"Nhảy việc", sao cho đáng?
Bạn đang nằm ở thị trường “người thắng ăn cả" hay "bán đấu giá”? Mức độ “hiếm” của bộ kỹ năng bạn có? Và, giá trị của bạn đang ở mức nào trên thị trường lao động?
“Nhảy” việc là một đề tài ít được nhắc đến trong sách và trên Internet, nhưng lại cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp của bất cứ ai. Rất ít người suốt mấy chục năm chỉ làm một công ty duy nhất. Phần lớn chúng ta đều có ít nhất vài lần thay đổi công ty trong suốt hành trình của mình.
Vậy, làm sao để tối ưu một bước “nhảy việc”, đảm bảo mỗi lần chuyển việc đều đáng giá, giảm xác suất chọn nhầm, chọn sai, vào nơi không phù hợp hoặc với mức lương không đúng với năng lực hiện tại của mình?
LÀM SAO ĐỂ BIẾN MỖI LẦN CHUYỂN VIỆC THÀNH MỘT CƠ HỘI THỰC SỰ ĐÁNG GIÁ ĐỂ PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP?
Mình đã đúc kết có 3 bước chúng ta cần làm thật tốt, đó là.
BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ BẢN THÂN TRÊN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Khi chúng ta tìm kiếm việc làm, dù bạn là sinh viên mới ra trường, người có kinh nghiệm vài năm, hay người đã làm lãnh đạo, quản lý, bản chất vẫn là một cuộc trao đổi và hợp tác. Chúng ta dùng sức lao động của mình tạo ra giá trị cho công ty. Ngược lại, công ty mang lại cho chúng ta những giá trị như môi trường phát triển bản thân, tích lũy kinh nghiệm, và kiếm tiền. Vậy nếu không biết sức lao động của mình đang được định giá ở mức nào sẽ khiến ta rất khó tìm được cơ hội công việc và đưa ra các quyết định phù hợp.
Trong bước đầu tiên này có ba điều cần được xác định: Tôi đang nằm ở thị trường “người thắng ăn cả hay bán đấu giá”? Mức độ “hiếm” của bộ kỹ năng tôi có? Và, giá trị của tôi đang ở mức nào trên thị trường lao động?
Bạn đang nằm ở thị trường “người thắng ăn cả hay bán đấu giá”?
Đây là một cách phân loại về thị trường lao động rất thú vị mình biết đến khi đọc cuốn sách “Kỹ năng đi trước đam mê” của tác giả Cal Newport. Hầu hết các công việc hiện tại đều có thể xếp vào một trong hai nhóm: “người thắng ăn cả” hoặc “bán đấu giá”.
“Người thắng ăn cả” chỉ cơ chế của các công việc mà chỉ một số rất ít người, được đánh giá dựa trên chất lượng của một sản phẩm hoặc kỹ năng duy nhất mới nhận được sự chú ý và “trả giá’ của thị trường. Ví dụ như viết kịch bản phim, diễn viên, ca sỹ…
Ngược lại, “bán đấu giá” để chỉ cơ chế của các công việc được đánh giá dựa trên một bộ kỹ năng. Ở đó, mỗi người đều có thể có vị trí riêng và được trả công tương ứng, nhu cầu tuyển dụng trải dài ở nhiều trình độ với những “mức chi trả” khác nhau.
Xác định độ hiếm của bộ kỹ năng bạn có?
Có một thực tế trong tuyển dụng theo kinh nghiệm của mình là: “chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu”. Nghĩa là mặc dù có nhiều ứng viên, nhưng bộ kỹ năng của đa số không quá khác biệt, không đáp ứng được với bộ kỹ năng mà công ty mong muốn ở ứng viên. Bạn có được công ty mời chào hay không, nằm ở “độ hiếm” của bộ kỹ năng bạn có.
Ví dụ trong công việc quản lý dự án (QLDA), tìm một người có kinh nghiệm 5 năm làm QLDA ko khó, tìm người giỏi tiếng Anh không khó, nhưng tìm người vừa có kinh nghiệm quản lý lâu năm, vừa giao tiếp tiếng Anh thành thạo thực sự không dễ. Đó là chưa kể, nếu có yêu cầu người này ngoài có kinh nghiệm QLDA và sử dụng tiếng Anh thành thạo, còn có chứng chỉ quốc tế, có khả năng trình bày thuyết trình tốt để giảng dạy được còn khó hơn nhiều. Và, nếu muốn có một QLDA có kinh nghiệm, có chứng chỉ quốc tế, có khả năng thuyết trình tốt, thông thạo hai ngoại ngữ là khó vô cùng. Người có bộ kỹ năng này chắc chắn được nhiều công ty săn đón với chế độ đãi ngộ rất tốt.
Tóm lại, bạn được đánh giá cao hay không trên thị trường lao động là ở bộ kỹ năng bạn có “hiếm” không? Vì thế, ngoài học hỏi tích lũy kinh nghiệm về chuyên môn, chúng ta cần chú ý xây dựng các kỹ năng khác như ngoại ngữ, thương lượng, trình bày, thuyết phục… bất cứ kỹ năng nào có thể có ích xoay quanh công việc của bạn. Càng làm tốt việc này, bạn sẽ càng có nhiều cơ hội tốt.
Xác định giá trị hiện tại của mình trên thị trường lao động?
Mình hay gọi là nghiên cứu thị trường, bằng cách tìm tin tuyển dụng trên Internet, hỏi bạn bè, hoặc bất cứ kênh nào có thể, để có hình dung rằng vị trí mình làm, các công ty đang trả mức lương bao nhiêu cho mức kinh nghiệm trình độ mình có. Mặc dù có những chênh lệch nhất định giữa các công ty, nhưng về cơ bản, mọi vị trí đều có mức trung bình riêng. Sau bước này, bạn sẽ có con số tương đối về khoảng giá trị của mình trên thị trường lao động.
BƯỚC 2: TÌM KIẾM CÁC CÔNG TY VÀ CÔNG VIỆC PHÙ HỢP
Ở bước này, mình có một vài điều đã rút ra từ những trải nghiệm, những lần quyết định đúng và cả những lựa chọn sai lầm:
Thứ nhất, chúng ta không nên để những định kiến bó chân mình:
Có nhiều điều ta bị mặc định trong đầu về một kiểu công ty, ví dụ như : cứ công ty 100% vốn nhà nước là trì trệ, không năng động; hoặc công ty lớn sẽ ổn định, công ty nhỏ là bấp bênh. Sự thật không phải vậy.
Mình từng làm trong một công ty 100% vốn nhà nước nhưng công việc rất thú vị, văn hóa công ty cởi mở và chuyên nghiệp. Mặt khác, mình biết có công ty thuộc hàng lớn nhất tại Việt Nam trong một ngành, được nhiều người lựa chọn cố gắng ở lại mặc dù gặp nhiều vấn đề trong công việc chỉ bởi niềm tin rằng ở đó ổn định. Nhưng thời gian qua, lương cứ giảm dần đều, đến giờ thậm chí có người đã bị giảm tới nửa lương so với cách đây vài năm.
Lời khuyên của mình là, bạn hãy tin rằng thế giới việc làm rất rộng lớn. Trong một ngành luôn có rất nhiều công ty, mỗi nhóm công ty lại có những trường hợp phổ biến và trường hợp đặc biệt. Một tư duy mở sẽ giúp “lia quét” tất cả các khả năng, không bỏ lỡ những cơ hội vì niềm tin cố định của mình.
Thứ hai, hãy xác định với bạn ở hiện tại, bạn ưu tiên điều gì nhất khi lựa chọn nơi làm việc?
Ở mỗi hoàn cảnh hoặc thời điểm khác nhau trong sự nghiệp, thứ tự ưu tiên của chúng ta thay đổi. Ví dụ từ trường hợp của mình, giai đoạn từ 23 tới 27 tuổi, hai con mình còn nhỏ nên mình ưu tiên công việc quen thuộc, gần nhà. Sau đó, từ 28 đến 30 tuổi mình muốn xông pha hơn để có bước tiến mạnh trong công việc và có thu nhập cao hơn để lo cho con. Ưu tiên của mình lúc ấy là được làm nhiều dự án khác nhau, quy mô lớn, mình sẵn sàng chịu áp lực cao, kể cả công ty ở xa hoặc ít cơ hội thăng tiến.
Sau 30 tuổi, mình nhận ra những gì có thể tự mày mò cố gắng mình đã thực hiện rồi, đã đến lúc mình cần có mentor (người kèm cặp) thật tốt, thật giỏi, dẫn dắt mình để có thể bứt phá. Khi có một mentor rất tuyệt vời xuất hiện, mình lựa chọn công ty người đó đang làm việc dù về thu nhập thì có những nơi khác thậm chí trả mức cao bởi mình biết điều quan trọng nhất mình cần.
Tóm lại, mỗi thời điểm trong sự nghiệp, bạn sẽ có những ưu tiên riêng, hãy xác định điều này và để nó dẫn dắt quyết định của bạn.
Thứ ba, dành thời gian nghiên cứu tin tuyển dụng.
Ngoài các trang tuyển dụng truyền thống, bạn cũng có thể chủ động tìm kiếm và liên hệ với các bạn chuyên làm tuyển dụng qua Linkedin. Mỗi bạn tuyển dụng thường sẽ phụ trách một ngành nghề, chuyên tuyển dụng các vị trí nhất định, ở phân khúc nhất định. Ngay cả tại thời điểm đó bạn ấy chưa có tuyển vị trí phù hợp với bạn thì bạn cũng có thêm một kết nối. Sẽ tới lúc bạn lọc lựa được cơ hội phù hợp nhất từ những kết nối ấy.
BƯỚC 3: PHỎNG VẤN HIỆU QUẢ
Bước thứ 3 cũng là bước cuối cùng để hoàn thành mục tiêu chuyển việc hiệu quả, đó là làm sao để rèn luyện kỹ năng phỏng vấn?
Vì đây là một nội dung khá lớn, nên mình sẽ dành một bài viết khác để chia sẻ sâu về chủ đề này. Hẹn các bạn vào bài tuần sau nhé!
Chúc bạn một tuần mới có nhiều niềm vui và may mắn.
Tố Uyên.