Có động lực đủ mạnh, biết cách duy trì nó trong thời gian dài, và có thể kéo bản thân dậy mỗi lần động lực đột nhiên tụt đáy - đó là chìa khóa để hoàn thành được những gì bạn đã bắt đầu.
Mỗi người chúng mình đều có những mục tiêu, những thứ muốn làm, những lần vạch ra phương hướng cho cuộc đời mình bằng cách học tập, làm việc một cách nhiệt huyết. Vấn đề là, có bao nhiêu lần thành công? Bao nhiêu lần bỏ cuộc trước khi về đích? Bao nhiêu lần bắt đầu rồi bỏ dở, để rồi sau đó tự trách mình không đủ tốt, không đủ giỏi, không đủ kiên trì?
Chúng ta cứ mong tìm thấy mục tiêu phù hợp, thực sự phù hợp, bởi tin rằng vì chọn học thứ không phù hợp, chọn việc không phù hợp nên mới tụt mood chán nản nhanh chóng rồi bỏ cuộc như thế. Chúng ta nghĩ vì mình lập kế hoạch không đúng cách, chưa biết các kỹ thuật quản lý thời gian, không biết đặt ưu tiên thế nào nên mới thất bại.
Những điều đó đều có lý. Nhưng rút cuộc, đó cũng chỉ là cách làm, mà cách làm thì vô số. Cái chúng ta thiếu, là động lực đủ lớn và có thể duy trì động lực ấy trong khoảng thời gian dài.
Như trong một trận bóng đá, có rất nhiều cách để dẫn bóng đến khung thành đối thủ, và mỗi cú dứt điểm đều khác nhau hoàn toàn. Không có công thức chung nào cả. Vấn đề đầu tiên là cầu thủ phải có động lực để chiến đấu, biết mình đang nỗ lực chạy vì điều gì để đừng nhụt chí dù ở phút bù giờ cuối cùng. Không có động lực ấy, mọi kỹ thuật chỉ bằng thừa.
Trước thềm năm mới, mình nghĩ mọi người đều đang vạch ra kế hoạch mục tiêu cho năm mới, nên mình viết bài blog này để chia sẻ về điểm cốt yếu mình nghĩ chúng ta cần có cho hành trình tiến về phía trước. Đừng lo lắng mình thiếu kỹ năng, chưa biết cách biến mục tiêu thành hiện thực. Hãy nghĩ về động lực trước tiên. Không có nó, bạn sẽ không ghi bàn được đâu.
1. Cái bạn cần là động lực, hay là học cách kiên trì kỷ luật?
Dạo gần đây, những cuốn sách về rèn luyện sự tập trung và đề cao tính kỷ luật được xuất bản khá nhiều. Ngay trên chính blog In Metime, mình cũng viết không ít bài về hai từ khóa “tập trung”, “kỷ luật”. Nhưng, có một sự thật ẩn đằng sau hầu hết các câu chuyện: Người ta không tự dưng tập trung và kỷ luật.
Một người viết đều đặn hàng ngày, thậm chí mỗi ngày vài bài không bỏ lỡ ngày nào, vì họ muốn xây dựng kênh lớn mạnh, có thể vì mục tiêu kiếm tiền trong dài hạn, vì cảm giác thành tựu, vì sự nhẹ nhõm an vui khi đóng góp cho cộng đồng và giúp đỡ người khác.
Một người ngày nào cũng học tập, nỗ lực, có thể vì đã từng có một tuổi thơ nghèo khó và những gì đang làm là con đường để họ thoát khỏi nỗi ám ảnh về sự nghèo khó kia.
Con gái mình mỗi ngày đi học về là ngồi ngay vào bàn làm bài tập, chủ yếu vì cảm giác thành tựu khi tới lớp được cô khen và để được thoải mái chơi và đọc sách suốt buổi tối sau khi học xong.
…
Kiên trì và kỷ luật là biểu hiện ra ngoài của một động lực mạnh mẽ và ý chí kiên định, không phải “đầu vào” của một quá trình. Câu hỏi “có cần động lực không, hay chỉ cần học cách kiên trì kỷ luật?” vốn không phải một câu hỏi đúng. Động lực, kiên trì vốn không tách rời nhau.
Bạn không cần học cách để kiên trì và kỷ luật, cái bạn cần là ĐỘNG LỰC ĐỂ KIÊN TRÌ VÀ KỶ LUẬT.
Bạn có thể ngưỡng mộ một người, tự hỏi vì sao họ có thể kiên trì và nỗ lực như thế, trong khi mình “cả thèm chóng chán”, “trì hoãn”. Những người ấy kể về hành trình của họ, rằng mỗi ngày đều tranh thủ học nhiều thế nào, bắt buộc bản thân phải hoàn thành mọi thứ ra sao, sử dụng các công cụ gì để ghi chú, lập kế hoạch. Nhưng điều quan trọng nhất không nằm ở đấy đâu. Họ có động lực lớn để hoàn thành, nên họ dùng công cụ nào cũng vậy thôi.
Bạn đừng học cách người khác làm thế nào để kiên trì và kỷ luật nữa, bởi vì trên đời này vốn không có người vì có tính kiên trì kỷ luật nên thành công, mà là người có động lực lớn và khao khát hoàn thành được mục tiêu nên họ kiên trì và kỷ luật.
Nếu bạn có động lực ấy và biết cách duy trì nó, bạn cũng sẽ kiên trì được thôi, dù cách của bạn và của họ chẳng giống gì nhau. Bởi vì mỗi cầu thủ đều có đường dắt bóng, cú chuyền bóng khác nhau. Mỗi bàn thắng chỉ có một điểm chung duy nhất: nó đến từ những người khao khát đưa bóng vào lưới. Những điều còn lại: lối chơi, thể lực, và may mắn - bạn sẽ rèn luyện được khi đã biết rõ động lực của mình là gì.
2. Tìm kiếm động lực của riêng bạn ở đâu?
Nếu bạn thấy mình chưa đủ quyết tâm để tiến về phía trước và hoàn thành một điều gì đó, có thể vì một trong các lý do:
Bạn vẫn đang có rất nhiều lựa chọn khác: Trường hợp này không thể dẫn tới động lực lớn. Bạn có nhớ thời học phổ thông và ôn thi đại học không? Với rất nhiều người, đó là quãng thời gian rực rỡ nhất, là phiên bản nỗ lực chăm chỉ nhất họ từng có. Lý do đơn giản: vì không còn sự lựa chọn nào khác. Dù ở thời đại nào, chúng ta đều không có một con đường đủ tốt tương xứng với việc vào đại học. Vì thế, chúng ta kiên trì và kỷ luật vô cùng.
Bạn có sự dự phòng rất lớn: Nếu không học, không làm, không cố gắng, bạn vẫn có một cuộc sống tốt vì có sự hậu thuẫn của gia đình, một khối tài sản lớn, một nguồn thu nhập từ chồng/vợ đủ lo cho mọi nhu cầu cuốc ống. Nếu mục tiêu của bạn không hoàn thành, không sao cả, mọi thứ vẫn ổn thôi. Mình hoàn toàn trân trọng và thậm chí rất ghen tị với các bạn ở hoàn cảnh này.
Bạn đang tự “ru ngủ” bản thân rằng mọi thứ sẽ như mình mong muốn, mãi mãi: Những gì chúng ta đang có, mỗi ngày đang trải qua, thực ra mong manh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Nhưng nhiều người không nhận ra điều đó, cứ nghĩ cuộc đời sẽ mãi êm ả như vậy.
Đây là lý do khiến bao người khốn đốn khi dịch covid xảy đến làm đảo lộn tất cả, nhiều người trong nhóm lực lượng lao động trí thức 30-40 tuổi ngơ ngác giữa thị trường lao động khi bỗng dưng bị cắt giảm nhân sự hàng loạt trong vài năm gần đây.
Hôm nay mọi thứ có vẻ rất ổn, nhưng có chắc ngày mai sẽ như vậy? Nếu công ty bạn đóng cửa thì sao? Bỗng dưng AI xâm chiếm, genZ ra trường, và bạn không còn là sự lựa chọn ưu tiên ở chốn công sở nữa thì sao? Nếu bỗng dưng gia đình bạn có một khoản nợ lớn thì làm thế nào?
Mình không muốn khiến bạn cảm thấy hoang mang, bất ổn. Mình chỉ muốn nói rằng, mọi thứ thường không chắc chắn như chúng ta tưởng. Lo sợ “quá liều” sẽ khiến chúng ta tê liệt, nhưng không nhìn nhận đúng về mức độ mong manh của những gì đang có sẽ khiến nhiều việc lẽ ra cần dồn hết tâm sự để hoàn thành lại trở nên “làm cho vui” hoặc chỉ vì cảm hứng nhất thời.
Hầu hết những người nỗ lực vô cùng đều là người có động lực mạnh mẽ. Động lực ấy đến từ quá khứ, khi họ không muốn bị rơi vào một hoàn cảnh nào đó tương tự từng xảy ra; hoặc động lực từ tương lai, khi họ có một giấc mơ rõ nét và khao khát biến nó thành hiện thực.
Đây chính là kim chỉ nam để tìm ra động lực mạnh mẽ nhất của chính bạn. Chỉ cần một cũng đủ rồi.
Bạn từng có ngày nào không có tiền trong túi, thèm một bát bún nóng hổi cũng không dám ăn, ngậm ngùi úp bát mì tôm cho qua bữa? Bạn từng nhìn thấy người thân của mình vất vả, mưa rét vẫn lăn ra ngoài kiếm tiền, gót chân nứt nẻ giữa trời rét buốt? Bạn từng có ngày nào đó trên hành trình trưởng thành, bỗng nhìn thấy sự thiệt thòi khó nhọc của người đánh rơi cơ hội chỉ bởi không nỗ lực từ trước đó?
Sau này, bạn muốn con mình sẽ sống như thế nào? Bố mẹ là xuất phát điểm của con, vậy bạn mong con bạn bước vào đời với xuất phát điểm rao sao? Bạn có mơ ngày nào đó được đi du lịch cùng người bạn đời tới những vùng đất mới với sự yên tâm trong lòng bởi hoàn cảnh tài chính đã đủ vững vàng? Bạn mong bố mẹ mình sẽ được đi du lịch, được ăn những món ngon mà cả đời họ chưa từng được nếm không?
Đứng trước động lực, mọi kỹ năng, kỹ thuật, công cụ đều xếp vào hàng sau.
Có bạn hỏi: học tiếng Anh nên mua khóa nào, đọc sách gì, luyện qua trang trả phí hay miễn phí? Mình lại thấy, học bằng gì cũng được, vấn đề là bạn có động lực để phải giỏi bằng mọi giá không?
Lại có bạn nói: muốn tìm được công việc lương cao hơn nhưng không biết làm thế nào. Nói thật, nếu đó là con đường duy nhất của bạn, bạn sẽ tìm ra cách thôi.
Còn bình tĩnh rảnh rang, là vì mọi thứ chưa cấp bách, hoặc vì bạn nghĩ chưa có gì cấp bách. Chừng nào bạn nhận ra rằng, bạn cần phải làm điều gì đó BẰNG MỌI GIÁ, bạn sẽ kiên trì kỷ luật và sẽ tìm ra cách để làm.
3. Điều gì giúp duy trì động lực?
Trong một cuốn sách mình đọc gần đây có ghi một câu thế này: Tuổi thọ của con người ngắn đến tàn khốc.
Nếu sống thọ tới 80-90 tuổi, chúng ta cũng chỉ có hơn 4000 tuần. Hãy tưởng tượng một tờ giấy kẻ ô vuông, mỗi chiều có 64 ô, tổng số tuần chúng ta sống trên đời chỉ có bằng ấy thôi đó bạn. Bạn thử tô xem, tới giờ mình đã có bao nhiêu ô được tô màu bởi đã đi qua, và còn bao nhiêu ô trắng để vẽ nên cuộc đời phía trước.
Chúng ta thường nghĩ, sẽ còn rất nhiều ngày, nhiều tháng năm để thực hiện những gì muốn làm, theo đuổi hoài bão, sửa lỗi cho những lần trì hoãn. Nhưng cũng chỉ có 4000 tuần như vậy thôi, ít lắm bạn ạ.
Khi lướt mạng xã hội, hóng drama, lướt hết video ngắn này tới video ngắn khác, bạn đang làm gì với cuộc đời mình? Đang đối xử ra sao với 4000 tuần mình có? Mà không, nếu bạn đã 25 tuổi, 30 tuổi, 40 tuổi, con số ấy đã khác rồi.
Liệu có động lực nào lớn hơn việc hiểu rằng thời gian mỗi ngày trôi đi là đi mãi, cát trong đồng hồ đã rơi xuống rồi?
Chúng ta chỉ có cơ hội sống có một lần. Vì sao còn trì hoãn?
Bạn thân mến,
Bài viết này có lẽ không giống như hầu hết các bài viết đón chào năm mới ở ngoài kia, tràn đầy niềm vui và nhiệt huyết, sự tin tưởng vào tương lai để “làm lại” tất cả những gì chưa làm được ở năm cũ. Nhưng mình lại nghĩ, đôi khi điều cần thiết là cần nhìn thẳng vào sự thật về cách chúng ta đang đối xử với bản thân và tương lai của mình, thời gian cuộc đời mình.
Đừng lo lắng mình không đủ tốt, bởi đúng thật là chúng ta chẳng bao giờ đủ tốt so với kỳ vọng của bản thân, thậm chí của người thân và xã hội. Chân lý rồi, vậy sao phải lo.
Đừng sợ thất bại, bởi vì không làm gì mới là thất bại lớn nhất. Khi lựa chọn không hành động, là bạn thua luôn rồi, làm sao phải sợ thất bại nữa. Bạn ngồi luôn ở ngoài sân, có vào đá bóng đâu mà có cơ hội lo sút ra ngoài.
Đừng cứ luôn lo lắng mình chưa học đủ về cách kiên trì, kỷ luật, cách lập mục tiêu đúng, cách đặt ưu tiên, cách lên kế hoạch hiệu quả, cách quản trị thời gian. Nếu bạn khao khát sống mỗi ngày cho xứng đáng, bạn có động lực rõ ràng và đủ lớn, tự khắc mọi mảnh ghép khác sẽ vào đúng chỗ của nó.
Mình tin, bạn và mình, chúng ta ở tương lai xứng đáng được tự hào về bản thân hơn bây giờ. Quan trọng nhất là, hãy khiến bạn của tương lai biết ơn về bạn của ngày hôm nay.
Nếu cần thêm một cú hích nữa để bắt đầu năm mới, mình gợi ý bạn đọc cuốn sách “4000 tuần” (tác giả Oliver Burkeman).
Hẹn gặp nhau ở năm 2025 nhé!
Thân mến,
Tố Uyên.
Cám ơn bài viết rất truyền cảm hứng của c Uyên nhé