Làm thế nào để quyết định có nên từ bỏ một mục tiêu?
Từ bỏ cũng được. Nhưng từ bỏ kế hoạch này, bạn có lựa chọn nào tốt hơn để thay thế không?
Có rất nhiều tấm gương cổ vũ chúng ta nên theo đuổi mục tiêu đến cùng.
Đó là nhà văn J.K.Rowling kiên trì viết nên bộ sách “để đời” Harry Potter sau khi không thành công với nhiều tác phẩm trước đó. Ngay cả Harry Potter cũng chỉ được phát hành sau lời từ chối của hàng chục nhà xuất bản;
Đó là ca sỹ Taylor Swift, không từ bỏ sự nghiệp âm nhạc sau nhiều trắc trở, thậm chí bị vùi dập bởi nền công nghiệp âm nhạc Mỹ và những đối thủ cạnh tranh và một bộ phận khán giả kém văn minh;
Đó là hầu hết những tấm gương khởi nghiệp, dồn tất cả tài sản của mình vào một ý tưởng, trải qua vô vàn khó khăn nhưng kiên quyết không từ bỏ để rồi cuối cùng gây dựng nên những đế chế triệu đô…
Có điều, đó không phải toàn bộ bức tranh.
Có một câu hỏi khác hiếm được đặt ra hơn nhưng cũng quan trọng không kém việc cổ vũ kiên trì với mục tiêu đó là:
Khi nào chúng ta nên từ bỏ?
Mình từng kiên trì theo đuổi sự nghiệp làm quản lý dự án công nghệ dù vấp phải nhiều trở ngại vì có con nhỏ, theo đuổi công việc mới khi đã 28 tuổi; nhưng mình cũng từng bỏ dở việc thi chứng chỉ phân tích tài chính sau khi trượt một lần;
Mình từng kiên trì học nói tiếng Anh bằng cách trò chuyện với cô giáo 30 phút mỗi ngày lúc năm giờ sáng, khi thức dậy còn mơ màng vừa học vừa ngáp; nhưng mình cũng từ bỏ tiếng Hàn sau ba tháng;
Mình vẫn đang kiên trì viết blog và làm podcast mỗi tuần, nhưng đã từ bỏ ghi hình để đăng trên Youtube;
Bằng trải nghiệm cá nhân, mình sẽ chia sẻ với bạn cách mình phân tích và đưa ra quyết định tiếp tục cố gắng thêm một chút hay sẽ dừng lại mỗi khi gặp bế tắc với mục tiêu. Một cách ngắn gọn, đó là bốn câu hỏi:
Lúc này có lựa chọn thay thế nào tốt hơn không?
Bạn đã thực hiện đủ thời gian cam kết lúc đầu chưa?
Năm 80 tuổi nhìn lại, bạn sẽ biết ơn hay hối tiếc vì quyết định từ bỏ hôm nay?
Điều bạn cần làtừ bỏ hay một quãng nghỉ ngơi?
1. Lúc này có lựa chọn nào tốt hơn không?
Từ bỏ cũng được. Nhưng từ bỏ kế hoạch này, bạn có lựa chọn nào tốt hơn để thay thế không? Khi bỏ một điều, chúng ta phải chắc chắn việc từ bỏ đó có ích lợi, tức là dừng lại để nhường chỗ cho lựa chọn tốt hơn. Nếu dừng lại nghĩa là… thôi, không làm gì hết thì không nên bỏ.
Mỗi sự lựa chọn đều đi kèm chi phí cơ hội. Một cách đơn giản nhất, chi phí cơ hội là những gì chúng ta đã bỏ lại do đã lựa chọn theo hướng này. Chi phí cơ hội càng cao, càng cần phải cân nhắc khi lựa chọn và từ bỏ.
Ví dụ: Bạn đã hoàn thành chương trình đại học bốn năm, nhưng muốn bỏ hướng đó để theo đuổi con đường nghề nghiệp khác. Vậy triển vọng của con đường mới phải tốt hơn hẳn đường đang có, nếu không chi phí cơ hội rất khó để gỡ gạc công sức, thời gian và tiền bạc đã tốn vào bốn năm đại học.
