NHỮNG BÀI HỌC VỀ LÃNH ĐẠO TỪ BỘ PHIM DR. ROMANTIC (NGƯỜI THẦY Y ĐỨC)
“Ai cũng có câu chuyện “khi tôi bằng tuổi cậu” của riêng mình. Tôi sẽ không đứng đây hôm nay nếu không có những trải nghiệm đó. Vậy nên, hãy ghi nhớ trong đầu nhé.
Đúng vậy! Bộ phim hay nhất mình từng xem về lãnh đạo – leadership, không có một tập đoàn khổng lồ hay công ty đa quốc gia, không phải về những người có chức vụ viết tắt được bằng vài chữ cái như CEO, COO… cũng không có những cuộc làm ăn, ký hợp đồng, họp đội nhóm như mọi người thường tưởng tượng khi nhắc tới cụm từ “lãnh đạo”.
Không! Đây là một bộ phim y khoa, xoay quanh các bác sỹ ở một bệnh viện nhỏ vùng nông thôn. Và, biểu tượng của tất cả những gì tinh túy nhất từ chữ “lãnh đạo” mà mình học được, là từ một người đàn ông trung niên – bác sỹ phẫu thuật – một người thầy.
Và đây là những bài học lớn nhất về một người lãnh đạo thực thụ mà mình có thể hình dung – tất cả đều được thể hiện qua nhân vật Bác sỹ Kim Sa Bu (sư phụ Kim) trong bộ phim đã sản xuất tới 3 phần – “Người thầy y đức” (Dr. Romantic).
Sống và làm việc có nguyên tắc – Luôn giữ vững nguyên tắc ấy dù trong hoàn cảnh nào.
Bác sỹ Kim Sa Bu luôn đặt bệnh nhân lên trên hết, nếu ai đó mang sức khỏe và tính mạng bệnh nhân ra để làm quân bài trao đổi chính trị, hoặc một bác sỹ nào đó xao lãng việc chăm sóc bệnh nhân vì bất cứ lý do gì, đều sẽ phải nhận sự chỉ trích và “chỉnh đốn” ngay lập tức, thậm chí “tuyên chiến” không hề nao núng.
Ông đã nói với học trò của mình khi cậu phá bỏ nguyên tắc nghề nghiệp, không chụp cắt lớp, không kiểm tra kỹ tiền sử bệnh của bệnh nhân trước khi phẫu thuật: “Đã là nguyên tắc, phải bất di bất dịch trong mọi hoàn cảnh. Thay đổi ý kiến dựa theo con người và hoàn cảnh đâu phải nguyên tắc, mà là cái cớ. Cậu không được bẻ cong nguyên tắc theo tình hình”.
Việc giữ vững những nguyên tắc cốt lõi liên quan tới đạo đức nghề nghiệp, và ứng xử linh động ở những vấn đề nằm ngoài nguyên tắc này là một nghệ thuật khó khăn đối với mỗi người, dù ở vị trí nào trong công việc và cuộc sống, không chỉ những người lãnh đạo.
Tìm thấy mặt tốt đẹp ở mỗi người xung quanh, và hỗ trợ để họ phát huy mặt tốt đẹp ấy.
Một đặc điểm chung ở những người học trò, đồng nghiệp của thầy Kim ở cả 3 phần phim đó là: Những con người ấy khi mới đến cạnh thầy, đầy những vết sẹo quá khứ, chua chát với cuộc đời, và bộc lộ những phần tính cách tổn thương nhất của mình.
Họ cãi cọ, ghen tức, khó chịu với thầy và những người xung quanh. Có người thậm chí… đánh luôn cả thầy! Nhưng thầy Kim, luôn nhìn tất cả với ánh mắt bao dung bởi thầy tin rằng họ chỉ đang có chút lầm đường, “giơ nanh vuốt” bởi bản năng phòng vệ sau rất nhiều biến cố đau khổ của cuộc đời.
Ở bên thầy, dần dần họ được khích lệ, động viên, nhìn nhận sau mỗi thành công nhỏ bé. Một cậu bác sỹ trẻ từng bỏ làm đi… chơi điện tử, đến một ngày cậu dám đứng trước họng súng của kẻ gây rối để bảo vệ bệnh nhân mà chính cậu vừa vất vả cứu lại từ tay tử thần. Sau đó, bác sỹ Kim đã nói với cậu:
“Ai cũng có câu chuyện “khi tôi bằng tuổi cậu” của riêng mình. Tôi sẽ không đứng đây hôm nay nếu không có những trải nghiệm đó. Vậy nên, hãy ghi nhớ trong đầu nhé. Hôm nay sẽ là một trong số những câu chuyện “khi tôi bằng tuổi cậu” của cậu đấy”.
Kiên định – là chiếc “neo” cho cả tập thể khi đứng trước sóng gió.
