bên ngoài luôn thay đổi và chúng ta không kiểm soát được. Bên ngoài mang đến động lực, đồng thời cũng có thể mang đến tác động tiêu cực và sự xao lãng. Nhưng nếu có được động lực bên trong, ta dễ dàng quay trở lại “trục” của mình, không dễ bị phân tâm.
Động lực bên ngoài như cơn gió, động lực bên trong như kim chỉ nam. Cả hai đều quan trọng cho một cuộc hành trình. Tuy vậy, cơn gió có thể đẩy ta về phía trước, cũng có thể khiến ta chệch hướng. Còn la bàn, luôn chỉ ta đi một con đường đúng.
2 – TÌM KIẾM VÀ SỬ DỤNG ĐỘNG LỰC NHƯ THẾ NÀO?
Từ sự so sánh phân tích về hai loại động lực, câu hỏi tiếp theo của chúng ta là: Phải tìm động lực ở đâu? Hay, làm gì khi mất động lực?
Dưới đây là một vài gợi ý, những bài học này đều đến từ thực tế trải nghiệm “xương máu” của mình. Nó hiệu quả với mình, vì thế, ở chừng mực nào đó có lẽ cũng sẽ hiệu quả với bạn.
- Xây dựng thói quen đọc sách:
Trong cuốn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của tác giả Rosie Nguyễn, mình nhớ một câu quan trọng: “Nếu chỉ được chọn duy nhất một điều để nói với phiên bản trẻ hơn của chính mình, mình sẽ nói: Hãy đọc nhiều sách”.
Sau nhiều năm, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, sự nghiệp, và quá trình phát triển bản thân, mình đã rút ra một kết luận đó là: Giai đoạn nào mình dừng lại thói quen đọc sách, mọi khía cạnh của con người mình đều “đi xuống”. Và ngược lại, những giai đoạn mình đọc sách đều, dường như luôn có những điều tốt đẹp xuất hiện.
Những hiểu biết từ sách giúp mình có thêm động lực và định hướng cho những dự định của mình. Hơn nữa, những cuốn sách giúp mình bình tâm, trí não ở trạng thái “động” và tư duy liên tục nên mình nhạy cảm hơn trước những cơ hội. Với thói quen đọc sách, bạn sẽ luôn được truyền động lực, từ những gì trong sách, và từ chính bạn của phiên bản chăm chỉ, hiểu biết, và cầu thị.
- Ở gần những người tích cực và tránh xa (hoặc hạn chế) giao tiếp với người nhiều năng lượng tiêu cực:
Có những người, gặp ai cũng kêu ca than vãn, nhìn cuộc sống chỉ thấy bất công, bế tắc, như thể cả thế giới hợp lực chống lại họ… Nhưng cũng có người khi ở bên cạnh họ, bạn luôn cảm thấy được truyền năng lượng tích cực, đầy nhiệt huyết, thoải mái, bĩnh tĩnh ứng phó với mọi điều xảy ra. Nếu được chọn, bạn muốn ở bên cạnh ai? Chắc hẳn là người tích cực. Nhưng thực tế, chúng ta lại thường ở bên người tiêu cực. Chuyện kỳ lạ đó lại thường xảy ra bởi vì, người mang suy nghĩ tiêu cực luôn có xu hướng đi tìm và nói chuyện với rất nhiều người để “xả” ra những bức bối trong lòng họ. Vì thế, chúng ta thường phải tiếp xúc với họ mỗi ngày một cách “thụ động”. Và vì đôi chút “cả nể”, đồng cảm, chúng ta dễ dàng dành hàng tiếng đồng hồ nghe họ nói. Ngược lại, nói chuyện với họ ta có cảm giác dường như đang được an ủi, vì người đó nói ra rất nhiều điều chính mình gặp phải.
Sự trao đổi, chia sẻ trong cuộc sống giữa người thân, đồng nghiệp, bạn bè là lẽ đương nhiên. Cũng không có ai, dù là người lạc quan nhất, luôn luôn chỉ nói điều tích cực. Nhưng dành quá nhiều thời gian và quá thường xuyên với những người luôn luôn truyền năng lượng tiêu cực, sẽ khiến ta vô tình rơi vào vòng xoáy của tư duy này.
Bạn sẽ được lan truyền năng lượng tích cực nếu ở bên một người bạn hài hước, một đồng nghiệp thông thái, hoặc blogger, youtuber đem lại những bài học hay hoặc tinh thần lạc quan. Chỉ có sự thoải mái, và tin tưởng rằng trên đời còn nhiều người tốt, nhiều cơ hội, nhiều con đường để phát triển bản thân, mới khiến chúng ta thực sự nắm lấy tương lai của mình.
