Ở tuổi 22, ba tháng sau khi báo cáo tốt nghiệp, tôi quyết định lấy chồng; hơn tôi 10 tuổi, anh ấy là “tiền bối” ở trường đại học của tôi. Khi nhận tin ấy, tất cả mọi người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đều bất ngờ và có phần “thấy tiếc” cho tôi. Lúc đó tôi là thủ khoa kép của Học viện Bưu chính viễn thông, tức vừa là thủ khoa đầu vào, vừa là thủ khoa tốt nghiệp. Tương lai đang rộng mở. Bên cạnh công việc tôi nhận được từ năm học cuối, trường đại học còn có ý định giữ tôi lại giảng dạy và cho đi nước ngoài đào tạo bậc cao hơn.
Lấy chồng là “coi như xong” hầu như là ý nghĩ của đa số những người sống quanh tôi. Lấy chồng với những lo toan, bận rộn con cái, người phụ nữ bước vào giai đoạn yên ổn không còn phấn đấu gì đáng kể nữa. “Thôi thì cũng tốt. Đằng nào cũng lập gia đình, lấy chồng sớm, xong sớm”. Có người còn hỏi thẳng: “Bác sĩ bảo cưới” đúng không? Mặc cho tôi nói gì, họ cũng tin chắc hẳn tôi phải có áp lực nào đó mới lập gia đình vào thời điểm ấy, không lý nào đây lại là lựa chọn của một cô thủ khoa đại học trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Trải qua hơn mười năm, từ một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học bước chân vào cuộc sống hôn nhân, cho tới nay tôi đã trở thành mẹ của hai con nhỏ. Những gì tôi đã trải qua trong hơn một thập kỷ, có thăng trầm, khó khăn, viên mãn, thành công và cả những thất bại, tôi có thể khẳng định: Lấy chồng sớm là một lựa chọn, không hoàn toàn tốt hay xấu, cũng không phải lý do sẽ chặn đứng con đường phấn đấu và tạo dựng sự nghiệp của người phụ nữ. Có lẽ do tôi may mắn. Nhưng đồng thời tôi cũng tin rằng, may mắn là một loại năng lực. Chính nỗ lực của tôi đã tạo điều kiện cho những hạt mầm may mắn nảy chồi đơm lá.
Mặc dù tương lai vốn bất định không thể nói trước, nhưng trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ trải nghiệm và góc nhìn đa chiều ở hiện tại của mình về vấn đề “ảnh hưởng của việc lập gia đình sớm với cuộc sống và sự nghiệp của người phụ nữ”, bằng những gì tôi đã trải qua, học hỏi, và trưởng thành.
NHỮNG VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN KHI LẬP GIA ĐÌNH SỚM
Trong mười một năm qua, đặc biệt là năm năm đầu tiên trong cuộc sống gia đình, tôi vấp phải rất nhiều gian nan, vất vả, những vấn đề về các mối quan hệ, cân bằng cuộc sống với công việc, và sức khỏe thể chất, tinh thần.
1. Thiếu kinh nghiệm xử lý các tình huống
Ở nhà, một cô gái được nhìn nhận là con gái của bố mẹ, thậm chí vẫn là “trẻ con” trong mắt gia đình, họ hàng, gần như chưa có nghĩa vụ nào chính thức. Nhưng sau lễ cưới, ngay lập tức cô gái ấy được gán cho rất nhiều những điều “phải làm”, bởi vì “lấy chồng rồi, lớn rồi”. Tôi có cảm tưởng như mình bắt buộc phải trưởng thành sau một ngày. Chỉ mới hôm trước, tôi vẫn còn được bao dung bởi là trẻ con. Ngày hôm sau của lễ cưới, tôi ngay lập tức được kỳ vọng trở thành phiên bản khác, trưởng thành và chín chắn, phải hiểu tất cả những lễ nghĩa, biết thu vén gia đình, cư xử đúng mực.