Bạn muốn nghỉ việc để chuyển sang công ty mới. Nếu ở nơi mới có triển vọng phát triển tốt hơn, thu nhập cao hơn khoảng 20-30% trở lên, nó đáng được cân nhắc. Nhưng nơi mới mọi yếu tố về môi trường và cơ hội tương đương nơi cũ, thu nhập chỉ cao hơn 5%, vậy khi chuyển sang nơi mới bạn sẽ phải chịu chi phí cơ hội vì đã từ bỏ nơi cũ - nơi bạn đã thông thuộc con người và quy trình, có nhiều mối quan hệ, và dễ có cơ hội được cất nhắc do đã có thâm niên.
Khi định từ bỏ, hãy chắc chắn bạn làm vậy vì có lựa chọn khác tốt hơn để theo đuổi. Đừng bỏ chỉ bởi muốn bỏ hoặc suy nghĩ cứ bỏ đã tính sau. Việc từ bỏ lúc nào cũng dễ dàng hơn cố gắng vượt qua và tiếp tục. Vì thế, hãy tăng độ khó cho nó bằng cách bắt mình phải trả lời được câu hỏi trên.
2. Bạn đã thực hiện đủ thời gian cam kết lúc đầu chưa?
Khi bắt đầu viết blog, mình tự đặt ra mốc thời gian cho bản thân là sau một năm. Sau một năm, mình sẽ xem xét lại việc viết có mang lại cho mình niềm vui hoặc ý nghĩa nào không? Mình sẽ không từ bỏ trước đó bất kể gặp phải trở ngại nào để tránh việc từ bỏ quá sớm, trước khi nhìn thấy thành quả. Sau đúng một năm, với những gì đã trải qua và gặt hái được, mình nhìn thấy ý nghĩa của mục tiêu này nên quyết định sẽ đi tiếp.
Khi đặt mục tiêu thi chứng chỉ phân tích tài chính CFA năm 2019, mình tự nhủ sẽ cho bản thân thời gian một năm để theo đuổi mức độ 1 của chứng chỉ này, sau đó mới cân nhắc tiếp có học tiếp mức độ 2 và 3 không. Kết quả là mình trượt luôn mức độ 1. Quan trọng hơn, mình không thấy học hỏi được đúng những gì mình cần cho công việc.
Vì thế, khi mình từ bỏ, điều quan trọng không hẳn vì mình trượt. Nếu nó thực sự quan trọng và mình thấy có ý nghĩa sau một năm trải nghiệm, mình sẵn sàng ôn tiếp để thi lại.
Hãy quyết định về thời gian cho dự án cá nhân của mình và chỉ cân nhắc từ bỏ hoặc không khi đã đi qua đủ thời gian đã cam kết lúc đầu. Trước thời hạn đó nếu bạn gặp khó, đơn giản là không cho phép mình từ bỏ.
Có rất nhiều thành quả chúng ta chỉ nhìn thấy sau thời gian đủ dài, khối lượng công sức đủ nhiều, và đôi khi còn phải có đủ thời gian để may mắn xuất hiện.
3. Năm 80 tuổi nhìn lại, bạn sẽ biết ơn hay hối tiếc vì quyết định hôm nay?
Năm 2021, đúng vào dịch Covid, mình vừa học MBA, vừa ôn thi một chứng chỉ quốc tế khó, trong khi bản thân gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Nhiều buổi tối ngồi giữa đống sách vở, mình lại tự hỏi: Vì sao phải khổ thế này? Nhiều người có cần học hành thi thố như này đâu vẫn có công việc? Học xong rồi liệu có thêm cơ hội nào tốt không hay mọi thứ vẫn thế?
Tấm neo đã kéo mình kiên trì với kế hoạch hồi ấy là một câu hỏi mình cứ tự chất vấn bản thân nhiều lần:
“Sau này nhìn lại, liệu mình sẽ biết ơn hay hối tiếc vì hôm nay đã từ bỏ chứng chỉ này?”.
