Tuần 12: Những lời khuyên trái chiều về tiết kiệm tiền (và lựa chọn của mình)
“Nếu mỗi ngày không uống cafe/trà sữa, sau X năm bạn sẽ tiết kiệm được A triệu”???
Trong tất cả các chủ đề nội dung trên Internet, ở mọi nền tảng, tiền bạc luôn chiếm phần lớn sự quan tâm. Dù mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, hoàn cảnh… ai cũng dành rất nhiều thời gian, công sức tìm hiểu để tiết kiệm tiền, kiếm tiền, và đầu tư tiền.
Vấn đề ở chỗ, vì có quá nhiều nguồn thông tin, nhiều trường phái quan điểm nên người đọc, người nghe lại “rơi ngay” vào “ma trận những lời khuyên”, thường là trái chiều. Ai nói cũng có vẻ có lý, hoặc là căn cứ khoa học, nghiên cứu, hoặc là trải nghiệm cá nhân.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn một số quan điểm trái chiều như thế, cùng hành trình của chính mình để thử nghiệm và chọn lựa cách thức, niềm tin phù hợp. Những điều mình đã chọn chắc hẳn không giống lựa chọn của bạn, nhưng hẳn chúng ta đều chia sẻ nhiều băn khoăn, lạc lối và hoang mang giữa những lời khuyên trái chiều ấy giống nhau.
1. Đừng cố gắng tiết kiệm từng đồng, hãy tập trung vào kiếm nhiều tiền hơn
Lời khuyên ngược lại: Để thịnh vượng tài chính, đầu tiên phải tiết kiệm thật kỷ luật và tối đa có thể trước khi nghĩ tới kiếm thêm tiền.
Trước đây mình từng nghe một bạn đồng nghiệp nói: “Ai tiêu tiền giỏi là kiếm tiền giỏi”. Rồi cũng không biết từ đâu, mình có suy nghĩ rằng: Những người giàu đều kiếm được rất nhiều tiền, mình không thể giàu bởi vì mình luôn chỉ làm công ăn lương, hay như bố mẹ mình làm vườn trồng cây ăn trái. Nói cách khác, mình tin vào vế đầu tiên: Muốn giàu, phải tập trung kiếm tiền, đừng mất thời gian căn ke tiết kiệm.
Dù được bố mẹ dạy những điều như: “Buôn thúng bán bè không bằng ăn dè hà tiện”, “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, mình lại không tin. Hồi còn sinh viên, mình đi chạy bộ quanh hồ gần trường đại học, nhìn thấy những tòa chung cư xung quanh mà ao ước. Mình nghe nói mỗi căn đều tiền tỷ, rồi nhẩm nhẩm: Ra trường đi làm lương mười triệu là cao, trừ hết ăn uống thuê trọ chắc dư được ba triệu, cùng lắm là năm triệu, vậy mỗi năm có sáu mươi triệu. Mười năm có sáu trăm triệu. Tiết kiệm hai mươi năm mới được tiền tỷ, lúc ấy giá nhà lên gấp nhiều lần rồi. Tóm lại là không có hy vọng gì để “an cư lạc nghiệp”, có mái nhà che mưa che nắng ở thành phố, nói gì tới giàu có.
Từ lần nhẩm tính ấy, mình tự kết luận: Tiết kiệm không giải quyết được vấn đề gì hết. Phải tập trung kiếm nhiều tiền hơn.
Nhưng sự thật chứng minh, mình chẳng thể cứ muốn kiếm nhiều hơn là kiếm được. Thu nhập có tăng, đúng vậy, nhưng còn rất xa mới đạt tới mức đủ cho mọi ước vọng trong khi không quan tâm tới tiết kiệm.
Sự nôn nóng muốn đạt được những con số lớn ở dòng tiền vào, trong khi không cân nhắc kỹ càng với dòng tiền ra khiến mình không tích lũy được như đáng ra phải thế trong suốt nhiều năm. Tất nhiên, mình có nhiều gánh nặng tài chính và đã giải quyết được một số vấn đề của gia đình, nhưng điều đó không có nghĩa mình đã làm tốt ở việc tiết kiệm.
