Một góc nhìn khác về "trách nhiệm"
Mình có đang chịu trách nhiệm không, khi tự trách bản thân đã không làm điều lẽ ra phải làm, hoặc mình có ích kỷ không khi bỏ qua một vài trách nhiệm và dành sự ưu tiên cho chính mình?
Trong cuộc sống và công việc, nếu có một từ nào khiến mình từng “giằng xé” nhiều nhất, đó chắc chắn là: trách nhiệm. Có những việc mình cần phải làm nếu không sẽ thành người vô trách nhiệm, lại có những việc mình tự chủ động nhận lãnh về mình và sẵn sàng đương đầu với nó. Đâu mới thực sự là trách nhiệm? Mình có đang chịu trách nhiệm không, khi tự trách bản thân đã không làm điều lẽ ra phải làm, hoặc mình có ích kỷ không khi bỏ qua một vài trách nhiệm và dành sự ưu tiên cho chính mình?
Nếu hành trình cuộc đời mình hơn 30 năm qua có một sợi chỉ đỏ, dẫn dắt mình tới những bước ngoặt, quyết định, và nỗ lực, đó hẳn là: trách nhiệm.
Để hiểu rõ về trách nhiệm và cách nó đã ảnh hưởng bản thân mình hiện tại, có lẽ cần quay ngược lại thời gian và không gian một chút. Vài chục năm trước, mẹ mình trưởng thành ở một vùng quê Bắc Bộ, ở ngôi làng có cái tên rất đẹp: Ngọc Nương.
Cái tên ấy bắt nguồn từ chuyện xưa kể rằng, từng có cô gái đẹp xuất thân từ làng được tuyển chọn trở thành vợ của nhà vua. Có lẽ bởi cái tích “làng có con gái tiến vua”, nên những tư tưởng phong kiến về chuẩn mực của người phụ nữ ở đó rất sâu sắc, thậm chí chặt chẽ. Mình nhớ mẹ từng kể, khi mẹ đi học trung cấp về và ngủ trưa theo thói quen ở ký túc xá, bác mình đã bảo: “Làng này không có cái lệ ấy. Con gái ngủ trưa không lấy được chồng đâu”.
Trưởng thành từ văn hóa làng xã nặng tư tưởng phong kiến ấy, dù là một người có trình độ, thông minh, tài năng và có nhiều suy nghĩ tiến bộ so với ngay cả nhiều bạn bè cùng thế hệ, mẹ mình vẫn sống cả cuộc đời với tâm thế của một người phụ nữ coi trọng sự hy sinh, nhẫn nhịn, dành tất cả những gì mình có cho gia đình, chồng con, thậm chí quên đi chính mình bởi phải hoàn thành những trách nhiệm cuộc đời đặt lên vai.
Đó cũng là cách mình được giáo dục về vai trò của mình và những gì cần chú ý nhất trong đời: trách nhiệm.
Lẽ ra mình đã bước vào cuộc sống trưởng thành với những suy nghĩ về trách nhiệm như thế, nếu không có biến cố gia đình năm 22 tuổi. Bỗng chốc, mình nhận ra mình nên là người đứng ra lãnh trách nhiệm chống đỡ cho gia đình. Mình làm đủ mọi việc để kiếm tiền, tự nuôi sống mình, chăm sóc cho em trai và đỡ đần bố mẹ, trả nợ, và vẫn nuôi hy vọng về những ngày tốt đẹp hơn ở đâu đó trong tương lai.
Chính lúc ấy, những câu hỏi lớn về trách nhiệm bật ra trong đầu mình: Điều mình vừa lựa chọn có phải vì mình muốn thể hiện mình là người có trách nhiệm, là điều mình bắt buộc phải làm để “vừa” với một khuôn mẫu nào đó không? Vì sao dù biết điều đó sẽ khó khăn, mình cũng không màng liệu có ai quan tâm hoặc công nhận mình ay không, chỉ cần biết đó là điều mình nên gánh vác và sẽ hạnh phúc khi có thể làm điều đó?
Sự khác nhau nằm ở đâu khi một bên là cố gắng để trở thành người có trách nhiệm với việc thực sự đưa vai chủ động chịu trách nhiệm?
Câu hỏi đó đi theo mình từ 22 tuổi cho tới hiện tại khi đã hơn chục năm qua đi. Từ một cô sinh viên chỉ biết học, trải qua biến cố gia đình và phải học cách tự đứng vững, mình trở thành một người vợ, người mẹ. Không những vậy, mình đã đi làm qua nhiều công ty, nhiều vị trí, nhiều trách nhiệm. Để tới hôm nay, mình nghĩ mình đã có thể chia sẻ rõ ràng hơn về hai chữ: trách nhiệm.
1. Phân biệt giữa "có trách nhiệm" và "chịu trách nhiệm"
Trước hết, chúng ta cần phân biệt “có trách nhiệm” và “chịu trách nhiệm”. Trong tiếng Anh, đó là “being responsible” và “taking responsibility”. Tuy khác nhau không đáng kể về hình thức, chúng là hai cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt về những gì ta muốn làm hoặc thấy cần phải làm, từ đó dẫn tới sự tác động khác biệt đến cuộc sống và sự nghiệp.
Giống như câu chuyện của mình, từ khi còn nhỏ, chúng ta liên tục được nhắc nhở bởi bố mẹ, thầy cô, xã hội để từ đó định hình quan điểm về trách nhiệm. Chúng ta được học cách "nên làm gì" và "không nên làm gì", từ việc "làm tròn trách nhiệm" cho đến "tránh xa sự vô trách nhiệm".
Nhưng, chịu trách nhiệm lại là một quá trình sâu sắc hơn nhiều, ở đó ta phải nhận thức rõ ràng về vai trò của mình. Ta có quyền quyết định sẽ tạo ra hạnh phúc hay bất hạnh, thành công hay thất bại, biết cách vạch rõ những giới hạn của bản thân và kết nối với những người xung quanh.
Chịu trách nhiệm là khi ta tự chọn cách hành động hoặc phản ứng trước sự việc, hoàn toàn không phải vì đã được định sẵn theo khuôn mẫu nào đó, nếu không làm vậy sẽ trở thành người không có trách nhiệm theo tiêu chuẩn đó.
Nói cách khác, "có trách nhiệm" là khi ta thực hiện đúng theo những gì xã hội kỳ vọng, tìm kiếm sự chấp thuận và phù hợp. Ngược lại, "chịu trách nhiệm" là không chỉ sống tốt và làm đúng, ta còn lãnh đạo bản thân, phát triển và đạt được sự tự do thực sự.
Trên hành trình trưởng thành của mình, mình nhận ra từ xuất phát điểm “có trách nhiệm”, mình đã dần dần dịch chuyển sang chủ động “chịu trách nhiệm”, bắt đầu từ chính biến cố năm 22 tuổi. Sự dịch chuyển đó mang lại cho mình một ý thức trách nhiệm mạnh mẽ, giúp mình nhận ra sức mạnh của bản thân trong việc định hình cuộc sống.
Cuối cùng, mình tin rằng việc chịu trách nhiệm 100% là nguyên tắc đầu tiên của thành công, vì nó cho phép chúng ta nhìn nhận mình là nguồn cội của mọi kết quả trong cuộc sống, từ hạnh phúc, thành công, đến những thất bại và thiếu sót. Chỉ khi sẵn sàng sở hữu trách nhiệm này, chúng ta mới thực sự vượt qua những rào cản và thách thức từng được coi là không thể giải quyết được.
2. Quy Trình Trách Nhiệm
Khi gặp phải trở ngại trong công việc và cuộc sống, mình nhận thấy mình thường “chao đảo” giữa những trạng thái: lẩn trốn, cố gắng quên đi, tự trách bản thân, cố gắng thực hiện một cách miễn cưỡng. Trường hợp tốt đẹp nhất là mình thấy thoải mái để nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đó bởi đó là điều mình thực sự muốn hoàn thành, không phải để đáp ứng bất cứ khuôn mẫu nào.
Gần đây, mình tìm thấy một mô hình thể hiện tất cả những cung bậc cảm xúc đó của mình liên quan tới trách nhiệm, được xây dựng bởi giáo sư Christopher Norio Avery thuộc trường Havard Kennedy School (Hoa Kỳ). Quy trình trách nhiệm (responsibility process) thể hiện một hình dung chi tiết về cách tâm trí chúng ta xử lý và phản ứng với các quan niệm về cách để cố gắng trở thành người có trách nhiệm hoặc thực sự sẵn sàng, chủ động chịu trách nhiệm.
Mỗi bước trong quy trình này đại diện cho một trạng thái tinh thần, bao gồm:
Từ chối: Phủ nhận sự tồn tại của vấn đề.
Đổ lỗi: Quy trách nhiệm cho người khác.
Biện minh: Đổ lỗi cho hoàn cảnh, tìm cách chối bỏ.
Tự trách: xấu hổ, cảm thấy tội lỗi.
Bỏ cuộc: Từ bỏ để tránh nỗi đau của sự xấu hổ và nghĩa vụ.