Trước ngày mùng 1 âm lịch của tháng đầu tiên sau khi cưới, vì sợ hôm sau vội đi làm sẽ không kịp mua đồ thắp hương, tôi tính “chắc ăn”, mua hoa quả từ chiều tối hôm trước, rửa sạch và bày lên ban thờ. Tôi tính để sẵn đó, sáng hôm sau chỉ việc thắp hương trước khi đi làm. Nhưng hôm sau, chồng tôi phản ứng ngoài mọi dự tính. Anh ấy cho rằng như vậy là không chuẩn chỉnh, không đủ thành tâm…
Logic của tôi không phù hợp với logic của một người vợ chu toàn “trong truyền thuyết” ư? Thế là vợ chồng tôi giận nhau cả một tuần. Chồng nghĩ tôi “làm ăn” sơ sài, tôi thấy chồng gia trưởng, độc đoán, không thấu hiểu. Tôi đã mất công chuẩn bị, tôi thành tâm lo lắng mình lỡ quên, tôi biết và nhớ việc mua đồ thắp hương khi ở ngay tháng đầu tiên sau khi lập gia đình, chẳng phải rất tốt rồi sao?
Chúng tôi cãi nhau, ban đầu chỉ từ việc thắp hương, câu qua câu lại, càng ngày cảm xúc càng lấn át, khiến cả hai bật ra những lời lẽ có “tính sát thương cao”. Dần dần, cuộc cãi cọ chuyển hướng sang những vấn đề không liên quan gì đến lý do ban đầu. Lẽ ra chỉ là chuyện “nên hay không nên”, lựa chọn cách làm cho một việc, chúng tôi nâng tầm quan điểm lên thành vấn đề tính cách bảo thủ, nhân sinh quan khác biệt, giáo dục gia đình… Những chủ đề dù có tranh luận nhiều ngày cũng không bao giờ ngã ngũ.
Sau này, cuộc sống gia đình trải qua nhiều cuộc xung đột khác, nhưng vụ việc “đặt trước hoa quả lên ban thờ mà chưa thắp hương ngay” vẫn luôn là một câu chuyện khó quên đối với vợ chồng tôi.
2. Lúng túng khi có thai và chăm sóc con nhỏ
Tôi sinh con năm 23 tuổi. Ở thời điểm đó, bạn bè cùng lớp cấp 3, lớp đại học của tôi chưa có ai sinh con, thậm chí hầu hết còn chưa lấy chồng. Lần đầu làm mẹ, tôi hoang mang lạc lối, giằng xé giữa những kiến thức đọc được trong sách vở và những kinh nghiệm của bà nội, bà ngoại và các diễn đàn trên mạng xã hội.
Tôi thèm ngủ. Ở cái tuổi ngoài 20, tay ôm con khóc ngằn ngặt, mong muốn lớn nhất của tôi là được ngủ một giấc từ tối đến sáng, lúc ấy được ngủ đủ giấc như thể một điều ước quá viển vông.
Thiếu kinh nghiệm, thiếu người chia sẻ, và tâm thế chưa thực sự sẵn sàng để làm mẹ khiến tôi nhanh chóng rơi vào trầm cảm. Nghiêm trọng hơn, tôi không nhận thức được điều đó. Có nhiều lần, tôi ngồi ở góc giường, nhìn đứa bé đỏ hỏn bên cạnh, tôi rơi nước mắt uất ức: “Vì sao mình lại lấy chồng? Vì sao lại sinh con để làm gì? Vì sao mình không học, phấn đấu công việc, hay đơn giản là chơi tiếp cho thoải mái?”. Nhìn bạn bè cùng trang lứa tự do tự tại, thăng tiến công việc, đi du lịch khắp năm châu bốn bể, tôi nghĩ mình đã sai lầm.
Có tới hàng tháng, tôi không động tới lược chải tóc, ngày nào cũng chỉ dùng tay vuốt vuốt mấy cái sơ sài rồi buộc túm lên. Quần áo mặc bộ nào cũng không để ý. Cho tới một lần, đi cùng chồng vào cửa hàng bán quần áo trên đường Nguyễn Chí Thanh, tôi đứng chết trân khi nhìn thấy mình trong gương. Cái cô đang nhìn lại đó, sao đó có thể là tôi được? Cô ấy mặc một bộ đồ nỉ màu xám, đi dép nhựa, đôi mắt trũng sâu, mái tóc xơ xác, ánh nhìn sầu muộn. Tối ấy về nhà, tôi (lại) ngồi khóc. Khóc vì tiếc đời, vì bực dọc với bản thân, vì thấy có lỗi với chính mình.
