Làm thế nào để tận hưởng và duy trì việc học?
Học tập không phải hành trình dễ dàng. Kể cả đó là điều bạn yêu thích, đam mê, rồi vẫn sẽ có thời điểm bạn muốn bỏ cuộc vì mọi thứ trở nên khó khăn.
Gần đây, sau khi mình viết liên tục một số bài về chủ đề học tập, mình nhận được câu hỏi từ một bạn đọc về việc: Làm thế nào để giữ được nhiệt huyết và cảm thấy vui khi học? Vấn đề không phải là năng suất, sự tập trung, phương pháp học bởi vì tất cả những điều đó chúng ta đều sẽ tìm ra cách nếu thực sự tìm thấy niềm vui và động lực khi học.
Trong bài viết hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn về những niềm vui mình từng trải qua trong học tập, cách mình tìm thấy chúng để cố gắng mỗi ngày. Mình luôn tin rằng, cách học, nơi học, tài liệu, mẹo học tập… dù rất quan trọng nhưng sẽ không mang lại sự thay đổi nào đáng kể trừ khi người học toàn tâm toàn ý với hành trình.
Sự học mình nói tới ở đây bao gồm cả việc học ở chương trình chính khóa như đại học, thạc sỹ; tự học về kỹ năng cứng nào đó ví dụ để thi chứng chỉ chuyên môn, nâng cao ngoại ngữ; lại gồm luôn cả học những kỹ năng mềm hoặc hiểu biết mang tính bổ sung cho cuộc sống và công việc.
1. Ngừng biện hộ cho bản thân
“Không có thời gian”, “quá bận”, “quá mệt”, “chưa có đủ tài chính để học”, “chưa tìm được phương pháp phù hợp”… Thành thật mà nói, tất cả những điều đó chủ yếu là sự ngụy biện chúng ta tự tạo ra để dỗ dành chính mình. Trên đời này có mấy ai không bận rộn, vất vả mưu sinh, mấy ai học vì rảnh rang đầy đủ đâu? Không có ai nhàn rỗi hơn ai. Cũng không có ai không thể học nếu sự học đó là điều chúng ta thực sự mong muốn.
Mình đồng ý rằng, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, với nhiều nỗi vướng mắc khó khăn người ngoài không thể hiểu thấu. Nhưng nếu cứ nghĩ về những hạn chế đó, chúng ta sẽ luôn luôn cảm thấy mình là nạn nhân, mình không có đủ điều kiện cần thiết về năng lực, thời gian và sự hỗ trợ để học được. Và đó, chính là công tắc tắt đi niềm tin rằng bản thân có thể học và đi tới đích.
Một khía cạnh khác chúng ta thường tự “đánh lừa” bản thân đó là: tin rằng thất bại trong quá khứ sẽ tiếp tục lặp lại ở tương lai dù có cố gắng thế nào. Ví dụ: nhiều lần quyết tâm học tiếng Anh rồi nhưng không đi tới đâu; học viết nhưng vẫn viết không hay; không có năng khiếu giao tiếp nên không thể học để làm các công việc cần giao tiếp nhiều…
Chúng ta có thể từng thất bại với một mục tiêu học tập nào đó và cho rằng đó là do năng lực của mình, hoặc thực sự trên đời chẳng có ai, chẳng có phương pháp nào giúp được mình. Điều đó là không đúng, chắc chắn như vậy. Năng lực, trí thông minh, khả năng viết hoặc nói… tất cả đều có thể rèn luyện được. Đa số chúng ta rất thích các câu chuyện của người vươn lên từ khó khăn, vượt qua trở ngại của bản thân và trở nên thành công, nhưng lại rất khó nghĩ rằng mình cũng có thể làm được như thế.
Trải nghiệm cá nhân đã dạy mình rằng, điều gì cũng có thể học được, chỉ cần chúng ta thực sự mong muốn. Nhanh hay chậm, có tìm thấy phương pháp tốt ngay từ đầu hay không, có nhiều hay ít thời gian và tiền bạc… chỉ cần biết chắc vì sao mình cần học và không bỏ cuộc, sớm muộn chúng ta cũng đi tới đích.