Nghĩa vụ: Hành động theo đúng nghĩa vụ, không phải theo ý muốn.
Trách nhiệm: Nhận thức và sử dụng quyền tự quyết định của cá nhân để tạo ra sự thay đổi.
Những trạng thái tinh thần này là tự nhiên, ai cũng từng trải qua. Sáu trạng thái phía dưới là cơ chế đối phó hoặc chiến lược phòng thủ, giúp chúng ta "sống sót" mà không giải quyết triệt để vấn đề. Trạng thái tinh thần "chịu trách nhiệm" đánh dấu bước chúng ta vượt qua, phát triển để đối mặt với thách thức, không chỉ chấp nhận mà còn sở hữu vấn đề.
Đổ lỗi
Một tình huống quen thuộc: Đội nhóm của bạn họp nhau lại vì dự án gặp trục trặc. Thay vì tìm hiểu nguyên nhân, cuộc trao đổi nhanh chóng chuyển hướng sang việc xác định ai là người gây ra lỗi:
“Khách hàng không đưa ra yêu cầu rõ ràng.”
“Đội thiết kế web không hoàn thành công việc đúng thời hạn”.
“Người phụ trách viết nội dung không đăng bài với tần suất đã thống nhất”.
Cuộc họp kết thúc với việc xác định "thủ phạm". Mọi người nhẹ nhõm rời đi kèm theo những tiếng thở phào : “May quá không phải mình”.
Đây chính là biểu hiện của việc "đổ lỗi", một hiện tượng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình, công việc và bất cứ hoạt động nào. Khi sự cố xảy ra, chúng ta thường tìm kiếm nguyên nhân và kết quả, bắt đầu với phản xạ tìm ai đó để đổ lỗi, nhờ đó chuyển hướng nỗi thất vọng và lo lắng của mình.
Đây là một “cái bẫy” về mặt tinh thần. Bởi khi làm như vậy, chúng ta đã tự đặt mình vào vị trí nạn nhân, hoàn toàn bị động và bất lực. Ta tin rằng ai đó phải thay đổi để giải quyết vấn đề này.
Biện minh
Khi không đổ lỗi cho người khác, trong nhiều trường hợp, chúng ta có xu hướng chuyển sang trạng thái “biện minh”, nghĩa là đổ lỗi cho hoàn cảnh. Chúng ta tự sắp đặt những câu chuyện, tạo ra các lý do để giải thích cho vấn đề hiện tại, như thể đó là hậu quả khách quan của hoàn cảnh.
Ta tin rằng, chính hoàn cảnh là “thủ phạm” tạo ra rắc rối. Một số cách biện minh thường thấy như:
· Công cụ đang có không đủ hiện đại nên ta không tạo được sản phẩm như ý.
· Quy trình làm việc quá rườm rà.
· Tình hình kinh tế thế giới đang khủng hoảng.
…
Tất cả những điều đó là tác nhân chính khiến chúng ta không hoàn thành được công việc như ý.
Đây là một trạng thái tâm lý thấm nhuần trong cuộc sống và công việc đến mức chúng ta không nhận ra mình chỉ đang đối phó với hoàn cảnh tiêu cực thay vì giải quyết vấn đề.
Bằng cách phàn nàn về hoàn cảnh xung quanh và nhận được sự đồng tình của mọi người, chúng tin rằng mình là nạn nhân của tình huống, để tự nói với bản thân và người khác rằng mình không thể thay đổi được gì. Dù biết rằng thế giới sẽ không thay đổi vì chúng ta, tâm lý chờ đợi sẽ làm ta càng ngày càng thất vọng, sự biện minh vẫn là trạng thái hầu hết mọi người đều trải qua, bởi tìm một lý do luôn dễ hơn thực sự đối mặt để giải quyết vấn đề.
Tự trách
Khác biệt với hai vị trí đầu tiên trong quy trình trách nhiệm, nơi ta hướng sự tập trung ra bên ngoài, trạng thái tâm lý tự trách đưa chúng ta nhìn vào chính mình. Khi đó, chúng ta tin rằng bản thân mình chính là nguồn cơn của vấn đề nhưng không theo cách tích cực hay sáng tạo. Ngôn ngữ của sự tự trách thường được diễn đạt như sau:
“Mình không thông minh.”
“Mình thật ngu ngốc.”
“Mình không có năng lực.”
“Mình chưa cố gắng đủ.”
“Mình không xứng đáng thành công.”
“Mình thật tệ.”
Ở trạng thái này, chúng ta thường cảm thấy tồi tệ và tin rằng mình xứng đáng cảm thấy như vậy. Nhiều người, kể cả những chuyên gia có kỹ năng cao, thường bị mắc kẹt trong trạng thái tâm lý này. Họ tự nhủ rằng dù thông minh hay thành công đến đâu, họ vẫn không đủ giỏi.
Trong xã hội hiện đại, chúng ta thường được khen ngợi khi tỏ ra tự trách hoặc xấu hổ vì được cho là “người dám chịu trách nhiệm”. Nhưng thực tế, tự trách không phải là trách nhiệm thực sự. Vì chúng ta vẫn mắc kẹt với vấn đề, vẫn lo lắng, và chỉ đang cố gắng xoay chuyển cảm xúc chứ không thực sự giải quyết chúng.
Nghĩa Vụ:
Nghĩa vụ, có thể coi là đồng nghĩa với việc cố gắng trở thành người “có trách nhiệm”, là một trạng thái tinh thần của sự mắc kẹt và áp lực.
Khi bạn rời khỏi trạng thái tâm lý "tự trách", bạn có thể rơi vào "nghĩa vụ". Trạng thái tinh thần này đưa chúng ta vào cảm giác gánh nặng trong cuộc sống, công việc hoặc các mối quan hệ.
Trong nghĩa vụ, ta cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác và phải:
Làm những điều mình không muốn làm;
Trở thành người mà mình không muốn trở thành;
Có những thứ mà mình không mong muốn có…
"Phải" là từ ngữ thường gặp trong nghĩa vụ, bao hàm sự "không muốn", âm thầm phản kháng trong im lặng. Nếu bạn thấy mình liên tục đối mặt với những tình huống mà bạn "phải" làm nhưng không muốn, có thể bạn đang mắc kẹt trong nghĩa vụ.
Có hai hậu quả lớn nhất của trạng thái nghĩa vụ đó là: giảm chất lượng công việc và tăng sự oán giận. Trong nghĩa vụ, chúng ta thường làm việc ở mức tối thiểu cần thiết và tạo ra kết quả vừa đủ để không bị coi là thiếu trách nhiệm. Đồng thời, sự oán giận tích tụ khi chúng ta cảm thấy mình mắc kẹt trong tình huống không mong muốn, bị rút cạn năng lượng tinh thần.
Nghĩa vụ là trạng thái không có quyền lực, không tự do và không có lựa chọn. Cũng vì điều này, nếu ta luôn bị bủa vây bởi nghĩa vụ, ta sẽ không tìm thấy sức mạnh để thay đổi.
Chịu trách nhiệm:
Chịu trách nhiệm là trạng thái tinh thần mở rộng, tự do và an toàn. Bạn tin tưởng vào trí tuệ, sự sáng tạo và nguồn lực của mình để đối mặt với mọi thách thức. Trong trạng thái này, bạn có không gian để suy nghĩ và khám phá, không bị ràng buộc bởi những định kiến về vấn đề hoặc giải pháp. Trách nhiệm mang lại cảm giác an toàn và lòng trắc ẩn, nền tảng cho việc đối mặt với những điều không chắc chắn.
Từ bỏ:
Từ bỏ là nơi bạn tạm thời trốn tránh vấn đề, nhưng nó sẽ trở lại và tiếp tục tiêu hao năng lượng của bạn. Nó nằm ở một bên của biểu đồ, nằm ngang với tự trách và nghĩa vụ. Khi chúng ta rơi vào từ bỏ, chúng ta trốn tránh nỗi đau của sự tự trách hoặc nghĩa vụ.
Từ bỏ xuất hiện khi chúng ta cảm thấy không thể có được điều mình muốn hoặc khi chúng ta từ bỏ giấc mơ vì nghe lời khuyên của người khác. Chúng ta cảm thấy không trọn vẹn, luôn có những suy nghĩ "nếu như" và "giá như". Từ bỏ khiến chúng ta không thể giải quyết vấn đề, chỉ đặt nó tạm vào một góc nào đó trong tinh thần để giả vờ như nó không tồn tại.
Từ chối:
Từ chối là một phần vô hình của quy trình trách nhiệm, nằm ở cuối chuỗi, dưới cả đổ lỗi. Nó nhắc nhở chúng ta rằng đôi khi vấn đề phát sinh do chúng ta bỏ qua hoặc không nhận thức được sự tồn tại của một thứ gì đó.
3. Cách rèn luyện kỹ năng chịu trách nhiệm.
Kỹ năng chịu trách nhiệm là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với sự thành công và hạnh phúc cá nhân. Dưới đây là cách bạn có thể rèn luyện và tận dụng lợi ích của kỹ năng này:
Bao dung với chính mình.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất để có thể chủ động nhận lãnh những trách nhiệm về mình, đó là sự thấu hiểu bản thân, trân trọng những gì đã làm được, và luôn cho bản thân những cơ hội mới.
Đôi khi, chúng ta có thể sẽ thấy tức giận chính mình khi ở trong các trạng thái đổ lỗi, biện minh, tự trách hoặc nghĩa vụ. Nhưng thay vì chỉ trích, hãy dành cho mình một lời ghi nhận bởi đã nhận ra và đối mặt với nó.
Tìm kiếm mong muốn thực sự.
Thay vì hỏi "Mình nên làm gì?", hãy tự lặp lại nhiều lần hơn câu hỏi: "Mình muốn làm gì?". Câu hỏi ấy giúp bạn có cơ hội suy nghĩ sâu hơn về những mong ước thực sự của mình, từ đó chủ động trong các quyết định. Đó là cách rèn luyện ý chí để hướng tới trạng thái “chịu trách nhiệm”.
Hãy tự hỏi mình, bạn thực sự muốn trở thành ai? Không phải là những gì người khác mong đợi. Tìm hiểu điều gì khiến bạn thực sự hạnh phúc, dù có vẻ… điên rồ với người khác. Mỗi người chúng ta đều có sở thích, tài năng và đam mê riêng. Sự phù hợp với những đam mê đó sẽ mang lại sự thỏa mãn và tự do thực sự.
Tập trung vào điều quan trọng.
Áp dụng nguyên lý 80/20 vào cuộc sống của bạn: 80% kết quả đến từ 20% nguyên nhân. Hãy xác định những gì thực sự cần thiết để đạt được mục tiêu của bạn và loại bỏ mọi thứ không quan trọng. Bằng cách tập trung vào những điều thiết yếu, bạn sẽ tối ưu hóa năng lượng và thời gian của mình, dẫn đến thành công và hạnh phúc nhiều hơn.
Ghi nhận những chiến thắng nhỏ.
Ghi nhận những gì mình làm được dù rất nhỏ là một cách thực hành hữu ích giúp bồi đắp kỹ năng chịu trách nhiệm. Chiến thắng, nghĩa là mong muốn, dự định, mục tiêu của bạn đã thành hiện thực.
Hầu hết chúng ta đều hạ thấp đáng kể những thành công hàng ngày của mình. Thay vào đó, ta tập trung vào những khó chịu, thất bại, mất mát, vô tình khiến chúng ta trở thành nạn nhân. Chúng ta phàn nàn, chán chường và thất vọng.
Có lẽ, thói quen đó đến từ việc xã hội thường dạy chúng ta phải trì hoãn sự hài lòng với những thành tích nhỏ bé, ta chỉ xứng đáng được vui khi giành được thắng lợi đáng kể. Hay nói cách khác, chỉ có những điều lớn lao mới xứng đáng được gọi là chiến thắng. Nhưng thực ra, tất cả mọi điều ta đã làm được dù nhỏ tới đâu, cũng là một cơ hội để ghi nhận bản thân mình.
TẠM KẾT:
Kết thúc bài viết dài về trách nhiệm, mình muốn chia sẻ một góc nhìn mà mình đã học được từ chính cuộc đời mình:
Trách nhiệm không chỉ là gánh vác những công việc hay nghĩa vụ được giao, mà còn là việc hiểu rõ và chấp nhận những lựa chọn của chính mình.
Trong hành trình của mình, mình nhận ra rằng, việc chấp nhận trách nhiệm không chỉ là một yêu cầu bên ngoài, mà là một sự lựa chọn từ bên trong. Mình đã học cách khen ngợi bản thân về mỗi bước tiến dù nhỏ.Chịu trách nhiệm chính là việc tự tạo ra không gian để phát triển, đổi mới và vươn xa.
Cuối cùng, mình muốn nói với bạn rằng: Chịu trách nhiệm không phải gánh nặng, đó là cơ hội để chúng ta tự hoàn thiện và phát triển. Mỗi bước đi, mỗi quyết định chúng ta làm, là một dấu ấn của trách nhiệm mà chúng ta tự chọn lựa để gánh vác trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Cảm ơn bạn,
Chúc bạn một ngày vui!
Tố Uyên.
Em cảm ơn chị rất nhiều về bài viết này ạ, và cả những bài viết đã qua. Chúng giúp em có thêm góc nhìn hay, "tích cóp" vào những trải nghiệm đã có để tạo nên 1 góc nhìn mới rộng mở hơn, tích cực và ý nghĩa hơn.