3. Gặp khó khăn khi muốn phát triển sự nghiệp
Đây là một sự thật. Thành thật mà nói, khi quyết định lấy chồng, tôi không tưởng tượng ra việc có gia đình và sinh con lại ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình nhiều đến như vậy.
Về mặt thể chất, việc mang thai, sinh con, chăm sóc con nhỏ đã ngốn phần lớn năng lượng của tôi. Trong công việc, dù muốn, tôi vẫn không thể làm nhiều và nhanh như dự kiến. Mỗi lần con ốm, tôi phải xin đến muộn, về sớm, nghỉ phép. Từ khi đi làm lại cho tới khi con ba tuổi, năm nào tôi cũng hết sạch ngày phép khi chưa qua nửa năm, phần lớn dành cho những ngày ở bệnh viện chăm con.
Tất nhiên, đây không phải là biện hộ cho kết quả công việc không xuất sắc ở giai đoạn đó của tôi hay những người phụ nữ khác ở hoàn cảnh tương tự. Tôi chỉ muốn nói rằng, phụ nữ có con nhỏ hao tổn sức khỏe rất nhiều, nhất là với người mẹ trẻ sinh con lần đầu. Trong công việc và cuộc sống, quyết tâm làm tốt là chưa đủ. Điều quan trọng là phải có sức khỏe, biết chăm sóc chính mình để hoàn thành những thử thách đã chọn. Điều này thật quá xa xỉ với một người mẹ 23-24 tuổi có con nhỏ, lại thường xuyên viêm phế quản, suy hô hấp như con tôi.
Sự thiếu kinh nghiệm trong việc sắp xếp thời gian, đặt ưu tiên trong cuộc sống, và thường xuyên bị bủa vây bởi vô vàn nỗi sợ hãi, lo lắng mình chăm con chưa đủ tốt đã hút cạn thời gian, năng lượng, và sự tích cực cần thiết để theo đuổi sự nghiệp của nhiều người phụ nữ trẻ, trong đó có tôi.
NHỮNG THUẬN LỢI VỚI CUỘC SỐNG & SỰ NGHIỆP KHI LẬP GIA ĐÌNH SỚM
Nhưng cuộc sống thật diệu kỳ, khó khăn luôn đi kèm với cơ hội, vấp ngã mang lại bài học, thử thách sẽ tôi luyện bản lĩnh. Hơn mười năm nhìn lại, tôi nhận ra, bên cạnh những mặt tiêu cực, quyết định lập gia đình sớm đồng thời mang tới cho tôi rất nhiều điều tích cực và quý giá trong cả cuộc sống và sự nghiệp.
1. Trưởng thành nhanh hơn trong cuộc sống
Trở lại với câu chuyện cãi nhau ngày mùng 1 đầu tiên năm đó, sau rất nhiều những va chạm, xung đột, cãi vã với kịch bản tương tự, chúng tôi dần dần tìm ra cách để kiểm soát cảm xúc và lời nói của mình.
Người này không suy diễn, không thêm bớt chữ nghĩa sắc thái cho lời nói của người kia, chỉ tập trung vào vấn đề hiện tại thay vì “moi móc liên hệ” chuyện đã qua và suy diễn giả định cho tương lai. Chúng tôi đã mất rất lâu để biến những nguyên tắc này trở thành phản xạ. Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi và chồng vẫn cãi vã, hờn dỗi, nhưng trên tinh thần tôn trọng nhau và chú ý kiểm soát cảm xúc bản thân vì thế mọi vấn đề trở nên dễ dàng giải quyết hơn nhiều.
Sự thay đổi và trưởng thành này không chỉ giúp tôi trong mối quan hệ với chồng mình, mà còn hình thành nên cách xử trí cảm xúc tiêu cực của tôi trong công việc và cuộc sống sau này. Từ một người hay “nuông chiều” cảm xúc cá nhân, tôi dần trở nên điềm tĩnh hơn. Tôi ít khi cáu gắt, dù ở gia đình hay công sở. Đây không hoàn toàn là tính cách có sẵn, chủ yếu tôi rèn luyện qua quãng thời gian dài và được đúc kết bằng nhiều va vấp xương máu từ khi lập gia đình lúc còn rất trẻ.
Câu chuyện về nuôi con nhỏ, sau những vấp váp, gian nan, đau khổ khi sinh và nuôi dạy bé đầu đã giúp tôi có nhiều kinh nghiệm; tự tin hơn rất nhiều khi quyết định sinh bé thứ hai sau đó bốn năm. Tôi biết mình muốn nuôi con theo cách nào, phải cân bằng cuộc sống tránh trầm cảm ra sao, có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ đâu.
Tôi quyết định rèn con vào giờ giấc ăn, ngủ mỗi ngày, sáu tháng tuổi bạn ấy đã tự ngủ từ tối đến sáng không ăn đêm. Tôi biết đây không phải cách của nhiều người, nhưng đây là lựa chọn của tôi. Chỉ có tôi mới biết điều gì phù hợp nhất với gia đình mình. Phải mất rất nhiều năm tôi mới có được sự can đảm ấy. Nhưng chính nó đã giúp tôi không trầm cảm, tự tin vào các quyết định của mình, xây dựng nếp sống phù hợp cho cả gia đình.
2. Có thêm động lực lớn để phấn đấu
Trong hành trình dấn thân và phấn đấu, tôi luôn bắt đầu với câu hỏi tại sao. Vì thế, mỗi khi gặp phải trở ngại bế tắc, tôi lại quay về với “Big Why” của mình. Vì sao tôi lựa chọn công việc khó? Vì sao tôi muốn học lên cao? Vì sao tôi cố gắng rèn luyện tiếng Anh, thi thêm các chứng chỉ quốc tế?
Vì chính tôi, điều đó đúng. Nhưng còn một lý do to lớn khác: vì gia đình. Tôi có một gia đình nhỏ và một gia đình lớn. Tôi không chỉ lo cho bản thân, tôi và chồng còn là chỗ dựa về tinh thần và kinh tế cho con cái và cha mẹ hai bên. Động lực này lớn tới mức có thể kéo tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thậm chí bế tắc trong công việc. Khi phấn đấu vì điều gì đó lớn hơn bản thân, tôi (và bạn) có thể quên đi tất cả vất vả, bất công, thậm chí thiếu thốn để mơ về tương lai tốt đẹp hơn cho người thân của mình. Tôi đã có được động lực này từ khi còn rất trẻ, và tôi gọi đó là một may mắn của mình.
3. Sự hỗ trợ lớn để theo đuổi sự nghiệp
Năm 2017, tôi quyết định theo đuổi chứng chỉ chuyên nghiệp đầu tiên của nghề quản lý dự án, khi đó bé lớn 5 tuổi, bé thứ hai vừa qua sinh nhật 1 tuổi. Bốn tháng ôn thi cũng là bốn tháng chồng tôi đảm nhận toàn bộ công việc chăm sóc con buổi tối, cho con ăn, chơi với con, dỗ con đi ngủ. Thậm chí anh nhận luôn phần trông con ban đêm để tôi được ngủ tròn giấc. Ngày tôi vào thi tại TP. Hồ Chí Minh, anh ấy gửi con cho ông bà để “hộ tống” vợ.
Trong sáu năm qua, kể từ chứng chỉ đầu tiên, tôi đã học, đã thi, đã trải qua nhiều thử thách trong công việc. Giai đoạn Covid, con học online, cũng chính là những ngày căng thẳng của tôi khi vừa theo đuổi tấm bằng Thạc sỹ MBA trong khi vừa làm việc fulltime. Tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về lúc đêm khuya. Ngày ngày chồng tôi cho con dậy sớm, mang theo cơm trưa đã chuẩn bị sẵn và đi cùng tới công ty. Bố làm việc, con ngồi một góc học online. Chiều bố chở con về, tắm rửa, nấu cơm ăn uống, kèm con học và cho con đi ngủ. Sáng hôm sau tiếp tục một vòng lặp lại như thế, triền miên nhiều tháng.
Chồng tôi luôn ở đó từ khi chúng tôi thành một gia đình, anh ấy không chỉ động viên tinh thần, mà còn nhận về rất nhiều trách nhiệm cho tôi toàn tâm toàn ý học tập và phấn đấu. Trong khi đó, bản thân anh cũng có công việc của riêng mình trong ngành công nghệ. Không có sự hỗ trợ ấy, tôi không thể nào làm được những gì tôi mong muốn và có được những gì tôi đang có hôm nay.
BA BÀI HỌC QUÝ CỦA TÔI
Ba bài học nhỏ dưới đây sẽ tóm tắt những gì đã trải nghiệm và trưởng thành sau hơn một thập kỷ của cô sinh viên “bước thẳng từ giảng đường tới lễ đường”:
- Lấy chồng và sinh con ở tuổi nào tùy ở bạn. Nhưng hãy đảm bảo rằng sự lựa chọn đó là của chính bạn, không phải do áp lực hoặc cảm xúc bốc đồng; và bạn cần chuẩn bị kiến thức kỹ càng cho những sự lựa chọn ấy.
- Kết hôn không phải thời khắc khiến bạn dừng lại tất cả những đam mê, mơ ước, hoài bão về học tập và sự nghiệp. Bạn đừng để khuôn mẫu của xã hội hay bất cứ ai áp đặt lên cuộc sống của chính mình. Một cuộc hôn nhân tốt trong đó mỗi người đều tốt lên; không phải cái lồng nhốt người phụ nữ để từ đó họ chỉ còn được định nghĩa là một người vợ, người mẹ mà thôi.
- Trong hôn nhân, chân thành, thẳng thắn và sống đúng với chính mình là quan trọng nhất để có thể gắn bó lâu dài. Nếu thích nhạc Kpop nhưng đành bỏ vì chồng bảo Kpop “nhố nhăng”, thích đi ăn món ngon ở tiệm nhưng cả năm không bước chân vào vì chồng chỉ muốn nấu ăn ở nhà, mặc đồ bánh bèo thay vì áo phông quần jean vì chiều theo ý chồng dù không thấy thoải mái… một ngày nào đó người vợ cũng sẽ không chịu đựng nổi mà “bùng cháy”. Khi ấy mọi thứ thật khó cứu vãn. Nhất định bạn cần tu dưỡng, điều chỉnh, luôn biết nhún nhường khi cần thiết, nhưng đừng bao giờ đánh mất bản thân mình.
THAY LỜI KẾT
Cuộc đời còn rất dài và nhiều đổi thay, tôi vẫn đang trên hành trình khám phá, trải nghiệm và tự điều chỉnh, nhưng mười một năm qua cuộc sống hôn nhân mang lại cho tôi rất nhiều điều quý giá. Tuy có những vất vả, va vấp, khó khăn, nhưng tôi được nhận lại nhiều tình cảm, trải nghiệm, đặc biệt có hai thiên thần bé nhỏ luôn yêu thương và là nguồn động lực lớn cho cuộc sống của tôi. Tôi luôn biết ơn vì được làm mẹ của hai bạn ấy.
Tôi tin rằng, như mọi lựa chọn khác trong cuộc sống, kết hôn sớm hay muộn cũng luôn song hành cả khó khăn lẫn thuận lợi. Lấy chồng không phải dấu chấm hết của những ước mơ, những hoài bão về sự nghiệp. Điều quan trọng là chọn đúng người để kết hôn, luôn điều chỉnh bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh nhưng không đánh mất những giá trị cốt lõi của mình.
Việc sớm có bạn đời và con cái thậm chí còn trở thành động lực, nguồn hỗ trợ, và chỗ dựa vững chắc cho những quyết định dấn thân trong sự nghiệp của người phụ nữ.
Tôi mong bạn dù đã kết hôn, sắp kết hôn, hay thậm chí không có ý định kết hôn, cũng sẽ luôn đi theo sự lựa chọn của trái tim mình và hài lòng với lựa chọn đó.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên