Không chỉ qua blog, ngay cả trong công việc hàng ngày, mình rất hay nhận được câu hỏi: “Em/mình có thể trở thành PM ngành công nghệ không, nếu em chưa làm PM bao giờ? Làm sao để trở thành một PM?”. Trong suy nghĩ của nhiều người, để trở thành quản lý dự án công nghệ, một người nào đó cần phải có những khả năng đặc biệt, thành tích vượt trội, hoặc định hướng rõ ràng ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp.
Mặc dù đúng là có những người trở thành PM từ những nền tảng như vậy, nhưng chỉ là số ít. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ về ba “con đường” để trở thành một quản lý dự án ngành từ những xuất phát điểm khác nhau, và cách hữu hiệu nhất để sớm bước đi vững chắc trên con đường ấy.
1 – Người đang làm trong ngành công nghệ nhưng ở các vai trò không phải PM
Một tỷ lệ lớn các PM công nghệ có xuất phát điểm từ một vai trò khác, ví dụ như người xây dựng sản phẩm phần mềm (developer/coder), nhân viên kiểm thử (tester), phân tích nghiệp vụ (business analyst - BA). Những người này có thuận lợi là đã vun đắp được nền tảng hiểu biết về ngành, hiểu về quy trình và các nguyên tắc, nhiệm vụ của các vị trí thành phần trong đội nhóm. Do đó, việc chuyển sang làm PM sẽ khá thuận lợi.
Để quá trình này diễn ra suôn sẻ, theo mình cần chú ý những điều sau:
Nỗ lực ở vị trí hiện tại để đi lên các vị trí trưởng nhóm, trước khi chuyển sang làm PM: Do công việc chính của PM là quản lý, do đó nếu bạn đã có kinh nghiệm và góc nhìn quản lý trong vị trí mình đang làm, sẽ là thuận lợi lớn. Hơn nữa, các công ty thường đánh giá cao và tạo điều kiện cho các trưởng nhóm developer, tester, BA được chuyển dần sang làm PM, rất ít cơ hội cho các bạn chưa lên đến vị trí trưởng nhóm do chưa có kinh nghiệm và hình dung về vị trí quản lý.
Bắt đầu thử nghiệm với dự án quy mô nhỏ xem mình có phù hợp không: Vì làm quản lý dự án có những đặc thù rất khác so với các công việc chuyên môn khác trong đội nhóm , mình khuyên bạn nên thử nghiệm với một dự án nhỏ, để xem mình có thực sự thích công việc này không trước khi quyết định thực sự thay đổi.
Học và thi ít nhất một chứng chỉ quản lý dự án chuyên nghiệp: Mỗi công ty có quy trình và cách làm dự án khác nhau, tùy thuộc vào văn hóa và thói quen ở đó. Tuy vậy, để hiểu về bức tranh toàn cảnh và những kinh nghiệm cũng như mô hình đã thành công trên thế giới, bạn nên học và thi ít nhất một chứng chỉ quản lý dự án chuyên nghiệp. Có chứng chỉ này, bạn không những tăng sức cạnh tranh của mình cho cơ hội trở thành quản lý dự án ở công ty mình đang làm, còn có nhiều lợi thế nếu chuyển sang công ty khác trong tương lai. Ngay cả khi bạn không lựa chọn trở thành quản lý dự án mà tiếp tục với vị trí chuyên môn hiện tại, chứng chỉ này vẫn rất giá trị đối với sự nghiệp của bạn.
Mình đã kể về hành trình học hỏi và chinh phục những chứng chỉ quan trọng về quản lý dự án ở bài viết dưới đây:
Hành trình chinh phục ba chứng chỉ cao nhất về quản lý dự án.
Rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, đặc biệt là khả năng giao tiếp “thực chiến”: Do hiện nay các công ty công nghệ đều chủ yếu làm việc với các đối tác nước ngoài (Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, và nhiều nước khác). Do đó, việc thành thạo ngoại ngữ trở thành yếu tố quan trọng, đặc biệt với vị trí PM, thường là đầu mối trao đổi thông tin giữa khách hàng/đối tác với đội nhóm nội bộ. Không phải chỉ cần đọc hiểu, mà còn cần nghe nói tốt và giao tiếp tự tin, trôi chảy.
Bản thân mình từng vật lộn với khó khăn này, khi bắt đầu với xuất phát điểm thấp và nhiều khó khăn để trở nên thành thạo với tiếng Anh, sau một thời gian dài học hỏi trên Internet và khóa học Cambly. Bạn có thể đọc thêm về hành trình này của mình ở các bài viết dưới đây:
Làm sao để giao tiếp tiếng Anh tốt với xuất phát điểm “I’m fine, thank you”?
2 – Người đang làm việc trong ngành khác
Những năm gần đây, các ngành công nghệ nói chung và phát triển phần mềm nói riêng, nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt sau giai đoạn phát triển vượt bậc qua 2 năm của dịch Covid-19. Trên các diễn đàn về quản lý dự án, thường xuyên có câu hỏi của những người làm trong các ngành khác, mong muốn chuyển sang ngành công nghệ, nhất là để làm quản lý dự án.