Bệnh viện Doldam mà thầy Kim làm việc, từng có lần rơi vào nguy cơ bị đóng cửa do chỉ đạo vô lý của cấp trên. Trong khi tất cả mọi người hoang mang, buồn chán, thậm chí không muốn làm công việc của mình, thầy đã nói:
“Tôi đây, không định để bệnh viện đóng cửa. Giống như hôm qua, tôi sẽ ở đây hôm nay rồi đến ngày mai, chờ những bệnh nhân đang cần tôi giúp đỡ. Đó là quyết định của tôi. Thế nên là, cứ làm việc bình thường như chúng ta vẫn làm, tập trung vào bệnh nhân”.
Sau tình huống này, người học trò của thầy đã có một dòng suy ngẫm mà mình tâm đắc: “Sự kháng cự mạnh mẽ nhất thế giới là ngoan cường hoàn thành nhiệm vụ bất kể hoàn cảnh có thế nào đi nữa”.
Bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc tốt để tập trung vào điều quan trọng.
Ở đoạn cuối phần 3, thầy Kim bước vào một cuộc phẫu thuật mà những học trò của mình đang thực hiện nhằm giải quyết một vấn đề khó, và giúp cuộc phẫu thuật ấy có thể kết thúc nhanh chóng. Lý do của sự vội vã này chỉ được thầy tiết lộ khi các khâu đã hoàn thành gần hết. Đó là bởi vì… bệnh viện sắp chìm trong biển lửa do đám cháy rừng lan đến. Mọi người đã sơ tán gần hết, chỉ còn nhóm phẫu thuật này.
Họ phải thật nhanh kết thúc công việc để cùng bệnh nhân lên xe di chuyển.
Dù trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc như thế, nhưng người thầy không hề nao núng bước vào phòng phẫu thuật, thực hiện chính xác những thao tác chuyên môn phức tạp, và động viên học trò của mình hoàn thành nhiệm vụ thật nhanh rồi mới nói với mọi người điều cần phải nói.
Dung hòa tập thể, khiến mọi người có cảm giác “thuộc về”.
Điều mình luôn tìm kiếm khi làm việc ở bất cứ đâu, cũng là một trong những mục tiêu của mình với mỗi đội nhóm, đó là làm sao để mình và mọi người có được cảm giác “thuộc về”. Bạn có từng cảm thấy lạc lõng giữa những đồng nghiệp của mình không? Thấy dường như mình đứng bên lề của tập thể. Không ai quan tâm đến mình, mà dường như cũng chẳng ai cần mình phải quan tâm? Khi ấy, mỗi ngày đi làm trở nên “tạm bợ”.
Thú thực, đã có lần mình xin nghỉ việc, chỉ bởi dù đã rất cố gắng, vẫn cảm thấy mình không “thuộc về”. Điều này thật khó để giải thích sao cho tường tận, nhưng cảm giác “thuộc về” đó, mình tin ai cũng từng tìm kiếm. Chính nó, là thứ sức hút mạnh mẽ nhất giữ chân một người.
Xuyên suốt 3 phần với hàng chục tập phim, điều rõ nét nhất mà người xem có thể nhận ra như “thành quả” của thầy Kim, đó là khả năng thu hút và cảm hóa bằng sự chân thành, khiến những y bác sỹ đến bệnh viện Doldam nhỏ bé đều có cảm giác thuộc về nơi ấy.
Khi bác sỹ Kim đứng tần ngần trước khi phải sơ tán vì nguy cơ cháy rừng lan đến, ngắm nhìn bệnh viện tâm huyết của mình có thể biến mất trong phút chốc biến mất, một y tá kỳ cựu của bệnh viện đã nói với ông: “Trọng lực của anh đã kéo mọi người đến đây, thầy Kim ạ. Dù cháy rừng có lan đến đây, và bệnh viện Doldam có cháy thành tro, thì cả đội Doldam sẽ còn mãi, miễn là có trọng lực của anh ở xung quanh.”
—
Mọi người thường nghĩ về chữ “lãnh đạo” như điều gì đó xa vời, chỉ dành cho người đã ở vị thế cao trong công việc và xã hội, đã có chức quyền. Nhưng thực ra, lãnh đạo còn có những phạm vi gần gũi hơn nhiều, mà gần gũi nhất là “lãnh đạo bản thân”. Dù không có bất cứ chức danh nào, mỗi người vẫn có thể tạo nên ảnh hưởng tốt tới người xung quanh, mang lại niềm tin, chỗ dựa, và hy vọng cho người khác. Đó chính là lãnh đạo.
Nếu bạn quan tâm tới chủ đề này, có thể tìm đọc 2 cuốn sách rất sát với những nội dung trên mình để link dưới comment.
Cuốn sách Người lãnh đạo không chức danh: https://shope.ee/9zTK8XuWyq
Cuốn sách Chính Bắc: https://shope.ee/8zaY9GmXhp
Cảm ơn bạn,
Tố Uyên.