Làm sao để sống có tầm nhìn xa mà vẫn được… bốc đồng?
Chưa vạch ra được lộ trình cách thức rõ ràng nên không dám đặt những bước chân đầu tiên. Chờ đợi, chờ đợi mãi, thời gian trôi qua mà vẫn ở vạch xuất phát.
Trước khi nói về tầm nhìn xa, mình sẽ chia sẻ trước về sự… tâm đắc của mình với kiểu sống cảm hứng, nhất thời, và vô tư đón nhận thay đổi.
Trong truyện Harry Potter có một đoạn, đại ý trước cuộc chiến đấu cuối cùng, bạn bè nhao nhao hỏi Hary về chiến lược để đấu với kẻ thù, trong khi cậu vẫn còn đang lơ ngơ loay hoay vì thật ra chưa từng có ý định kéo tất cả mọi người vào cuộc chiến như vậy, hiển nhiên trong đầu chưa có chiến lược gì ráo.
Harry mới chỉ lắp bắp mấy chữ kiểu “Mình không… ơ…”, anh em sinh đôi Fred và George - những trùm quậy của trường đã nói luôn: “Mình đánh tới đâu hay tới đó hả? Đúng kiểu bọn anh thích”.
Mình cũng vậy. Mình là người khá cảm hứng, thích những thứ cảm xúc trồi sụt, và sẵn sàng đưa ra những quyết định trong… “phút mốt”. Chẳng thế mà nhiều lần mình có những cú “quay xe khét lẹt”, lớn như chuyện sự nghiệp, lập gia đình, hay nhỏ như tối nay ăn gì. Điều này thậm chí thể hiện ngay cả trong blog và podcast mình làm. Chẳng theo thứ tự nào, cũng không tập trung vào ngách gì, thật sự là “tới đâu hay tới đó”.
Cuộc đời thật lắm trái ngang. Mình như vậy, mà sau những đổi thay lại trở thành quản lý dự án, là người giữ nhịp cho đội nhóm, nhìn xa về mục tiêu, nhìn rộng về công việc, và điều hướng để mỗi điều từng thành viên thực hiện đều phục vụ cho hướng đi chung ấy.
Trong một bộ phim mình rất thích, Noel nào cũng xem tên là “Công chúa hoán đổi”, xuất hiện đồng thời hai câu trích dẫn:
“Mục tiêu mà không có kế hoạch thì chỉ là mơ ước mà thôi”.
“Cuộc đời là những gì xảy ra khi chúng ta đang bận rộn lập kế hoạch”.
Vậy là trước giờ mình vẫn luôn xẹt qua xẹt lại ở hai thái cực: rất có tổ chức, và rất bốc đồng. Mình thường có hoạch định rất xa, nhưng thoáng cái có thể “quay xe” hướng về mục tiêu mới.
Mình đã cố gắng tìm cách hiểu cơ chế của cách tư duy này (tự nghiên cứu chính mình vì nhiều lúc không hiểu sao mình lại… sống cái kiểu đó). Ý mình không phải đó là cách đúng, chỉ là vì mình vẫn luôn tự ngạc nhiên về kiểu suy nghĩ và quyết định của bản thân nên mình tìm hiểu, tự phân tích. Chẳng phải hiểu về bản thân mình là điều quan trọng nhất sao?
Bạn thân mến,
Bạn sắp đọc một bài viết lấy nguyên liệu từ rất nhiều nguồn hơi “hỗn độn”: Kinh nghiệm quản trị dự án, kiến thức về đặt mục tiêu, và trải nghiệm thực tế của chính mình.
Bài viết này là một phần câu trả lời cho câu hỏi: “Mình làm thế nào để ra quyết định về những lựa chọn nhằm kiểm soát cuộc đời mình?”.
1. Vòng tròn vàng: Tại sao, thế nào, cái gì?
Ba yếu tố này tạo ra “golden gate” - vòng tròn vàng, với tâm là “tại sao”, tiếp đến “thế nào”, và ngoài cùng là “cái gì”. Đây là một khái niệm mình học được từ trong cuốn sách “Bắt đầu với câu hỏi tại sao” của tác giả Simon Sinek.
Đây là một cách diễn giải gần gũi và dễ hiểu hơn của những thuật ngữ thường được sử dụng trong giới kinh doanh, quản trị: chiến lược và chiến thuật.
Mọi thứ chúng ta làm đều có ba yếu tố chi phối: Vì sao chúng ta làm việc đó? Làm như thế nào? Và cụ thể là làm gì?
Trong thực tế, chúng ta thường xem xét từ ngoài vào trong, cái gì trước, rồi thế nào, cuối cùng mới nghĩ sâu là tại sao (thậm chí không nghĩ về lý do tại sao luôn).
Ví dụ như: Nếu mình chọn chuyển việc về công ty A. Những suy nghĩ trong đầu chúng mình thường là:
Về đó có những “cái gì”: Vị trí, phạm vi công việc, quyền và nghĩa vụ, lương bổng…
Mình sẽ làm việc ở đó “như thế nào”: Đi làm bằng xe máy hay xe bus, áp dụng kinh nghiệm đã có hay phải học thêm kiến thức mới, có sử dụng ngoại ngữ hay không, ưu tiên sự cẩn trọng chăm chỉ hay sự linh hoạt sáng tạo, có ai kèm cặp hỗ trợ mình không…
Vì sao mình chọn về đó: Động lực nào thúc đẩy mình? Vì muốn làm gần nhà để có thể đưa đón con đi học, muốn kiến tạo nền vững cho sự nghiệp mới, muốn kiếm tiền trả nợ để được tự do hơn, muốn làm công ty lớn để bố mẹ gia đình tự hào…
Thực tế, khi đứng trước lựa chọn, chúng ta thường suy nghĩ về những điều này, thậm chí vô thức, và chúng sẽ xoắn quyện với nhau nếu mình không chủ đích phân tách rõ ràng: Cái gì? Như thế nào? Vì sao?
Vấn đề là ở chỗ, nhiều khi chúng ta đưa ra quyết định khi chỉ mới hiểu sơ sơ về “cái gì”, “như thế nào”, mà không xác định rõ vì sao mình chọn. Tệ hơn nữa, thậm chí chỉ mới biết “cái gì” đã chọn luôn, khi chưa hiểu sẽ làm như thế nào, chứ đừng nói tới đã rõ lý do hay chưa.
Lướt mạng xã hội là một ví dụ. Khi dành thời gian vài tiếng đồng hồ xem hết tin này tới tin khác, chúng ta đang chỉ quan tâm tới “cái gì”, tức là hàng loạt các video ngắn liên tiếp hấp dẫn, gần như không dừng lại tự hỏi mình đang làm việc đó “như thế nào” (ngoẹo cổ, tê tay, mắt mỏi, thời gian trôi vùn vụt, mất tập trung, bỏ dở cuốn sách…), và chắc chắn không xác định được “vì sao” mình làm việc đó.
Thứ tự nên cân nhắc, theo tác giả Simon Sinek (và mình hoàn toàn đồng tình) là: Vì sao - Như thế nào - Cái gì.
Thứ tự này giúp chúng ta đưa ra các quyết định một cách chắc chắn và dễ dàng hơn nhiều. “Vì sao” là phần ít thay đổi, “Như thế nào” có thể điều chỉnh, “Cái gì” hoàn toàn có thể thay đổi nhanh chóng mà không cần quá lăn tăn.
Ví dụ:
Mình cần phải học tiếng Trung.
Mình sẽ không lao vào tìm tài liệu, đăng ký khóa học ngay. Bởi vì đó là “cái gì”, là phương tiện, là thứ mình sẽ sử dụng. Mà “cái gì” thì có rất nhiều, muốn kiểu nào có kiểu đó.
Mình làm ngược lại:
Đầu tiên, xác định thật rõ VÌ SAO mình muốn học, thật chắc chắn về động lực này bởi vì đây chính là tầm nhìn;
Học như thế nào? Mình sẽ học qua online, buổi tối và cuối tuần, tự học nhưng có sự kèm cặp nhất định của giáo viên, tập trung vào từ vựng, viết, và phát âm trước.
Học cái gì? Đây mới là bước chọn khóa học vừa túi tiền, tải tài liệu, mua sách…
Đôi khi vì hào hứng học ngoại ngữ, chúng ta có thể tải hàng trăm tài liệu, hoặc rút tiền mua một khóa học đắt đỏ với suy nghĩ sẽ đạt được mục tiêu nhờ chúng. Thành thật là, mình thấy cách đó không hiệu quả. Rồi rất sớm thôi, nhiệt huyết đó tan biến, hàng núi tài liệu sẽ nằm yên ở một góc nào đó trong máy tính. Rồi lại có ai đó chia sẻ tài liệu, và chúng ta lại tải về.
Trong ba yếu tố: Vì sao - Thế nào - Cái gì, việc thay đổi cái gì là rất dễ dàng và không cần quá băn khoăn. Ít nhất với mình là như vậy. Những lần “quay xe khét lẹt” của mình hầu hết liên quan tới “cái gì”, một số ít khác liên quan “thế nào”, nhưng “vì sao” thì luôn giữ vững.
Ví dụ với các kênh nội dung của In Metime: Mình từng thêm bớt chuyên mục, tạm dừng kênh mạng xã hội (rồi quay lại), tần suất cũng đã có lần điều chỉnh, nhưng cách mình truyền tải những câu chuyện, bài học của bản thân gần như không đổi, và nhất là mình vẫn giữ nguyên vẹn lý do mình đã bắt đầu.
Tóm lại, “cái gì” nếu cần đổi cứ thoải mái đổi, “như thế nào” cần ổn định hơn, và lý do “vì sao” nên rất chắc chắn rõ ràng xuyên suốt.
2. Thác nước (Waterfall) và Linh hoạt (Agile)
Theo ngôn ngữ chuyên môn quản trị dự án, hai từ này là “Waterfall” và “Agile”.
Nói nôm na là như này:
Kiểu thác nước: Một mục tiêu chúng ta biết rõ, có hình dung chính xác về cách mình sẽ làm, những gì mình cần đạt được, đã xác định thời gian cụ thể. Suốt quá trình gần như không có thay đổi, nói đúng hơn là hiếm khi chấp nhận sự thay đổi.
Ví dụ: Bạn chỉ còn đúng 3 tháng để thi IETLS, cần đạt 6.5 để đủ điểm nộp hồ sơ cao học. Khi đó, bạn cần lập kế hoạch rất rõ ràng cụ thể cho từng tuần từng tháng, xác định tài liệu ngay từ đầu, thậm chí cần thuê người kèm cặp với lịch trình sát sao.
Trong suốt ba tháng ấy, có ai đó giới thiệu với bạn một giáo viên mới hoặc bộ tài liệu mới, khả năng cao bạn sẽ từ chối vì như vậy có thể khiến bạn chệch khỏi kế hoạch ban đầu.
Kiểu Agile (linh hoạt, vòng lặp): Thường áp dụng với mục tiêu có phần mơ hồ, chưa thật sự xác định rõ ràng được mọi yếu tố ngay từ đầu. Quá trình thực hiện được tiến hành thành từng vòng lặp nhỏ để có phản hồi, rút kinh nghiệm. Cứ sau khoảng thời gian ngắn, chúng ta cần nhìn lại tình hình để đánh giá, điều chỉnh, và sẵn sàng với sự thay đổi.
Ví dụ: Mình học tiếng Trung. Ban đầu mình chọn một khóa online của người Trung Quốc dạy, sau khi trải nghiệm thấy không phù hợp, khó để theo được, mình chuyển sang một khóa online do người Việt Nam dạy và thấy ổn hơn rất nhiều.
Sở dĩ mình không thể chọn được chính xác ngay từ đầu vì chưa có kinh nghiệm, chưa hình dung được gì về tiếng Trung, và vì mình có nhiều thời gian để học, không học vì thời điểm bắt buộc nào trước mắt.
Trong thực tế cuộc sống, hầu hết các mục tiêu của chúng ta đều có thể sử dụng phương thức vòng lặp (Agile) vì vồn dĩ cần linh hoạt và hoàn toàn có thể chấp nhân sự thay đổi. Nhưng tâm lý chung lại thường cố gắng muốn có một kế hoạch chi tiết, chính xác, tìm được tài liệu tốt nhất, khóa học tốt nhất, bí quyết “chân ái” rồi mới bắt đầu - như cách của thác nước.
Đây là lý do chính khiến chúng ta không dám bắt đầu bởi chưa cảm thấy tự tin với những gì mình có. Chưa vạch ra được lộ trình cách thức rõ ràng nên không dám đặt những bước chân đầu tiên. Chờ đợi, chờ đợi mãi, thời gian trôi qua mà vẫn ở vạch xuất phát.
Đừng như vậy bạn ạ. Cứ bắt đầu. Đưa mình vào những vòng lặp Agile linh hoạt, sau đó liên tục đánh giá, cải tiến, thay đổi để làm tốt hơn, và càng ngày càng gần hơn với mục tiêu ban đầu.
3. Cuộc đời là một chuỗi những sự tình cờ
Mình tin vào may mắn, và cũng tin vào những sự tình cờ.
Có rất nhiều điều, chúng ta tưởng là bản thân đang kiểm soát, vì mình mà điều đó xảy ra, kỳ thực chúng đều là sự tình cờ.
Tình cờ mình gặp gỡ chồng mình trên một diễn đàn Internet rồi sau đó mới gặp nhau ngoài đời và kết hôn;
Tình cờ mình nhìn thấy dòng trạng thái của bạn mình nói công ty bạn ấy đang tuyển quản lý dự án nên mình đăng ký mà chưa hề biết gì về quản lý dự án, để rồi công việc đó trở thành nền tảng cho cả sự nghiệp của mình tới giờ;
Tình cờ làm chung một công ty khiến mình và cô bạn đại học thành thân nhau như hình với bóng dù trước đó chỉ bạn bè bình thường;
Tình cờ mình “comment dạo” trên một nhóm Facebook để rồi sau đó dù mình rời nhóm, vẫn có những người bạn, người em biết mình từ nhóm đó ngày ngày đọc bài blog mình viết;
Tình cờ vũ trụ này đã giúp mình và bạn “va” vào nhau giữa tám tỷ người trên đời này, giữa bao nhiêu những chủ đề khác mình lẽ ra đã viết nhưng không phải điều bạn quan tâm, và ngược lại, vô số những blog trên mạng, bạn lại đang đọc dòng chữ này như thể chúng mình trò chuyện cùng nhau;
…
Chúng ta cứ lên kế hoạch, cứ đặt mục tiêu, cứ ra quyết định và nỗ lực bằng tất cả những gì có thể. Phần còn lại, hãy cứ để may mắn, sự tình cờ, và vũ trụ lên tiếng.
Cầu mong chúng ta đều sẽ “học được cách chấp nhận những điều mình không thể thay đổi, có lòng can đảm để thay đổi những điều mình có thể thay đổi, và quan trọng nhất, đủ khôn ngoan để phân biệt chúng” (Mục sư Reinhold Niebuhr).
Xin được kết lại bài viết này bằng một câu trong cuốn sách “Bắt đầu với câu hỏi tại sao” (Simon Sinek) mình đã tô đậm, gạch chân:
“Lý do TẠI SAO thì không bao giờ thay đổi, cho dù NHỮNG GÌ bạn làm có thể thay đổi theo thời gian”.
Hãy tìm ra lý do sâu thẳm cho hành trình của mình, và đừng quá băn khoăn vì sao con đường mình đi không giống như người khác hoặc không giống tưởng tượng ban đầu.
Bằng cách ấy, chúng ta có thể vừa yên tâm với tầm nhìn xa, vừa có thể cho phép mình luôn được nuôi dưỡng đâu đó một chút… bốc đồng.
Thân mến,
Tố Uyên.
Tình cờ nên em mới được biết đến chị và những bài học quý giá từ chị❤😘❤❤❤