MỘT LẦN BỊ VU ĂN CẮP VÀ BÀI HỌC VỀ GIÁ TRỊ BẢN THÂN
Tôi có đọc ở đâu đó: “Hãy lục tìm trong quá khứ, bạn nhất định sẽ tìm thấy những sự kiện đã định hình nên con người bạn hôm nay”. Tôi nghĩ điều ấy đúng, ít nhất là với bản thân tôi.
Hôm trước khi tôi đăng một bài viết trên facebook cá nhân kể về giai đoạn mới ra trường đi làm lương năm triệu của mình, rồi lấy chồng và sinh con. Tôi nhận được một câu hỏi rất thú vị của một người em, rụt rè nhắn cho tôi như thể đã kìm nén câu hỏi này rất lâu, hay đó cũng chính là nỗi e ngại nào đó của em: “Chị ơi, em hỏi chị điều này, hơi không liên quan lắm đến nội dung chị viết, nhưng em thực sự thắc mắc. Thời điểm quyết định lấy chồng, lương chị đang năm triệu. Thu nhập của chồng chị chắc cao hơn nhiều. Lúc ấy chị có cảm thấy tự ti khi so sánh với chồng không?”.
“Ồ không! Tất nhiên là không”. Tôi đã trả lời em ấy như vậy, và lời đó là thật lòng. Mặc dù đúng là lúc ấy lương chồng tôi không phải chỉ cao hơn, mà còn cao hơn gấp nhiều lần.
Tôi có thể từng tự ti với chính mình về nhiều điều chưa làm được, nhưng đánh đồng giá trị của bản thân hay bất kỳ ai khác với mức lương, vị trí hay tài sản, thì đó không phải là tôi. Ít nhất, đó không phải là tôi kể từ khi 15 tuổi. Thời điểm ấy, có một sự kiện xảy ra đã phần nào định hình nên sự cương quyết của tôi khi nghĩ về giá trị bản thân. Tôi biết và tin tưởng giá trị của mình, bất kể xã hội đánh giá như thế nào.
Lần giở về quá khứ, mọi thứ bắt đầu từ những ngày thơ ấu của tôi.
Tôi lớn lên ở một vùng quê nổi tiếng với đặc sản vải thiều. Cũng như hầu hết những đứa bé khác ở đây, tôi đã thành thạo việc thu hoạch vải, việc nhà, cả việc nuôi gà nuôi lợn từ khi 7-8 tuổi. Dẫu vậy, tôi may mắn hơn nhiều bạn vì có bố mẹ rất quan tâm tới việc học tập, và đó là một lợi thế không gì sánh nổi.
Vài chục năm trước giá vải cao, có thời kỳ ba yến vải bằng một chỉ vàng, rất nhiều bậc phụ huynh chỉ quan tâm tới vườn, tới cây, tưới tắm chăm bón cho cây vải thay vì dành nhiều thời gian cho những đứa con. Còn tôi được bố mẹ săn sóc việc học từng ngày, xin vào lớp có thầy cô giỏi, cho tiền đi học thêm. Và bởi thế, thời tiểu học và cấp hai, tôi thường xuyên nằm trong top “những học sinh giỏi nhất huyện”.
Thật có lỗi với bố mẹ và thầy cô, tôi phải thú thực rằng tôi điều đó không có nhiều ý nghĩa đối với tôi. Tôi thích đi chơi với các bạn hàng xóm. Tôi say mê từng tập truyện Conan thuê năm trăm đồng mỗi ngày ở cổng chợ. Tôi hào hứng nhất là sau mỗi buổi học cùng hai cô bạn thân vào chợ ăn chè. Còn học ư? Tôi không thích học. Có gì thú vị đâu?
Nhưng đúng, tôi vẫn học, và học khá giỏi (chí ít là so với mặt bằng ở quê). Phần nhiều vì cuốn theo bài vở bố mẹ thầy cô giao cho, vả lại tôi thấy được “tuyên dương” là điều gì đó rất đáng tự hào, hơn nữa do mong muốn em trai sẽ xem tôi làm gương mà bớt nghịch ngợm. Và thế là, bằng cách nào đó, tôi trở thành “con nhà người ta” ở địa phương bé nhỏ ấy.