Hãy rà soát các mối quan hệ, nghĩ lại xem mỗi ngày bạn dành thời gian cho 5 người nào nhiều nhất, và họ mang lại cho bạn năng lượng tích cực hay tiêu cực, từ đó điều chỉnh cách giao tiếp của mình. Mỗi câu chuyện, lời nói, quan điểm của ai đó đến với bạn như một dòng nước, có dòng trong, cũng có dòng đục. Lựa chọn dòng nước nào tưới tắm cho cuộc sống của mình, phụ thuộc vào quyết định của bạn. Và đó là một quyết định mang tính dẫn dắt tất cả.
- Bất cứ khi nào cảm thấy mất phương hướng, hãy lắng nghe chính mình. Điều này tưởng như hiển nhiên, nhưng lại khó thực hiện và hay bị chúng ta hay “bỏ quên” nhất. Chẳng thế mà dù yêu thích viết đến vậy, tự viết mấy chục năm, nhưng phải đến 33 tuổi, mình mới lần đầu lựa chọn viết trở thành một động lực phấn đấu của mình.
Tại sao lại như vậy? Có lẽ một phần do nền giáo dục vốn vẫn hướng đến mục tiêu “đồng bộ” tất cả những đứa trẻ, mang tính cách, năng lực, sở thích hoàn toàn khác nhau, nhưng được giáo dục với mục tiêu, cách thức, và áp lực y hệt nhau. Nhiều năm như vậy, những đứa trẻ (như mình) lớn lên vô tình quên đi phản xạ tự hỏi: Mình muốn gì? Ao ước gì? Mình có thích điều này không? Mình có thoải mái với định hướng này không?
Quy chuẩn xã hội, kỳ vọng của gia đình, phương pháp giáo dục “trăm người như một” đã từng ngày, bào mòn sự chú ý của chúng ta dành cho bản thân. Từ đó, không còn đánh giá cao những gì xuất phát từ ý kiến và sở thích cá nhân, so với những áp lực và yêu cầu từ bên ngoài. Nhưng từ trải nghiệm của mình, mình tin rằng những gì xuất phát từ chính mình mới là điều quan trọng nhất, và mang tới động lực bền vững nhất.
3 – SAU ĐỘNG LỰC, LÀ GÌ?
Động lực quan trọng, nhưng nếu chỉ có động lực, rất khó để chúng ta đi tới đích. Hai điều cần thiết bên cạnh động lực, đó là kỷ luật và thói quen. Mình thường nghĩ, động lực giống như một cú hích, giúp ta có cơ hội thắng được “quán tính” là sự trì trệ và nỗi sợ hãi, để bắt đầu một điều gì đó. Nhưng động lực cũng sẽ tắt rất nhanh, nếu ta không có nguồn năng lượng khác để duy trì.
Bản kế hoạch đầu năm vạch ra có thể rất bài bản, nhưng phần lớn sẽ “nguội dần” chỉ sau một vài tuần. Sau ba tháng, những người vẫn theo đuổi kế hoạch đó chặt chẽ còn ít hơn. Đến cuối năm, nhiều người thậm chí quên hẳn mình đã dự định những gì trước đó 12 tháng. Đó mới chỉ là kế hoạch của một năm. Nhưng, để giữ chúng ta đi thẳng hướng, cần những mục tiêu xa hơn nữa, trong 5 năm, 10 năm. Làm sao để sau vài năm nhìn lại, ta thực sự thấy mình đã tiến về phía trước, thay vì cảm thấy hẫng hụt bởi dường như mình vẫn giậm chân tại chỗ?
Tỷ phú Bill Gates từng nói: “Hầu hết mọi người đánh giá quá cao những gì họ có thể làm trong một năm và đánh giá quá thấp những gì họ có thể làm trong mười năm”.
Mình tin rằng, điều giúp chúng ta có được thành quả sau mười năm, không chỉ là động lực. Quan trọng hơn, đó là phải xây dựng được những thói quen tốt và duy trì được kỷ luật ngay cả khi không có ai thúc giục. Dưới đây là một vài gợi ý của mình, hy vọng giúp được bạn phần nào.
- Lưu ý khi xây dựng thói quen:
+ Không nên cố gắng xây dựng thật nhiều thói quen mới cùng lúc. Chúng ta chỉ nên có thêm một thói quen mới, tập trung vào nó. Sau khi đã biến thói quen đó trở thành một phần cuộc sống hàng ngày và thực hiện nó gần như không cần nỗ lực, bạn hãy bổ sung tiếp thói quen khác. Đừng nóng vội, chỉ cần có thêm một thói quen tốt, chúng ta đã tiến bộ nhiều và đạt được nhiều thay đổi đáng kể trong cuộc sống rồi. Nếu nóng vội theo đuổi đồng thời nhiều thói quen mới, khả năng rất cao là chúng ta sẽ bị “kiệt sức” trước khi trở nên thành thạo chúng. Thói quen, nghĩa là sự đầu tư dài hạn. Điều chúng ta cần ở thói quen là sự thành thạo, “ăn khớp” với cuộc sống hàng ngày.