Ở tuổi 30, mình nhận ra đã chọn sai “phe”. Kiếm nhiều tiền hơn đúng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả lại là mình còn lại bao nhiêu sau khi chi tiêu. Nói cách khác, hiện giờ mình tin vào vế ngược lại. Dù thu nhập bao nhiêu, nhiều hay ít, điều quan trọng là tiết kiệm một cách kỷ luật, giữ mức sống ổn định dù dòng tiền vào gia tăng.
Mỗi đồng tiền tiết kiệm là một đồng tiền kiếm thêm, trong khi không phải bỏ thêm thời gian công sức năng lượng để làm việc, học tập, tìm kiếm cơ hội. Mình nhận thấy, tăng mức tiết kiệm thêm 10% dễ hơn nhiều so với tăng thu nhập thêm 10%. Và đó là lý do giờ đây mình tin vào vế thứ hai: Tiết kiệm là nền tảng cho một kết quả tài chính cá nhân thịnh vượng.
2. Tiết kiệm khoản lớn, đừng mất thời gian để tính chi li khoản nhỏ
Lời khuyên ngược lại: Phải kiểm soát tất cả chi tiêu dù nhỏ tới đâu, nhiều khoản “rò rỉ” nhỏ sẽ tạo thành thất thoát lớn.
Hai lời khuyên trái chiều này xuất hiện trong rất nhiều bài viết trên Internet và trong các cuốn sách. Có người khuyên phải kiểm soát từng đồng, có người lại nói chỉ cần để ý tiền thuê nhà, trả nợ… tóm lại là các khoản lớn.
Sự đối nghịch của hai luồng tư duy này tạo nên những cuộc tranh cãi không hồi kết trên mạng xã hội về chuyện: “Nếu mỗi ngày không uống cafe/trà sữa, sau X năm bạn sẽ tiết kiệm được A triệu”. Một bên nói thích thì cứ uống đi, đừng chi li với khoản có thể mang lại niềm vui và giá trị cho mình. Một bên lại nói nếu tiết kiệm mỗi ngày, khoản nhỏ sẽ thành khoản rất lớn.
Thú thực, với hai lời khuyên trái chiều trên, mình thấy… đều đúng (hơi ba phải nhỉ? He he…). Mình từng áp dụng cả hai, cuối cùng đúc kết được cách thức phù hợp với bản thân kiểu “mỗi bên một ít”:
Sử dụng ứng dụng điện thoại để theo dõi chi tiêu hàng ngày, sau khoảng 3 tháng sẽ thống kê được dòng tiền chi vào các khoản mục như thế nào;
Cắt bỏ nhiều nhất có thể các khoản chi lớn không thực sự cần thiết: ăn ngoài, du lịch tùy hứng, lãi vay (đáo hạn và vay lại khi lãi suất đã giảm so với lúc vay), mua sắm quần áo mỹ phẩm (đúng đấy, mình đã từng mua vô tội vạ)…
Đặt định mức cho các khoản nhỏ: Mình vẫn giữ lại một số khoản nhỏ mỗi ngày như cafe, ăn sáng ngoài hàng vào cuối tuần… đơn giản vì mình thực sự thấy thích, vui khi làm như vậy, và đó là giá trị thực sự (không giống tùy hứng mua một chiếc váy rồi về không mặc).
Trước đây, mình đã trì hoãn rất lâu việc ghi chép chi tiêu. Mình tự biện bạch rằng việc đó quá mất thời gian, không cần thiết, nhưng lý do là bởi mình muốn né tránh sự thực. Mình sợ phải nhìn thấy bằng chứng rõ ràng về lý do chi tiêu không hợp lý, các con số lớn hơn mình tưởng tượng, rồi mình sẽ phải đối mặt với năng lực kiểm soát chi tiêu yếu kém của bản thân.
“Khuất mắt trông coi”, “mắt không thấy, tim không đau”. Cứ mù mờ như vậy để không phải nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng đó chính là sai lầm “chí mạng” khiến mình không nắm được hoàn cảnh tài chính hiện tại và có kế hoạch cụ thể để cải thiện.
Khi đã bắt đầu ghi chép, mình vẫn thỉnh thoảng quên. Nhưng chỉ sau khoảng một tháng, điều đó trở thành thói quen, thậm chí thú vui của mình. Hóa ra kết quả cũng… sốc thật, nhưng khi đã nhìn thấy sự thật, thấy điều tệ nhất, sau đó mọi thứ sẽ tốt lên. Hiện tại, mình đã quản lý khá tốt dòng tiền thu chi của gia đình, nhưng vẫn duy trì theo dõi từng chi tiêu bằng ứng dụng điện thoại, đơn giản bởi nó giúp mình thấy dễ dàng hơn để kiểm soát.
3. Đồng tiền không đầu tư là đồng tiền “chết”
Lời khuyên ngược lại: Đầu tư rất rủi ro, với tiền tiết kiệm hãy chọn cách cất giữ an toàn dù lãi suất thấp, ví dụ như gửi ngân hàng.
Trên Youtube, rất dễ để tìm thấy những kênh nội dung về hướng dẫn đầu tư theo nhiều tư duy khác nhau. Dù không giống nhau về cách thức và quan điểm đầu tư, hầu hết các kênh này lại “nhất trí cao” về việc đồng tiền nhàn rỗi cần phải được đầu tư, nếu không sẽ mất giá nhanh chóng do không theo kịp lạm phát.
Điều thú vị là, khi mình đọc một số báo cáo so sánh về hiệu quả trung bình của các kênh đầu tư : vàng, bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu… Có rất nhiều giai đoạn, tỷ lệ lợi nhuận chỉ xấp xỉ, thậm chí thấp hơn kênh gửi tiết kiệm. Rõ ràng công sức cần bỏ vào ít hơn và mức độ an toàn của tiết kiệm ngân hàng cao hơn nhiều các kênh còn lại.
Mình biết, có nhiều người giàu lên nhờ đầu tư bất động sản hoặc chứng khoán, tiền ảo. Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, mình nhận ra tỷ lệ này rất thấp so với những người thua lỗ ở cùng kênh. Đặc biệt, hầu hết người đầu tư thành công đều có hiểu biết sâu sắc, độ nhạy bén cực kỳ cao, và nhất là rất… hiếm gặp.
Bằng tất cả những bằng chứng trên, cách mình đã chọn làm chiến lược cho bản thân liên quan tới đầu tư ở thời điểm hiện tại là sự dung hòa giữa hai ý kiến trên. Cụ thể là:
Chọn gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh chính cho các khoản tích lũy dần dần qua từng tháng, từng năm. Lưu ý tìm hiểu mức lãi suất của nhiều ngân hàng khác nhau, cân đối với mức độ uy tín/rủi ro, thay vì mặc định gửi ở ngân hàng trả lương hoặc một ngân hàng nào đó theo thói quen từ trước. Chênh lệch 0.5% lãi suất có vẻ không đáng kể, nhất là với khoản tiền không quá lớn, nhưng theo thời gian sẽ tạo ra khác biệt.
Tìm hiểu thêm một số kênh đầu tư khác, nhưng chỉ đầu tư khi bản thân hiểu về nó, không phụ thuộc và tin tưởng vào hiểu biết của bất cứ ai, kể cả đó là người thân, người tư vấn, chuyên gia, hoặc ai đó đã thành công .
Ra quyết định với sự chắc chắn từ chính mình là cách để mình thấy “chân chạm đất”. Ví dụ khi mua đất, mình chọn tìm hiểu và mua ở Đà Nẵng thay vì các vùng “đang sốt” khác. Mình chọn nơi mình hiểu nhất và chỉ chọn đất đầy đủ giấy tờ, quy hoạch rõ ràng, kể cả điều đó có nghĩa là khoản đầu tư nếu có tăng cũng khá chậm, khó có thể tăng kiểu gấp x lần sau vài tháng.
Mỗi người có phương châm đầu tư khác nhau và cần kiên định với nó. Phương châm của mình là “chậm nhưng chắc”. Mình không bao giờ cân nhắc các kênh như: tiền ảo, bất động sản nghỉ dưỡng, công ty khởi nghiệp… bởi vì chẳng hiểu biết gì về nó. Hiểu biết, không thể chỉ đến từ câu chuyện của một số người chia sẻ, xem mấy video Youtube, bài viết trên báo hoặc một vài cuốn sách. Đã liên quan tới tiền, cần phải thật cẩn thận. Đó là quan điểm của mình.
Chỉ đầu tư với khoản tiền sẽ không sử dụng trong thời gian dài.
Mình không thể “lướt sóng” với bất cứ loại đầu tư nào, bởi mình thấy quá rủi ro, phụ thuộc nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Nhiều người nói “rủi ro càng nhiều lợi nhuận càng lớn”, nhưng điều đó không có nghĩa đầu tư kiểu “đánh bạc”, nhất là khi phải vay tiền để đầu tư.
Những áp lực xảy ra khi chiều hướng thị trường trong ngắn hạn không theo dự đoán là lý do gây ra rất nhiều đau khổ và tổn thất. Vì vậy, bất cứ khi nào có một khoản đầu tư, mình luôn xác định rõ đó là “của để dành”, là cất giữ lâu dài. Mình không muốn dành thời gian tâm sức để theo dõi hàng ngày hàng tháng, “nhảy ra nhảy vào” giữa các sóng dù đó là cổ phiếu hay bất động sản.
Nếu có một bài học nào đó mình đã học được, đó chính là: Đừng đầu tư bằng một khoản nợ.
Tạm kết
Chủ đề về tiền quả thật rất khác biệt giữa mọi người, về tư duy, kinh nghiệm, các ra quyết định. Mình không muốn kết thúc bài viết với phát biểu chung chung kiểu “mỗi người có cách riêng, chỉ bạn mới hiểu chính mình”. Ngược lại, bởi vì liên quan tới việc chọn hướng nào giữa những ý kiến trái chiều về tiền, nên mình càng phải rõ ràng về điều mình tin tưởng.
Mình chọn TIẾT KIỆM là yếu tố quan trọng nhất để thịnh vượng tài chính;
Ghi chép chi tiêu đầy đủ, cắt giảm tối đa các khoản chi lớn không cần thiết, chỉ giữ lại rất ít các khoản chi nhỏ thực sự mang lại giá trị và có định mức cho chúng;
Ưu tiên gửi tiết kiệm ngân hàng cho các khoản tiền có thể cần sử dụng trong vòng một năm, đầu tư cho các khoản không dùng tới trong thời gian dài, và chỉ chọn các kênh mình thực sự hiểu thay vì dựa vào kinh nghiệm, lời khuyên, hiểu biết của bất kỳ ai khác.
Bạn có thể chọn khác mình, điều đó hoàn toàn ổn. Nhưng hãy rõ ràng về lựa chọn của bản thân và kiên định với nó. Đặc biệt, hãy chắc chắn bạn chọn bởi chính bạn đã có đủ niềm tin về hướng đi ấy, không phải vì dựa vào lời khuyên hoặc kinh nghiệm, kiến thức của bất kỳ ai. Tất cả đều mang tính tham khảo, là nguồn thông tin cho bạn nghiên cứu và tìm hiểu, không phải điểm tựa cho quyết định của bạn về tiền.
Chúc tất cả chúng ta đều mạnh khỏe, và túi tiền của chúng ta đều thịnh vượng hơn mỗi ngày.
Tố Uyên.