Theo mình, điều này là hoàn toàn khả thi. Chính mình cũng từng chuyển từ ngành viễn thông sang phần mềm. Từ trải nghiệm của mình, mình có một số gợi ý như sau:
Nên tìm cơ hội làm PM hoặc một số phần việc của một PM ở trong ngành bạn đang làm, trước khi chuyển sang làm phần mềm: Các công ty công nghệ ít khi muốn tuyển một người chưa từng làm quản lý dự án ở bất cứ ngành nào vào làm PM. Vì thế, bạn hãy tìm cách để được làm vai trò này, hoặc ít nhất là một số việc thuộc vai trò PM ở công ty hoặc ngành của bạn, ví dụ như lập kế hoạch, quản lý nhân sự, đảm bảo chất lượng…
Ví dụ, nếu bạn đang làm ngành xây dựng, hãy thu lượm cho mình kinh nghiệm làm dự án xây dựng, các công đoạn của một dự án, tham gia một số hoạt động xác định mục tiêu, phạm vi công việc, lập kế hoạch và theo dõi tiến độ… Những điều này giúp bạn phần nào có hình dung về công việc quản lý dự án, cũng là “vốn liếng” để bạn chuyển sang làm PM công nghệ sau này.
Học và tìm hiểu về phát triển phần mềm: Dù làm ở vị trí nào trong đội nhóm phát triển phần mềm, bạn cũng cần có hiểu biết căn bản về ngành. Ví dụ như: biết cách sử dụng mức độ cơ bản về 1 – 2 ngôn ngữ lập trình đang thịnh hành (Java, .Net, NodeJS…), biết về kiểm thử (manual và automation), biết về phân tích nghiệp vụ (BA)…
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những hiểu biết này từ một khóa học nào đó của các trung tâm đào tạo, hoặc một cách dễ dàng hơn là tìm trên các nền tảng online như Udemy, Coursera… Đây đều là những nền tảng chất lượng và uy tín, với các khóa học dành cho MỌI ĐỐI TƯỢNG, TRÌNH ĐỘ, có thể miễn phí hoặc có phí (khá thấp so với giá trị). Sau khi học xong, bạn còn được cấp bằng (với khóa có phí), và bằng cấp này có thể khai báo trong các hồ sơ cá nhân khi xin việc hoặc trên mạng xã hội nghề nghiệp như Linkedin chẳng hạn.
Cũng giống như đối tượng số 1, bạn sẽ nâng mức cạnh tranh của mình lên cao hơn nhiều nếu sở hữu ít nhất một chứng chỉ quản lý dự án chuyên nghiệp, ví dụ như PMP, PMI-ACP, đồng thời chuẩn bị cho mình những kiến thức nền tảng cần thiết để thực sự trở thành một PM; và có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo.
3 – Sinh viên mới ra trường
Với sinh viên mới ra trường, nếu bạn tốt nghiệp ngành phần mềm hoặc công nghệ, thì chúc mừng bạn, bạn đã có một lợi thế lớn. Nhưng nếu bạn tốt nghiệp một ngành khác không liên quan, ví dụ kinh tế, tài chính… thì đừng lo lắng. Bạn vẫn có thể tìm được cho mình con đường để trở thành quản lý dự án công nghệ nếu thực hiện theo những lời khuyên dưới đây của mình:
Bồi đắp những kỹ năng tổ chức, quản lý ngay từ khi còn học đại học, bằng cách tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ. Những kinh nghiệm này rất đáng quý khi bạn mới bước vào thị trường lao động, giúp bạn trở nên nổi bật so với các ứng viên khác, đặc biệt hữu ích với vị trí quản lý dự án.
Nâng cấp khả năng giao tiếp ngoại ngữ lên mức CỰC KỲ TRÔI CHẢY. Khi còn học đại học, bạn có nhiều thời gian hơn so với sau này khi đã đi làm, do đó, hãy tận dụng thời gian này để nâng tầm ngoại ngữ của mình lên mức tốt nhất có thể. Công ty mình từng tuyển những PM trẻ, mới ra trường dù biết các bạn chưa có kinh nghiệm, nhưng vì các bạn ấy có tiếng Anh QUÁ TỐT – điều rất hiếm ở thế hệ trước: 7x, 8x và đầu 9x.
Dành thời gian học hỏi về ngành công nghệ và nghề quản lý dự án bằng cách học và thi chứng chỉ quản lý dự án chuyên nghiệp như PMP, PMI-ACP. Không hẳn cứ học và thi xong chứng chỉ này là chắc chắn bạn sẽ trở thành PM tốt, nhưng đó là bằng chứng cho nhà tuyển dụng tin rằng bạn có cam kết với lựa chọn nghề nghiệp của mình – một điều rất quan trọng để bạn được lựa chọn.
Tóm lại, dù bạn đang làm ngành gì hay ở vị trí nào, có bao nhiêu năm kinh nghiệm, nếu bạn thực sự muốn trở thành một PM ngành công nghệ, cơ hội luôn mở cửa với bạn. Trong đó, ngoài việc tìm kiếm những cơ hội để trải nghiệm công việc này trước khi thực sự bước vào, việc rèn luyện tiếng Anh, đặc biệt là giao tiếp thành thạo và học, thi ít nhất một chứng chỉ quản lý dự án chuyên nghiệp là hai điều luôn cần thiết và mang lại giá trị lớn cho sức cạnh tranh của bạn.
Mình hy vọng bài viết này đã mang tới cho bạn một số gợi ý về con đường để trở thành PM ngành công nghệ.
Chúc bạn một ngày vui!
Tố Uyên.