Một lần bị vu oan...
Mọi thứ chắc sẽ vẫn đều đều trôi đi như thế, nếu không có tai họa trên trời rơi trúng vào đầu tôi năm học lớp 9.
Gần tới 20/11, tôi vào một cửa hàng văn phòng phẩm ở gần nhà mua giấy bọc quà, mua bút, thước kẻ, sổ tặng thầy cô. Bỗng nhiên, cô chủ quán la lên: “Thiếu mất một thỏi son rồi”. Tôi thản nhiên, nhởn nhơ đứng nhìn. Tôi rất hiếu kỳ. Khi đó tôi chưa từng có thỏi son nào, nếu không kể thỏi “son gió” màu xanh lá cây mà mẹ tôi thỉnh thoảng dùng mỗi lần tôi khi đi diễn văn nghệ. Quệt quệt lên chút, rồi đi ra ngoài “có gió” môi sẽ hồng lên.
Thật bất ngờ, sau khi “lục soát”, cô chủ cửa hàng tìm thấy cái thỏi son vuông vuông nằm lẫn trong đống đồ tôi vừa mới tính tiền còn chưa kịp cho vào túi. Cô nhìn tôi ngờ vực, không nói gì. Tôi cũng chẳng nói gì hết. Nó đã bị lẫn vào, chắc chắn rồi. Có thể là gì khác nữa đâu? Và tôi hớn hở đi về với túi quà tặng thầy cô.
Trong thời đại ngày nay, một clip hot, một dòng tin kịch tính có thể được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Internet. Nhưng tốc độ ấy cũng còn lâu lắm mới có thể đuổi kịp “cơ chế truyền thông” vùng quê cách đây mấy chục năm. Đó là truyền tin qua các buổi chợ, qua bờ giậu giữa hai nhà hàng xóm, qua một câu ới gọi khi đi ngang qua ai đó: “Này dừng tí chị bảo…”.
Tôi đi mua quà buổi trưa, đến chiều đi học về, đón tôi là bộ mặt sầu thảm của mẹ. Nhìn thoáng qua tôi cũng biết là mẹ đã khóc, đôi mắt sưng húp. Mẹ bật ra một tràng dài: “VÌ SAO CON ĂN CẮP? Mẹ đã dạy con nói dối và ăn cắp là hai điều xấu nhất. Cả đời mẹ không lấy của ai cây kim sợi chỉ, vì sao mẹ lại đẻ ra một đứa ăn cắp?”.
Tôi bàng hoàng.
Những ngày đau khổ...
Ngày hôm sau đi học, tôi nhận được bức thư đưa tận tay của một người bạn, trong đó bạn viết rằng đã biết chuyện của tôi. Bạn bảo: “Tớ không ngờ Uyên lại là người như thế”. Đúng, tôi cũng không ngờ. Bạn còn nói: “Tất cả lớp đã biết hết rồi”. Ồ! Nhanh thật. Mấy hôm sau trong lớp học thêm, các bạn bàn dưới ném phấn, chọc thước kẻ vào lưng tôi, nhất định không cho tôi học. Các bạn cười khúc khích: “Đi mà mách thầy đi, đứa ăn cắp”.
Mẹ tôi bỏ ăn, chỉ nằm và khóc. Tôi ấm ức, nhưng tôi làm sao mà giận mẹ được? Ở vùng quê nhỏ mà ai cũng biết ai, cái tội “ăn cắp” là điều gì đó khủng khiếp lắm, có thể làm sụp đổ hết mọi điều về nhân cách của cả một gia đình. Người ta còn hay bảo: “Con dại cái mang”. Có đứa con gái ăn cắp, mẹ tôi là người chịu nhiều điều tiếng hơn cả tôi vì không biết dạy con. Tôi chỉ buồn, vì mẹ không tin tôi, bạn bè không tin tôi. Có lẽ, áp lực quá lớn từ dư luận, từ những câu chuyện truyền tai càng ngày càng xác thực trong cộng đồng làng xã đã khiến mẹ tôi, bạn tôi không có lấy một cơ hội để chừa ra cho tôi nữa.
Sau đó là chuỗi ngày tôi sống giữa cô đơn, lạc lõng, tủi hổ (mà không biết sao mình lại thấy tủi hổ?). Không ai tin tôi cả. Ngay cả một cơ hội để kể lại tường tận những gì đã xảy ra tôi cũng không còn. Có một lần, khi tôi đang ở trong quán photo sách, mẹ của anh chủ quán bước vào, nhìn sững tôi một lát, rồi kéo anh ấy ra ngoài thì thầm. Sau đó bác ấy vào rút ngăn kéo đựng tiền mang đi trước con mắt bẽ bàng, đau khổ, thẫn thờ của tôi.
Tôi, đứa con gái đến khi học đại học vẫn chỉ có một thỏi son dưỡng LipIce không màu hai mươi nghìn. Vậy mà vì lý do gì, tất cả mọi người lại tin tôi lấy cắp một thỏi son tím hồng khi mười lăm tuổi? Rất nhiều ngày khi đang đạp xe đi học về, tôi đã mong quãng đường ấy sẽ dài mãi. Bởi ở hai đầu con đường, gia đình và trường học, dường như không có nơi nào dành cho tôi chút tin tưởng, bình yên.
Tấm phao đã cứu tôi không chìm.
Chuỗi ngày tuyệt vọng ấy đã không kết thúc, thậm chí có thể dẫn tới điều dại dột nào đó nếu tôi không vô tình đọc được bài báo về tờ 100 đô-la. Đại ý câu chuyện về một nhà diễn thuyết, ông giơ đồng 100 đô-la lên hỏi khán giả xem ai muốn được tặng nó. Tất cả mọi người đều giơ tay. Sau đó ông vò nát tờ tiền và giơ lên hỏi, tất cả vẫn giữ nguyên tay trên không trung. Cuối cùng ông để tờ tiền xuống đất, giẫm gót giày rồi lại nhặt lên và hỏi. Không có ai hạ tay xuống!
Ông nói: “Các bạn thấy đấy, dù tôi có vò nát hay làm bẩn, đây vẫn là tờ tiền 100 đô-la. Dù có bị chà đạp hay bôi bẩn, tờ tiền vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Và tôi mong các bạn cũng nghĩ như vậy về giá trị của bản thân mình”. Tôi cắt bài báo ấy ra dán lên trước bàn học, mỗi ngày đều ngẩng lên đọc nhiều lần. Tôi tự động viên mình, dù gia đình, bạn bè, làng xóm không tin tôi, giá trị của tôi vẫn không có gì thay đổi. Tôi biết mình không ăn cắp, và thế là đủ rồi.
Lần đầu tiên trong đời, tôi bật dậy chiến đấu. Lần đầu tiên, tôi học cho mình, vì mình, và chỉ nghĩ đến mình mà thôi. Tôi quyết tâm phải đỗ cấp ba vào trường chuyên của tỉnh hoặc khối phổ thông Đại học Quốc gia. Chuyên gì cũng được, ở đâu cũng được, tôi nhất định phải đi khỏi làng quê ấy. Nơi mà mọi người nói rằng tôi “học giỏi nhưng ăn cắp, có tài nhưng không có đức”. Nơi một đứa trẻ 15 tuổi đã bị bôi bẩn mà không biết làm cách nào để xóa được.
Điều duy nhất tôi có thể làm, và tự làm được, là học. Tôi lao vào học tập trung hơn bao giờ hết. Tôi xin thầy thêm bài khó về làm. Tôi mượn sách nâng cao về “cày cuốc” ngày đêm. Cuối cùng, từ việc chỉ đạt hai giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi năm lớp 8, đến cuối lớp 9, tôi đỗ cả chuyên toán trường chuyên của tỉnh và chuyên vật lý Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Tôi đã làm được điều mà rất ít học sinh của làng quê xa xôi chỉ toàn là vải thiều đã từng đạt được. Không ai biết rằng, thành công ấy đến từ quyết tâm được đi đến nơi nào đó không còn có ai gọi mình là đứa ăn cắp nữa.