Tưởng tượng về bản thân mình của tương lai là một cách để thoát khỏi những suy nghĩ bốc đồng, cảm tính của hiện tại. Hãy nghĩ về mình của nhiều năm sau này khi nhìn lại và đánh giá, liệu mình có đồng tình với quyết định từ bỏ hay không?
Điều này thật sự không dễ chút nào. Nhưng thật kỳ lạ là mình có cảm giác bản thân của tương lai luôn… thông thái hơn hiện tại. Chỉ bằng một câu hỏi, chúng ta đã có thêm một người tư vấn, một phiên bản nào đó của nhiều năm sau giúp mình đánh giá tình hình.
4. Điều bạn cần là từ bỏ hay một quãng nghỉ ngơi?
Hồi mình được nhận vào một công ty lớn, với vị trí quản lý công việc của cả trăm người, sau cả năm trời mình vẫn bị căng thẳng nặng nề. Ngập lụt với quá nhiều điều chưa từng làm, nghi ngờ năng lực bản thân, trên tất cả mình bị hội chứng “kẻ giả mạo” nặng nề nên lúc nào cũng nghĩ người ta sắp “vạch trần” và biết là thực ra mình chẳng có tài cán gì, họ đánh giá mình quá cao rồi.
Mọi thứ lên tới đỉnh điểm khi mình sợ đi làm và muốn nghỉ việc. Không chỉ vậy, mình khao khát… không đi làm doanh nghiệp nữa. Bằng một cách nào đó (cách nào thì không biết), mình muốn tự làm chủ để khỏi phải làm thuê cho ai nữa. Mình điên cuồng tìm kiếm cách hướng kinh doanh với hy vọng có được thu nhập đủ cho sinh hoạt, miễn không đi làm thuê.
Lúc ấy, chồng mình có nói một câu rất… thấm: “Em mệt thì tạm nghỉ, chứ đừng từ bỏ”.
Và mình… nghỉ thật. Mình xin nghỉ hai tháng không lương để ổn định sức khỏe và tinh thần. Ngắt bản thân khỏi guồng quay công việc, bắt đầu có lại những bữa ăn ngon miệng và nhiều giấc ngủ sâu, tâm trí mình dần sáng suốt trở lại. Các lựa chọn khi đó cũng trở nên sáng rõ. Điểm mạnh, điểm yếu, điều mình đã làm được, điều chưa làm được đều không còn đậm cảm xúc như trước mà trở nên rõ ràng và lý trí hơn nhiều.
Sau hai tháng ấy, mình trở lại công ty để… xin nghỉ hẳn. Nhưng không phải nghỉ hẳn để rồi không bao giờ đi làm nữa, mà là để chuyển sang một môi trường công việc khác. Vấn đề mình gặp phải không nghiêm trọng tới mức đau khổ bế tắc để rồi phải cố tìm cách kiếm tiền không bằng con đường làm thuê. Đơn giản là mình sẽ phù hợp hơn ở một môi trường khác, chỉ vậy thôi.
Hóa ra, thứ mình cần thực sự là một khoảng tạm dừng, một quãng nghỉ chứ không phải là từ bỏ.
Nếu mệt quá, hoang mang quá, bạn đừng đưa ra quyết định từ bỏ ngay, bởi vì rất có thể điều bạn cần cũng giống như mình khi ấy. Mệt quá thì tạm nghỉ rồi tiếp tục, chứ đừng từ bỏ.
—
Mình hy vọng, bài viết hôm nay cùng những trải nghiệm “tiếp tục và từ bỏ” của mình đã mang tới cho bạn một vài ý tưởng để trả lời cho những câu hỏi nên dừng lại hay đi tiếp.
Chúc bạn có được nhiều quyết định sáng suốt cho bản thân mình!
Tố Uyên.
Đọc blog của chị để tiếp thêm động lực theo đuổi mục tiêu ạ.