+ Có những thói quen có thể tác động lớn đến toàn bộ cuộc sống như: dậy sớm, ăn uống lành mạnh, tập thể dục... Nghĩa là, chỉ với một thói quen sẽ dẫn chúng ta đến chỗ có động lực và điều kiện thể chất, thời gian cho những thói quen lành mạnh khác. Vì thế, chúng ta nên ưu tiên xây dựng các thói quen này trước, làm nền tảng cho những thói quen tiếp theo.
+ Khi lựa chọn một thói quen nào đó làm mục tiêu, bạn nên chọn phương án thực hiện đơn giản nhất, ít phụ thuộc vào người khác nhất, không cần đầu tư nhiều tiền bạc và không làm xáo trộn quá lớn đến cuộc sống hiện tại. Bởi muốn duy trì lâu dài, mọi thứ phải đơn giản và dễ thực hiện nhất có thể.
- Lưu ý khi áp dụng kỷ luật bản thân:
+ Tự ép mình vào một nhiệm vụ hoặc khuôn khổ nào đó là một điều không hề dễ dàng. Vì thế, bạn đừng nên trách móc bản thân vì đâu đó chưa kỷ luật được như mong muốn. Sau vài lần quyết tâm “cai nghiện facebook”, tập trung ôn thi nhưng không thành, bạn có thể cảm thấy chán nản, tự trách và thất vọng về bản thân. Những cảm xúc tiêu cực đó không giúp được gì, chỉ càng khiến bạn tin rằng bản thân không có khả năng giữ kỷ luật mà thôi. Chính mình, sau 10 lần quyết tâm, chỉ có 2-3 lần thành công. Bạn không cô đơn đâu!
+ Để áp dụng được kỷ luật bản thân, bạn cần một “cái neo”. Có thể đó là một người mentor, hoặc một người sẵn sàng nhắc nhở khi bạn xao lãng, hay một cuốn sách đã truyền cảm hứng cho bạn, một tờ giấy bạn viết ra mục tiêu và dán trước bàn làm việc… Mỗi ngày, hoặc mỗi tuần, đều kết nối lại với “cái neo” này, điều đó rất có ích, giúp bạn không từ bỏ những gì mình đã bắt đầu.
Xây dựng thói quen và áp dụng kỷ luật bản thân, sẽ có những thời điểm ta bị “lỡ”, cắt đứt chuỗi liên tục của một hoạt động nào đó bởi cuộc sống luôn có những bất ngờ, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch. Lúc đó, bạn nên bỏ qua những “chỗ trống” và tiếp tục. Ví dụ, khi muốn xây dựng thói quen dậy sớm, chỉ cần một vài ngày không thực hiện được vì lý do nào đó, chúng ta thường đánh mất luôn “gia tốc” đang có vì cảm thấy quá trình không còn hoàn hảo.
Một hình ảnh tương tự thường được so sánh với hiện tượng này đó là “đôi giày dính bùn”. Một đôi giày mới mua, còn sạch sẽ tinh tươm, người sử dụng thường có ý thức giữ gìn, lau chùi ngay khi có một vết bẩn nhỏ. Nhưng nếu đôi giày đó dính bùn, dù chỉ một lần, ý thức và phản xạ giữ gìn sẽ biến mất. Và từ đó, đôi giày thường xuyên bẩn, càng ngày càng bẩn. Thực tế, mặc dù không thể hoàn hảo, nhưng nếu vẫn được giữ gìn, đôi giày chắc chắn vẫn ở tình trạng tốt hơn nhiều so với khi bị bỏ mặc.
Thói quen hay kỷ luật bản thân cũng vậy, đó là một quá trình lâu dài. Không nên vì chệch choạc trong một vài thời điểm trở thành lý do để dần dần từ bỏ luôn những điều mình đang xây dựng.
THAY LỜI KẾT
Mình tin rằng, động lực – thói quen – kỷ luật là ba cột trụ quan trọng giúp chúng ta đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. Động lực dành cho những “cú hích”, những mốc thời gian quan trọng, mang tới cảm hứng và quyết tâm, nói cách khác, là để bắt đầu. Kỷ luật và thói quen luôn hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Thói quen có ảnh hưởng lớn hơn đến cuộc sống trong một thời gian dài, như tập thể dục, dậy sớm, đọc sách; trong khi đó kỷ luật có tác động nhiều hơn đối với các mục tiêu khó và ngắn hạn, ví dụ như một mục tiêu công việc, học tập…
Nhiều người thường đặt ra câu hỏi: “Làm sao để có động lực? Làm sao để duy trì động lực”… Nhưng điều mình muốn nhấn mạnh qua bài viết này đó là: tuy quan trọng, nhưng động lực chỉ có ý nghĩa và phạm vi ảnh hưởng riêng của nó. Ngoài động lực, chúng ta cần xây dựng những thói quen tốt, và rèn luyện kỷ luật bản thân. Đó mới là ba cột trụ vững chắc và cần thiết giúp chúng ta đạt được những mục tiêu trong cuộc sống.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian cho bài viết này, chúc bạn một ngày vui và tràn đầy cảm hứng!
Tố Uyên.