BÀI VIẾT TỪ MỘT CỰU HỌC VIÊN CHƯƠNG TRÌNH THẠC SỸ MBA – ĐẠI HỌC HAWAII (MỸ)
Đối với mình, chương trình MBA này như một món quà, giúp mình được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến và phần nào thực hiện ước mơ du học dang dở của mình…

Chương trình MBA của trường kinh doanh Shidler (thuộc Đại học Hawaii) đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2001, được công nhận bởi AACSB International - một tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo về kinh doanh lâu đời và nổi tiếng nhất ở Mỹ với uy tín và chất lượng được áp dụng không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới.
Đối với mình, chương trình MBA này như một món quà, giúp mình được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến và phần nào thực hiện ước mơ du học dang dở của mình…
Năm 2019, sau nhiều trăn trở và cân nhắc về việc lựa chọn chương trình MBA nào để theo học, mình đã xác định mục tiêu theo đuổi của mình là chương trình thạc sỹ MBA của Đại học Hawaii (Mỹ) (Vietnam Executive MBA – VEMBA). Trong số các chương trình MBA tại Việt Nam, bên cạnh loại hình đào tạo truyền thống của các trường đại học trong nước, còn có mô hình liên kết giữa trường trong nước và trường quốc tế. Nhưng cả hai, đều không phải mong muốn của mình. Mình muốn chọn một chương trình nào đó thỏa mãn các tiêu chí: hoàn toàn thuộc về trường đại học nước ngoài (chương trình học, ngôn ngữ giảng dạy, giảng viên, bằng cấp); được đánh giá cao trên thị trường lao động, địa điểm học gần nhà hoặc gần công ty mình đang làm để tiện đi lại.
Cộng đồng cựu học viên của chương trình có độ gắn kết cao, ở nhiều ngành nghề, nhiều lãnh đạo của các tổ chức lớn cũng là một điểm hấp dẫn, thu hút các ứng viên tham gia ứng tuyển. Có thể kể đến một số nhân vật tiêu biểu như: bà Chu Thanh Hà (Chủ tịch FPT Software), ông Lưu Trung Thái (Chủ tịch Ngân hàng Quân đội MB), bà Nguyễn Thị Trà My - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, bà Hà Thu Thanh (Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên sáng lập Deloitte Việt Nam)…
Chương trình MBA này hoàn toàn tuân theo chương trình giảng dạy tại Đại học Hawaii, về cả nội dung, yêu cầu, cách đánh giá. 100% giảng viên là các giáo sư đang giảng dạy tại Hawaii hoặc các trường đại học uy tín khác tại Mỹ và châu Âu, sẽ sang Việt Nam để dạy theo thời gian tương ứng với từng môn học.
Nội dung, cách thức học tập, các yêu cầu và từng bước học viên cần hoàn thành để đăng ký và được nhận vào chương trình sẽ có trong bài viết này. Để có được thông tin mới nhất, các bạn có thể tham khảo tại trang web chính thức của chương trình.
1 – YÊU CẦU ĐỂ ỨNG TUYỂN
Muốn ứng tuyển chương trình này, bạn cần đáp ứng những yêu cầu dưới đây. Nhà trường sẽ xem xét dựa trên sự tổng hợp nhiều yếu tố, không chỉ căn cứ chủ yếu vào một yếu tố nào trong số này.
Tốt nghiệp đại học (có xem xét bảng điểm).
Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc (được đánh giá cao hơn nếu có trên 5 năm kinh nghiệm quản lý).
Có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 61. Tuy vậy, nếu có IELTS dưới 7.0 hoặc TOEFL iBT dưới 100 điểm, bạn sẽ phải tham gia hai khóa bổ trợ tiếng Anh bắt buộc của trường.
2 – QUY TRÌNH ỨNG TUYỂN
Quy trình ứng tuyển vào khóa học MBA như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ để nộp cho trường, thời hạn nộp hồ sơ thường vào cuối tháng ba hàng năm (có thể có xê dịch theo từng năm):
Application form (đơn đăng ký theo mẫu).