Rất lâu sau này khi nhìn lại, tôi mới thấy bản thân mình thật may mắn. May là tôi đã không làm gì dại dột trong những ngày tuyệt vọng tận cùng. May là tôi đã vô tình đọc được bài báo chứa đựng câu chuyện giá trị bậc nhất trong cuộc đời tôi vào đúng thời điểm. Và thật may, chuyện đen đủi ấy đã xảy ra, để tôi trở thành tôi của ngày hôm nay.
Sau này khi lớn lên, hiểu hơn về cuộc đời và trải qua nhiều biến cố, tôi không còn giữ mối đau khổ và oán trách bất kỳ ai nữa. Phản ứng đó của mọi người là điều dễ hiểu, thậm chí hiển nhiên trong bối cảnh một cộng đồng như thế. Và không chỉ tôi, rất nhiều người khác cũng là nạn nhân của dư luận, của tam sao thất bản, của những “rỉ tai”.
Khi đã đi, đã sống ở nhiều nơi và có những dịp quay về quê hương, điều đọng lại trong tôi là tình thương và sự biết ơn. Mẹ dù đau khổ, nhưng vẫn lo lắng cho tôi từng bữa ăn giấc ngủ trong giai đoạn ấy. Bạn bè dù từng trêu chọc, nhưng tôi hiểu các bạn lúc đó vẫn là những đứa trẻ. Sau này trưởng thành rồi, các bạn đã quên, và tôi cũng lựa chọn bỏ qua tổn thương để giữ lại tình bạn – thứ đáng quý hơn nhiều. Vùng quê dù từng lan truyền câu chuyện oan ức của tôi, nhưng đó là quê hương tôi, là một phần tâm hồn và con người tôi mãi mãi sau này.
Những điều đọng lại...
Tôi thật lòng mong rằng, không có ai khác trong số những người đang đọc bài viết của tôi đã từng hoặc sẽ gặp phải trắc trở như tôi của năm 15 tuổi. Nhưng nếu có điều gì đó đọng lại trong các bạn từ câu chuyện này, tôi mong rằng đó là ba bài học quý mà tôi đã chiêm nghiệm trong gần hai mươi năm kể từ ngày ấy:
1. ĐỪNG ĐỂ DƯ LUẬN XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ CON NGƯỜI BẠN. KHÔNG AI CÓ QUYỀN ĐÓ, TRỪ CHÍNH BẠN.
Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng: Ai cũng sẽ làm được nhiều thứ lắm, nếu không phải đặt câu hỏi này mỗi khi định bắt đầu: “Sợ người ta lại bảo là…”. Sợ người ta bảo mình ghê gớm. Sợ người ta bảo mình ích kỷ. Sợ người ta bảo mình đã dốt còn ra vẻ… “Người ta” là ai mà có quyền tối cao đến mức chặn đứng hướng đi cuộc đời của bạn và của tôi đến vậy? Họ không có quyền làm thế, trừ khi chúng ta cho phép.
Trong một bộ phim mà tôi rất thích và đã xem lại nhiều lần - “Intern – Bố già học việc”, một người đồng nghiệp đáng kính đã khuyên nữ chính khi cô loay hoay giữa các quyết định: “Chỉ cần biết mình không làm sai, thì nghĩa là mình đang đúng”.
Bản thân bạn biết bạn không vi phạm đạo đức, không hại ai, không xúc phạm ai, thì bạn có quyền làm hoặc không làm bất kỳ điều gì nếu bạn thực lòng muốn thế. Và nếu bị vu oan không có cơ hội thanh minh, bạn hãy lựa chọn bước qua và đi tiếp. Ai cũng không thể hiểu mình bằng chính mình. Bạn hiểu và tin vào giá trị của bản thân mới là điều vững chắc và quan trọng nhất.