2. Động lực thực sự chỉ có thể tới từ cảm xúc
Chúng ta có thể rất lý trí khi đặt mục tiêu học tập, ví dụ: Cần ngoại ngữ để tăng cơ hội công việc, học chuyên môn mới để chuyển ngành, học làm nội dung để xây dựng thương hiệu cá nhân… Nhưng nếu không tìm thấy để gắn mục tiêu này với một cảm xúc mãnh liệt nào đó, rất khó để chúng ta giữ được ngọn lửa tinh thần trên suốt hành trình.
Khi bắt đầu học, ai cũng hừng hực khí thế. Nhưng khi vấp phải khó khăn, những động lực xuất phát từ lý trí như học để làm tốt hơn, có công việc, tăng thu nhập… không đủ để chúng ta vượt qua.
Việc cần làm là bạn cần xác định “sâu” hơn một mức nữa của những lý do ấy để xác định được thứ cảm xúc ở tận cùng. Vì sao bạn cần tìm cơ hội không việc mới? Vì ngành của bạn đang ở chiều đi xuống, vì lương bạn quá thấp, vì bạn thấy môi trường mình đang làm rất tù túng?
Đồng ý, nhưng nếu không học thì sao? Bạn có lựa chọn khác không? Có “tấm đệm” nào đỡ bạn nếu bạn không học không? Thứ cảm xúc đang gắn với hoàn cảnh này là gì? Đó là cảm giác sợ hãi khi nghe tin công ty cắt giảm, là nỗi lo lắng và buồn bã khi không có tiền mua sữa cho con hoặc đưa bố mẹ già đi khám bệnh, là nỗi thất vọng tự ti khi nhìn thấy bạn bè phát triển dù họ vốn có cùng xuất phát điểm với mình, là cảm giác khao khát có được sự yên tâm cho tương lai sau này…
Hãy nhìn sâu vào những động lực của bạn để gọi tên được cảm xúc gắn liền với quyết định học tập ấy, khắc nó thật rõ ràng trong tâm trí, đó chính là điểm bắt đầu vững chắc nhất. Sau đó, nghĩ về tương lai, hình dung cụ thể cái ngày mình hoàn thành dự án học tập. Lúc ấy bạn sẽ cảm thấy gì? Sẽ chia sẻ thế nào với người thân? Bạn có viết lên mạng xã hội để ghi dấu lại một hành trình của mình không?…
Hồi mình học lớp 5, đi thi kể chuyện toàn quốc, tới giờ mình gần như không còn nhớ điều gì cụ thể nhưng lại khắc ghi rất sâu lời khuyên rằng: “Người ta chỉ nhớ rõ những gì khiến họ cười, hoặc khóc”. Vì thế, khi bạn xác định một mục tiêu học tập, hãy tìm hiểu bản thân thật sâu để xem việc học ấy là vì bạn sẽ khóc hay sẽ cười khi đạt được? Đôi khi, là cả hai.
3. Chấp nhận sự học là khó khăn
Điều gì chúng ta cũng có thể học được, nhưng đồng thời, học gì cũng khó khăn. Học để nhớ, để hiểu, để làm được, để thể hiện ra được những gì mình học là cả một hành trình dài chẳng có bước nào dễ dàng. Nhưng nếu dễ, chúng ta cũng đâu cần học.
Năm 2020, lần đầu tiên mình ôn thi IELTS từ xuất phát điểm chưa biết cả cấu trúc kỳ thi sẽ gồm những gì, với kiến thức y nguyên như hồi phổ thông chỉ toàn ngữ pháp. Mình buộc phải học và thi trong vòng sáu tháng để đủ điều kiện nộp hồ sơ học MBA.
Trời ơi là áp lực! Tối nào cơm nước xong xuôi, việc con cái nhà cửa ổn ổn là mình ra quán cà phê ngồi lì ở đó tới lúc quán đóng cửa. Ấy vậy nhưng khó vẫn hoàn khó, luyện mãi điểm không lên, bài nghe câu được câu mất, lạ nữa là có thời điểm càng học điểm càng giảm.
Khi ấy, điều mình tâm niệm để không bỏ cuộc là: “Kỳ thi này sinh ra là để… làm khó mấy đứa như mình. Dễ thì tất cả đều làm được hết rồi, đâu tới mình học nữa?”. Nghe rất… cay cú nhưng chính nhờ suy nghĩ ấy mà mình có động lực để tiếp tục chiến đấu.
Học tập không phải hành trình dễ dàng. Kể cả đó là điều bạn yêu thích, đam mê, rồi vẫn sẽ có thời điểm bạn muốn bỏ cuộc vì mọi thứ trở nên khó khăn. Nếu muốn mãi mãi thoải mái, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta không thể cải thiện trình độ vì chỉ học đi học lại những thứ trong tầm với.
Đã quyết định học điều gì, hãy xác định rằng mình đang bước vào một hành trình gian nan, không phải vừa đi vừa tận hương “chill chill” mà học được.
4. Đừng chờ đợi để bắt đầu học
Không nên trì hoãn việc học để mong tìm thấy phương pháp, khóa học, tài liệu “đỉnh cao” rồi mới bắt đầu. Hiệu quả là quan trọng, mình hiểu. Nhưng trong việc học, rất nhiều kết quả chỉ tới khi tích lũy đủ về lượng.
Đôi lần, chúng ta dễ bị xao động bởi những lời hấp dẫn về một phương pháp, khóa học, tài liệu giúp “học cấp tốc”, “học nhanh siêu cấp”, “lười mà vẫn giỏi”… Làm gì có ai lười mà vẫn giỏi? Mỗi ngày học 15 phút mà thành thạo kỹ năng kiến thức nào đó trong 30 ngày?
Trên đời có rất nhiều phương pháp, kinh nghiệm để chúng ta học hỏi, tối ưu cách học, giúp rút ngắn thời gian và công sức để học hiệu quả hơn, nhưng để tìm thấy chúng bạn cũng cần bỏ công tìm hiểu và thử nghiệm rất nhiều. Nhờ phương pháp hay, tài liệu tốt, bạn có thể rút ngắn kế hoạch từ 6 tháng thành 3-4 tháng, nhưng cũng đồng nghĩa bạn phải “cày cuốc” nhiều hơn, không thể nào rút từ 6 tháng còn một tháng và lại được nhàn tản dễ dàng.
Đừng bị đánh lừa bởi những lời như thế bởi nó sẽ khiến bạn luôn thấy chưa đủ để bắt đầu, bạn sẽ nghĩ hẳn ở ngoài kia có cách học nào đó, phương pháp tuyệt vời, khóa học đỉnh cao nào đó sẽ giúp bạn vừa nhanh vừa dễ để học xong.
Chúng ta luôn có đủ để bắt đầu. Phải bắt đầu, phải học, phải chăm chỉ, không có cách nào khác. Đó là điều tiên quyết. Những phương pháp, tài liệu, khóa học là để hỗ trợ, giúp đỡ chúng ta, là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ. Quan trọng nhất vẫn luôn là nỗ lực từ bản thân mình.
5. Ghi nhận những chiến thắng nhỏ bé
Chiến thắng này có thể là điểm số hoặc bạn chinh phục được khía cạnh nào đó của mục tiêu học, nhưng đôi khi chiến thắng chỉ đơn thuần là mở sách ra và học, bất kể chất lượng tới đâu. Nhiều khi điều chúng ta có được chỉ là “đã 30 ngày liên tục mình học theo lịch trình”. Mình vẫn hay tự động viên như vậy, kiểu “đếm ngày ăn tiền”.
Đừng ai nói là số lượng không quan trọng bằng chất lượng nhé. Tất nhiên có chất lượng cao thì quá tốt. Nhưng kể cả hôm ấy hơi mệt chút, học không minh mẫn bằng mọi hôm, vẫn tốt hơn là không học. Chỉ riêng việc theo được lịch trình, duy trì sự đều đặn như kế hoạch cũng là tốt rồi.
Thêm vào đó, bất cứ khi nào bạn nhận được một lời khen, làm một đề được kết quả cao hơn trước, học ngoại ngữ mà nói được một câu khó hơn bình thường, hãy nhớ tự ghi nhận và chúc mừng chính mình. Đó là chất xúc tác, là cảm hứng và niềm tin được bồi đắp từng chút mỗi ngày để giúp bạn đi được đường dài và không bỏ cuộc.
Bắt đầu một dự án học tập vốn đã là quyết định quan trọng, nhưng duy trì niềm vui và động lực trên suốt hành trình ấy mới thực sự là thử thách với mỗi chúng ta. Mình hy vọng bài viết này sẽ tiếp thêm một ngọn lửa nhỏ cho con đường học tập của bạn.
Cứ đi rồi sẽ tới. Chúc bạn thành công!
Tố Uyên.