Làm sao để tạo ra biến đổi vượt bậc? (và may mắn nhiều hơn)
May mắn là một loại năng lực. Và chỉ những người chuẩn bị tốt mới có khả năng nắm lấy cơ hội.
Lâu lắm rồi, mình đọc một cuốn sách có tên là “Bí mật của may mắn”. Mình không nhớ chính xác nội dung, đại ý là có hai người được giao nhiệm vụ tìm một loại cây hiếm. Một người cứ đi tìm mãi, tìm mãi, lùng sục khắp nơi nhưng không có kết quả. Người còn lại có cách khác hẳn: tìm hiểu những điều kiện phù hợp với loài cây đó, cố gắng tạo ra một khoảnh đất hội tụ đủ những yêu cầu về ánh sáng, nguồn nước, loại đất…
Vào một ngày nọ, rất nhiều rất nhiều hạt giống của loại cây hiếm ấy phát tán khắp nơi trong vương quốc, nhưng chỉ duy nhất khoảnh đất của người thứ hai là nơi thuận lợi để chúng nảy mầm.
Ý tưởng xuyên suốt của câu chuyện này chính là: May mắn có ở khắp mọi nơi, ai cũng có lúc gặp được cơ hội, nhưng có thể nắm lấy may mắn ấy không là do sự chuẩn bị.
Cũng chính vì câu chuyện này, cộng với nhiều trải nghiệm thực tế trong cuộc sống mà mình luôn tin rằng:
May mắn là một loại năng lực. Và chỉ những người chuẩn bị tốt mới có khả năng nắm lấy cơ hội.
Có đôi lần, khi nghe về chuyện mình làm quản lý dự án ngành công nghệ (và sống được với nó), về chuyện được thăng chức, tăng lương, hoặc có thể làm việc gần nhà, ai đó lại bảo: May nhỉ?
Mình đồng ý, mọi thứ trên đời để thành được đều cần may mắn. Không có may mắn, mình chẳng thể có được hoặc đạt được điều gì. Nhưng may mắn không phải thứ trên trời rơi xuống. May mắn, cũng giống như những hạt giống kia, vốn bay khắp nơi trong vương quốc, nhưng chỉ có thể nảy mầm ở nơi đã được chuẩn bị tốt.
Sau này, mình tiến thêm một bước nữa để cố gắng tìm ra công thức nào đó nhằm gia tăng sự may mắn trong cuộc sống. Mình thích những công thức, nó có vẻ khiến mình có điểm tựa hơn. Và công thức ấy đã tới thật, khi mình đọc được cuốn sách “Hiệu ứng cộng dồn” của tác giả Darren Hardy.
Công thức ấy là:
Những quyết định nhỏ tích cực + Kiên trì, nhất quán + Thời gian = Sự biến đổi lớn lao.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ góc nhìn của mình về các yếu tố để tăng xác suất gặp may, tạo ra sự biến đổi lớn trong cuộc sống, công việc, và phát triển bản thân, dựa trên ý tưởng của “Hiệu ứng cộng dồn” nhé.
1. Đưa ra những lựa chọn nhỏ một cách thông minh
Thật ra không cần phải thông minh. Mình chẳng biết phải định nghĩa sự thông minh ở đây là gì. Ý mình là, những lựa chọn tốt cho bản thân về lâu dài.
Khi nghĩ về khoảng thời gian đã qua của cuộc đời, chúng mình thường có cảm giác nó được định hình bởi một vài quyết định, một vài khoảnh khắc: Khi đỗ đại học, kết hôn, có con, có công việc đầu tiên, được thăng tiến lên trưởng nhóm, chọn đi du học, mua nhà…
Nhưng thực ra, những bước ngoặt ấy không phải là bước ngoặt thực sự, mà là kết quả của tất cả những quyết định bé nhỏ chúng ta đưa ra mỗi ngày. Làm gì có ai đỗ đại học khi mỗi ngày đều không học hành gì? Đâu có mấy ai mua được nhà khi làm ra đồng nào tiêu hết đồng đó, “bóc ngắn cắn dài”? Cũng chẳng có ai quyết định kết hôn với người mình không quen biết?
Tất cả đều là hệ quả của một chuỗi dài những lựa chọn.
Mình đọc trong một cuốn sách có nói rằng, trung bình mỗi ngày chúng ta đưa ra khoảng 38.000 quyết định, từ việc nhỏ như giờ đi ngủ hay lướt mạng thêm chút nữa, sáng ra mặc áo quần nào, trưa nay ăn gì, tối có đi dạo bộ không hay ở nhà… tới việc lớn như đăng ký khóa học, quyết định thi tiếng Anh, chuyển việc, yêu và kết hôn…
Sự biến đổi của cuộc sống theo hướng tích cực hay tiêu cực nằm ở từng quyết định nhỏ bé, ở từng thời khắc cụ thể mỗi ngày.
Như mình, ngay lúc này lựa chọn ngồi xuống và viết blog thay vì xem Netflix, cũng là một quyết định sẽ ảnh hưởng tới tương lai bởi vì rất nhiều những bài blog như vậy đã mang đến cho mình thương hiệu In Metime, thói quen viết, một “tài sản số” thuộc về mình và rất nhiều người bạn mới.
Ngược lại, mình không phải người yêu thích và chăm chỉ tập thể dục, đây là “điểm yếu chí mạng”, là điều mình luôn băn khoăn day dứt hỗi lỗi (nhưng vẫn không cải thiện được bao nhiêu). Vì mình lười, nên tăng cân không kiểm soát, hay mệt mỏi, da dẻ xám xịt… Nhiều lần mình quyết tâm mua thẻ tập yoga, tập gym, rồi quyết định sáng sáng đi chạy bộ nhưng cũng không duy trì được.
Hiện tại, mình đã chọn cách siêu dễ, đó là mỗi tối tập yoga theo Youtube tối thiểu 10 phút. Dù chỉ 10 phút cũng tạo ra khác biệt, mình ngủ ngon hơn và không bị đau lưng như trước.
Tóm lại, mỗi lựa chọn nhỏ xíu của chúng ta mỗi ngày chính là nền tảng cho hướng đi của toàn bộ cuộc sống. Cần phải lựa chọn theo hướng tích cực, hoặc có thể dùng từ “thông minh”, bởi vì chỉ cần một nửa trong số 38.000 lựa chọn mỗi ngày không sáng suốt sẽ kéo theo hệ lụy lớn không tưởng.
2. Kiên trì và nhất quán
Không khó để đặt điện thoại xuống và cầm cuốn sách lên, MỘT LẦN. Cái khó là tối nào cũng đọc sách thay vì lướt điện thoại.
Không khó để xỏ giày đi chạy quanh công việc MỘT BUỔI. Cái khó là mỗi tuần đều chạy như vậy vài lần.
Không khó để mở sách học thêm vài từ tiếng Anh hoặc tiếng Trung mỗi ngày trong MỘT TUẦN. Cái khó là duy trì mỗi ngày đều học suốt một năm, thậm chí vài năm.
Nếu hỏi đâu là thói quen tốt, mình nghĩ chúng ta đều biết và có thể kể ra ngay: đọc sách, dậy sớm, ngủ sớm, tập thể dục, học tập, ít lướt mạng, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh… Hầu hết chúng ta đều đã từng bỏ công sức, thời gian và tiền bạc để thực hiện những quyết định tích cực đó. Vấn đề khó khăn là ở chỗ kiên trì và nhất quán trong thời gian dài.
Cứ mỗi đầu năm mới, rất nhiều bản kế hoạch lại được phác thảo. Thật dễ để hừng hực khí thế mỗi độ giao thừa, quyết tâm ngùn ngụt rằng năm mới mình sẽ là phiên bản mới. Nhưng hết một năm, có bao nhiêu người nhìn lại và thấy hài lòng rằng mình đã thực hiện đúng như những gì đã vạch ra, hoặc thậm chí thực hiện được một nửa thôi cũng được rồi?
Sự kiên trì này chính là điều kiện quyết định, là trở ngại lớn nhất, cũng chính là sự khác biệt không thể bù lấp nổi giữa người có thể bám sát với quyết tâm mình đã đặt ra và người bỏ cuộc. May mắn là ở đây, không phải nơi nào khác.
Để tránh đặt ra mục tiêu quá lớn, thói quen quá khó để sớm nản lòng, mình đã áp dụng một mẹo: Mỗi khi mình định xây dựng thói quen nào đó, mình thường nghĩ: Liệu mình có thể và có muốn duy trì điều này CẢ ĐỜI không? Hoặc ít nhất, trong năm năm tới?
Đọc sách 30 phút mỗi tối, tập yoga 10 phút trước khi đi ngủ, thiền 10 phút, xem phim cùng chồng con mỗi tuần một buổi tối, việc đầu tiên khi tới công ty là phải lấy bình nước lớn, cuối tuần luôn dành cho bản thân một “góc cô đơn”… Mình có thể duy trì được trong suốt năm năm tới không? Có, chắc chắn rồi.
Mỗi ngày học 3 tiếng, chạy một tiếng, đi phòng gym, viết năm bài blog mỗi tuần, tiết kiệm 50% thu nhập mỗi tháng… Không khả thi. Nghĩ tới đã không khả thi rồi. Vậy mình sẽ không đặt mục tiêu như vậy.
Kiên trì và nhất quán là chìa khóa để chuẩn bị đón nhận may mắn. Có thói quen nào bạn sẵn sàng và cảm thấy mình sẽ làm được, muốn làm được CẢ ĐỜI hoặc ít nhất trong năm năm tới? Đừng đánh giá quá cao quyết tâm của bản thân. Làm được mới là quan trọng.
“Thói quen là những gì còn lại khi tinh thần lúc quyết định làm nó đã hết…”
3. Hãy chờ đợi để thời gian lên tiếng
Mọi điều tốt đẹp đều cần thời gian. Bạn đã có những lựa chọn tích cực dù nhỏ nhất, kiên trì và nhất quán, điều còn lại là hãy bình tĩnh để thời gian mang lại may mắn cho bạn.
Tình yêu, sự thành công, sức khỏe, thịnh vượng, yên bình… đều sẽ đến kịp lúc và đúng lúc. Đó là niềm tin của mình.
Hơn nữa, chúng ta đang nói về hiệu ứng cộng dồn. Không thể có sự biến chuyển nhanh chóng dù bạn đã quyết định làm gì và kiên trì ra sao. Đây cũng chính là lý do khiến mình thường nghĩ: Mọi sự bắt đầu không bao giờ là muộn, nhưng sớm hơn luôn tốt hơn.
Tập yoga một ngày không tạo ra thay đổi gì, viết một bài cũng không, quyết định không ăn đêm một lần chẳng tạo ra gì khác biệt, nhưng qua thời gian, sự khác biệt rõ rệt sẽ xảy ra. Có những thành tựu tưởng như tới sau một đêm, bằng một quyết định bất ngờ, nhờ một ai đó giúp đỡ… Nhưng thực ra đều là khi hạt mầm may mắn mọc lên từ một khoảnh đất đã được chuẩn bị kỹ càng.
Có những việc mình làm mà nếu nhìn vào kết quả sẽ thấy nản lòng nhiều lắm, ví dụ như ngoại ngữ. Ngày nào cũng học mà không thấy bất cứ sự tiến bộ nào. Những lúc như thế, mình hay tự nhủ: cứ “đếm thời gian ăn tiền”. Đơn giản là chỉ tính ngày tính lượt, học được liên tục 30 ngày là một thành công, 180 ngày lại còn thành công hơn nữa, bất kể kết quả nhận được có thế nào. Bởi mình tin vào sức mạnh cộng dồn của thời gian.
—
“Một ngày nào đó khi nhìn lại, mình sẽ cảm ơn mình của hôm nay”. Mình thường tự nhủ như vậy. Ngày nào thì mình không biết, có thể sau sáu tháng, một năm, thậm chí mười năm, cũng có những thói quen chỉ sau vài ngày mình đã thấy tác động rõ ràng rồi.
Mình tin rằng, cách để bản thân tốt lên, sự nghiệp tốt lên, cuộc sống tốt lên thực ra rất đơn giản. Đó chính là công thức của “hiệu ứng cộng dồn”: Những quyết định tốt + Kiên trì, nhất quán + Thời gian.
Với sự chuẩn bị đó, nhất định may mắn sẽ tìm đến chúng mình.
Thân mến,
Tố Uyên.