Bản sao công chứng tiếng Anh bằng đại học.
Kết quả IELTS hoặc TOEFL iBT.
Hai thư giới thiệu, thường của giảng viên ở trường đại học bạn từng học, lãnh đạo công ty hiện tại, hoặc bất cứ ai hiểu rõ về con người, sự nghiệp của bạn, và có uy tín nhất định.
Resume (CV)
Phí nộp hồ sơ: $100.
Bước 2: Viết bài luận về quản trị kinh doanh
Sau khi nhận và xem xét hồ sơ, người quản lý chương trình sẽ liên hệ với bạn để sắp xếp một cuộc kiểm tra khả năng viết tiếng Anh cũng như tư duy về quản trị kinh doanh của bạn. Bạn không nhất định phải làm việc trong lĩnh vực này, đây là một bài đánh giá về tư duy và viết là yếu tố quan trọng nhất.
Bởi trong suốt quá trình học, bạn sẽ cần viết rất nhiều bài luận dài và phức tạp bằng tiếng Anh, nên bước kiểm tra này rất cần thiết.
Bạn sẽ nhận được đề bài về một “case study” (tình huống) nào đó trong kinh doanh, quản trị… qua email. Sau đó bạn có 60 phút để viết một bài đánh giá, phân tích, đưa ra giải pháp để nộp qua email cho người quản lý chương trình.
Bước 3: Phỏng vấn
Bạn được sắp xếp phỏng vấn (trực tuyến), với Giám đốc chương trình đào tạo, thường là giáo sư tại Mỹ. Khi mình ứng tuyển, người phỏng vấn mình là Tiến sỹ - Giáo sư Tùng Bùi.
Sau tất cả các bước trên, nếu được đánh giá là phù hợp với chương trình, bạn sẽ nhận được thông báo qua email của người điều phối về việc đã được nhận vào học, kèm theo chi tiết về thời gian, học phí, và chương trình học.
3 – CHI TIẾT KHÓA HỌC
Thời gian:
Chương trình MBA của Đại học Hawaii kéo dài trong 21 tháng, thường bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 7. Do mỗi môn học sẽ được một giáo sư từ nước ngoài sang dạy, nên thời gian học cũng được sắp xếp rất hợp lý. Thường thì từng môn học được dạy liên tục trong khoảng 12 ngày, gồm các ngày cuối tuần (sáng, chiều) và buổi tối (từ 18h30 đến 21h30).
Lịch học này khiến học viên phải dồn toàn lực khoảng hai tuần trong một tháng để hoàn thành môn học, nhưng thoải mái tập trung vào công việc trong hai tuần còn lại. Cách sắp xếp này không giống với nhiều chương trình thạc sỹ khác tại Việt Nam, bố trí lịch học cố định 3 – 4 buổi mỗi tuần trong suốt nhiều tháng.
Đặc biệt, học viên có thể lựa chọn sang trụ sở chính của trường tại Hawaii để học tập trong hai kỳ mùa hè thay vì học tại Việt Nam mà không phải trả thêm khoản học phí chênh lệch.
Học phí:
Từ khóa nhập học năm 2021 trở về trước, học phí là $23.040 (được trường tài trợ 50%, so với mức học phí nếu học tại Hawaii là $46.080). Học phí này chưa bao gồm $1.100 cho hai khóa tiếng Anh bổ trợ, và tiền mua tài liệu bản quyền với một số môn học nhất định. Học phí này hiện có lẽ đã có sự thay đổi (tăng thêm), bạn hãy liên hệ chương trình để có thông tin mới nhất.
Cách thức giảng dạy và học tập:
Đây là điều khiến mình ngạc nhiên và học hỏi được rất nhiều, do cách giảng dạy của các giáo sư rất khác so với cách dạy và học tại Việt Nam. Hoàn toàn không có “phong cách” đọc – chép, các môn học được hướng dẫn bài bản, yêu cầu học viên phải đọc tài liệu trước, liên tục liên hệ thực tế trong suốt quá trình học, và phải hoàn thành RẤT NHIỀU bài luận, cá nhân hoặc bài tập nhóm và trình bày trước lớp. Sau hai năm học, kỹ năng tìm tài liệu, thu thập thông tin, viết luận, làm bài và trình bày của chúng mình đều tiến bộ vượt bậc.
Đặc biệt, học viên được nhà trường cấp tài khoản để truy cập kho thư viện trực tuyến khổng lồ với vô vàn tài liệu uy tín ở các lĩnh vực.
Ngay cả hai khóa tiếng Anh bổ trợ cũng khiến chúng mình bất ngờ. Giáo sư dạy môn này hoàn toàn không giảng về ngữ pháp hoặc kiến thức tiếng Anh. Thầy dạy chúng mình về cách sử dụng tiếng Anh trong học tập, cách viết luận, cách trích dẫn đúng, cách tìm kiếm tài liệu… Thực sự rất bổ ích!
Nội dung chương trình:
Học viên sẽ học tổng cộng 16 môn học, được chấm điểm A/B/C/D và quy đổi sang điểm số tối đa 4.0. Trong số 16 môn học đó, khoảng một nửa là các môn bắt buộc, nửa còn lại do lớp tự chọn trong danh sách do nhà trường cung cấp. Nội dung của khóa học MBA trải khá rộng,liên quan tới nhiều khía cạnh trong quản trị doanh nghiệp, ví dụ như: chiến lược, công nghệ, marketing, nhân sự, tài chính kế toán…
Dưới đây là danh sách 16 môn học của lớp chúng mình (khóa 2020 – 2022), các bạn có thể tham khảo:
Các môn bắt buộc:
Core 1: Communication/Leadership & Organization Behavior
Core 2: Micro and Macro Economics
Core 3: Data Analytics & Statistic for business
Core 4: Accounting for Decision Making
Core 5: Managerial Finance
Core 6: Marketing Management
Core 7: Business Policy and Strategy
Core 8: Digital Transformation with Information Systems and Technology
Core 9: Practicum Consultancy
Các môn do lớp mình tự chọn:
Elective 1: HRM 671 Human Resource Management
Elective 2: MGT 660 International Negotiation
Elective 3: MGT 651 Corporate Entrepreneurship and Innovation
Elective 4: FIN 633 Cases Problems in Financial Management
Elective 5: Business Intelligence and Data Analytics
Elective 6: Strategic Brand Management and Marketing Communications
Elective 7: Global Branding
Học viên:
Mỗi khóa thường có hai lớp, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tổng số hai lớp từ khoảng 60 học viên. Những học viên lớp mình làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau: công nghệ, tài chính, đầu tư, marketing… Độ tuổi trung bình trên dưới 40 tuổi. Thời điểm bắt đầu theo học, mình 31 tuổi và thuộc nhóm trẻ nhất trong lớp.
4 – SỰ KIỆN CHO MỖI KHÓA
Trong 21 tháng của khóa học, ngoài chương trình học trên lớp, mỗi khóa sẽ có ba sự kiện quan trọng để tham gia với tư cách khách mời hoặc phụ trách tổ chức:
Welcome Party:
Đây là bữa tiệc chào đón khóa mới, do khóa trước đó phụ trách, thường được tổ chức vào Residence Weekend – kỳ học ba ngày liên tục tại một địa điểm nào đó khi bắt đầu chương trình đào tạo của khóa mới. Cảm giác khi là “tân sinh viên”, được các anh chị khóa cũ chào đón, sau đó một năm lại trở thành những người tổ chức – chính là bằng chứng rõ ràng nhất để chúng mình nhận ra bản thân đã trưởng thành như thế nào sau một năm miệt mài học tập.
Year End Party (YEP):
Đây là bữa tiệc lớn, mời tất cả các học viên của chương trình qua nhiều năm tới dự vào dịp trước Tết Nguyên đán. Đây là cơ hội để giao lưu, kết nối và học hỏi rất giá trị. Riêng với khóa của mình, thời điểm lẽ ra lớp mình phụ trách tổ chức YEP đang trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng, nên đã được dời sau đó vài tháng, vào một ngày hè tháng 7.
Lễ tốt nghiệp:
Đây là một buổi lễ trang trọng, được nhà trường tổ chức để trao bằng cho sinh viên, thường có đại diện học viên các khóa trước, và gia đình của các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. Để đi tới ngày này, chúng mình đã trải qua gần hai năm miệt mài, vất vả, trong khi hầu hết mọi người đều rất bận rộn với công việc và chăm sóc gia đình.
Ngoài các sự kiện trên, cộng đồng học viên còn có nhiều chương trình bên lề khác để gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các cơ hội hợp tác hoặc hỗ trợ lẫn nhau.
5 – NHÌN LẠI HÀNH TRÌNH 21 THÁNG HỌC MBA
Từ trải nghiệm của mình, mình nhận thấy chương trình MBA này có một số ưu nhược điểm chính muốn chia sẻ cùng các bạn để tham khảo và cân nhắc như sau:
Ưu điểm:
Chất lượng đào tạo rất cao, về giảng viên, nội dung học, cách giảng dạy và học tập, mức độ hỗ trợ chuyên nghiệp.
Bằng cấp được đánh giá cao trên thị trường lao động và được công nhận trên toàn thế giới.
Học viên có thể lựa chọn học kỳ mùa hè tại Đại học Hawaii mà không mất thêm học phí (tự lo chi phí ăn ở, nhà trường có chương trình hỗ trợ cụ thể cho từng năm).
Mạng lưới học viên chất lượng, cộng đồng hoạt động khá mạnh, nhiều người có kinh nghiệm quý trong nhiều lĩnh vực.
Chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, giảng viên từ Mỹ và châu Âu, bạn học hầu hết có trình độ tiếng Anh tốt. Do đó, đây là cơ hội quý để bạn nâng cao trình độ tiếng Anh về nghe – nói – đọc – viết.
Nhược điểm:
Từ góc nhìn của mình, hạn chế duy nhất đó là về chi phí. Học phí của chương trình nằm ở mức cao nhất trong các chương trình đào tạo MBA tại Việt Nam (ngang bằng với RMIT). Thú thực, khi quyết định lựa chọn VEMBA, vợ chồng mình đã phải cân nhắc rất nhiều, bởi khoản học phí thực sự lớn, đòi hỏi chúng mình phải thu xếp cẩn trọng, và tạm hoãn rất nhiều dự định khác cho mục tiêu này.
Nếu với bạn chi phí không phải là vấn đề, thì quả thực rất khó để tìm thấy một chương trình đào tạo MBA nào tại Việt Nam có chất lượng và giá trị cao hơn.
Hai năm theo đuổi tấm bằng thạc sỹ MBA, và trước đó có gần một năm chuẩn bị là quãng thời gian vất vả, gian nan, nhưng đầy niềm vui của mình. Mình đã học được nhiều điều giá trị từ thầy cô và bạn học; đẩy “đường chân trời” ra xa hơn một chút, và phần nào thực hiện được mong ước du học của mình. Dẫu chỉ học tại Việt Nam, nhưng chương trình học, các giáo sư đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, cùng học với những người bạn giỏi giang, mình cũng đã cảm thấy rất hài lòng.
Trước đây, khi tìm hiểu về chương trình, mình không thể tìm thấy bất kỳ bài viết nào của học viên đã từng học để có thêm kênh tham khảo, và giúp mình cân nhắc tham gia. Đó chính là động lực để mình viết bài này, hy vọng mang lại giá trị cho các bạn đang trong quá trình tìm kiếm thông tin chương trình học MBA.
Cảm ơn bạn đã dành sự quan tâm cho bài viết này của mình.
Chúc bạn một ngày vui!
Tố Uyên.