2. ĐỪNG TIẾP TAY CHO THÔNG TIN CHƯA XÁC THỰC. NGAY CẢ NẾU ĐÃ XÁC THỰC RỒI, HÃY LỰA CHỌN CHỈ LAN TỎA NHỮNG ĐIỀU TÍCH CỰC.
Đây là một phần của tư duy phản biện, người đầu tiên dạy cho tôi là thầy giáo vật lý năm lớp 10 – Nhà giáo ưu tú Lưu Hải An. Thầy bảo chúng tôi: “Hãy luôn luôn cho phép mình nghi ngờ. Đừng dễ dàng tin điều gì người khác nói. Hãy nghe hết, hỏi thật nhiều, và đọc hàng ngày, nhưng chỉ tin nếu tự bản thân mình đã tìm hiểu kỹ”. Tôi nhận thấy điều này không chỉ đúng trong học tập mà còn trong mọi mặt của cuộc sống.
Hơn thế nữa, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một phần của dư luận một cách không kiểm chứng, vô tình lan truyền những thông tin không chính xác. Một câu buôn chuyện vu vơ, một click chuột, một cái nhấn nút share trên facebook là quá đơn giản với mỗi người, nhưng có thể sẽ góp phần đẩy một nạn nhân nào đó vào ngõ cụt. Hãy kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ. Và nếu có thể, xin hãy chọn chia sẻ những điều tích cực. Cuộc sống này vốn đã quá vất vả bề bộn với mỗi người rồi.
3. NẾU PHẢI LỰA CHỌN, HÃY LUÔN ĐỨNG VỀ PHÍA CON MÌNH.
Có hai điều tôi vẫn nói với các con từ khi hai bạn ấy còn bé: “Bố mẹ mong con khỏe, đó là ưu tiên quan trọng nhất, mọi thứ khác đều sẽ đứng sau”, và “Bố mẹ luôn đứng về phía con, vô điều kiện”. Lựa chọn đứng về phía con trong mọi hoàn cảnh không có nghĩa là mù quáng tin rằng con mình luôn tốt, luôn đúng. Mà với tôi, đó là sự thừa nhận cảm xúc của con, cho con cơ hội được giãi bày. Nếu có bằng chứng xác thực của việc con sai thì xử lý theo cách công bằng. Còn nếu không có bằng chứng nào cả mà chỉ là lời nói phiến diện của ai đó, thì tôi sẽ lựa chọn tin con mình.
Đây là quan điểm của riêng tôi, là nhân sinh quan tôi tin tưởng. Không vì lý do nào, chỉ vì tôi nghĩ đến cô bé 15 tuổi trên chiếc xe đạp màu mận chín của nhiều năm trước, đạp xe trên con đường bụi bặm, lòng thầm mong khoảng cách giữa nhà và trường dài mãi. Tôi muốn con luôn biết rằng: Dù con đúng hay sai, kể cả sai lầm vấp ngã, con luôn có nhà để về. Nhà là nơi không phán xét. Và bố mẹ sẽ luôn chờ con ở đó, tin con, và bảo con rằng giá trị của con không bao giờ phụ thuộc vào một thất bại, một sai lầm, hay một nỗi oan ức nào đó.
THAY LỜI KẾT
Câu chuyện bị vu “ăn cắp” năm 15 tuổi trở thành một điểm tựa cho cả hành trình cuộc đời tôi cho tới bây giờ, để tôi không bao giờ định vị giá trị bản thân mình hay bất kỳ ai dựa vào tiền bạc, vị trí, hay danh tiếng. Lương năm triệu hay năm mươi triệu, là nhân viên hay là sếp, là người tài giỏi sáng láng hay đơn thuần giản dị, tất cả đều là kết quả của việc bị đặt trong các quy chuẩn xã hội. Nhưng tôi cho rằng: Điều quan trọng nhất để bình tĩnh sống là hiểu và trân trọng giá trị bản thân mình.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
* Một số bài viết cùng chủ đề: